Parent coach Linh Phan: Cơ chế của sự căng thẳng hay trẻ bị la mắng, đánh đập thường xuyên sẽ bị tác động thế nào?

MẸ & BÉ

Parent coach Linh Phan: Cơ chế của sự căng thẳng hay trẻ bị la mắng, đánh đập thường xuyên sẽ bị tác động thế nào?

authorBy Linh Phan
Share on
Share on
Parent coach Linh Phan: Cơ chế của sự căng thẳng hay trẻ bị la mắng, đánh đập thường xuyên sẽ bị tác động thế nào?

Một vài góc nhìn của parent coach từ khía cạnh khoa học thần kinh và liên hệ với việc một đứa trẻ bị tác động như thế nào bởi căng thẳng khi chúng bị la mắng, đánh đập hoặc miệt thị. 


Trong quá trình căng thẳng, cortisol được giải phóng từ tuyến thượng thận. Cortisol hay còn gọi là hydrocortisone, 17-oxycorticosterone hoặc hợp chất F là một hormone hoạt tính sinh học được sản xuất bởi vỏ thượng thận (ACTH). Tín hiệu sản xuất ACTH đến từng vùng dưới đồi - trung tâm điều khiển hoạt động nội tiết thần kinh ở não. Mức độ tăng cortisol trực tiếp hình thành các quá trình bệnh lý trong não. 


Đầu Tiên Là Tác Động Ở Thùy Trán


Thuỳ trán chịu trách nhiệm về trí nhớ ngắn hạn, sự chú ý, kiểm soát cảm xúc, lập kế hoạch và ra quyết định - chính là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng. Khi căng thẳng, chúng ta bị phân tán sự chú ý, không thể đưa ra quyết định, khó có thể kiềm chế cảm xúc… chẳng hạn như chúng ta chẳng thể nhớ mình đã cất chìa khoá ở đâu. 


Những đứa trẻ bị la mắng, miệt thị, đe doạ, phớt lờ thậm chí đánh đập, lớn lên trong căng thẳng liên tục và nó sẽ ảnh hưởng tới thuỳ trán của não. Ngay cả khi trẻ chỉ đơn giản là bị giám sát liên tục trong mọi việc và mất đi tính độc lập, các thuỳ trán của con cũng giảm hiệu suất, ngừng hoạt động tích cực và có thể không phát triển tới kích thước bình thường. Điều này đồng nghĩa với kết quả học tập của trẻ thấp hơn, không thể đưa ra quyết định đúng đắn, không kiềm chế được cảm xúc, không có động lực học tập và lười biếng, xuề xoà, dễ bị ảnh hưởng bởi những kẻ xấu. 


Đối với nhiều bậc cha mẹ độc đoán, điều này sẽ thấy khá điển hình. Những gì họ đang mang tới cho đứa trẻ là một hình thức giáo dục thống trị và nó phá huỷ sự độc lập, trách nhiệm, kỷ luật, động cơ học tập và kiểm soát cảm xúc. 


Những người trưởng thành có vấn đề về trách nhiệm, lập kế hoạch, tự chủ hoặc lười biếng, dễ trở nên cáu kỉnh và lo lắng có nhiều khả năng từng bị lạm dụng trong thời thơ ấu. Đó là bởi vì khi còn nhỏ, thuỳ trán của họ đã giảm hiệu suất hoạt động của nó bởi vì cha mẹ không yêu thương hoặc quan tâm đúng cách mặc dù những bậc cha mẹ này có thể luôn tâm niệm họ chỉ muốn những điều tốt nhất cho con cái mình. 


parent-coach-linh-phan-tre-bi-la-mang-danh-dap-thuong-xuyen-se-bi-tac-dong-the-nao-1.jpg


Tiếp Theo Là Vùng Hải Mã Và Hạch Hạnh Nhân


Căng thẳng mãn tính cũng làm vùng hải mã và hạch hạnh nhân bắt đầu co lại, đây là các phần của hệ thống limbic của não nằm trong vỏ não dưới. 


Hồi hải mã kích thích sự phát triển của các tế bào thần kinh mới trong não, các mạng lưới thần kinh mới và tham gia vào quá trình hình thành trí nhớ dài hạn. Khi hồi hải mã bị tổn thương, chứng hay quên, mất khả năng ghi nhớ có thể xuất hiện mặc dù những ký ức cũ vẫn còn mạnh mẽ. Một người lớn khi gặp căng thẳng đôi khi không thể nhớ mình đã ăn gì vào bữa sáng nhưng lại nhớ chi tiết họ từng trải qua tình huống gì khi họ ở trong một lớp học phổ thông hoặc dẫn đọc rất nhiều thơ ca. 


Trẻ em chịu bạo lực từ gia đình KHÔNG THỂ ghi nhớ tài liệu mới ở trường bởi vì hồi hải mã của chúng bị thu hẹp. Đó là lý do vì sao con sẽ thích những bài học không có cấu trúc trong cách dạy thay vì ngồi hàng giờ và học theo một trình tự cứng nhắc. Cha mẹ càng la mắng con cái vì con không thể học bài, gọi con là “Đồ ngu” hoặc “đồ lười”, vùng hải mã sẽ càng thu hẹp sau mỗi lần la hét. 


parent-coach-linh-phan-tre-bi-la-mang-danh-dap-thuong-xuyen-se-bi-tac-dong-the-nao-2.jpg


Cuối Cùng Là Amygdala


Amygdala là một kho ký ức cảm xúc, tất nhiên nó có thể chứa hạnh phúc, niềm vui nhưng có thể nó có cả ký ức đau thương khác. Khi căng thẳng, giống như bị một người khác cố gắng ấn vào những nút kích hoạt những cảm xúc không vui, khó chịu làm chúng ta phản ứng rất nhanh và đôi khi gây ra sự đau đớn. Hạch hạnh nhân rất nhỏ nhưng lại có rất nhiều vấn đề từ nó. Nó có sức mạnh khủng khiếp. 


Các hạch hạnh nhân được thiết kế để tồn tại và phản ứng với các yếu tố kích hoạt mà không liên quan tới vỏ não. Khi chúng ta nhìn thấy thứ gì từng làm chúng ta sợ trong quá khứ, hạch hạnh nhân nghĩ rằng đó là một mối đe dọa trong cuộc sống của chúng ta và kích hoạt hệ thần kinh giao cảm mà không cần lý do gì. Chúng ta ngay lập tức cảm thấy sợ hãi, tức giận, bỏ chạy hoặc là tự vệ. Thực ra Amygdala không tệ bạc, nó muốn cứu chúng ta. 


Nhưng phản ứng của nó quá mạnh mẽ, tới nỗi nó có thể biến thành một kẻ khủng bố và xâm chiếm toàn bộ bộ não. Không có lý lẽ thông minh sáng suốt nào giúp ích được ta lúc này. Ở quan điểm tiến hoá, điều này khá chính xác trong thời kỳ đồ đá, khi chúng ta phải chạy trốn khỏi những loài động vật săn mồi hoặc chiến đấu với kẻ thù mà không được phép chậm trễ, càng nhanh càng tốt mới thoát được khỏi cái chết hoặc nguy hiểm. Tuy nhiên, bây giờ cuộc sống của chúng ta không còn động vật hoang dã hoặc kẻ thù nữa, và chúng ta vẫn phản ứng như người cổ đại.


Với căng thẳng mãn tính, hạch hạnh nhân bị giảm kích thước. Bản thân nó đã nhỏ, giờ càng nhỏ hơn nữa.


parent-coach-linh-phan-tre-bi-la-mang-danh-dap-thuong-xuyen-se-bi-tac-dong-the-nao-3.jpg


Kết Quả Là Gì?


Chúng ta rất dễ bị kích thích, chúng ta nhanh chóng bị hoảng sợ hoặc trầm cảm. Những người có hạch hạnh nhân bị teo đi thường không có khả năng đồng cảm, lòng trắc ẩn. Điều này kết hợp với tính hung hăng chính là cơ sở hình thành những nhân cách mang tính chống đối xã hội. 


Những nhóm người như xã hội đen hay bị gọi là dân “chợ búa” thực ra thường là những người đã từng bị bạo lực, tức là hạch hạnh nhân của họ đã bị thu nhỏ ở mức tối thiểu. Họ nhanh chóng rơi vào trạng thái hung hăng và không còn khả năng thông cảm. Và cũng vì vậy, họ có khuynh hướng phạm tội. Họ sẽ không hối hận, không xấu hổ thậm chí bị gọi là không có lương tâm. 


Bởi vì thuỳ trán chịu trách nhiệm kiểm soát cảm xúc, cũng mất đi khả năng của nó khi chúng ta căng thẳng, vậy nên việc điều tiết cảm xúc lại càng trở nên khó khăn hơn. Gần như không có ai có thể chế ngự những hạch hạnh nhân cố chấp. 


Không khó để thấy một đứa trẻ lớn lên trong căng thẳng liên tục sẽ bị ảnh hưởng và tác động thế nào. Đứa trẻ không tự chọn được cha mẹ nhưng cha mẹ có thể chọn được cách chúng ta giao tiếp, tương tác và ứng xử với con mình. Không phải có nghĩa là chúng ta không bao giờ được lớn tiếng hay trách móc con, càng không phải chỉ cần mắng trẻ một lần là chúng sẽ tổn thương ngay lập tức và không thể chữa lành. 


Chúng ta không phải là cha mẹ hoàn hảo, chúng ta cũng là con người và trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau. Chúng ta có thể lỡ lời nhưng sau đó chúng ta nhanh chóng nhận ra sai lầm và tìm cách để sửa sai hay kết nối trở lại với con. Chỉ khi chúng ta liên tục làm tổn thương trẻ bằng lời nói, hành động hoặc liên tục đẩy trẻ vào những tình huống căng thẳng suốt những năm tháng thơ ấu thì các vấn đề mới thật sự xuất hiện - và có thể nó không xuất hiện ngay đâu, nó sẽ đến sau đó, khi chúng ta không thể ngờ được. 


Lúc đó thì có thể đã quá muộn để “quay lại tìm bờ”.

About the author

 Chị Linh Phan là một chuyên gia tâm lý học/phát triển của trẻ nhỏ và nhà tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp, đồng thời cũng là tác giả các cuốn sách về làm cha mẹ như "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu" và "Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp với con".

Hiện Linh Phan là thành viên của Hiệp hội Trị liệu tâm thần dành cho gia đình Nauy, đang sống và làm việc tại Nauy.

Tìm hiểu thêm về Linh Phan tại: www.linhphan.co

author

Linh Phan

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!