Stress ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?

SỐNG KHỎE

Stress ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?

authorBy Chi
Share on
Share on
Stress ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?

Stress (căng thẳng) ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Bạn có thể nhận thấy các triệu chứng khi trong thời gian bận rộn ở nơi làm việc, hay khi đối mặt với những thử thách trong cuộc sống… Và mặc dù một chút căng thẳng cũng không sao (thậm chí một số căng thẳng thực sự có lợi) nhưng quá nhiều căng thẳng hoặc để căng thẳng kéo dài có thể khiến bạn kiệt sức, cả về tinh thần lẫn thể chất.


Nhưng việc nhận biết các triệu chứng stress có thể khó hơn bạn nghĩ, chúng ta thường không biết mình đang bị căng thẳng cho đến khi đạt đến giới hạn.


Stress là gì?


Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), stress có thể được định nghĩa là trạng thái lo lắng hoặc căng thẳng tinh thần do một tình huống khó khăn gây ra. Căng thẳng là một phản ứng tự nhiên của con người, thúc đẩy chúng ta giải quyết những thách thức và mối đe dọa trong cuộc sống. Mọi người đều trải qua căng thẳng ở một mức độ nào đó.


Có 3 loại stress thường gặp:


Stress cấp tính: Căng thẳng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, xảy ra bất ngờ và cũng nhanh biến mất.

Stress cấp tính kéo dài: Triệu chứng giống với stress cấp tính, xảy ra thường xuyên hơn và biến mất sau vài ngày.

Stress mãn tính: Các triệu chứng lặp lại nhiều tháng, nhiều năm và khó điều trị dứt điểm.


Stress ở mỗi người đều rất khác nhau. Và không phải mọi căng thẳng đều xấu. Ở mức độ thấp, phản ứng căng thẳng giúp cơ thể bạn điều chỉnh theo tình huống mới. Stress có thể tích cực, giúp chúng ta tỉnh táo, có động lực và sẵn sàng tránh nguy hiểm. Ví dụ, nếu bạn sắp có một dự án quan trọng, phản ứng căng thẳng có thể giúp bạn làm việc chăm chỉ hơn.


Tuy nhiên, stress mãn tính, lâu dài sẽ để lại hậu quả xấu.


stress-anh-huong-den-co-the-ban-nhu-the-nao-2.jpg


Stress ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?


Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống của bạn, bao gồm cảm xúc, hành vi, khả năng tư duy và thể chất. Tuy nhiên, vì mỗi người xử lý căng thẳng một cách khác nhau nên các triệu chứng căng thẳng cũng có thể khác nhau. Các triệu chứng có thể mơ hồ và có thể giống với các triệu chứng do tình trạng bệnh lý gây ra. Vì vậy, hãy lắng nghe cơ thể của mình để kịp thời thăm khám và điều trị. 


Các triệu chứng cảm xúc, tinh thần của stress bao gồm:


• Dễ bị kích động, lo lắng và ủ rũ

• Cảm thấy choáng ngợp, như thể bạn đang mất kiểm soát hoặc cần phải kiểm soát

• Khó thư giãn và làm dịu tâm trí 

• Cảm thấy tồi tệ về bản thân hoặc thấy cô đơn, vô dụng

• Cô lập bản thân với xung quanh

• Hay quên, khó tập trung


Các triệu chứng thể chất của stress bao gồm:


• Hệ thống miễn dịch kém

• Đau đầu

• Đau dạ dày, tiêu chảy, táo bón và buồn nôn

• Đau nhức cơ thể

• Đau ngực và nhịp tim nhanh

• Mất ngủ

• Cảm lạnh và nhiễm trùng thường xuyên

• Mất ham muốn và/hoặc khả năng tình dục

• Cơ thể run rẩy, ù tai, tay chân lạnh hoặc ra mồ hôi


Các triệu chứng hành vi của stress bao gồm:


• Thay đổi khẩu vị - không ăn hoặc ăn quá nhiều

• Trì hoãn và trốn tránh trách nhiệm

• Sử dụng chất kích thích

• Có nhiều hành vi thể hiện lo lắng, bồn chồn như cắn móng tay, tự làm đau bản thân


stress-anh-huong-den-co-the-ban-nhu-the-nao-3.jpg


Hậu quả của stress kéo dài 


Thỉnh thoảng có một chút căng thẳng không phải là điều đáng lo ngại. Nhưng căng thẳng mãn tính, kéo dài có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:


• Các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu và rối loạn nhân cách…

• Bệnh tim mạch, bao gồm bệnh tim, huyết áp cao, nhịp tim bất thường, đau tim và đột quỵ...

• Béo phì và các rối loạn ăn uống khác.

• Rối loạn kinh nguyệt.

• Rối loạn chức năng tình dục, như bất lực và xuất tinh sớm ở nam giới và mất ham muốn tình dục ở nam và nữ…

• Các vấn đề về da và tóc, như mụn trứng cá, bệnh vẩy nến, bệnh chàm và rụng tóc vĩnh viễn..

• Các vấn đề về đường tiêu hóa, như viêm dạ dày, viêm loét đại tràng.



Một số chiến lược để giảm stress


Bạn không thể tránh khỏi stress hoàn toàn, nhưng bạn có thể thay đổi lối sống để giảm bớt những căng thẳng, mệt mỏi. Hãy thử làm theo lời khuyên của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cũng như các chuyên gia:


• Cố gắng loại bỏ các tác nhân gây stress. Việc có trải qua mức độ căng thẳng tâm lý không thể chịu đựng được hay không phụ thuộc vào cường độ của tình huống và cả người trải qua nó. Cách bạn nhận thức và suy nghĩ về tác nhân gây căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng lớn đến cách bạn phản ứng. Không phải lúc nào cũng có thể thoát khỏi tình huống căng thẳng hoặc tránh né một vấn đề, nhưng bạn có thể cố gắng giảm bớt căng thẳng mà mình đang cảm thấy bằng cách đánh giá xem bạn có thể thay đổi tình huống đang khiến bạn căng thẳng hay không, có thể bằng cách giảm bớt trách nhiệm, nới lỏng tiêu chuẩn của mình hoặc yêu cầu giúp đỡ.


• Tăng cường vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên. Đặc biệt, khi bạn cảm thấy các triệu chứng căng thẳng đang xuất hiện, một cuộc đi dạo ngắn cũng có thể cải thiện tâm trạng của bạn.


• Sắp xếp thời gian cho niềm đam mê, sở thích của bạn.


• Đừng cố gắng làm mọi thứ cùng một lúc, hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ theo ngày, tuần và tháng mà bạn có thể dễ dàng đạt được.


• Đừng đặt kỳ vọng cao hay tập trung vào những thứ bạn không thể kiểm soát, hãy tập trung thời gian và sức lực vào những điều giúp bản thân cảm thấy tốt hơn.


• Hãy thử các hoạt động thư giãn, chẳng hạn như thiền, yoga, giãn cơ và các bài tập thở.


• Hòa mình vào thiên nhiên.


• Ăn uống hợp lý và ngủ đủ giấc cũng giúp cơ thể bạn xử lý căng thẳng tốt hơn nhiều.


• Kiểm soát thời gian sử dụng các thiết bị (máy tính, điện thoại, TV), hạn chế tiếp cận các thông tin tiêu cực.


• Cố gắng sống tích cực và thực hành lòng biết ơn, nhìn nhận và tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống.


• Học cách nói “không” khi cần thiết.


• Luôn kết nối với những người giúp bạn bình tĩnh, khiến bạn hạnh phúc, hỗ trợ tinh thần và giúp đỡ bạn những điều thiết thực. 


• Không sử dụng rượu, thuốc lá hay chất kích thích để giảm bớt căng thẳng - tất cả những điều này có thể góp phần làm sức khỏe tâm thần kém đi.


stress-anh-huong-den-co-the-ban-nhu-the-nao-4.jpg


Khi nào nên nói chuyện với bác sĩ?


Hãy đến các cơ sở chăm sóc y tế để được thăm khám nếu:


• Cơ thể hoặc tâm trí của bạn có nhiều thay đổi tiêu cực, dù bạn không chắc liệu căng thẳng có phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hay không.

• Bạn đã thực hiện các bước để kiểm soát căng thẳng nhưng các triệu chứng vẫn tiếp tục kéo dài.

• Bạn cảm thấy quá căng thẳng và không biết phải làm gì hoặc có cảm giác muốn tự làm hại bản thân.

• Bạn tìm tới chất kích thích để xoa dịu tâm trí.


her-product-1351753154
-24%379,000 đ499,000 đ

About the author

Yêu thích tất cả mọi thứ về văn hóa đại chúng và đặc biệt nghiện cafe.

author

Chi

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!