Thật không may, hầu hết chúng ta đều có quen biết với những người nhiều chuyện. Dù bạn có cố tránh mặt tới mức nào thì vào những buổi họp mặt, dịp lễ tết, chúng ta vẫn phải gặp và thậm chí tươi cười chào hỏi những người hàng xóm, họ hàng nhiều chuyện hay tệ hơn là phán xét và cố chấp.
Khi mọi người đặt câu hỏi về niềm tin, quyết định hoặc công việc của bạn theo cách khiến bạn xấu hổ, họ có thể khiến bạn cảm thấy bị đánh giá theo cách tiêu cực. Nhiều người có thể không cố ý, nhưng cảm giác bị phán xét vẫn rất tổn thương.
“Tại sao cháu/em vẫn chưa kết hôn?”
“Tại sao lương của cháu/em thấp thế?”
“Tại sao lại nuôi dạy trẻ con như vậy?”
“Tại sao cháu/em không làm điều gì đó tốt hơn cho cuộc sống của mình?”
Mỗi người đều khác nhau. Mọi tình huống đều khác nhau. Chắc chắn chúng tôi không thể cung cấp cho bạn từng bước chính xác để đối phó với những người nhiều chuyện theo cách hoàn hảo. Những dưới đây một số mẹo đã hiệu quả với rất nhiều người.
Bình tĩnh và phản ứng hợp lý
Việc bạn cảm thấy tổn thương và xúc động khi bị phán xét, hay trở thành trung tâm của cuộc đàm tiếu là điều bình thường. Bạn có thể muốn đáp trả, thậm chí hét vào mặt họ vì sự bất lịch sự, nhưng sự tiêu cực không bao giờ giúp ích cho tình hình. Trở nên phòng thủ hoặc phán xét để đáp lại không có khả năng giúp họ nhìn ra lỗi của mình, và có nhiều khả năng bắt đầu một cuộc chiến. Hãy làm những gì bạn cần để giữ bình tĩnh và tự chủ.
Bạn cũng có thể lịch sự đáp lại như:
“Tôi/em/cháu thích tập trung vào các ưu tiên khác ngay bây giờ.”
"Tôi/em/cháu hài lòng với cơ thể của mình và tôi đang rèn luyện sự tự tin của mình."
“Tôi/em/cháu không chắc là mình đồng ý, nhưng tôi/em/cháu hiểu quan điểm này và sẽ dành thời gian để suy nghĩ"
Thậm chí, có người đã nói như thế này khi thường xuyên nhận những đánh giá thiếu duyên dáng về ngoại hình của mình: "Tôi đã đọc trên mạng về việc ngày nay người ta có xu hướng chỉ khen và nhận xét về ngoại hình của phụ nữ chứ không phải trí tuệ, kỹ năng hay những phẩm chất tốt đẹp khác của họ”. (Bạn nên cân nhắc kỹ hoàn cảnh, đối tượng khi nói điều này nhé!)
Bạn không cần phải đồng ý với bất kỳ đánh giá nào mà bạn cảm thấy không công bằng, nhưng bạn có thể tôn trọng và đồng cảm khi đối mặt với mọi người.
Nói “Cảm ơn” để kết thúc chủ đề
Một cách hiệu quả để ngăn chặn lời khuyên không được yêu cầu chỉ đơn giản là nói “cảm ơn” với giọng điệu quyết đoán. Đó là một cách lịch sự và mạnh mẽ để chỉ ra rằng bạn không còn muốn thảo luận về vấn đề này nữa. Ví dụ:
“Tôi/em/cháu đánh giá cao ý kiến đó. Cảm ơn."
“Tôi/em/cháu ổn với cách mọi thứ đang diễn ra. Cảm ơn.”
“Tôi/em/cháu hài lòng với quyết định của mình lúc này. Cảm ơn.”
Rốt cuộc một người có thể cố chấp trong bao lâu nếu bạn cứ nói “cảm ơn”? Có lẽ không nhiều.
Thay đổi chủ đề
Nếu một người họ hàng nhất định theo đuổi một vấn đề mà bạn không muốn, hãy kiểm soát tình hình bằng cách thay đổi chủ đề. Bằng cách đặt ra những câu hỏi liên quan tới một chủ đề mà họ sẽ thích, hoặc, nếu bạn đang ngồi cùng rất nhiều người, hãy đặt câu hỏi của bạn cho người khác. Cắt đứt tràng lời khuyên không mong muốn và chuyển hướng tập trung của họ.
Tìm "đồng minh"
Nếu bạn dự đoán trước rằng sẽ gặp một người hàng xóm/họ hàng sẽ gây khó khăn cho mình, hãy sắp xếp trước với một thành viên gia đình đồng cảm với bạn - một đồng minh. Khi người họ hàng hay phán xét bắt đầu lên tiếng, hãy ra hiệu cho người đồng minh ngắt lời và bắt đầu một chủ đề mới hoặc bạn có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện khác với đồng minh của mình.
Đặt ra các giới hạn
Nếu ai đó vượt quá giới hạn và khiến bạn cảm thấy bị tổn thương, hãy nói cho họ biết cảm giác của bạn. Giải thích rằng bạn đang buồn, tại sao những lời nói của họ lại làm bạn khó chịu và bạn cần gì ở họ để đảm bảo điều này không xảy ra lần nữa. Người này nên biết giới hạn của bạn và những chủ đề mà bạn sẵn sàng nói với họ.
“Tôi cảm thấy không được tôn trọng khi bị bình phẩm về ngoại hình. Nếu vẫn tiếp tục thì tôi/em/cháu sẽ rời đi."
“Tôi/em/cháu đánh giá cao sự quan tâm của anh/chị/cô/bác, nhưng chưa sẵn sàng để nói về điều này. Hãy nói về những điều khác."
“Tôi/em/cháu cảm thấy mình cần giải quyết vấn đề này theo cách của mình và đã có một kế hoạch phù hợp”.
Cũng dễ hiểu rằng, khi phải lắng nghe những điều không mong muốn, chúng ta thường mệt mỏi chịu đựng vì không muốn mang tiếng là bất lịch sự hay vô tình. Tuy nhiên, cũng cần đặt ra một ranh giới rõ ràng để không bị cuốn vào mớ cảm xúc tiêu cực đó. Hãy nghĩ theo cách này: Nếu kẻ càu nhàu hút thuốc, liệu bạn có nên ngồi đó cả chiều để hít khói thuốc? Tất nhiên bạn sẽ tránh ra xa và điều đó cũng nên được áp dụng đối với những người nhiều chuyện. Lúc đó hoặc là họ sẽ trật tự, hoặc là sẽ hướng cuộc nói chuyện đến những điều tích cực hơn. Bạn có thể quyết định cách bạn được đối xử và ai sẽ nhận được món quà từ sự hiện diện của bạn.
Một lần nữa, chìa khóa ở đây là lịch sự nhưng kiên quyết. Họ sẽ sẽ khó chịu? Có thể, nhưng đó không phải là trách nhiệm của bạn. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về cảm xúc của chính mình chứ không phải của người khác.
Nếu vẫn thất bại, hãy bỏ đi và giữ khoảng cách lành mạnh
Nếu bạn đã nỗ lực nhưng không được lắng nghe và tôn trọng ý kiến, thì giờ là lúc rời đi.
Thời gian của bạn rất quan trọng và tâm trí của bạn là ưu tiên hàng đầu. Chỉ cần nói rằng bạn phải đi một cách lịch sự và ngẩng cao đầu đi khỏi đó. Nếu bạn đang ở một buổi họp mặt gia đình, hãy giữ khoảng cách lành mạnh bằng cách dành thời gian với các thành viên khác trong gia đình ở một không gian riêng biệt. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi bắt buộc bản thân phải tương tác với những người nhiều chuyện.
Theo dõi cảm xúc của chính bạn
Khi bạn dành nhiều thời gian cho những người mang năng lượng tích cực, hãy nhớ tiếp tục kiểm tra cảm xúc của bản thân. Lưu ý bất kỳ căng thẳng nào trong cơ thể bạn và thử một số kỹ thuật làm dịu như bài tập thở để giúp bạn vượt qua những khoảnh khắc khó chịu.
Quan trọng là nhớ rằng, đừng để cảm hứng và sự hài lòng của mình phụ thuộc vào ý kiến người khác. Lời nói của một người hay phán xét phản ánh niềm tin của chính họ - chứ không phải bạn. Bạn không cần phải phụ thuộc vào người khác để có được hạnh phúc, nhất là người đang phán xét, chê bai bạn.
Đừng quên follow Her trên Instagram @thisishervn để nhận thêm nhiều thông tin bổ ích và thú vị nhé!
About the author
S. Reen