Sống khỏe
Bạn thực sự hiểu rõ về COVID-19?
Dịch bệnh Covid 19 đến mang theo không chỉ là những tác hại tiêu cực về sức khỏe thể chất đối với con người, có một “món ăn” thậm chí còn độc hại hơn bất cứ thực phẩm kém chất lượng nào đó là TIN GIẢ - fake news. Thậm chí còn có người nói đùa “Chúng ta có thể thoát khỏi đại dịch nhưng thứ giết chết chúng ta là fake-news”.
Tin giả hay còn được gọi là tin rác hoặc tin tức giả mạo. Đây là một loại hình thông tin có thể dưới dạng báo chí hoặc bài viết bao gồm các thông tin cố ý hoặc trò lừa bịp lan truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tin giả được sản xuất thường là với mục đích đánh lừa nhằm gây thiệt hại cho một cơ quan, thực thể hoặc người để đạt mục đích doanh thu, chính trị hoặc đơn giản để gây hoang mang cho dư luận.
Trong thời kỳ hiện nay, dù chịu sự sự quản lý chặt chẽ của chính phủ các nước, nhưng tin giả, tin xấu độc vẫn xuất hiện tràn làn trên các phương tiện thông tin đa phương tiện kiểu mới như mạng xã hội trực tuyến (facebook, tiktok, youtube…) thậm chí chúng còn ra sức cạnh tranh với những câu chuyện, tin tức hợp pháp.
Tin giả có muôn hình vạn trạng, từ lĩnh vực chính trị đến kinh tế, đời sống và thậm chí giả cả thông tin đời tư của các cá nhân. Dịch COVID-19 bùng phát đã làm vấn nạn tin giả trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Cùng với sự chú ý ngày càng tăng về đại dịch, tin tức giả mạo ngày càng lan truyền mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội. Tin giả hoặc tin tức sai sự thật nhằm mục đích thao túng dư luận được thiết kế để kích động phản ứng cảm xúc từ người đọc/người xem, nó có thể gợi lên cảm giác tức giận/nghi ngờ, lo lắng và thậm chí trầm cảm bằng cách bóp méo suy nghĩ của chúng ta.
Các thông tin giả mạo tuy chỉ gây những tác động nhỏ tới hành vi người dùng, nhưng chúng cũng góp một phần khá lớn trong việc định hình một vài suy nghĩ sai lệch về bệnh dịch đối với nhiều đối tượng. Và thậm chí nhiều cảnh báo về tác hại của tin giả không có nhiều giá trị với người dùng.
Phần lớn người dùng mạng xã hội ngày nay khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin thường không cẩn trọng phán xét đúng đắn trước những tiêu đề, nội dung câu chuyện được chia sẻ, không kiểm chứng thông tin trước khi bình luận hay chia sẻ. Thậm chí chỉ đọc tiêu đề mà không cần xem nội dung cụ thể. Nguyên nhân của những điều này là do tâm lý người dùng luôn muốn chia sẻ những thông tin mới nhất, nóng nhất trên trang cá nhân của mình cho bạn bè, người thân. Đây cũng chính là yếu tố làm gia tăng tốc độ phát tán tin tức giả trên mạng xã hội.
Tổng giám đốc WHO đã nói rằng: "Chúng ta không chỉ chống lại dịch bệnh, chúng ta còn đang chống lại đại dịch tin giả". Nghiên cứu kết luận rằng bệnh dịch COVID-19 chứa đầy những tuyên bố sai lệch, thuyết âm mưu nửa hậu thuẫn và các liệu pháp giả khoa học, liên quan đến chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa, nguồn gốc và sự lây lan của virus.
Khi đại dịch COVID-19 lan rộng, các phương tiện truyền thông xã hội nổi lên như một phương tiện xã hội hóa quan trọng cung cấp phương pháp tìm kiếm và chia sẻ thông tin về dịch bệnh. Thông tin nhiều và hỗn loạn gây bùng nổ thông tin chưa được kiểm tra và lan truyền thông tin sai lệch. Việc sử dụng mạng xã hội đã tăng 20–87% trên toàn cầu trong thời kỳ khủng hoảng. Chỉ riêng ở Ý mỗi ngày vào tháng 3 năm 2020, trung bình có 46.000 bài đăng trên Twitter không chính xác và có liên quan đến thông tin sai lệch về cuộc khủng hoảng. Ví dụ về những câu chuyện như vậy bao gồm quan điểm rằng công nghệ 5G đã gây ra đại dịch; rằng muỗi đốt có thể lây truyền virus. Các phương pháp chữa trị bao gồm uống vitamin C, uống nước tiểu bò hay thuốc tẩy rửa đều có thể diệt virus.... Bên cạnh những tin giả này, vô số chuyên gia y tế mạo danh đã đẩy mạnh quảng cáo những lọ thuốc, câu chuyện, lời khuyên và liệu pháp chưa được chứng minh như những cách chữa, cách tăng cường hệ thống miễn dịch. Đáng buồn là có rất nhiều người đã tin và làm theo những thông tin xấu, độc này để rồi gánh lấy hậu quả. Tháng 3 năm 2020, hàng trăm người ở Iran đã tử vong vì ngộ độc rượu do nghe theo thông tin “uống rượu sẽ diệt được virus corona”.
Thông tin sai lệch về căn bệnh này đến từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm cả những người nổi tiếng. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố có một ‘cơn đại dịch’ thông tin sai lệch về COVID‐19, gây ra nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, trong mùa dịch, do hậu quả của các chính sách giãn cách cũng như sự đóng cửa của các công ty, nhà xưởng, nhiều cá nhân thực sự gặp khó khăn về kinh tế mà không nhận được sự hỗ trợ cũng như không có tài sản tích lũy. Đánh vào tâm lý thiếu thốn vật chất, nhiều tổ chức, cá nhân đã lừa đảo bằng các hình thức hết sức tinh vi như click vào một trang tin bạn sẽ nhận được quà và tiền mặt khi để lại thông tin. Đây là hình thức lừa đảo thông qua fake-news mà rất nhiều người gặp phải khiến bạn không chỉ tổn thất về tiền bạc mà còn bị đánh cắp các thông tin cá nhân như số định danh, bảo mật tài khoản ngân hàng...
Đại dịch COVID-19 là chưa xác định khi nào sẽ kết thúc và nó mang tới mối đe dọa rõ ràng đối với các nhu cầu cơ bản như thức ăn, nơi ở, sự an toàn - và quan trọng nhất là sự tồn tại. Các thông tin giả có khả năng phục hồi những nhu cầu cơ bản này, xoa dịu thực tại khó khăn và có xu hướng lan truyền nhanh chóng. Vậy nên việc của chúng ta là phải thật tỉnh táo để không mắc những chiếc “bẫy tin giả” nhan nhản trên mạng xã hội mỗi ngày.
- Chú ý tới những cảnh báo về tin giả từ chính phủ và những trang tin chính thống.
- Chủ động nâng cao kiến thức xã hội cho bản thân.
- Kiểm tra chéo thông tin. Các tiêu đề kỳ lạ không phải lúc nào cũng sai, nhưng bạn có thể cần phải tìm hiểu thêm để chứng minh chúng là đúng. Kiểm tra xem các nguồn tin tức chính thống khác có thông tin tương tự hay không.
- Đọc các bình luận. Nếu cảm thấy có điều gì đó không ổn về một bài báo/thông tin, hãy kiểm tra các bình luận.
- Luôn cập nhật thông tin bằng cách sử dụng các nguồn đáng tin cậy.
- Nói chuyện và chia sẻ với bạn bè hoặc gia đình, những người quan tâm đến việc cập nhật đầy đủ thông tin.
- Tìm hiểu và chia sẻ với mọi người về bản chất của mạng xã hội và cách sử dụng nó một cách hiệu quả, an toàn. Hãy tự trả lời các câu hỏi: Ai đã chia sẻ thông tin? Nguồn thông tin là gì và làm thế nào để kiểm chứng thông tin đó là đúng hay không?
- Chúng ta có thể ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch bằng cách không chia sẻ nó, hoặc chỉ bằng cách tạm dừng, suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin nào.
- Hãy tin tưởng vào những người có chuyên môn và thông tin khoa học chính thống.
Internet và mạng xã hội luôn là con dao hai lưỡi, hãy sáng suốt và tỉnh táo trước thông tin nhiễu loạn để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình nhé!
Dzung Phạm
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.