Lưu ý lời khuyên từ bác sĩ để đi du lịch vừa khỏe vừa vui

SỐNG KHỎE

Lưu ý lời khuyên từ bác sĩ để đi du lịch vừa khỏe vừa vui

authorBy Đỗ Hạnh Trang
Share on
Share on
Lưu ý lời khuyên từ bác sĩ để đi du lịch vừa khỏe vừa vui


Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 đang đến gần. Chắc hẳn bạn đã có kế hoạch đi chơi xa cùng gia đình. Tuy nhiên, làm thế nào để đi du lịch vừa an toàn vừa vui vẻ khi đại dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ? Tất tần tật những bí quyết bảo vệ sức khỏe khi đi du lịch sẽ được mình tiết lộ trong bài viết dưới đây.


Vì Sao Cần Chú Ý Sức Khỏe Khi Đi Du Lịch?


Khi đi du lịch, thời tiết, thức ăn và thói quen sinh hoạt của bạn sẽ thay đổi. Chênh lệch nhiệt độ và thời tiết quá lớn giữa nơi bạn sống và địa điểm du lịch có thể khiến cơ thể bạn chưa kịp thích nghi nên dễ bị say nắng, cảm lạnh. Thức ăn không hợp khẩu vị (quá cay, quá ngọt, quá mặn…) hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Cơ thể bạn cũng sẽ mệt mỏi khi phải di chuyển trên ô tô, máy bay quá lâu. Đối tượng thường phải đối mặt với những rối loạn sức khỏe này là trẻ em. 


Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều mối nguy với sức khỏe. Sau khi tham dự lễ hội Kumbh Mela mà không tuân thủ biện pháp phòng chống dịch bệnh, cơn bão Covid-19 đã bùng phát và đánh sập nền y tế Ấn Độ. Hơn 1.000 người nhiễm corona virus chỉ trong 48h sau khi lễ hội kết thúc. Mỗi ngày, có 350.000 ca mắc mới và gần 3.000 người tử vong vì Covid-19 tại Ấn Độ. Những lò hỏa táng hoạt động hết công suất, bệnh nhân nằm dài ngoài cổng bệnh viện vì không đủ chỗ, nhân viên y tế cấp cứu trực tiếp trên xe taxi… tất cả những tin tức và hình ảnh đau lòng đó là minh chứng cho hậu quả nặng nề khi lơ là phòng chống dịch bệnh.


Hiện nay, tình hình Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát. Nhưng không có nghĩa là bạn được phép chủ quan. Tụ tập đông người ở địa điểm du lịch, hành trình di chuyển phức tạp kèm theo ý thức phòng chống dịch kém sẽ dẫn tới bùng phát dịch bệnh. Bạn hãy áp dụng những biện pháp dưới đây để có một kỳ nghỉ vừa mạnh khỏe vừa nhiều niềm vui nhé!



Bảo Vệ Sức Khỏe Của Cả Gia Đình


Trước khi đi du lịch, bạn hãy kiểm tra thời tiết và tình hình dịch bệnh tại địa phương. Những ngày sắp tới Nha Trang nắng hay mưa, nhiệt độ ở Đà Lạt bao nhiêu, có đối tượng nghi ngờ Covid-19 nào mới phát hiện tại Đà Nẵng không, Thành phố Hồ Chí Minh đang có dịch sốt xuất huyết không?... Tất cả những thông tin hữu ích đó sẽ giúp bạn chuẩn bị hành lý đầy đủ cho chuyến du lịch.


Chuẩn bị quần áo, phụ kiện cần thiết. Tùy thuộc vào thời tiết và địa hình của địa điểm du lịch, bạn hãy lựa chọn quần áo và phụ kiện phù hợp. Kính râm, mũ rộng vành, kem chống nắng rất cần thiết nếu bạn đi biển. Quần áo dài tay, giày chống trơn trượt, thuốc xịt muỗi sẽ là lựa chọn thông minh nếu gia đình bạn quyết định đi du lịch vùng núi rừng.


Mang theo thuốc và đồ dùng y tế không bao giờ là thừa. Bạn nên chuẩn bị nước muối sinh lý (có thể nhỏ mắt, nhỏ mũi, rửa vết thương), oxy già hoặc betadine, bông băng, urgo, thuốc chống say tàu xe, paracetamol (giúp hạ sốt, giảm đau) trong hành lý du lịch của cả gia đình.



Đề Cao Cảnh Giác Với Dịch Bệnh Covid-19


Giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, tương đương với 2 cánh tay. Mặc dù hiện nay chính phủ Việt Nam không yêu cầu giãn cách xã hội. Nhưng để chủ động bảo vệ sức khỏe gia đình, bạn vẫn nên hạn chế tham dự và thăm quan các lễ hội, di tích, địa điểm vui chơi đông người. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn những địa điểm, hàng quán có không gian thoáng đãng.


Đeo khẩu trang là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ bạn và những người xung quanh. Hãy đeo khẩu trang khi di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng và tới thăm những địa điểm đông người. Nên lựa chọn khẩu trang vải thoáng khí, ôm sát khuôn mặt và che kín mũi.


Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi trở về khách sạn là biện pháp đơn giản giúp bạn loại bỏ vi khuẩn, virus trên tay. Bạn nên rèn luyện cho cả gia đình thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và tuân thủ đầy đủ các bước dưới đây.



Bạn nên ghi chép lịch trình di chuyển của cả gia đình. Biện pháp này giúp bạn xác định mình có phải đối tượng F1 – F3 hay không và thuận lợi hơn khi khai báo y tế.


Theo dõi tin tức trước, trong và sau chuyến du lịch. Để đảm bảo an toàn cho gia đình, nếu sát ngày đi du lịch, các phương tiện truyền thông đưa tin có ca mắc mới hoặc nghi ngờ, bạn nên hoãn chuyến đi. Khi đi du lịch, hãy liên tục cập nhật tin tức dịch bệnh để tránh những địa điểm phong tỏa. Sau khi kết thúc chuyến đi, bạn vẫn nên theo dõi tin tức để khai báo y tế và tự cách ly nếu cần thiết.


Theo dõi sức khỏe sau chuyến du lịch. Trong vòng 2 tuần sau khi đi du lịch, bạn nên theo dõi sát sức khỏe của cả gia đình. Nếu phát hiện triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi… hãy đến trung tâm y tế để khám, xét nghiệm và khai báo trung thực. 


Hi vọng những bí quyết trên hữu ích với bạn. Chúc bạn và gia đình có kỳ nghỉ 30/4 – 1/5 nhiều niềm vui, sức khỏe và ý nghĩa!

About the author

Hạnh Trang là bác sĩ nhưng không theo đuổi màu áo blouse trắng. Cô quyết định trở thành cây viết tự do về sức khỏe. Thay vì kê đơn chữa bệnh, cô muốn dùng kiến thức y học và con chữ để giúp mọi người sống khỏe mạnh theo đúng định nghĩa của nó: đủ đầy về thể chất, tinh thần và xã hội.

Theo dõi Hạnh Trang tại: https://hanhtrang.co/

author

Đỗ Hạnh Trang

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!