Điều gì đã gây ra cảm giác mệt mỏi sau khi ăn và làm thế nào để có thể hạn chế tình trạng này?
Các nhà nghiên cứu có nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân gây ra cảm giác mệt mỏi sau khi ăn, nhưng nhìn chung họ đồng ý rằng đó là phản ứng tự nhiên và thường không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Có một số yếu tố góp phần vào hiện tượng sau bữa ăn này và có một số điều bạn có thể làm để giảm thiểu những tác động gây buồn ngủ đó.
Lý Do Chúng Ta Cảm Thấy Mệt Mỏi Sau Khi Ăn
Cơ chế tiêu hóa
Theo các nhà khoa học, 2 bộ phận bên trong cơ thể tiêu thụ năng lượng nhiều nhất là bộ não và hệ tiêu hóa. Khi ăn, năng lượng trong cơ thể được đổ dồn xuống hệ tiêu hóa, đồng nghĩa một lượng lớn máu được đẩy xuống dạ dày giúp co bóp và tiêu hóa thức ăn. Điều này dẫn tới lượng máu lên não bộ và các cơ quan khác sẽ bị giảm đi, gây nên hiện tượng ăn xong buồn ngủ.
Loại thực phẩm bạn ăn
Mặc dù tất cả các loại thực phẩm đều được tiêu hóa theo cách giống nhau, nhưng không phải chúng đều ảnh hưởng đến cơ thể của bạn theo cùng một cách. Một số loại thực phẩm có thể khiến bạn buồn ngủ hơn những loại khác.
Thực phẩm giàu protein và carbohydrate có thể khiến chúng ta cảm thấy buồn ngủ hơn các loại thực phẩm khác. Một loại axit amin được gọi là tryptophan, có trong nhiều loại thực phẩm giàu protein (cá hồi, gia cầm, trứng, sữa, phô mai…), giúp cơ thể sản xuất serotonin. Carbohydrate giúp cơ thể hấp thụ tryptophan.
Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh giấc ngủ. Có thể việc tăng sản xuất serotonin là nguyên nhân gây ra tình trạng đầu óc “mù mịt” sau bữa ăn.
Bạn ăn bao nhiêu thức ăn
Bạn có thể dễ bị buồn ngủ sau ăn sau một bữa ăn lớn.
Các nghiên cứu đã chứng minh những người ăn bữa trưa nhiều hơn có thể cảm thấy mệt mỏi vào buổi chiều hơn những người ăn ít. Sau bữa ăn quá nhiều chất đặc biệt carbohydrate (tinh bột), bạn có thể bị phản ứng hạ đường huyết khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu trong cơ thể. Điều này xảy ra vì lượng carbohydrate ăn vào dư thừa làm cho quá trình sản xuất insulin tăng đột ngột để điều chỉnh lượng đường huyết.
Bạn đã uống bia rượu trong bữa ăn
Theo các chuyên gia Harvard Health, rượu là một loại “thuốc” an thần, có nghĩa là nó có thể khiến bạn cảm thấy năng lượng cạn kiệt.
Hãy bỏ hoàn toàn đồ uống có cồn nếu bạn nhận thấy nó ảnh hưởng đến mức năng lượng thường xuyên.
Một số tình trạng sức khỏe đặc biệt
Trong một số trường hợp hiếm hoi, mệt mỏi/ buồn ngủ sau bữa ăn có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác:
- Không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng thực phẩm
- Ngủ kém vào ban đêm, có thể dẫn đến mệt mỏi suốt cả ngày
- Bệnh celiac
- Thiếu máu
- Bệnh tiểu đường
- Suy giáp
Làm Thế Nào Để Hết Mệt Mỏi Sau Khi Ăn?
Các thói quen ăn uống và lối sống có thể giúp tăng cường hoặc duy trì mức năng lượng và chống lại cơn buồn ngủ bao gồm:
- Ngủ đủ giấc có thể giúp bạn không bị mệt mỏi sau khi ăn. Sự sụt giảm năng lượng trong ngày có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người làm việc trong điều kiện rủi ro, chẳng hạn như những người vận hành máy móc hoặc phương tiện giao thông.
- Thay vì ăn nhiều, hãy chia thành các bữa ăn nhỏ và ăn nhẹ sau vài giờ để duy trì mức năng lượng. Một miếng trái cây hoặc một số ít các loại hạt là đủ để tránh suy giảm năng lượng.
- Làm việc nhà, đi dạo sau khi ăn, có thể giúp mọi người cảm thấy bớt mệt mỏi.
- Tập thể dục có thể giúp bạn tỉnh táo vào ban ngày, giảm thiểu nguy cơ sa sút sau bữa ăn. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường năng lượng và giảm mệt mỏi.
- Tránh uống rượu bia trong bữa ăn.
- Hãy ăn các loại thực phẩm tốt cho đường ruột, lượng đường trong máu và não - bao gồm cả carbohydrate phức tạp, nhiều chất xơ và chất béo lành mạnh. Ngoài ra, những món ăn dễ tiêu hóa cũng có thể giúp bạn bớt mệt mỏi sau khi ăn.
- Uống nhiều nước và cung cấp đủ chất điện giải cho cơ thể.
Nếu bạn liên tục mệt mỏi sau khi ăn và điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm ra giải pháp.
About the author
S. Reen