Ẩm thực
Bữa tối với cá hồi Teriyaki
Phong trào "Body Positivity" hay tích cực hóa cơ thể khuyến khích chúng ta cảm thấy thỏa mái với ngoại hình của bản thân, bỏ qua những chuẩn mực về cái đẹp được định hình bởi truyền thông và mạng xã hội. Thế nhưng, chúng ta lại quá đắm chìm vào việc ca ngợi vẻ bề ngoài mà bỏ qua những khía cạnh khác quan trọng hơn của một người phụ nữ.
Điều thú vị là phong trào đòi bình đẳng cho cơ thể thật ra được bắt nguồn từ những năm 60 tại Mỹ. Khi giới thời trang liên tục sử dụng hình ảnh những cô người mẫu gầy trơ xương, và xem đó là tiêu chuẩn cho cái đẹp. Những người có thân hình đẫy đà hoặc thừa cân dần bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Khởi đầu từ bài báo đăng trên tờ Saturday Evening Post của Lew Louderback năm 1967 với tên gọi “More People Should Be Fat” (tạm dịch: Nhiều người cần trở nên béo hơn), phong trào công nhận vẻ ngoài mũm mĩm dần hoạt động có tổ chức. Hiệp hội National Association to Advance Fat Acceptance (NAAFA) được thành lập vào năm 1969 với nỗ lực chống lại nỗi ám ảnh về thân hình mảnh mai.
Đến năm 1996, thuật ngữ "body positivity" ra đời dựa theo trang web thebodypositive.org được lập bởi một nhà tâm lý trị liệu và một nạn nhân của chứng rối loạn ăn uống. Họ cung cấp các thông tin và tài liệu giáo dục để giúp mọi người cảm thấy hài lòng về cơ thể của họ thay vì chạy theo các phương pháp giảm cân không lành mạnh.
Sự phát triển của internet đã một lần nữa giúp thông điệp "body positivity" được lan rộng. Ban đầu nó tập trung vào việc thách thức các tiêu chuẩn về vẻ đẹp phi thực tế trên mạng xã hội. Khi phong trào ngày càng phổ biến, từ việc chấp nhận số đo cân nặng, thông điệp dần đổi sang tôn vinh tất cả hình dáng cơ thể.
Một số mục tiêu mà phong trào tích cực hóa cơ thể hướng tới bao gồm:
- Thách thức cách xã hội nhìn nhận về cơ thể
- Kêu gọi tôn vinh tất cả hình dáng cơ thể
- Giúp mọi người cảm thấy tự tin và chấp nhận cơ thể của chính họ
- Bài trừ các tiêu chuẩn cơ thể phi thực tế
Tuy nhiên, "body positivity" không chỉ đơn thuần phản đối cách xã hội nhìn nhận mọi người dựa trên kích thước và hình dạng cơ thể của họ. Nó còn lên án những đánh giá chủ quan dựa trên sự phân biệt về chủng tộc, giới tính, xu hướng tình dục và khuyết tật.
Dove là thương hiệu tiên phong trong việc áp dụng thông điệp "body positivity" vào các chiến dịch quảng cáo. "Campaign for Real Beauty" (tạm dịch: Chiến dịch cho vẻ đẹp thực thụ) được hãng phát động vào năm 2004 với sứ mệnh “khiến phụ nữ cảm thấy đẹp hơn mỗi ngày bằng cách mở rộng quan niệm khuôn mẫu trước nay về vẻ đẹp”. Cho đến nay, chiến dịch này vẫn là hình mẫu được nhắc đến nhiều nhất trong ngành quảng cáo.
Thành công to lớn từ Dove đã làm thay đổi cách các chiến dịch quảng cáo tiếp cận với người tiêu dùng nữ, rất nhiều chiến dịch sau này đã lấy cảm hứng từ "Campaign for Real Beauty".
Các thương hiệu như Aerie và Target bắt đầu không dùng phần mềm Photoshop để chỉnh sửa ảnh người mẫu của họ, và nhận được những phản hồi tích cực từ công chúng. Vào năm 2019, tại cửa hàng Nike tại London, Anh đã xuất hiện một ma-nơ-canh nữ với thân hình mũm mĩm để quảng bá cho dòng thời trang thể thao ngoại cỡ của hãng. Hình ảnh mang lại nhiều ý kiến khác nhau, bên phản đối khẳng định kích thước của ma nơ canh là không khỏe mạnh nhưng phía đồng tình lại cho rằng Nike kêu gọi những người mắc bệnh béo phì nên vận động thể thao, không để cân nặng làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Cho dù thế nào thì hình ảnh ma-nơ-canh của Nike vẫn được đón nhận nồng nhiệt, và lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Hình ảnh quảng cáo cho chiến dịch Campaign for Real Beauty - Ảnh: Dove
Rất nhiều ý kiến chỉ trích phong trào "body positivity" bởi họ cho rằng tuy nó bài trừ những tiêu chuẩn về vẻ đẹp phi thực tế, nhưng vẫn lý tưởng hóa một số hình thể nhất định (ví dụ béo phì, gầy gò,...). Chúng ta một mặt ca ngợi những cô nàng thừa cân, mặt khác lại lên án những hình ảnh khoe cơ bụng phẳng lì hay đôi mông săn chắc thể hiện lối sống lành mạnh. Phong trào này suy cho cùng cũng chỉ quan tâm tới vẻ bề ngoài mà ngó lơ những vấn đề khác như sức khỏe hay tâm lý của phụ nữ.
Nhiều người ủng hộ “body positivity” tin rằng việc giảm cân là không chính đáng, bởi đó là biểu hiện tâm lý xấu hổ với cơ thể. Bất kỳ cuộc thảo luận công khai nào về sức khỏe cá nhân hoặc kích thước cơ thể đều bị lên án, cho dù mục tiêu thực sự là nhằm cải thiện lối sống lành mạnh hơn. Điều này càng trở nên đáng lo ngại khi tỷ lệ béo phì hiện nay ngày càng tăng, tạo ra gánh nặng lên hệ thống chăm sóc y tế và ngân sách của quốc gia. Cụ thể, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020 của Bộ Y Tế, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020. Chúng ta đã vô tình bình thường hóa những thói quen xấu dẫn đến việc thừa cân và bỏ qua những hệ quả mà nó sẽ gây ra.
Theo trang The Sydney Morning Herald, khái niệm "hình thể" mô tả nhận thức và thái độ của chúng ta đối với ngoại hình của bản thân. Tất nhiên cơ thể của bạn sẽ thay đổi theo thời gian, vì thế cách bạn nhìn nhận nó cũng sẽ khác đi. Chẳng có lý do gì để bạn phải dành toàn bộ sự quan tâm của mình cho nó cả. Không hề sai khi bạn biết yêu bản thân của mình, nhưng vẫn sẽ có một số khuyết điểm trên cơ thể khiến bạn thấy chán ghét hoặc tự ti, và điều đó là hoàn toàn bình thường. Đừng quan tâm quá mức đến ngoại hình của bạn. Nữ diễn viên Jameela Jamil, người đóng vai chính trong bộ phim truyền hình The Good Place đã gợi ý rằng thay vì tích cực hóa cơ thể, bạn đừng nên để tâm đến nó. Không nên lấy ngoại hình làm trung tâm của sự chú ý. Hình dáng, kích thước cơ thể chẳng làm nên giá trị con người bạn.
Nhưng hãy chăm sóc bản thân bằng cách tôn trọng ngoại hình của mình, lựa chọn lối sống lành mạnh như sử dụng những thực phẩm tốt cho sức khỏe, luyện tập thể thao và giữ cho tinh thần luôn thoải mái. Một cơ thể mạnh khỏe và tràn đầy sinh lực luôn quan trọng hơn là một cơ thể đẹp.
Isa Trần
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.