Đối với các chuyên gia dinh dưỡng, bánh trung thu là “cơn ác mộng tồi tệ”. Dù có kích thước khiêm tốn, món ăn khoái khẩu này là quả bom calo đầy đường và các nguy cơ về sức khỏe. Tuy nhiên, bỏ qua bánh trung thu vào dịp này cũng giống như Tết mà không có bánh chưng, bánh tét. Vậy làm thế nào để vừa có thể thưởng thức mùa trung thu trọn vẹn lại vừa giữ gìn sức khỏe và vóc dáng?
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng đường tiêu thụ hàng ngày được khuyến nghị nên ít hơn 10% tổng năng lượng bạn ăn vào - khoảng 6 muỗng cà phê đường. Tuy nhiên, một chiếc bánh trung thu nướng truyền thống chứa khoảng 16 muỗng cà phê đường. Không tính đến tất cả các bữa ăn khác, chỉ riêng bánh trung thu đã nhiều hơn gấp đôi lượng đường được khuyến nghị trong ngày.
Hãy cùng Her thử những cách sau đây nhé!
Chia Sẻ
Thay vì một mình thưởng thức cả chiếc bánh, bạn nên cắt nhỏ, chia sẻ chúng với gia đình và bạn bè. Điều này không chỉ làm giảm thiểu lượng chất béo, đường, calo thành những phần nhỏ, dễ dung nạp hơn mà còn giúp chúng ta có cơ hội cùng thưởng thức nhiều hương vị và khiến mọi người thêm gắn kết với nhau hơn.
Lựa Chọn Bánh Trung Thu “Healthy”
Hãy kiểm tra thành phần và nhãn dinh dưỡng, cố gắng chọn cho mình những loại bánh có hàm lượng calo thấp, sử dụng nguyên liệu lành mạnh, đơn giản, giàu chất xơ, chứa ít chất béo, đường. Hạn chế ăn bánh trung thu có thêm trứng muối, phô mai… vì chúng sẽ khiến cho lượng calo tiêu thụ vào bị “độn” lên cao.
Kiểm tra hạn sử dụng của bánh trung thu. Bánh trung thu chứa lượng chất béo chuyển hóa, đường hoặc chất bảo quản càng cao thì thời hạn sử dụng càng lâu.
Bên cạnh đó, bánh trung thu không đường ngon không kém bánh thông thường. Chúng thường được làm ngọt bằng stevia hoặc isomalt. Bánh trung thu không đường dành cho bệnh nhân tiểu đường và là một lựa chọn thay thế tốt cho những ai muốn hạn chế ăn đường vì bất cứ lý do gì.
Nếu bạn tự làm bánh trung thu của riêng mình:
- Hãy giảm lượng đường hoặc sử dụng đường ăn kiêng được sử dụng trong bánh trung thu của bạn. Thêm trái cây hoặc trái cây khô vì chúng có vị ngọt tự nhiên.Ngoài ra, bạn có thể loại bỏ hoàn toàn đường và thay thế bằng cách trộn với khoai lang. Bạn cũng có thể cân nhắc thêm các loại trái cây để bánh trung thu có vị ngọt lành hơn.
- Với bánh trung thu truyền thống, hãy chọn dầu hạt cải hoặc ô liu thay vì sử dụng mỡ lợn hoặc bơ.
- Sử dụng bột mì nguyên cám thay vì bột mì đa dụng khi làm vỏ bánh trung thu. Vì chúng có nhiều chất xơ hơn và chỉ số đường huyết thấp hơn bột mì trắng.
- Thêm các loại hạt để tăng cường chất xơ và chất dinh dưỡng.
Không Ăn Khi Đói Và Mệt Mỏi
Khi bụng đói, nhu cầu ăn uống của chúng ta tăng lên khả năng kiểm soát việc ăn uống thì giảm xuống. Lúc này, sẽ thật khó “giữ mình” trước chiếc bánh thơm ngon hấp dẫn nhưng cũng chứa nhiều calo, đường, chất béo khiến bạn nhanh tăng cân.
Bên cạnh đó, khi ăn các sản phẩm bánh có chứa bột, đường cao làm cho lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường. Điều này kích thích tuyến tụy tiết ra một lượng lớn insulin, vận chuyển các khối protein gọi là tryptophan từ dòng máu đến não, sau đó nó chuyển thành serotonin khiến bạn có xu hướng cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ.
Không Ăn Bánh Thay Bữa Chính
Đôi khi chúng ta thường ăn quá nhiều bánh trung thu tới mức bỏ quên các bữa chính trong ngày, điều này sẽ khiến bạn mất cân bằng dinh dưỡng.
Không chỉ thế, bánh trung thu chứa rất nhiều đường nên nếu ăn thay bữa sáng, lượng đường trong máu sẽ tăng cao nhất thời và sau đó giảm mạnh giữa ngày, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và thèm đồ ngọt nhiều hơn.
Thay vì vậy, hãy dùng nó sau một bữa ăn đầy đủ hoặc ăn trong bữa phụ. Các bữa ăn chính của bạn nên được cân bằng các nhóm chất carbohydrate, chất béo tốt và protein…
Ăn Cùng Bưởi
Hãy chừa một phần trong dạ dày của bạn dành cho quả bưởi nhé. Hầu như thường thấy trên các mâm cỗ Tết Trung thu đều có bưởi, loại quả thuộc họ cam quýt có rất nhiều giá trị dinh dưỡng, vitamin C và chất xơ. Đặc biệt, một số nghiên cứu cho thấy bưởi có vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ quá trình giảm cân. Bên cạnh giàu chất chống oxy hóa, bưởi còn được cho là làm giảm mức cholesterol giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.
Uống Trà Khi Ăn Bánh Trung Thu
Chẳng còn gì bằng vừa ăn bánh trung thu vừa thức thức chén trà để giảm độ ngấy của bánh. Trà rất giàu axit axetic, giúp cải thiện tiêu hóa và ngăn ngừa chất béo trong cơ thể tích tụ. Do đó, trà là thức uống hoàn hảo để kết hợp trong đêm Rằm Trung thu.
Đừng quên tránh uống nước ngọt có đường, vì uống chúng sau khi đã ăn bánh trung thu nhiều đường sẽ khiến lượng glucose của bạn tăng chóng mặt.
Điều Chỉnh Bữa Ăn
Sau khi ăn bánh trung thu, nếu bạn vẫn duy trì chế độ ăn uống như bình thường thì sẽ khó tránh khỏi việc bị tăng cân. Vì vậy, bí quyết ăn bánh nướng, bánh dẻo nhiều calo nhưng không béo ở đây chính là điều chỉnh lại bữa ăn hàng ngày để cân bằng năng lượng. Hãy hạn chế tối đa việc ăn vặt, giảm lượng cơm và các món dầu mỡ vào bữa chính đồng thời bổ sung thật nhiều chất xơ.
Hạn Chế Ăn Sau 7h Tối
vì đây là khoảng thời gian cơ thể ít vận động nhất trong ngày. Tiêu thụ các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao vào buổi tối sẽ gây khó tiêu, dư thừa năng lượng, tích tụ chất béo và gây tăng cân.
Tăng Cường Vận Động
Tập thể dục là cách đốt cháy calo, chất béo dư thừa trong cơ thể hiệu quả nhất. Vì vậy, hãy chăm chỉ tập luyện và vận động nhiều hơn nếu bạn muốn giữ vóc dáng thon gọn sau khi lỡ ăn nhiều bánh trung thu.
Đây cũng là một thói quen tốt cho sức khỏe mà bất kỳ bạn nên duy trì dù Trung Thu hay không.
Lưu ý nếu bạn có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa, xơ cứng động mạch và tiểu đường thì nên hạn chế ăn bánh trung thu.
Xét cho cùng, bánh trung thu vẫn là loại đồ ăn chứa nhiều calo và dễ gây tăng cân. Do đó, muốn duy trì vóc dáng khỏe đẹp, ngoài việc áp dụng những bí quyết ở trên thì chúng ta vẫn cần phải hạn chế lượng bánh nhé!
About the author
S. Reen