Các điều kiện về sinh tồn cơ bản như nước, không khí, thức ăn và nơi ở là những nhu cầu thiết thực của con người. Những nhu cầu về vật chất này khi được đáp ứng sẽ giúp bạn sống sót, nhưng để mang lại ý nghĩa cuộc sống thì bạn sẽ cần nhiều hơn. Có những thứ bạn chẳng thể nhìn thấy hay chạm vào như tình cảm, sự an toàn, sự đồng hành… cũng có giá trị không hề nhỏ. Tương tự như cảm giác được lắng nghe hay được công nhận.
Trong một mối quan hệ, sức mạnh sẽ được phát huy và tạo ra sự khác biệt không hề nhỏ khi cả hai đáp ứng được nhu cầu của đối phương. Mặc dù mỗi mối quan hệ đều có những sự khác biệt, nhưng có những nhu cầu cảm xúc được xem như điểm khởi đầu và thước đo để đánh giá bạn và người yêu hay bạn đời có đang nhận được những gì mình cần hay không, theo các chuyên gia.
10 Nhu Cầu Về Cảm Xúc Thiết Thực Trong Các Mối Quan Hệ
Sự yêu thương
Hầu hết các mối quan hệ đều có những sự biểu hiện về tình cảm khác nhau như:
- Sự đụng chạm cơ thể
- Quan hệ thân mật
- Những lời yêu thương
- Cử chỉ tử tế
Những biểu hiện tình cảm này giúp bạn gắn kết và tăng sự gần gũi.
Không phải tất cả mọi người sẽ thể hiện tình cảm theo những cách giống nhau, nhưng mỗi người đều có những cách tiếp cận độc đáo để đáp ứng nhu cầu của riêng mình. Ví dụ, một người không nói “anh yêu em” sẽ có những cách thể hiện sự quan tâm thông qua hành động của mình.
Nếu mức độ tình cảm trong mối quan hệ đột ngột thay đổi, bạn có thể sẽ bắt đầu lo lắng. Nhiều vấn đề trong mối quan hệ xuất phát từ việc thiếu thốn tình cảm và khá dễ hiểu khi bạn tự đặt câu hỏi tại sao một người bạn đời từng gắn bó lại có vẻ xa cách hay tránh tiếp xúc gần gũi như vậy. Nếu họ có vẻ ít thể hiện tình cảm hơn bình thường, thì trò chuyện là cách dễ dàng nhất để tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề. Hãy nhớ rằng, bạn sẽ không biết điều gì đang xảy ra nếu không chia sẻ với nhau một cách rõ ràng.
Sự chấp nhận và hiện diện trong cuộc sống
Biết được người yêu hay bạn đời chấp thuận mình sẽ giúp tạo ra cảm giác thân thuộc và hiện diện trong mối quan hệ. Tuy nhiên, đó không chỉ là cảm giác chấp nhận đơn thuần, mà đó có nghĩa như bạn cảm thấy bạn có thể hòa hợp với người thân của họ và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Sự chấp thuận và hiện diện trong cuộc sống sẽ tăng lên khi họ:
- Giới thiệu bạn với gia đình và bạn bè
- Lên kế hoạch những việc sẽ làm cùng nhau
- Chia sẻ ước mơ và mục tiêu cho tương lai
- Cần lời khuyên của bạn khi đưa ra quyết định
Nếu bạn không cảm thấy được chấp nhận và có cảm giác thân thuộc như vậy, bạn sẽ thấy như mình đang lơ lửng ở mọi góc cạnh trong cuộc sống của họ. Tương tự, cảm giác không thân thuộc sẽ khiến bạn khó nhìn nhận ra vai trò của bản thân trong một mối quan hệ lâu dài.
Đây là một phép thử nên tiến hành. Nếu chưa từng, hãy bày tỏ mong muốn được gặp gỡ bạn bè và gia đình của họ. Hãy sử dụng điều này để mở đầu cuộc trò chuyện về cách bạn muốn chia sẻ nhiều hơn vào cuộc sống của họ.
Sự đồng thuận
Ngay cả những cặp đôi thân thiết nhất cũng không phải lúc nào cũng hòa thuận với nhau và điều đó chẳng sao cả. Tuy nhiên, bạn vẫn luôn muốn biết về sự quan tâm và thấu hiểu của họ dành cho mình.
Theo một nghiên cứu từ năm 2016, hầu hết các cặp vợ chồng đều nhận thấy điều quan trọng là phải có cùng tần sóng với nhau. Khi người yêu hay bạn đời không đồng ý với quan điểm của bạn, bạn có thể cảm thấy buồn. Nếu họ gạt bỏ hoàn toàn cảm xúc của bạn, bạn sẽ cảm thấy bị phớt lờ và không được tôn trọng.
Nếu như chỉ một hay hai lần, có thể họ chỉ đang bất đồng với bạn. Bạn nên trò chuyện để chia sẻ cảm giác của mình. Nhưng nếu bạn liên tục cảm thấy không được lắng nghe, bạn sẽ dần tích tụ nỗi thất vọng và sự giận dỗi. Vậy nên tốt nhất là bạn nên giải quyết vấn đề sớm nhất có thể.
Sự tự chủ
Khi một mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn, mọi người thường bắt đầu chia sẻ sở thích, hoạt động và các khía cạnh khác trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể nhận thấy rằng hai bạn đang dần trở nên gắn kết hơn khi cùng nhau đưa ra những quyết định quan trọng.
Nhưng cho dù mối quan hệ có trở nên bền chặt đến đâu, điều cần thiết là bạn luôn phải duy trì sự tự chủ của bản thân mình. Mặc dù có nhiều điểm chung, nhưng bạn là một cá thể riêng biệt với những mục tiêu, sở thích, bạn bè và giá trị riêng.
Nếu như sự tự chủ của bạn bắt đầu trở nên mờ nhạt, hãy lùi lại một bước để xem xét tình hình. Sự hòa hợp giữa bạn và đối tác sẽ xảy ra một cách tự nhiên khi không còn khoảng cách như lúc ban đầu, nhưng cũng có thể xảy ra khi bạn tin rằng bạn cần trở nên giống họ hơn để có một mối quan hệ bền chặt.
Trên thực tế, việc duy trì sở thích cá nhân sẽ khơi dậy sự tò mò về nhau. Và điều này sẽ củng cố mối quan hệ của bạn và giữ được trạng thái luôn vui vẻ. Nếu bạn đang đánh mất dần bản thân mình trong một mối quan hệ, hãy dành chút thời gian để kết nối lại với bạn bè và bắt đầu lại những sở thích cũ.
Sự an toàn
Một mối quan hệ lành mạnh nên tạo cảm giác an toàn, nhưng sự an toàn có thể mang nhiều ý nghĩa. Nếu bạn cảm thấy an toàn trong mối quan hệ của mình, bạn thường:
- Biết tôn trọng ranh giới của nhau
- Cảm thấy thoải mái khi chia sẻ cảm xúc
- Cảm thấy yên tâm khi ở bên cạnh nhau
- Tin rằng họ ủng hộ sự lựa chọn của bạn
- Đặt ra ranh giới để tôn trọng sự riêng tư và tạo cảm giác an toàn
Sự lạm dụng về mặt thể chất thường dễ nhận ra nhưng lạm dụng trong tình cảm thì khó hơn và còn khiến bạn cảm thấy không an toàn nữa, ngay cả khi bạn không hiểu lý do tại sao. Hãy đặt cho nhau những giới hạn, quy tắc riêng để bảo vệ sự an toàn của mình.
Sự tin tưởng
Sự an toàn và tin tưởng thường đi kèm với nhau. Thật khó để cảm thấy an toàn về thể chất hoặc tình cảm với người mà bạn không thể tin tưởng. Khi bạn tin tưởng ai đó, bạn biết họ cũng đang quan tâm đến bạn.
Nếu như bạn bắt đầu nghi ngờ họ, hãy chỉ ra những hành vi cụ thể. Điều này giúp bạn hiểu rõ về những gì đang diễn ra dựa trên nhu cầu giao tiếp.
Không phải chỉ trong phút chốc mà bạn đã tin tưởng ai đó. Bạn vun đắp nó theo thời gian, nhưng cũng có thể đánh mất chỉ trong chốc lát. Niềm tin tan vỡ đôi khi có thể khắc phục được, nhưng điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai phía.
Hãy thỏa thuận cùng nhau cách xử lý nếu một trong hai vi phạm niềm tin trong mối quan hệ. Mặc dù câu trả lời cụ thể có thể thay đổi tùy theo bối cảnh của tình huống, nhưng bạn sẽ biết rõ về những hành vi mà bạn không thể chấp nhận, như không chung thủy hoặc nói dối. Đừng cảm thấy tội lỗi khi kể cho người yêu hay bạn đời biết về những ví dụ của những người từng phá vỡ thỏa thuận đó.
Sự đồng cảm
Sự đồng cảm sẽ giúp bạn trân trọng cảm giác của người còn lại. Đây là điều rất cần thiết trong các mối quan hệ lãng mạn vì nó giúp hai người hiểu nhau và xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn.
Ví dụ như nếu người ấy quên sinh nhật của bạn, bạn sẽ cảm thấy tức giận và tổn thương. Sau nhiều năm bên nhau, tại sao họ có thể quên được trong khi bạn thì chưa từng? Nhưng sau cảm giác tức giận và thất vọng ban đầu, bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ về cảm giác của họ. Gần đây, họ đang gặp khó khăn trong công việc và sự lo lắng bắt đầu ảnh hưởng đến giấc ngủ. Hay hầu hết năng lượng cảm xúc của họ đều dồn vào việc lập kế hoạch cho một dự án lớn quan trọng.
Với tất cả những điều đó, sau những suy luận thấu đáo, bạn sẽ cảm thấy dễ hiểu hơn vì sao họ đã lỡ quên ngày sinh nhật của bạn. Bạn biết đó không phải là sự cố ý và họ cũng đang cảm thấy rất có lỗi.
Sự thấu hiểu hoàn cảnh của họ giúp bạn chấp nhận những gì đã xảy ra và đem đến cho bạn lòng trắc ẩn cùng sự tha thứ. Điều này sẽ xóa tan đi khoảng cách giữa cả hai. Mặt khác, tiếp tục giận dỗi càng dẫn đến tranh cãi và khiến hai bạn rời xa nhau theo nhiều cách khác.
Sự ưu tiên
Việc muốn người yêu hoặc bạn đời đặt mình trở thành ưu tiên hàng đầu là điều rất bình thường.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có một vài (hoặc nhiều) mối quan hệ. Đôi khi, một ai đó trong cuộc sống của họ có thể được ưu tiên hơn như một người bạn đang trải qua cơn khủng hoảng, hay một thành viên trong gia đình đang trong một giai đoạn khó khăn.
Nếu như bạn cảm thấy mình không phải là sự ưu tiên của họ trong cuộc sống, bạn sẽ thấy như thể họ không thực sự coi trọng sự hiện diện của bạn. Điều này khiến bạn tự hỏi tại sao họ thậm chí còn bận tâm đến mối quan hệ này.
Giải pháp hữu hiệu nhất chính là một cuộc nói chuyện. Đầu tiên, hãy đề cập đến lý do tại sao bạn không cảm thấy được ưu tiên - hãy nói theo cách nhẹ nhàng nhất để tránh mang tính chất phán xét. Đó là khi họ không trả lời tin nhắn của bạn trong ngày nhưng lại thường xuyên thức khuya để trò chuyện cùng bạn bè? Sau đó, hãy đề xuất một giải pháp khả thi, như luôn trả lời tin nhắn vào mỗi tối hoặc trò chuyện qua điện thoại, hay một cuộc hẹn hò thông thường với thời gian cố định.
Sự kết nối
Bạn sẽ luôn muốn kết nối cùng người yêu hoặc bạn đời. Điều đó là hoàn toàn dễ hiểu. Một mối quan hệ để làm gì, nếu không phải để sẻ chia cuộc sống của nhau?
Nếu không có sự kết nối, bạn sẽ cảm thấy cô đơn ngay cả khi dành phần lớn thời gian cho nhau. Có vẻ như hai người chỉ tình cờ chia sẻ không gian sống hoặc đôi khi dành thời gian cho nhau. Đó không phải là cách bạn muốn mối quan hệ của mình tiến triển.
Tin tốt là nếu thiếu cảm giác kết nối, bạn hoàn toàn có thể kết nối lại và tương tác với họ một lần nữa. Đây là một số lời khuyên hữu ích:
- Đề xuất một hoạt động mới để thử cùng nhau.
- Thoát khỏi những thói quen thông thường bằng cách thực hiện một chuyến đi trong ngày hoặc cuối tuần.
- Chia sẻ những kỷ niệm hoặc bí mật từ thời thơ ấu để gắn kết với nhau hơn.
Không gian riêng
Sự kết nối là quan trọng và không gian cũng vậy. Không gian trong một mối quan hệ có nghĩa là hai bạn đều có quyền tự do làm việc riêng khi mình muốn. Bạn cảm thấy được hỗ trợ nhưng bạn vẫn biết rằng mình hoàn toàn có thể tự đưa ra lựa chọn cho riêng mình. Điều đó cũng có nghĩa là bạn vẫn được hưởng một số quyền riêng tư. Sự riêng tư chính là không gian riêng biệt để làm việc hay thư giãn tại nhà và cũng có nghĩa là sự riêng tư về mặt cảm xúc.
Thành thật không có nghĩa là bạn cần chia sẻ mọi thứ trong đầu. Ví dụ như, nếu bạn cảm thấy khó chịu, bạn cần có không gian thoải mái về cả thể chất và cảm xúc để giải quyết những suy nghĩ của mình theo cách lành mạnh mà không làm ảnh hưởng đến người yêu hay bạn đời của mình.
Hãy thử cân nhắc những giải pháp sau:
- Dành một chút thời gian cho riêng mình mỗi ngày.
- Tạo không gian riêng cho chính mình ngay tại nhà, dù là một căn phòng riêng biệt hay chỉ là một góc nhỏ.
- Dành nhiều thời gian bên ngoài hơn.
Một Số Điều Cần Lưu Ý
Trước khi đi sâu vào một số nhu cầu cảm xúc chính trong một mối quan hệ, hãy cân nhắc những điều sau:
Nhu cầu về tình cảm không phải là điều khó tránh khỏi
Bạn có thể có những nhu cầu khác nhau trong suốt cuộc đời và nhu cầu của bạn cũng có thể thay đổi trong một mối quan hệ. Điều này có thể xảy ra khi bạn tìm hiểu thêm về bản thân thông qua sự phát triển cá nhân hoặc sự phát triển của mối quan hệ mà bạn đang có. Việc thích nghi theo thời gian là điều hoàn toàn bình thường, thậm chí bạn còn có thể phát hiện ra những nhu cầu mà bạn chưa từng có trước đây. Những kinh nghiệm trong quá khứ cũng có khả năng tác động đến sự thay đổi của bạn. Ví dụ như, kinh nghiệm của bạn trong các mối quan hệ trước đây sẽ cho phép bạn biết rằng sự giao tiếp thực sự quan trọng như thế nào.
Mỗi người sẽ có những nhu cầu khác nhau
Một lần nữa cần phải nhắc lại, rằng nhu cầu tình cảm ở mỗi người là khác nhau. Ví dụ, có người sẽ coi trọng sự sở hữu hơn là tình cảm, hoặc cần sự tin tưởng hơn là những ham muốn. Vậy nên, bạn có thể ưu tiên những điều nhất định như sự quan tâm và kết nối, trong khi người yêu hay bạn đời lại coi trọng quyền riêng tư và độc lập hơn. Điều này không có nghĩa là mối quan hệ của bạn đã kết thúc. Nhưng bạn cần phải nỗ lực hơn nữa để trao đổi nhu cầu và thảo luận để đáp ứng hài hòa giữa hai phía.
Không ai có nghĩa vụ phải đáp ứng nhu cầu của bạn
Nhu cầu tình cảm đóng một phần quan trọng trong mọi mối quan hệ. Nếu được đáp ứng, bạn sẽ cảm thấy hài lòng, phấn khích hoặc vui vẻ. Mặc khác, nếu không được đáp ứng, bạn sẽ thấy thất vọng và tổn thương. Một số nhu cầu như sự tin tưởng và giao tiếp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả của mối quan hệ. Nếu không có sự tin tưởng và cởi mở, mối quan hệ sẽ chẳng thể tồn tại lâu dài.
Nhưng một khi người yêu hay bạn đời không thể đáp ứng nhu cầu của bạn, bạn không nên mong đợi họ làm như vậy. Ngay cả trong một mối quan hệ lãng mạn, điều quan trọng là hãy tự khám phá ra cách để đáp ứng nhu cầu, cho dù là của chính bạn hay của người yêu.
Lời Nhắn Nhủ
Như bạn đã thấy, việc đáp ứng các nhu cầu trong các mối quan hệ đều gắn kết với cách giải quyết vấn đề. Chìa khóa chính là nằm ở việc giao tiếp tốt. Thảo luận về nhu cầu của bạn với bạn đời hay người yêu chính là cách tốt nhất để bắt đầu. Nếu không thể giao tiếp, bạn sao có thể khám phá được nhu cầu cùng nhau? Hãy tìm một không gian an toàn, không bị phán xét để bắt đầu trò chuyện với nhau về những mối quan tâm của cả hai và xóa tan đi khoảng cách.
About the author
Ngọc Anh