Nhiệt độ đang giảm dần. Khi bạn cần những chiếc áo len cũng là lúc bạn cần thực hiện một vài điều chỉnh đối với chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống của mình. Dưới đây là một số mẹo để bạn luôn khỏe mạnh trong suốt mùa đông.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có một vài lý do khiến nhu cầu dinh dưỡng thay đổi theo mùa. Đầu tiên, trong những tháng mùa hè, chúng ta thường xuyên ở ngoài trời để da được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì vậy cơ thể chúng ta có thể chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành vitamin D dễ dàng hơn mùa đông. Ngoài ra, cơ thể chúng ta được "lập trình" để hoạt động cơ chế điều hòa thân nhiệt, có nghĩa là tự duy trì nhiệt độ cơ thể thích hợp. Khi trời lạnh, chúng ta có thể cần nhiều thức ăn hơn vì cơ thể cần nhiều năng lượng hơn để tự làm ấm.
Khi ngày ngắn hơn và lạnh hơn vào mùa đông, chúng ta có xu hướng nhận được ít không khí trong lành hơn. Nhiều người dành nhiều thời gian hơn ở trong nhà, đặc biệt là trong những không gian lưu thông khí kém (tạo điều kiện cho các nhân tố gây có hại tích tụ) có thể dẫn đến việc tiếp xúc nhiều hơn với các chất ô nhiễm không khí, có thể gây viêm, các bệnh về đường hô hấp, bệnh tim, ung thư và các bệnh khác... - EPA đã tuyên bố rằng mức độ ô nhiễm không khí trong nhà thường cao hơn từ hai đến năm lần so với mức độ ngoài trời. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải thực hiện thêm các bước để bảo vệ bản thân khỏe mạnh như ăn nhiều chất dinh dưỡng tăng cường miễn dịch hơn.
Bạn nên điều chỉnh nhu cầu dinh dưỡng theo mùa từ gợi ý của các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe như sau:
Tập Trung Vào Thực Phẩm Giàu Vitamin D
Vitamin D giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương, răng thông qua cơ chế phân phối canxi và phospho của cơ thể..Một số nghiên cứu đã chứng minh, tình trạng đủ vitamin D có liên quan đến giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, đại tràng và tuyến tiền liệt. Tuy nhiên vitamin D chủ yếu được chuyển hoá từ ánh nắng mặt trời khi hấp thụ qua da. Vì vậy bạn cần bổ sung các thực phẩm chứa nguồn cung cấp vitamin D dồi dào trong những tháng mùa đông như cá béo, trứng, gan và các sản phẩm từ sữa tăng cường, nước cam, sữa đậu nành và ngũ cốc…Cần cung cấp đủ dầu mỡ cho bữa ăn để tăng hấp thu vitamin D. Có thể bổ sung cho cơ thể qua viên uống, các loại sữa… nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn, kê đơn phù hợp.
Omega-3 Giúp Ngăn Ngừa Các Vấn Đề Về Da Vào Mùa Đông
Một trong những công dụng tuyệt vời của chúng là khả năng ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh liên quan đến tim mạch, cải thiện các bệnh về rối loạn thần kinh, hỗ trợ thị lực… Bên cạnh đó, Omega 3 còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tốt cho da, kiểm soát lượng dầu của da, kiểm soát độ ẩm của da, ngăn ngừa sự tăng lớp sừng của nang lông, ngăn ngừa lão hóa da sớm và mụn. Khi trời khô lạnh hơn khiến da bong tróc, ngứa và khô, việc bổ sung đủ axit béo omega-3 có thể rất hữu ích. Các nguồn thực phẩm giàu omega-3 là cá thu, cá hồi, cá trích, cá mòi, hạt lanh, hạt chia và quả óc chó...
Vitamin C Là Chìa Khóa Để chống lại cảm lạnh
Tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn với vitamin C. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng "quét sạch" các gốc tự do, ngăn chúng làm tổn thương tế bào và gây viêm nhiễm, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm ớt chuông, ổi, bưởi, bắp cải, súp lơ trắng, bông cải xanh...
Thêm Chất Xơ Và Protein Thực Vật
Vào mùa đông, chúng ta thường ăn nhiều thịt để bổ sung năng lượng, giữ ấm cho cơ thể. Mặc dù ngon, nhưng nhiều đạm có thể gây ra một số khó chịu về tiêu hóa và táo bón. Để tránh rối loạn tiêu hóa, hãy tiếp tục tập trung vào việc kết hợp protein thực vật và chất xơ trong các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ. Sự kết hợp này sẽ giúp giữ mức năng lượng ổn định và giữ cho hệ vi sinh vật đường ruột của bạn được cân bằng. Bạn cũng có thể làm món súp và món hầm siêu ngon, nhẹ bụng sử dụng đậu lăng, đậu xanh và rau thay vì thịt bò để tăng lượng protein và chất xơ.
Đáp Ứng Đủ Nhu Cầu Vitamin K2
Hầu hết mọi người thường ít nghe nói về vitamin K2. Tuy nhiên loại chất dinh dưỡng này lại đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong nhiều khía cạnh liên quan đến sức khỏe. K2 giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch và cải thiện sức khỏe hệ xương làm giảm nguy cơ loãng xương. Trên thực tế, việc bổ sung thiếu vitamin K2 trong chế độ ăn đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính..
Nguồn vitamin K2 trong chế độ ăn uống đến từ:
Đậu nành lên men: Đây là món ăn truyền thống và rất nổi tiếng ở Nhật Bản
Các sản phẩm từ sữa
Gan
Thịt bò
Thịt lợn
Lòng đỏ trứng
Thịt các loại cá béo chẳng hạn như cá hồi, cá thu....
Nếu bạn đang dùng thực phẩm bổ sung vitamin D, thì đừng quên kết hợp cả vitamin K2, vì chúng phụ thuộc vào nhau để hỗ trợ sức khỏe tim và xương.
Đừng Quên Uống Nhiều Nước
Nước thường bị coi là “chất dinh dưỡng bị lãng quên” vì mọi người thường rất hay quên uống nước, đặc biệt trong mùa lạnh. Sự thật là dù nhiệt độ cao hay thấp, kể cả bạn không toát mồ hôi và không cảm thấy khát nước, thì cơ thể bạn cũng luôn cần nước. Vì vai trò của nước trong cơ thể không thay đổi trong cả mùa đông và mùa hè: vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy đến các tế bào, loại bỏ chất thải, tạo điều kiện cho cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng, bảo vệ các cơ quan quan trọng, làm ẩm làm dịu da và mắt, đảm bảo duy trì huyết áp bình thường. Nước cũng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể; đảm bảo giúp cơ thể chống lại cái lạnh.
Mặc dù không liên quan đến việc hỗ trợ chức năng miễn dịch của bạn, nhưng nước có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của cảm lạnh và cúm - nó ngăn cổ họng và niêm mạc mũi không bị khô. Hãy cố gắng uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày. Bạn cũng có thể chọn các loại thực phẩm đặc biệt chứa nhiều nước, như trái cây, rau và sữa chua.
About the author
Dao Chi Anh