Sống khỏe
Thiền để bình tĩnh khi căng thẳng
Việc tham gia của người thân đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ bản chất của rối loạn này, gia đình có thể vô tình dung túng và tạo điều kiện cho ‘con quái vật’ OCD lớn mạnh.
Chính vì điều này, hôm nay xin gửi tới các bạn một chương trình thảo luận riêng của hai tiến sĩ tâm lý chuyên về OCD trên tạp chí Psychology Today, để bàn luận về các lỗi thường mắc phải của người bệnh và gia đình trong việc tiếp cận và điều trị OCD đồng thời hướng dẫn làm thế nào để tránh tiếp tay cho OCD giúp cho điều trị hiệu quả hơn.
Các thành viên trong gia đình vì yêu thương nhưng không đủ hiểu biết có thể vô tình tiếp tay cho OCD bằng những cách sau:
- Tham gia vào việc thực hiện các hành vi cưỡng chế chẳng hạn như kiểm tra khóa cửa, giúp khử trùng quần áo.
- Cung cấp các vật dụng cần thiết để thực hiện các hành vi cưỡng chế như cung cấp xà phòng rửa tay, nước tẩy rửa.
- Cho phép/giúp người bệnh tránh né một số tác nhân kích hoạt OCD, chẳng hạn như đi đường xa hơn để tránh một địa điểm mà người bệnh sợ hãi khi đi qua đó.
- Chịu đựng sự chậm trễ để người bệnh thực hiện các hành vi cưỡng chế chẳng hạn như tắm rửa hoặc kiểm tra khoá nhiều lần.
- Thay đổi sinh hoạt thường nhật của gia đình để phục vụ cho nhu cầu cưỡng chế của người bệnh.
Việc tham gia vào các nghi thức của OCD sẽ cho phép hoặc tạo điều kiện cho sự cưỡng chế tồn tại và thậm chí trở nên trầm trọng hơn. Bảo vệ người bệnh khỏi những hậu quả tiêu cực của OCD cũng có thể làm giảm động lực của họ để tìm kiếm điều trị. Ví dụ, một người bắt đầu đi làm muộn vì các thành viên trong gia đình không còn giúp anh ta thực hiện các hành vi cưỡng chế trước khi rời khỏi nhà, có thể có động lực để tìm kiếm điều trị.
Để tạo ra những thay đổi tích cực, cả gia đình phải áp dụng những hành vi mới – mọi người cần thay đổi cách họ tương tác với người mắc OCD và ngừng củng cố hành vi của OCD. Cách bạn có thể giúp đỡ người thân đang bị OCD là ngừng dung túng OCD.
Seth J. Gillihan - SJG (tiến sĩ tâm lý): Khi tôi bắt đầu điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), tôi không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người mắc chứng OCD mà còn cả gia đình và các mối quan hệ thân thiết khác của họ.
Khó khăn đối với các thành viên trong gia đình nằm ở chỗ cách tốt nhất để đối phó với OCD thường phản trực giác, tức là ngược với những gì được cho là đúng. Trên thực tế, phương pháp điều trị tốt nhất là làm ngược lại những gì người mắc chứng OCD bị thôi thúc phải làm.
Khi tôi nói chuyện với các thành viên trong gia đình của một người mắc chứng OCD, họ thường bày tỏ sự thất vọng khi nhận ra rằng họ đã vô tình thúc đẩy OCD. Ví dụ, hầu hết những người mắc chứng OCD sẽ nhờ người khác trấn an để giảm bớt lo lắng về nỗi sợ hãi ám ảnh của họ, chẳng hạn như khi họ nhìn thấy một đốm trên da và nhờ một thành viên trong gia đình xác nhận rằng đó không phải là ung thư.
Chúng ta thường cho rằng trấn an một người đang lo lắng là điều tốt, nhưng theo cách OCD vận hành, những lời trấn an thực sự làm trầm trọng thêm vòng xoáy OCD. Bất kỳ sự thuyên giảm nào mà người bệnh cảm thấy nhờ trấn an sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhanh chóng được thay thế bằng sự phục hồi mạnh hơn của nỗi sợ hãi ám ảnh. Sự bình yên lâu dài chỉ có được thông qua việc học cách để bao dung, chấp nhận những thực tại và sống với nó.
Seth J. Gillihan - SJG (tiến sĩ tâm lý): OCD thường ảnh hưởng đến các gia đình như thế nào?
Belinda Seiger - BS (tiến sĩ tâm lý, chuyên gia về OCD): Một trong những đặc điểm chính của hầu hết OCD là tìm kiếm sự chắc chắn. Ví dụ, một đứa trẻ có thể lo sợ rằng điều gì đó sẽ xảy ra với cha mẹ, và đứa trẻ sẽ tìm kiếm sự trấn an - yêu cầu cha mẹ ở bên cạnh, đảm bảo rằng họ sẽ vẫn ở đó khi đứa trẻ thức dậy, và yêu cầu phụ huynh thực hiện lại điều đó, lặp lại và lặp lại. Sự lặp đi lặp lại đó là một dấu hiệu đặc trưng của OCD vì việc một đứa trẻ sợ rằng điều gì đó có thể xảy ra với cha mẹ là điều khá bình thường.
SJG: Ý tưởng không được trấn an là rất phản trực giác. An ủi người đang lo lắng là điều nên làm, đối với khoảng 97% những người bạn gặp. Việc nói với một đứa trẻ đang lo lắng về việc đi học là điều bình thường, "Không sao đâu con yêu, không có chuyện gì xấu xảy ra đâu, con sẽ an toàn...". Nhưng trấn an thực sự không những không giúp ích gì cho OCD, mà thực ra còn làm cho nó tệ hơn.
BS: Vâng, chắc chắn rồi - cần phải hiểu rằng ở đây bạn không phải đối phó với sự lo lắng thông thường; mà bạn đang đối phó với OCD. OCD ám ảnh bệnh tật là một ví dụ điển hình. Nếu một thành viên trong gia đình lo sợ rằng sức khỏe của họ có điều gì đó không ổn, vì có một đốm nhỏ trên da hay bị đau nhức, họ đã đi khám bác sĩ và được kết luận không có dấu hiệu gì nghiêm trọng, nhưng họ vẫn tiếp tục hỏi: "Anh có nghĩ rằng tôi ổn không? Đây có phải là bệnh ung thư không?"... Xin nhớ rằng OCD không đáp ứng với sự trấn an, thậm chí làm bệnh tiến triển xấu hơn.
Đừng cắt đứt sự trấn an đối với thành viên trong gia đình cho đến khi họ được chẩn đoán mắc chứng OCD từ một chuyên gia sức khỏe tâm thần.
SJG: Mọi người khó có thể hiểu OCD nếu bản thân họ không mắc OCD. Vậy làm thế nào để bạn giúp những thành viên trong gia đình hiểu rõ bản chất của OCD?
BS: Giáo dục là chìa khóa. OCD cực kỳ phi logic. Tôi gọi OCD là "kẻ bắt nạt trong não", và nghiên cứu cho thấy OCD sẽ lấy đi bất cứ thứ gì mà một người quan tâm nhất và khiến người đó lo lắng về chính điều đó. Vì vậy, nếu ai đó yêu gia đình của họ tha thiết, họ có thể có một sự thôi thúc phải luôn kiểm tra xem gia đình mình có an toàn không, hoặc có những ám ảnh rằng họ sẽ làm hại các thành viên gia đình.
Tôi giải thích với các thành viên trong gia đình rằng điều đó là phi logic - nếu người bệnh quan tâm hay lo lắng cho ai đó, OCD sẽ ‘bắt bài’ và khiến họ lo sợ về việc họ sẽ làm hại người đó. Với kiểu giải thích này, các thành viên trong gia đình nhận ra rằng OCD hoàn toàn phi logic - suy nghĩ hợp lý không có ở OCD!
SJG: Và cố gắng thuyết phục ai đó thoát khỏi nỗi sợ hãi ám ảnh của họ chỉ là vô ích. Nó giống như nói chuyện với một người không nói được ngôn ngữ của bạn, và bạn nghĩ rằng nếu bạn cứ lặp lại và nói to hơn thì cuối cùng họ sẽ hiểu.
BS: Thật khó để người thân trong gia đình hiểu được rằng họ nên chấm dứt việc trấn an hòng thay đổi suy nghĩ của người mắc OCD. Vì vậy, giáo dục và "trị liệu gia đình" là điều cần thiết để giúp đỡ gia đình và cá nhân mắc OCD.
SJG: Các thành viên trong gia đình có thể làm gì nếu người bị OCD không muốn được điều trị?
BS: Họ có thể gặp chuyên gia tâm lý để tìm hiểu thêm về OCD. Ngoài ra còn có rất nhiều video YouTube tuyệt vời về OCD của các chuyên gia. Tự học và tìm hiểu càng nhiều càng tốt về OCD từ các nguồn thông tin. Tổ chức OCD Quốc tế (International OCD Foundation: https://iocdf.org) là nơi tốt nhất cung cấp thông tin về OCD.
SJG: Nếu bệnh nhân đang được điều trị với ERP mà người nhà phát hiện bệnh nhân không tuân thủ điều trị, họ sẽ phải làm gì? Giả sử bệnh nhân cứ lặp đi lặp lại việc rửa tay nhiều lần trong ngày?
BS: Đây là lúc bạn phải nói chuyện nghiêm túc với người mắc OCD bởi vì bạn muốn đảm bảo bệnh nhân có động lực và hy vọng cũng như hiểu rõ quy trình điều trị. Người mắc OCD sẽ cảm thấy hổ thẹn nếu người khác biết được họ các hành vi của họ đang được thúc đẩy bởi các ý nghĩ phi lý, do đó họ thường giấu triệu chứng và chịu đựng đau khổ một mình.
Chúng ta có nhiều thông tin về những cách thúc đẩy bệnh nhân tìm kiếm điều trị và bệnh nhân cảm thấy thế nào về việc các thành viên trong gia đình biết vấn đề của họ và tham gia vào điều trị. Và chúng ta đảm bảo rằng người bệnh mong muốn các thành viên gia đình tham cùng tham gia vào trị liệu. Điều này có dễ dàng không?
SJG: Rất khác nhau — một số người bệnh nói, "Nếu anh thấy tôi làm điều gì đó mà tôi không nên làm, hãy nhắc nhở tôi," và những người khác nói, "Tôi sẽ phát điên lên nếu anh làm điều đó, và nó chỉ khiến tôi lo lắng hơn, điều đó càng khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn, vì vậy đừng nói bất cứ điều gì." Vì vậy, các thành viên trong gia đình thường gặp khó khăn và sẽ thắc mắc "Tôi biết anh ấy không nên làm điều này vì nó không giúp ích gì cho anh ấy, nhưng tôi có làm mọi chuyện tồi tệ hơn nếu tôi nói điều đó với anh ấy không? "... Phản ứng rất khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân và giai đoạn điều trị.
BS: Chắc chắn rồi, và tôi nói với các gia đình điều tốt nhất nên làm là hỏi. Bạn có thể hỏi thành viên gia đình của mình, "Này, ba thấy con đang thực hiện các hành vi cưỡng chế - con có muốn ba giúp không? Con có muốn ba nhắc con rằng con không được phép làm điều đó không? Con có muốn ba nhắc con phải thực hành tiếp xúc với nỗi sợ không?" Giao tiếp là chìa khóa: Con muốn ba giúp con điều trị OCD? Và tốt hơn hết là bạn nên hỏi trước khi người đó thực hiện các hành vi cưỡng chế.
Những người mắc chứng OCD có thể bị trầm cảm. Họ cảm thấy mệt mỏi và không thể sống tiếp như thế. Lúc này bạn nên nói chẳng hạn như "ba/mẹ thấy con không được khoẻ, liệu có phải con đang bị OCD 'hành'?".
Những người bị OCD đôi khi cảm thấy tồi tệ hơn những lúc khác. Căng thẳng, thay đổi, di chuyển, một công việc mới, một khoá học mới, hoặc thậm chí đi mua sắm hoặc đi ăn tối với bạn bè — bất cứ điều gì gây căng thẳng trong cuộc sống đều có thể làm trầm trọng thêm chứng OCD. Vì vậy, nhận thức được các yếu tố kích hoạt OCD có thể giúp ích trong quá trình giao tiếp với bệnh nhân.
SJG: Dung túng của gia đình với OCD là gì và tại sao nó lại là một vấn đề trong OCD?
BS: Nếu bạn có một thành viên trong gia đình mắc chứng OCD, việc bạn muốn làm cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn là điều đương nhiên. Vì vậy, hãy sử dụng một ví dụ về việc không muốn đến trường do OCD. Các bậc cha mẹ thường cảm thấy tồi tệ khi con mình lo lắng về việc đi học - chẳng hạn như vì con mình sợ sẽ bị nhiễm bẩn ở trường hoặc tiếp xúc với bệnh tật của người khác.
Và phụ huynh có thể nghĩ, "Tất nhiên rồi - tôi sẽ đưa con mình đến trường với hộp giấy sát khuẩn, và chai nước sát trùng tay để nó có thể lau bàn, sát khuẩn tay và lau hộp cơm của nó" - và điều đó có ích trong một thời gian. Đây là sự dung túng OCD. Họ không muốn nhìn thấy con mình đau khổ nên chất đầy những thứ này cho con, hoặc thậm chí họ sẽ giữ chúng ở nhà và giúp đứa trẻ tránh khỏi tình huống gây lo sợ.
Tương tự như vậy, nếu một người lớn mắc chứng OCD không muốn vào bếp cắt rau vì họ cảm thấy ghê tởm cà chua, một thành viên trong gia đình có thể nói: "Được rồi, tôi sẽ làm việc đó cho cô." Đó cũng là dung túng OCD khiến nó đeo bám mãi và ngày càng tệ hơn . Nó giúp người đó tránh được sự lo lắng và tình huống đáng sợ. Thật không may, vì tình yêu thương, gia đình đã giúp cho người bệnh tránh né OCD. Tránh né là một hành vi cưỡng chế thường gặp, và làm xấu thêm OCD.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng gia đình càng dung túng OCD thì rối loạn ám ảnh cưỡng chế càng nặng và đáp ứng điều trị kém hơn. Làm thế nào để loại bỏ dung túng với OCD:
Với sự giúp đỡ của một nhà trị liệu am hiểu về OCD, các thành viên trong gia đình bắt đầu giảm bớt dung túng OCD một cách từ từ. Vấn đề ngừng dung túng OCD phải được thống nhất giữa tất cả các thành viên trong gia đình và thực hiện một cách nhất quán vì nếu không nó sẽ dẫn đến căng thẳng trong gia đình. Vì vậy, điều đó được thực hiện tốt nhất với một nhà trị liệu, người thực sự hiểu biết về bệnh nhân và gia đình.
SJG: Gia đình của một người mắc OCD nói rằng họ sẽ chấm dứt tiếp tay cho OCD nhưng người bệnh không muốn điều đó. Có giải pháp nào cho tình huống này không?
BS: Có một thứ gọi là "hợp đồng gia đình", trong đó các thành viên trong gia đình có thể thoả thuận với nhau, sau đó thông báo cho người mắc OCD: ví dụ: "Chúng ta sẽ không tránh lái xe vào thứ Bảy nữa" hoặc "Chúng ta sẽ sẽ không tránh lái xe dưới mưa nữa - chúng tôi thực sự sẽ làm điều đó." Và với tư cách là một nhóm, giải thích với người bệnh rằng "đây là OCD và chúng tôi sẽ không dung túng OCD. Chúng tôi đứng về phía sức khỏe. Ba mẹ sẽ không hợp tác với kẻ bắt nạt trong não của con. Ba mẹ sẽ hợp tác để giúp con tốt hơn."
SJG: Làm thế nào để giúp các thành viên trong gia đình loại bỏ sự trấn an?
BS: Trước tiên chúng tôi giáo dục họ - OCD là gì - và sau đó chúng tôi dần dần giúp họ giảm bớt sự trấn an. Khi mới bắt đầu liệu pháp ERP, bệnh nhân thường phải thực hành hai lần mỗi ngày, mỗi lần từ 15 đến 20 phút. Trong khoảng thời gian đó, thành viên gia đình có thể làm điều ngược lại với sự trấn an - đó là một phần của quá trình điều trị.
Và họ cố gắng làm điều đó một hay hai lần mỗi ngày, rồi dần dần kéo dài thời gian nói không với trấn an. Rồi không trấn an trong hai đến ba giờ, cả ngày, trong hai hoặc ba ngày. Đó là cách tốt nhất để tăng dần sự không trấn an. Tôi đã rất thành công khi các bậc cha mẹ thực hiện cách này với con cái của họ- nó thực sự hiệu quả.
Các nhà trị liệu khác nhau có những cách tiếp cận khác nhau để loại bỏ sự trấn an và cách thức cụ thể cũng có thể phụ thuộc vào bản chất của OCD. Một số nhà trị liệu thích cách tiếp cận đột ngột, khuyến khích người mắc chứng OCD yêu cầu các thành viên trong gia đình họ không đưa ra bất kỳ sự trấn an nào khi quá trình điều trị tích cực đã bắt đầu. Sự trấn an mất tác dụng của liệu pháp ERP, kéo dài thời gian điều trị và trì hoãn quá trình phục hồi. Lý tưởng nhất là người mắc chứng OCD sẽ đi tiên phong bằng cách không yêu cầu trấn an, và gia đình hiểu phải làm gì nếu người đó nhượng bộ và yêu cầu trấn an.
Ngoài ra, có thể loại bỏ dần biện pháp trấn an dựa trên từng loại biện pháp trấn an - ví dụ: có thể việc trấn an về việc bị nhiễm khuẩn là dễ từ bỏ nhất, trong khi việc loại bỏ việc trấn an về việc trở thành một người tồi tệ sẽ cần phải đợi đến giai đoạn điều trị sau. Điều quan trọng là tìm ra sự cân bằng trong đó các hành vi cưỡng chế OCD được loại bỏ càng nhanh càng tốt, với nhịp độ mà người đó có thể chịu đựng được.
SJG: Đối với những gia đình đang phải đối mặt với OCD, có nhiều lý do để hy vọng. Vì vậy, bạn có thể cho một ví dụ về việc các thành viên gia đình cùng nhau vượt qua OCD.
BS: Tôi xin chia sẻ một trường hợp. Tôi đã làm việc với cha mẹ của một đứa trẻ 10 tuổi có em nhỏ hơn trong gia đình, và đứa trẻ sẽ từ chối ăn một số loại thức ăn nhất định, bởi vì bé cảm thấy những thức ăn đó bị nhiễm bệnh. Chúng tôi mời cả cha mẹ và bé cùng tham gia và giáo dục họ về OCD. Và một trong những điều thú vị mà chúng tôi đã làm là yêu cầu họ mang đến tất cả những món mà họ thích ăn, và có đến 20 món mà đứa trẻ này mang đến. Lúc đầu, cả nhà chỉ ăn hai món, và trong một khoảng thời gian rất ngắn - hai tháng - họ đã ăn hết mọi thứ.
SJG: Tôi thích ví dụ này vì nó thực sự cho thấy việc điều trị đúng cách có thể có tác động thay đổi cuộc sống không chỉ đối với người mắc chứng OCD mà còn đối với gia đình.
Thanh Nguyễn
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.