Dấu hiệu của đường ruột không khỏe mạnh và cách cải thiện

SỐNG KHỎE

Dấu hiệu của đường ruột không khỏe mạnh và cách cải thiện

authorBy Ngọc Anh
Share on
Share on
 Dấu hiệu của đường ruột không khỏe mạnh và cách cải thiện

Sự phức tạp của sức khỏe đường ruột và tầm quan trọng của nó đối với sức khỏe tổng thể là một chủ đề ngày càng được quan tâm trong cộng đồng y tế. Nhiều nghiên cứu trong hai thập kỷ qua đã chứng minh mối liên hệ giữa sức khỏe đường ruột với hệ thống miễn dịch, tâm trạng, sức khỏe tinh thần, rối loạn nội tiết, tình trạng da và bệnh ung thư. 


Đã từng có một thời gian, hệ thống tiêu hóa của chúng ta được coi là một hệ thống tương đối “đơn giản”. Về cơ bản chỉ bao gồm một ống dài để thức ăn đi qua, được hấp thụ và sau đó được bài tiết ra ngoài. Tuy nhiên, bên trong đó thực sự là một "thế giới bao la". Thuật ngữ “hệ vi sinh vật đường ruột” đề cập cụ thể đến các vi sinh vật - những "cư dân" sống trong ruột của bạn. Một người có khoảng 300 - 500 loài vi khuẩn khác nhau trong đường tiêu hóa. Trong khi một số vi sinh vật có hại cho sức khỏe, thì nhiều vi sinh vật lại vô cùng có lợi, thậm chí còn rất cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh. Trong nghiên cứu về vi khuẩn đường ruột Tiến sĩ EM Quigley đã cho biết có nhiều loại vi khuẩn tốt trong đường ruột có khả năng tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch, giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm, chống béo phì và mang lại vô số lợi ích khác.


Hãy cùng xem những dấu hiệu của đường ruột không khỏe mạnh và sự ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe tổng quát của bạn.


7 Dấu Hiệu Của Đường Ruột Không Khỏe Mạnh


Nhiều khía cạnh của cuộc sống hiện đại như mức độ căng thẳng cao, ngủ quá ít, ăn thực phẩm chế biến sẵn hay nhiều đường, dùng thuốc kháng sinh… đều có thể làm hỏng hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta. Điều này còn góp phần tác động đến các vấn đề về sức khỏe khác như não, tim, hệ thống miễn dịch, da, cân nặng, nồng độ hormone, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và thậm chí là sự phát triển của ung thư.


Có một số dấu hiệu mà đường ruột không khỏe mạnh sẽ biểu hiện ra. Dưới đây là 7 dấu hiệu phổ biến nhất: 


Bụng khó chịu


Rối loạn dạ dày như đầy hơi, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy và ợ chua đều có thể là dấu hiệu của một đường ruột không khỏe mạnh. Đường ruột cân bằng sẽ ít gặp khó khăn hơn khi chế biến thức ăn và loại bỏ chất thải.


Bạn ăn quá nhiều đường


Chế độ ăn với nhiều thực phẩm chế biến sẵn và nhiều đường có thể làm giảm số lượng vi khuẩn tốt trong đường ruột của bạn. Sự mất cân bằng này có thể làm tăng cảm giác thèm ăn đường - điều này sẽ gây hại cho đường ruột của bạn. Lượng đường tinh luyện cao, đặc biệt là xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao sẽ khiến việc gia tăng tình trạng viêm trong cơ thể. Viêm có thể là tiền đề của một số bệnh, thậm chí là ung thư.


Thay đổi trọng lượng không chủ đích


Tăng hoặc giảm cân mà không thay đổi chế độ ăn uống hay thói quen tập thể dục có thể là dấu hiệu của đường ruột không khỏe mạnh. Đường ruột mất cân bằng có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, điều chỉnh lượng đường trong máu và lưu trữ chất béo của cơ thể. Giảm cân còn có thể do sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột non (SIBO) trong khi tăng cân có thể do đề kháng insulin hoặc thèm ăn quá mức do giảm hấp thụ chất dinh dưỡng.


dau-hieu-duong-ruot-khong-khoe-manh-1.jpg


Rối loạn giấc ngủ hoặc mệt mỏi liên tục


Đường ruột không khỏe mạnh có thể góp phần gây ra rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ không ngon và do đó dẫn đến mệt mỏi mãn tính. Phần lớn serotonin của cơ thể - một loại hormone ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ, được sản xuất trong ruột. Vì vậy, tổn thương đường ruột có thể làm giảm khả năng ngủ ngon của bạn. Một số rối loạn giấc ngủ cũng có liên quan đến nguy cơ đau cơ xơ hóa. 


Kích ứng da


Các tình trạng da như bệnh chàm có thể liên quan đến ruột bị tổn thương. Viêm ruột do chế độ ăn uống kém hoặc dị ứng thực phẩm có thể làm tăng “rò rỉ” một số protein ra ngoài cơ thể, do đó có thể gây kích ứng da và gây ra các bệnh như chàm.


Khả năng tự miễn dịch


Các nhà nghiên cứu đã liên tục tìm ra bằng chứng mới về tác động của ruột đối với hệ thống miễn dịch. Người ta cho rằng đường ruột không khỏe mạnh có thể làm tăng chứng viêm hệ thống và thay đổi hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng tự miễn dịch, khiến cơ thể tự tấn công chính nó thay vì những vi khuẩn “xâm lược” có hại.


Không dung nạp thực phẩm


Không dung nạp thực phẩm là kết quả của việc khó tiêu hóa một số loại thực phẩm. Điều này khác với dị ứng thực phẩm - do phản ứng của hệ thống miễn dịch với một số loại thực phẩm. Người ta cho rằng không dung nạp thực phẩm có thể do chất lượng kém của vi khuẩn trong ruột. Và do đó sẽ dẫn đến khó tiêu hóa thức ăn, kích thích các triệu chứng khó chịu như đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn. 


7 Điều Bạn Có Thể Làm Cho Sức Khỏe Đường Ruột Của Mình


Giảm mức độ căng thẳng


Mức độ căng thẳng cao mãn tính gây khó khăn cho toàn bộ cơ thể, bao gồm cả đường ruột của bạn. Một số cách để giảm căng thẳng bao gồm thiền, đi bộ, mát-xa, dành thời gian cho bạn bè hoặc gia đình, dùng tinh dầu khuếch tán, giảm lượng caffeine, cười nhiều, tập yoga hoặc nuôi thú cưng. 


Ngủ đủ giấc


Ngủ không đủ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đường ruột, do đó góp phần gây ra nhiều vấn đề về giấc ngủ hơn. Hãy cố gắng ưu tiên ngủ ít nhất 7-8 tiếng mỗi đêm. 


Ăn chậm


Nhai kỹ thức ăn và ăn chậm hơn có thể giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng. Điều này giúp bạn giảm khó chịu về tiêu hóa và duy trì đường ruột khỏe mạnh.


Uống đủ nước


Uống nhiều nước đã được chứng minh là có nhiều lợi ích đối với lớp niêm mạc của ruột, cũng như sự cân bằng của vi khuẩn tốt trong ruột. Cung cấp đủ nước cho cơ thể là một cách đơn giản để thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh.


dau-hieu-duong-ruot-khong-khoe-manh-2.jpg


Bổ sung prebiotic hoặc probiotic


Bổ sung prebiotic hoặc probiotic vào chế độ ăn uống của bạn là một cách tuyệt vời để cải thiện sức khỏe đường ruột của bạn. Prebiotics cung cấp “thức ăn”, thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Trong khi probiotics là vi khuẩn lợi sống. Những người bị nhiễm khuẩn quá mức, như SIBO thì không nên bổ sung theo phương pháp này.


Kiểm tra khả năng dung nạp thực phẩm


Nếu bạn có các triệu chứng như chuột rút, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, phát ban, buồn nôn, mệt mỏi và trào ngược dạ dày, có thể bạn đang mắc chứng không dung nạp thức ăn. Bạn có thể thử loại bỏ các loại thực phẩm kích thích phổ biến để xem liệu các triệu chứng có cải thiện hay không. Nếu bạn xác định được loại thực phẩm nào góp phần vào các triệu chứng của bạn, bạn sẽ thấy sự thay đổi tích cực trong sức khỏe tiêu hóa của mình bằng cách loại bỏ và thay đổi thói quen ăn uống.


Thay đổi chế độ ăn uống


Giảm lượng thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và nhiều chất béo sẽ góp phần cải thiện sức khỏe đường ruột. Ngoài ra, ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật và protein nạc sẽ có tác động tích cực đến đường ruột của bạn. Chế độ ăn giàu chất xơ đã được chứng minh là đóng góp rất nhiều vào hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.


4 Loại Thực Phẩm Tốt Cho Sức Khỏe Đường Ruột


Chế độ ăn uống và sức khỏe đường ruột có mối liên hệ rất chặt chẽ. Tránh thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm giàu chất béo và thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện là điều cực kỳ quan trọng để duy trì một hệ vi sinh vật khỏe mạnh. Vì những thực phẩm này tiêu diệt vi khuẩn tốt và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có hại. Ngoài ra, còn có một số loại thực phẩm có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi. Những thực phẩm này bao gồm: 


Thực phẩm giàu chất xơ


Thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu, đỗ, yến mạch, chuối, quả mọng, măng tây và tỏi tây đã cho thấy tác động tích cực đến sức khỏe đường ruột qua nhiều nghiên cứu.


Tỏi và hành tây


Tỏi và hành tây có một số đặc tính chống ung thư và tăng cường hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, chúng cũng có liên quan chặt chẽ đến một số chức năng chính của ruột. 


dau-hieu-duong-ruot-khong-khoe-manh-3.jpg


Thực phẩm lên men


Thực phẩm lên men như kim chi, dưa cải bắp, sữa chua, tempeh, miso và kefir là những nguồn cung cấp probiotics tuyệt vời. Mặc dù chất lượng của những loại thực phẩm này có thể khác nhau, nhưng lợi ích của chúng đối với hệ vi sinh vật đường ruột đã được nghiên cứu kỹ lưỡng.


Thực phẩm tăng cường collagen


Thực phẩm giàu collagen như nước hầm xương và cá hồi có lợi cho sức khỏe tổng thể và đặc biệt là sức khỏe đường ruột. Ngoài ra, bạn còn có thể giúp cơ thể tăng cường khả năng sản xuất collagen thông qua một số loại thực phẩm. Hãy bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm, như nấm, sữa và các loại thịt.


Nhắn Nhủ


Đường ruột của con người phức tạp hơn rất nhiều so với những gì chúng ta biết trước đây và có tác động rất lớn đối với sức khỏe toàn bộ cơ thể. Đường ruột khỏe mạnh góp phần tạo ra một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, cùng nhiều tác dụng đối với sức khỏe tim mạch, sức khỏe não bộ, cải thiện tâm trạng, đem lại giấc ngủ ngon, ngăn ngừa một số bệnh ung thư… Hãy ăn, ngủ và sống thật lành mạnh để lối sống này góp phần tích cực đến sức khỏe đường ruột cũng như sức khỏe tổng thể của bạn nhé!

About the author

Một tâm hồn yêu ẩm thực, một đôi chân thích đi du lịch, một trái tim thích tận hưởng.

author

Ngọc Anh

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!