Làm thế nào để vượt qua tình trạng kiệt sức do công việc?

SỰ NGHIỆP & TÀI CHÍNH

Làm thế nào để vượt qua tình trạng kiệt sức do công việc?

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Làm thế nào để vượt qua tình trạng kiệt sức do công việc?

Bạn có phải vật lộn để lê mình ra khỏi giường vào buổi sáng mỗi ngày và dành tám giờ tiếp theo để ước rằng bạn đang ở bất cứ nơi nào khác ngoài văn phòng? Và bạn có về nhà, nằm dài trên ghế sofa, xem phim và ăn uống, nhưng sau đó cả đêm trằn trọc trên giường? Nếu bạn trả lời "có", thì bạn có thể đang đối mặt với tình trạng kiệt sức mà không hề nhận ra. 


Và bạn không đơn độc: rất nhiều người đang phải trải qua tình trạng kiệt sức tại nơi làm việc trước khi họ bước sang tuổi 30! Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và tăng các nguy cơ với sức khỏe, bao gồm các bệnh tim mạch, trầm cảm...


Dưới đây là danh sách các mẹo để giúp bạn chống lại tình trạng kiệt sức tại nơi làm việc và tìm thấy sự cân bằng lý tưởng giữa công việc và cuộc sống.


Biết cách xác định tình trạng kiệt sức


Bạn không chỉ thức dậy một ngày và đột nhiên cảm thấy kiệt sức. Việc này diễn ra âm thầm, khó nhận ra và tăng dần theo thời gian. Hãy xác định tình trạng của bạn qua các dấu hiệu:


  1. Thường xuyên cảm thấy kiệt sức và không có năng lượng.
  2. Căng cơ, đau mỏi và mất ngủ.
  3. Hay quên, khó tập trung, thường xuyên cảm thấy đầu óc quay cuồng và không thể hoàn thành công việc. Đánh mất mục tiêu của bản thân.
  4. Cảm thấy chán nản, luôn tự trách móc bản thân.
  5. Thấy quá tải kể cả với các công việc hàng ngày như xếp hàng mua sắm.
  6. Không còn hứng thú với các hoạt động mà bạn đã từng yêu thích.
  7. Dễ bực bội, cáu kỉnh. Khó duy trì các mối quan hệ.


Sắp Xếp Thời Gian Và Công Việc Linh Hoạt


Bạn có thể thảo luận với sếp về mong muốn có thời gian làm việc linh hoạt hoặc có thể làm việc từ xa. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sự linh hoạt tại nơi làm việc thường giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn và hạnh phúc hơn. Đặc biệt nếu bạn đang bị kiệt sức, bạn càng cần hỗ trợ để chăm sóc sức khỏe và quản lý khối lượng công việc của mình một cách hiệu quả.


Sắp Xếp Thứ Tự Ưu Tiên


Khả năng xác định và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các nhiệm vụ quan trọng là điều cần thiết trong môi trường làm việc. Một số việc cần hoàn thành ngay, nhưng những việc khác có thể đợi cho đến khi bạn có thêm thời gian và năng lượng. Quyết định nhiệm vụ nào ít quan trọng hơn và đặt chúng sang một bên. Dành 10 phút mỗi ngày để ưu tiên danh sách việc cần làm của bạn sẽ tạo nên sự khác biệt.


Thiết Lập Các Mối Quan Hệ Mới


Thông thường, những người xung quanh có thể có ảnh hưởng rất lớn đến bạn. Christina Maslach và Michael P Leiter - đồng tác giả của cuốn sách "Conquer Burnout" đã nói rằng "nhận được những rung cảm tốt từ người khác là một trải nghiệm nâng cao tinh thần, nhưng cũng chính là cách bạn lan tỏa năng lượng tới mọi người". Nếu những người bạn cùng làm không có lợi cho sức khỏe của bạn, hãy tìm những đồng nghiệp tích cực hơn để giúp bạn tràn đầy năng lượng suốt cả ngày.


Ngồi Thiền


Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng thiền chánh niệm tạo ra những tác động tích cực lâu dài đến sức khỏe tâm lý của chúng ta, giảm lo lắng, căng thẳng và các rối loạn tâm thần khác. Do đó, bạn nên bắt đầu một ngày mới bằng cách dành ít nhất 10 phút để thiền định và giải phóng tâm trí và cơ thể của bạn khỏi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.


Thay Đổi Không Gian Làm Việc


Đôi khi, thay đổi nhỏ như di chuyển bàn làm việc, trang trí hoặc thậm chí thêm một vài chậu cây vào không gian là những gì bạn cần để kích thích trí não và khắc phục tình trạng kiệt sức. Hãy thử ngồi cạnh cửa sổ có khả năng tiếp cận nhiều không khí trong lành và ánh sáng mặt trời.



Dành thời gian nghỉ ngơi


Đôi khi, một kỳ nghỉ dài thoải mái là tất cả những gì bạn cần để sạc lại pin và vượt qua cảm giác kiệt sức. Nhắc nhở bản thân rằng bạn không cần phải trở nên hoàn hảo và mình luôn cần được nghỉ ngơi. Bạn có một kỳ nghỉ phép hàng năm, hãy sử dụng nó khi bạn thực sự cần.


Đặt Mục Tiêu 


Bằng cách đặt cho mình những mục tiêu thực tế, bạn có động lực để gắn bó với công việc và tiến lên trong sự nghiệp. Khi bạn cảm thấy hài lòng khi đạt được mục tiêu nhỏ, nó sẽ giúp bạn đặt ra và hướng tới các mục tiêu khác.


Điều Chỉnh Thái Độ


Nếu bạn trở nên hoài nghi trong công việc, bạn có thể cần phải điều chỉnh cách nhìn của mình. Đánh giá lại những gì bạn thích ở công việc của mình và tập trung vào những mặt tích cực mà bạn đã phát hiện ra khi đảm nhận vị trí này. Hãy nhớ điều gì làm bạn hạnh phúc.


Nghỉ Giải Lao Thường Xuyên


Để tránh căng thẳng và các hội chứng bệnh văn phòng, đừng bao giờ ngồi trước màn hình máy tính liên tục hàng giờ đồng hồ. Bạn nên đứng dậy khỏi ghế để giãn cơ, tập vài động tác thể dục hoặc trò chuyện với đồng nghiệp...


Thiết Lập Ranh Giới


Bạn có tiếp tục nhận thêm công việc khiến mình quá tải chỉ để cố gắng chứng tỏ bản thân? Hãy tự hỏi bản thân nếu bạn thực sự có thời gian và năng lượng. Cân nhắc xem việc làm đó có mang lại giá trị cho bạn hay không. Một phần của việc thiết lập ranh giới cũng liên quan đến việc học cách nói không đúng lúc.


Với những tiến bộ công nghệ ngày nay, việc chấm dứt công việc ngay khi hết giờ trong ngày là điều cực kỳ khó khăn. Nếu bạn có kết nối email công việc với điện thoại cá nhân của mình, bạn sẽ muốn kiểm tra chúng trên đường đi làm về nhà và thậm chí ngay khi thức dậy vào buổi sáng. Điều quan trọng là phải tránh điều này nhiều nhất có thể, hãy tách biệt công việc khỏi cuộc sống cá nhân của bạn.


Tìm Người Chia Sẻ


Chia sẻ với một người thân đáng tin cậy có thể giúp bạn cảm thấy được hỗ trợ và bớt cô đơn hơn. Bạn bè, thành viên gia đình có thể giúp bạn suy nghĩ về các giải pháp khả thi. Họ ở đủ gần cuộc sống của bạn để có thể hiểu được điều gì phù hợp với bạn nhưng vẫn có đủ khoảng cách để xem xét tình hình một cách rõ ràng.


Mở lòng với mọi người về nỗi đau khổ mà bạn đang trải qua có thể cần một chút can đảm, đặc biệt là khi bạn lo lắng mọi người sẽ có đánh giá không tốt về bạn.


Hoặc bạn nên tìm tới một đồng nghiệp có kinh nghiệm hoặc người có khả năng kiểm soát căng thẳng. Họ có thể cho bạn lời khuyên về cách thực hiện công việc hiệu quả hơn cũng như quản lý cảm xúc trong môi trường làm việc căng thẳng.


Bạn cũng có thể thảo luận các vấn đề sức khỏe của mình với bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu, họ sẽ giúp bạn nhận ra gốc rễ và hướng dẫn bạn cách khắc phục nó.


Tạo Niềm Vui Ngoài Công Việc


Tìm một hoạt động mà bạn yêu thích ngoài giờ làm việc có thể mang lại cho bạn điều gì đó đáng mong đợi và sẽ khiến ngày của bạn trôi qua nhanh hơn. Đó có thể là bất cứ điều gì từ việc gặp gỡ bạn bè, trồng cây hoặc tham gia một lớp học Yoga. Hãy dành thời gian cho những hoạt động này hàng tuần và duy trì thói quen này ngay cả khi bạn cảm thấy yêu bản thân hơn.



Ngắt Kết Nối Khỏi Mạng Xã Hội


Rất có thể bạn dành hàng giờ để lướt qua Facebook và Instagram để xem những người có ảnh hưởng thành công sống một lối sống xa hoa và điều hành một công việc kinh doanh thành công, điều này thường có thể khiến bạn đặt câu hỏi về lựa chọn cuộc sống của chính mình và khiến bạn căng thẳng. Vì vậy, để tránh những cảm giác này, hãy ngắt kết nối với mạng xã hội và dành một chút thời gian vào buổi tối để tập trung vào việc phát triển bản thân.


Thay Đổi Chế Độ Ăn Uống Và Sinh Hoạt


Thực phẩm bạn ăn có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và mức năng lượng của bạn. Mặc dù ban đầu một món ăn có đường và đồ ăn vặt sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu, nhưng nó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe về sau này. Để giữ cho năng lượng của bạn luôn ổn định trong suốt cả ngày, bữa ăn nhẹ nên thay thế bằng những thực phẩm lành mạnh và cân bằng.


Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn giải tỏa những căng thẳng, sảng khoái về tinh thần và thể chất.


Bên cạnh đó, ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến kiệt sức. Hãy dành thời gian cho giấc ngủ ngon.


Cân Nhắc Chuyển Đổi Công Việc


Bất chấp những nỗ lực hết mình, đôi khi bạn không thể thay đổi tình trạng kiệt sức tại nơi làm việc. Có thể sếp của bạn vẫn tiếp tục chất đống công việc, bất chấp việc bạn yêu cầu đồng nghiệp giúp đỡ hoặc thời gian hoàn thành các dự án hiện tại trước. Vậy đã đến lúc bạn nên cân nhắc tìm kiếm một công việc mới phù hợp với khả năng hoặc chuyển đổi nghề nghiệp hoàn toàn.


Khi nói đến nơi làm việc, điều quan trọng là không để áp lực công việc ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Hãy làm theo các mẹo sau để biết cách đối phó với tình trạng kiệt sức ở nơi làm việc trước khi quá muộn. Bạn hiện đang đối phó với tình trạng kiệt sức tại nơi làm việc? Bạn đang đối phó và nỗ lực vượt qua nó như thế nào? Hãy chia sẻ cùng Her!

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!