Sống khỏe
Thiền để bình tĩnh khi căng thẳng
Theo Viện nghiên cứu về căng thẳng Hoa Kỳ, căng thẳng là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tới 60% các bệnh tật. Ngoài việc liên quan đến các tình trạng sức khỏe nói chung, căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản và thể chất của phụ nữ.
Tiến sĩ Alyssa Liguori, bác sĩ sản phụ khoa tại North Georgia (Mỹ) cho biết: "Nghiên cứu đã chứng minh tác động của mức độ cortisol đối với độ pH và lưu lượng máu ở âm đạo và điều này có thể biểu hiện từ khó chịu khi quan hệ tình dục đến tỷ lệ nhiễm trùng tăng lên".
Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
Khi chúng ta lo lắng và căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh hormone căng thẳng cortisol. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề cân bằng nội tiết tố, khiến chu kỳ kinh nguyệt diễn ra không đều, như thay đổi về thời gian, tần suất hoặc cường độ của chu kỳ kinh nguyệt. Thậm chí sự mất cân bằng nội tiết tố do căng thẳng cũng có thể gây ra các tình trạng như vô kinh (không có kinh nguyệt) hoặc đau bụng kinh.
Căng thẳng có thể góp phần gây ra tình trạng đau bụng kinh và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) như thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh và đầy hơi… Theo một nghiên cứu, những người bị stress có khả năng phải chịu những cơn đau bụng kinh dữ dội gấp 2-3 lần so với người bình thường.
Giảm ham muốn tình dục
Theo các nhà khoa học, cuộc sống áp lực khiến các hormone liên quan đến căng thẳng như cortisol, adrenaline và norepinephrine tăng lên. Trong khi đó, nồng độ testosterone đóng vai trò quan trọng đối với ham muốn tình dục trong cơ thể phụ nữ lại giảm xuống. Vì vậy, căng thẳng mãn tính có thể khiến ham muốn tình dục bị suy giảm, hoặc biến mất.
Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Căng thẳng kéo dài hoặc mãn tính có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản bằng cách phá vỡ quá trình rụng trứng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng trứng được giải phóng trong quá trình rụng trứng. Căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục và chức năng tình dục, thậm chí có khả năng dẫn đến giao hợp đau đớn, điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản nói chung.
Nồng độ alpha-amylase (một loại enzyme liên quan đến căng thẳng) tăng cao trong cơ thể có liên quan đến các vấn đề về khả năng sinh sản ở phụ nữ.
Khô âm đạo
Căng thẳng cũng có thể dẫn đến nguy cơ mắc triệu chứng teo hoặc khô âm đạo, nhất là trong thời kỳ tiền mãn kinh. Bởi khi căng thẳng, lo lắng có thể làm giảm lưu lượng máu đến âm đạo, dẫn đến khô âm đạo, giảm tiết dịch tự nhiên.
Việc này cũng liên quan đến vấn đề đau hoặc chảy máu khi quan hệ tình dục.
Tăng nguy cơ viêm âm đạo
Độ pH của âm đạo có thể bị mất cân bằng bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả căng thẳng. Mức độ căng thẳng cao có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn, phá vỡ sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và không có lợi trong âm đạo.
Những điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng âm đạo thông thường như nhiễm trùng nấm men và viêm âm đạo do vi khuẩn.
Theo nghiên cứu ở Viện Bethesda (Mỹ) ghi nhận trên kết quả sau 4 lần khám phụ khoa của 3.614 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44 cho thấy nguy cơ phát triển chứng viêm âm đạo sẽ tăng từ 10 đến 15%. Với những phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, nguy cơ còn tăng đến 30%. Tác giả nghiên cứu giải thích, hiện tượng này do stress đã làm suy yếu hệ miễn dịch.
Đau vùng chậu và căng cơ
Căng thẳng có thể gây căng cơ sàn chậu, dẫn đến đau vùng chậu. Căng thẳng mãn tính có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng như rối loạn chức năng sàn chậu và co thắt âm đạo.
Mặc dù bạn có thể không thể loại bỏ tất cả các tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống, nhưng bạn có thể cố gắng tránh những tác động tiêu cực của căng thẳng bằng cách giảm mức độ căng thẳng càng nhiều càng tốt. Hãy thử áp dụng những chiến lược giúp bạn kiểm soát căng thẳng theo gợi ý của Cleveland clinic:
• Tập thể dục đều đặn. Hoạt động thể chất giải phóng endorphin, hormone "cảm thấy thoải mái", có thể giúp giảm mức độ căng thẳng. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị người trưởng thành nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần với cường độ mạnh, hoặc kết hợp cả hai.
• Thực hành các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền, nghe nhạc thư giãn hoặc những sở thích khiến bạn vui vẻ
• Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động về mặt thể chất của căng thẳng đối với phụ nữ. Kết hợp nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh giúp nuôi dưỡng cơ thể, tăng cường khả năng phục hồi của bạn trước những thách thức về sức khỏe liên quan đến căng thẳng.
• Ngủ đủ. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng hormone, nhưng cũng có thể cực kỳ quan trọng đối với việc giảm căng thẳng. Thiếu ngủ có thể làm tăng mức độ căng thẳng vì nó ức chế các kỹ năng giải quyết vấn đề và điều hòa cảm xúc.
• Hãy lắng nghe tâm trí của bạn và học cách thể hiện cảm xúc của bạn. Có cái nhìn tích cực, suy nghĩ thực tế, thái độ kiên cường, sáng tạo.
• Sống và hiện diện trong từng khoảnh khắc của hiện tại.
• Đặt ra các mục tiêu khả thi, xác định sự cân bằng giữa công việc và gia đình, đặt ra giới hạn.
• Cố gắng duy trì các mối quan hệ yêu thương, tích cực, thiết lập ranh giới lành mạnh.
• Đối mặt với sự thay đổi. Chấp nhận sự thay đổi như một cơ hội phát triển, không phải là mối đe dọa.
• Thực hành chấp nhận. Chấp nhận những gì không thể kiểm soát và thay đổi những gì có thể thay đổi. Nếu bạn không thể thay đổi tình huống, hãy thay đổi cách bạn phản ứng với nó.
• Chấp nhận và chăm sóc bản thân như cách bạn chăm sóc người khác.
• Tìm kiếm sự giúp đỡ. Đôi khi chúng ta đều cần sự giúp đỡ. Không ai trong chúng ta tốt đến mức "không nên" cần sự giúp đỡ. Chúng ta là con người và cần có nhau.
• Suy ngẫm về những khía cạnh trong cuộc sống mà bạn biết ơn. Nhắc nhở bản thân rằng lòng biết ơn dẫn đến hạnh phúc.
Chi
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.