Bạn đã nghe những câu chuyện về những người thường xuyên đi bộ, ăn nhiều rau nhưng vẫn tử vong vì bệnh tim? Khái niệm về sức khỏe đã được tranh cãi trong một thời gian dài. Nếu sức khỏe của chúng ta chỉ dựa vào tập thể dục và ăn uống, thì những trường hợp như trên sẽ không tồn tại. Mọi người sẽ khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng định nghĩa sức khỏe vượt ra ngoài tình trạng của cơ thể. Cảm xúc, trạng thái tinh thần, các mối quan hệ... đều đóng một vai trò nền tảng đối với sức khỏe tổng thể của chúng ta.
Sức khỏe bền vững hay sự phát triển toàn diện là lý tưởng rằng mọi người tìm thấy sự cân bằng trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống để thực sự khỏe mạnh và bình an. Dưới đây là 6 yếu tố tạo nên sức khỏe bền vững.
Sức Khỏe Thể Chất
Các định nghĩa truyền thống về sức khỏe thể chất trước khi y học hiện đại ra đời đó là một người khỏe mạnh về thể chất nếu người đó không mắc bệnh hiểm nghèo. Với những đổi mới y học hiện đại, tuổi thọ kéo dài hơn, điều này đã thay đổi cách chúng ta định nghĩa về sức khỏe thể chất.
Một người có sức khỏe thể chất tốt có các chức năng và quy trình hoạt động của cơ thể đạt mức cao. Họ có sức lực, sự nhanh nhẹn, sự dẻo dai, khả năng chống được các yếu tố gây bệnh, khả năng chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt của môi trường. .
Chúng bao gồm nhiều yếu tố:
- Hoạt động thể chất - bao gồm sức mạnh, tính linh hoạt và sức bền.
- Dinh dưỡng và chế độ ăn uống - bao gồm lượng chất dinh dưỡng và tiêu hóa khỏe mạnh
- Rượu và ma túy - bao gồm việc giảm và tránh tiêu thụ những chất kích thích độc hại
- Khả năng tự chăm sóc y tế - bao gồm cách giải quyết các bệnh hoặc chấn thương nhẹ và tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp khi cần thiết
- Nghỉ ngơi và ngủ - bao gồm nghỉ ngơi và thư giãn, giấc ngủ có chất lượng cao.
Sức Khỏe Cảm Xúc
Sức khỏe cảm xúc là trạng thái tâm lý hoạt động tích cực và liên quan đến việc thể hiện cảm xúc (cảm nhận và xử lý) phù hợp với lứa tuổi. Sức khỏe cảm xúc bao gồm những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta bên trong và bên ngoài.
Sức khỏe cảm xúc là một phần quan trọng của sức khỏe tổng thể. Những người khỏe mạnh về mặt cảm xúc sẽ kiểm soát được suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ. Họ có thể đương đầu với những thử thách trong cuộc sống. Họ cảm thấy hài lòng về bản thân và có những mối quan hệ tốt.
Khỏe mạnh về mặt cảm xúc không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải hạnh phúc. Đơn giản là bạn nhận thức được cảm xúc của mình, bạn có thể đối phó với chúng, cho dù chúng tích cực hay tiêu cực. Những người khỏe mạnh về mặt xúc cảm vẫn cảm thấy căng thẳng, tức giận và buồn bã. Nhưng họ biết cách quản lý cảm xúc tiêu cực của mình. Họ biết khi nào một vấn đề xảy ra quá mức có thể tự xử lý và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Bạn có thể thực hiện nhiều cách để cải thiện sức khỏe cảm xúc của mình:
- Hãy nhận biết cảm xúc và phản ứng của bạn. Để ý điều gì trong cuộc sống khiến bạn buồn, thất vọng hoặc tức giận. Cố gắng giải quyết hoặc thay đổi những điều đó.
- Hãy bày tỏ cảm xúc của bạn theo những cách thích hợp để những người thân thiết biết. Giữ cảm giác buồn bã hoặc tức giận bên trong sẽ làm tăng thêm căng thẳng. Nó có thể gây ra các vấn đề trong các mối quan hệ của bạn.
- Quản lý căng thẳng. Tìm hiểu các phương pháp thư giãn để đối phó với căng thẳng như học cách thở sâu, thiền và tập thể dục.
- Cố gắng cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tư. Dành thời gian cho những điều bạn thích. Tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống của bạn.
- Chăm sóc sức khỏe thể chất của bạn. Tập thể dục thường xuyên, ăn các bữa ăn lành mạnh và ngủ đủ giấc. Không lạm dụng ma túy hoặc rượu. Giữ sức khỏe thể chất của bạn không ảnh hưởng đến sức khỏe cảm xúc.
- Kết nối với những người khác. Hẹn hò ăn trưa, tham gia các câu lạc bộ..
- Tìm ra điều gì quan trọng đối với bạn trong cuộc sống và tập trung vào điều đó. Có thể là công việc, gia đình, tình nguyện... Dành thời gian để làm những gì bạn cảm thấy có ý nghĩa.
Hãy luôn lạc quan và hãy tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn. Tha thứ cho bản thân khi mắc lỗi và tha thứ cho người khác. Dành thời gian bên những người có năng lượng tích cực.
Sức Khỏe Tâm Thần
Theo WHO “Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần, mà còn bao gồm khả năng học hỏi, xử lý, lưu trữ thông tin và hiểu được cảm xúc của cá nhân cũng như cách phản ứng với cảm xúc của người khác. Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và với môi trường.”
Trong suốt cuộc đời, nếu bạn gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, suy nghĩ, tâm trạng và hành vi của bạn có thể bị ảnh hưởng. Nhiều yếu tố góp phần vào các vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm:
- Các yếu tố sinh học, chẳng hạn như gen hoặc các phản ứng hóa học trong não.
- Trải nghiệm cuộc sống, như chấn thương hoặc bị lạm dụng..
- Tiền sử gia đình về các vấn đề sức khỏe tâm thần
Giữa sức khỏe tinh tâm và thể chất luôn tồn tại một mối quan hệ không thể tách rời. Nếu một căn bệnh mãn tính ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc thường xuyên của một người, thì nó có thể dẫn đến trầm cảm và căng thẳng. Hoặc ai đó có vấn đề với bệnh tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm hoặc rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể và chức năng tổng thể.
Sức Khỏe Xã Hội
Đây là khía cạnh liên quan đến các mối quan hệ giữa các cá nhân, với các thành viên trong gia đình, người bạn đời lãng mạn, đồng nghiệp hay bạn bè. Sức khỏe xã hội cũng có thể liên quan đến cách bạn nhìn nhận bản thân trong hoàn cảnh chung. Bạn cảm thấy được kết nối hay bị cô lập? Bạn có cảm thấy đang là chính bản thân mình hay bạn cảm thấy luôn sống trái với mong muốn, con người của mình?
Sức khỏe xã hội thường bị bỏ qua trong ngành y tế và sức khỏe. Trọng tâm của khía cạnh này hướng đến việc tự chăm sóc và hoàn thiện bản thân. Mặc dù chăm sóc bản thân là quan trọng, nhưng con người phát triển mạnh nhờ kết nối với nhau. Một mối quan hệ tồi tệ có thể có những tác động tàn phá đến sức khỏe tinh thần và thể chất của một người và ngược lại.
Sức Khỏe Môi Trường
Thuật ngữ sức khỏe môi trường có thể gây nhầm lẫn cho những người mới đến với khái niệm sức khỏe bền vững hoặc phát triển toàn diện. Sức khỏe môi trường của bạn bắt nguồn từ việc biết liệu môi trường xung quanh có hỗ trợ sự phát triển và mục tiêu của bạn hay không. Môi trường xung quanh có thể là vật chất hoặc có thể là những người và tình huống mà bạn đặt mình vào. Ví dụ, một người có mục tiêu giải quyết vấn đề sức khỏe của họ bằng cách tạo ra thói quen ăn uống lành mạnh và cải thiện giấc ngủ, họ cần tạo ra một môi trường để có thể thực hiện được điều đó. Ở cấp độ cơ bản, nỗ lực này có thể bao gồm việc loại bỏ đồ ăn vặt khỏi tầm mắt và sắp xếp các dụng cụ thể dục thể thao ngay trong tầm với.
Tất cả mọi thứ từ thức ăn trong nhà của bạn đến thời tiết ở thành phố của bạn đến bầu không khí chính trị ở đất nước của bạn là một phần trong môi trường của bạn.
Chúng ta không thể kiểm soát một số yếu tố của môi trường. Chúng mang tính cấu trúc và hệ thống hơn, được dệt thành kết cấu của xã hội chúng ta. Chúng được gọi là các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe bao gồm tình trạng xã hội, nghèo đói, phân biệt chủng tộc, kỳ thị người đồng tính....
Điều quan trọng là hãy tập trung vào những thứ bạn có thể kiểm soát.
Sức Khỏe Hiện Sinh
Theo WHO (2002), sức khỏe hiện sinh liên quan đến việc đạt được chất lượng cuộc sống thông qua tám khía cạnh: kết nối tinh thần, ý nghĩa và mục đích cuộc sống, trải nghiệm về sự kinh ngạc và kỳ diệu, sự trọn vẹn và hòa nhập, sức mạnh tinh thần, sự bình an nội tâm, hy vọng và lạc quan, và đức tin... Đây là cảm giác thuộc về và mục đích của bạn ở thế giới này, là động lực thúc đẩy và là “lý do” để chúng ta tiến lên phía trước. Sức khỏe hiện sinh có thể là thách thức lớn nhất cần giải quyết.
Khi bạn có ý thức mạnh mẽ về bản thân và những gì cần làm, bạn cảm thấy mình có giá trị. Việc đánh giá cao bản thân ảnh hưởng đến cách chúng ta đối xử với tâm trí, cơ thể và những người xung quanh.
Điều quan trọng là phải tiếp cận sức khỏe một cách tổng thể, thay vì coi trọng các yếu tố riêng biệt. Tất cả các khía cạnh sức khỏe đều có mối liên hệ với nhau. Bạn nên hướng tới sức khỏe toàn diện và bền vững, đó chính là chìa khóa để có cuộc sống hạnh phúc.
Đánh Giá Sức Khỏe Toàn Diện Của Bạn
Một khi bạn có hiểu biết cơ bản về sức khỏe toàn diện và bền vững, bạn có thể xác định đâu là khoảng trống mà mình cần lấp đầy. Hãy dành một chút thời gian để thực hiện quiz dưới đây, suy ngẫm và hiểu những khía cạnh nào của sức khỏe tổng thể của bạn cảm thấy được giải quyết tốt cũng như những phần nào cần cải thiện nhiều hơn. Những câu trả lời có thể làm bạn ngạc nhiên.
HER QUIZ: Bạn có đang sở hữu sức khoẻ toàn diện và bền vững? http://bit.ly/Her1stQuiz
About the author
S. Reen