Sơ cứu say nóng đúng cách

SỐNG KHỎE

Sơ cứu say nóng đúng cách

authorBy Đỗ Hạnh Trang
Share on
Share on
Sơ cứu say nóng đúng cách

Thời tiết nắng nóng có thể khiến bạn mệt mỏi, đau đầu, ngất xỉu, thậm chí tử vong. Cùng Her tìm hiểu về say nóng và 3 bước sơ cứu nhanh gọn, hữu ích nhé!


Say Nóng Là Gì?


Say nóng xuất hiện khi thân nhiệt của bạn vượt mức 40°C. Tình trạng này xảy ra khi nhiệt độ môi trường quá cao hoặc độ ẩm không khí trên 75%. Thời tiết khắc nghiệt sẽ ức chế quá trình thải nhiệt khiến thân nhiệt của bạn không ngừng tăng cao.


Say nóng ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và sức khỏe. Cứ 100 bệnh nhân say nóng nhập viện thì có 20 – 60 người tử vong. Tình trạng này gây tổn thương hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp. Gan, thận cũng là những cơ quan có nguy cơ bị suy giảm chức năng.


Say nóng đặc biệt nguy hiểm với người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 4 tuổi, đối tượng thừa cân, béo phì, mắc tăng huyết áp, đái tháo đường, các vận động viên, tình nguyện viên hoặc công nhân phải vận động, làm việc kéo dài trong môi trường nóng bức.


Dấu Hiệu Nhận Biết Say Nóng


Nhận biết các dấu hiệu ban đầu của say nóng sẽ giúp bạn nhanh chóng xử lý, hạn chế nhiều biến chứng và nguy cơ tử vong. Bạn có thể phát hiện sớm tình trạng say nóng dựa vào các dấu hiệu dưới đây.


Da nóng, đỏ, toát nhiều mồ hôi hoặc khô ráo 


Khi thân nhiệt tăng cao, bạn sẽ cảm thấy da mình nóng bừng, đỏ rực. Hai má và trán là vị trí bạn có thể dễ dàng nhận biết. Khi mới bị say nóng, da bạn thường đổ nhiều mồ hôi để tăng thải nhiệt. Tuy nhiên, càng về sau, triệu chứng say nóng càng nặng nề, bạn không thể toát mồ hôi được nữa và da sẽ trở nên khô ráo. 


Thở nhanh, tim đập mạnh 


Thân nhiệt tăng cao sẽ đẩy nhanh tốc độ trao đổi chất trong cơ thể của bạn. Do đó, hệ hô hấp và tim mạch phải hoạt động nhanh hơn, mạnh hơn. Khi say nóng, bạn sẽ có biểu hiện thở gấp, hổn hển kèm theo đánh trống ngực.

Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn 


Say nóng ảnh hưởng tới hệ thần kinh. Giai đoạn đầu, bạn sẽ cảm thấy nhức đầu, chóng mặt. Nặng hơn, bạn có thể buồn nôn và nôn.


Lú lẫn, kích động, mê sảng, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê 


Đây là dấu hiệu nặng của say nóng. Những triệu chứng này cảnh báo say nóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng của hệ thần kinh. Không chỉ là đau đầu, chóng mặt, ở giai đoạn này, ý thức của bạn sẽ bị rối loạn.


Sơ Cứu Say Nóng Đúng Cách


Thử tưởng tượng, bạn đang tham dự một sự kiện ngoài trời thì cảm thấy đau đầu, chóng mặt, bạn sẽ làm gì? Hoặc nếu bạn tình cờ bắt gặp một người say nóng ngất xỉu, bạn sẽ phản ứng thế nào? Day trán, lay gọi hay tát nước vào mặt? Đó đều không phải cách sơ cứu chính xác. Thay vào đó, bạn hãy tuân thủ 3 bước sơ cứu sau đây.


Di chuyển đến khu vực râm mát


Trước tiên, khi phát hiện dấu hiệu say nóng, bạn cần khẩn trương di chuyển vào khu vực râm mát, thoáng khí. Đừng vội vàng sơ cứu cho người ngất xỉu giữa trời nắng vì cách này càng khiến thân nhiệt tăng cao hơn. Bạn nên tìm kiếm và tận dụng bóng mát của cây cối, ô dù, mái hiên, tòa nhà cao tầng hoặc tốt nhất là di chuyển đến phòng có quạt mát, điều hòa. 


Nếu người bị say nóng ngất xỉu hoặc không tỉnh táo, bạn nên đặt họ nằm thẳng trên nền cứng. Có thể gấp áo để kê cao cổ chân bệnh nhân lên. Bạn đừng mất thời gian lay gọi bệnh nhân, hãy nhanh chóng chuyển sang bước sơ cứu tiếp theo.


Nhanh chóng gọi cấp cứu


Biện pháp này cực kỳ cần thiết khi xuất hiện dấu hiệu nôn, lú lẫn, kích động hoặc ngất xỉu. Đừng chủ quan và ngần ngại, say nóng có thể giết chết cuộc sống của bạn. Vì vậy, hãy gọi 115 ngay sau khi đưa người say nóng vào khu vực râm mát.


Tuy nhiên, có phải lúc nào cũng cần gọi cấp cứu không? Nếu bạn chỉ đau đầu nhẹ, hoàn toàn tỉnh táo và không nôn, buồn nôn, bạn có thể tạm thời bỏ qua bước này. Hãy làm mát cơ thể bằng các biện pháp ở bước 3, đồng thời tiếp tục theo dõi thật sát. Nếu đỡ đau đầu và khó chịu, bạn có thể nghỉ ngơi tại chỗ. Nhưng nếu các dấu hiệu tiến triển nặng hơn hoặc kéo dài hơn 1 tiếng, bạn cần nhanh chóng gọi cấp cứu. 


Làm mát cơ thể càng nhanh càng tốt


Trước tiên, hãy cởi bớt quần áo khoác bên ngoài. Sau đó, xịt nước mát lên người rồi ngồi trước quạt. Chườm đá lạnh hoặc vải ướt lên má, lòng bàn tay, bàn chân, cổ, nách, bẹn cũng là biện pháp hữu ích để hạ nhiệt. Nếu người say nóng tỉnh táo, có thể cho họ tắm và uống nước mát. Ngược lại, nếu xuất hiện dấu hiệu lơ mơ, mê sảng, co giật hoặc ngất xỉu, tuyệt đối không cho người bệnh uống nước vì gia tăng nguy cơ sặc nước, ngừng thở và nguy hiểm tới tính mạng. Bạn có thể lựa chọn nước lọc hoặc các đồ uống thể thao có muối khoáng. 


Phòng Ngừa Say Nóng Ngày Hè


Trong mùa hè nóng bức, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi say nóng chính là:


- Hạn chế đi lại, vận động và làm việc trong môi trường nóng bức. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, bạn nên ưu tiên khoảng thời gian sáng sớm hoặc tối muộn, khi thời tiết bớt khắc nghiệt. 

- Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.

- Lưu ý uống đủ nước. Bạn nên lựa chọn nước lọc, nước hoa quả, rau củ hoặc các loại nước thể thao có muối khoáng. Không nên sử dụng café, nước ngọt hoặc rượu bia để giải khát. Bạn cũng nên uống từng ít một và đừng lựa chọn đồ uống quá lạnh, dễ gây co thắt dạ dày.

- Mặc quần áo rộng, thoáng mát, sáng màu giúp thông khí, bớt hấp thụ nhiệt từ môi trường và thoát mồ hôi tốt hơn.

- Không ở trong ô tô quá lâu. Cho dù bật điều hòa, ô tô vẫn là môi trường kín khí, dễ hấp thu nhiệt từ môi trường đồng thời khó phát hiện và cấp cứu kịp thời người bị say nóng.


Tìm hiểu thêm về cách giải nhiệt mùa hè tại đây.


Say nóng là vấn đề sức khỏe phổ biến trong mùa hè oi ả. Bạn hãy bảo vệ sức khỏe bản thân bằng những biện pháp phòng ngừa say nóng hiệu quả cũng như bỏ túi 3 bước sơ cứu nhanh gọn để không bị lúng túng và hoảng hốt nhé!

About the author

Hạnh Trang là bác sĩ nhưng không theo đuổi màu áo blouse trắng. Cô quyết định trở thành cây viết tự do về sức khỏe. Thay vì kê đơn chữa bệnh, cô muốn dùng kiến thức y học và con chữ để giúp mọi người sống khỏe mạnh theo đúng định nghĩa của nó: đủ đầy về thể chất, tinh thần và xã hội.

Theo dõi Hạnh Trang tại: https://hanhtrang.co/

author

Đỗ Hạnh Trang

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!