Sống khỏe
Thiền để bình tĩnh khi căng thẳng
Buồn bã, lo lắng, mất động lực, khó tập trung, khóc lóc khi không rõ nguyên nhân… chỉ là ví dụ về những trạng thái tâm lý khi bạn đang có dấu hiệu trầm cảm tại nơi làm việc.
Mặc dù một công việc không thể gây ra trầm cảm, nhưng môi trường làm việc lại hoàn toàn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng đối với những người đã từng mắc bệnh trầm cảm.
“Trầm cảm là một tình trạng phức tạp với những biểu hiện đa dạng về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi, có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai và tất cả mọi người. Và nhiều yếu tố liên quan hoặc không liên quan đến công việc đều có thể khiến chứng trầm cảm xuất hiện tại nơi làm việc.” - Bác sĩ tâm thần Rashmi Parmar.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), một môi trường làm việc tiêu cực có thể ảnh hưởng đến:
- Sức khỏe tinh thần và thể chất
- Sự vắng mặt thường xuyên
- Giảm năng suất
- Tăng khả năng sử dụng các chất kích thích
Đối với bất kỳ tình trạng sức khỏe nào, nhận thức và phát hiện sớm chính là chìa khóa.
Tương tự như các triệu chứng trầm cảm nói chung, trầm cảm trong công việc sẽ có thêm những dấu hiệu cụ thể hơn như sau:
- Mức độ lo lắng tăng lên, đặc biệt là khi cần xử lý các tình huống căng thẳng hoặc quản lý công việc khi bạn vắng mặt.
- Cảm giác buồn chán và tự mãn về công việc cùng lúc.
- Thiếu năng lượng và động lực để làm việc, đôi khi còn biểu hiện như sự chán nản trong công việc.
- Buồn bã hoặc tâm trạng chán nản kéo dài.
- Mất hứng thú với các nhiệm vụ tại nơi làm việc, đặc biệt là những nhiệm vụ mà trước đây bạn luôn cảm thấy thú vị và hoàn thành dễ dàng.
- Cảm giác tuyệt vọng, bất lực, vô giá trị ngập tràn.
- Không có khả năng tập trung hoặc chú ý vào các công việc, khó lưu giữ hoặc ghi nhớ mọi thứ, đặc biệt là thông tin mới.
- Mắc lỗi quá nhiều trong công việc hàng ngày.
- Tăng hoặc giảm cân nặng, thèm ăn.
- Vấn đề về thể chất như đau đầu, mệt mỏi và đau bụng.
- Thường xuyên vắng mặt hoặc đến muộn và về sớm.
- Khả năng đưa ra quyết định bị suy giảm.
- Cáu kỉnh, dễ tức giận và khả năng chịu đựng kém.
- Khóc lóc hoặc rơi nước mắt tại nơi làm việc dù không có bất kỳ tác nhân rõ ràng nào.
- Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều (như chợp mắt trong giờ làm việc bình thường).
- Dùng thuốc, rượu hoặc các chất kích thích khác.
Nếu bạn giỏi che giấu hoặc cải thiện chúng, thì những dấu hiệu trầm cảm trong công việc này có thể sẽ không lọt vào mắt đồng nghiệp của bạn. Nhưng, vẫn có một số triệu chứng mà họ có thể dễ nhận thấy hơn.
Và theo Parma, đây là một số dấu hiệu phổ biến của chứng trầm cảm trong công việc mà bạn đặc biệt cần lưu ý:
- Tự rút lui hoặc cô lập bản thân khỏi những người khác.
- Vệ sinh bản thân kém hoặc thay đổi đáng kể về ngoại hình.
- Đi làm muộn, bỏ lỡ các cuộc họp hoặc vắng mặt thường xuyên.
- Trì hoãn, chậm hoàn thành, giảm năng suất trong công việc, gia tăng lỗi mắc phải hoặc khó đưa ra quyết định.
- Thờ ơ, hay quên và không quan tâm đến mọi thứ.
- Xuất hiện dưới vẻ mệt mỏi trong hầu hết cả ngày (có thể chợp mắt vào buổi chiều tại nơi làm việc).
- Cáu kỉnh, tức giận, cảm thấy choáng ngợp hoặc rất xúc động trong các cuộc trò chuyện (dễ rơi nước mắt hoặc khóc đột ngột vì những điều nhỏ nhặt).
- Thiếu tự tin khi thực hiện các nhiệm vụ.
Có nhiều lý do khiến bạn phải đối mặt với sự gia tăng các triệu chứng trầm cảm tại nơi làm việc. Dưới đây là những tình huống có thể góp phần gây ra tình trạng này:
- Cảm giác không thể kiểm soát được các vấn đề về công việc
- Cảm giác công việc đang gặp nguy hiểm
- Môi trường làm việc độc hại
- Làm việc quá sức hoặc bị trả lương thấp
- Bị quấy rối, bắt nạt hoặc phân biệt đối xử tại nơi làm việc
- Làm việc giờ giấc bất thường
- Thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống
- Làm việc trong môi trường không phù hợp với giá trị cá nhân của bản thân (yêu cầu công việc cao hoặc vai trò không rõ ràng/ bị chỉ định sai chức năng trong công việc)
- Làm việc không tương ứng với mục tiêu nghề nghiệp của bạn
- Trải qua điều kiện làm việc kém hoặc không an toàn
- Các chế độ hỗ trợ an sinh xã hội hạn chế tại nơi làm việc
Một công việc kém phù hợp có thể làm gia tăng sự buồn bực về tinh thần và thể chất, dẫn đến kiệt sức, cũng như kém chú trọng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Phân biệt giữa căng thẳng khi làm việc và trầm cảm trong công việc
Chẳng có gì lạ khi căng thẳng trong công việc nhưng đừng bỏ qua cảm giác chán nản, bởi đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm trong công việc. Điều quan trọng là phải biết sự khác biệt.
Căng thẳng khi làm việc:
- Giảm cường độ khi tác nhân gây căng thẳng đi qua
- Thi thoảng cảm thấy lo lắng và cáu kỉnh
- Căng cơ hoặc đau đầu
Trầm cảm trong công việc:
- Gia tăng cảm giác buồn và dễ khóc
- Cảm giác lo lắng kéo dài
- Thiếu tập trung
- Cảm thấy chán nản và không hoàn thành tốt công việc
Bác sĩ tâm thầm Leela R. Magavi cho biết cô làm việc với nhiều khách hàng bị ảnh hưởng xấu do làm những công việc mà họ không đam mê. Cô giải thích rằng: “Những người đó có thể hoàn thành nhiệm vụ trong ngày một cách vô tâm và bắt đầu cảm thấy mất kết nối về tinh thần. Điều này sẽ làm sự lo lắng và các triệu chứng trầm cảm thêm trầm trọng hơn”. Những người dành ít thời gian để ăn uống tử tế trong cả ngày cũng làm tình trạng mệt mỏi và thiếu tập trung gia tăng.
Làm việc từ xa, mặc dù thuận tiện, nhưng cũng đi kèm với những thách thức riêng. Theo Parmar, ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và sự nghiệp có thể dễ dàng biến mất, gây ra những biến động lớn trong thói quen hàng ngày của bạn.
Việc tạo ra và tuân theo một thói quen có kế hoạch tại nhà nói thì dễ hơn làm rất nhiều. Nếu không có một thói quen nào đó, sự buồn chán có thể từ từ len lỏi vào, nhường chỗ cho những cảm xúc và suy nghĩ trầm cảm. Không có môi trường xã hội tại nơi làm việc, nhiều người làm việc tại nhà đã phải trải qua cảm giác cô đơn và cảm thấy bị cô lập hơn. Do đó, họ phải dựa vào những cuộc trò chuyện điện thoại, các cuộc gọi video hay tin nhắn để kết nối với bạn bè và đồng nghiệp. Điều này lại góp phần gia tăng thêm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử.
Ngoài ra, nhiều người có thể làm việc nhiều giờ hơn bình thường, bởi khó theo dõi được thời gian làm việc khi ở nhà. Làm việc từ xa kéo dài có thể tạo ra nhiều trở ngại về tình cảm, thể chất và tài chính cho mỗi cá nhân. Các gia đình có thu nhập thấp bị thiệt thòi đáng kể do nguồn lực hạn chế hoặc khả năng kết nối wifi không ổn định. Trong khi các gia đình khác, không kể đến thu nhập, lại phải chịu các áp lực từ gia đình do đại dịch và các yếu tố căng thẳng khác gây ra. Mỗi cá nhân có thể cảm thấy như không có gì để mong đợi hay đấu tranh, bởi họ chẳng còn lối thoát để bình thường hóa cảm giác kiệt sức của mình.
Bất kể bạn làm việc ở đâu, việc kiểm soát các triệu chứng tại nơi làm việc đều là một thách thức. Tuy nhiên, đây là những điều bạn có thể làm khi bắt đầu cảm thấy chán nản:
- Tạm rời xa bàn làm việc hoặc văn phòng trong 10 phút
- Đi bộ nhanh trong thời gian nghỉ ngơi - ngay cả khi ở trong nhà, tập thể dục có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe tinh thần
- Thực hành một vài phút thiền chánh niệm
- Kết hợp các bài tập thở sâu
- Biết từ chối đúng lúc để bớt căng thẳng hơn
- Xem một video vui nhộn
- Hãy dành những ngày nghỉ ngơi, bỏ lại công việc và chỉ tập trung cho sức khỏe tinh thần
Nếu bạn nhận thấy mối liên hệ giữa các triệu chứng trầm cảm và nơi làm việc của mình, đừng trì hoãn tìm kiếm sự trợ giúp. Nói chuyện với cấp trên hoặc sếp trực tiếp là một bước tiến đầu tiên - miễn là bạn cảm thấy được họ ủng hộ.
Đôi khi, sự thay đổi về nhiệm vụ hoặc vị trí trong văn phòng hay tổ chức có thể giúp giảm các triệu chứng. Bạn cũng có thể hỏi bộ phận nhân sự xem công ty có chương trình hỗ trợ nhân viên hay không. Ngoài ra, sự kết hợp các biện pháp can thiệp tâm lý, thuốc điều trị và thay đổi lối sống là những khuyến khích để điều trị chứng trầm cảm.
Hãy nhớ rằng, bạn không hề đơn độc!
Ngọc Anh
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.