Sử dụng tai nghe giúp bạn có “không gian” riêng để tận hưởng âm thanh một cách tốt nhất mà không làm phiền đến người khác. Nhưng nếu quá lạm dụng thì sẽ để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng về thính giác cũng như hệ thần kinh của con người.
Âm thanh truyền vào tai bạn khi đeo tai nghe và lúc không đeo hoàn toàn khác nhau. Đối với cách tiếp nhận âm thanh bình thường, sóng âm sẽ truyền vào vành tai sau đó truyền vào trong tai, đi qua ống tai, vào màng nhĩ khiến cho các xương ở tai giữa bị kích thích, âm thanh được đưa vào ốc tai và truyền đến não. Trong ốc tai của mỗi người có những tế bào lông phụ trách âm thanh. Mỗi tế bào phụ trách cho một tần số âm thanh khác nhau. Còn khi nghe qua tai nghe, âm thanh sẽ được truyền thẳng qua ống tai, dẫn đến sự gia tăng áp lực bên trong tai.
Theo Tiến sĩ Daniel Fink, Mỹ, phần lớn mọi người cho rằng mất thính lực đáng kể là một phần của quá trình lão hóa bình thường chứ không phải do ảnh hưởng của tiếng ồn trong xã hội hiện đại. Đây là quan niệm sai lầm cũng giống như cách nghĩ nếp nhăn và nám xuất hiện do lão hóa da và coi thường tác hại của mặt trời hay tia UV.
Ảnh Hưởng Sức Khỏe Của Việc Đeo Tai Nghe Quá Nhiều
Viêm nhiễm
Đút tai nghe ra vào quá nhiều hoặc giữ tai nghe quá lâu trong tai sẽ khiến chất bẩn bị đẩy vào trong, hoặc do ống tai bị tổn thương tạo điều kiện cho các thể loại vi khuẩn cứ thế tiến sâu vào trong tai bạn. Nếu tai nghe đã dính chất nhờn ẩm có trong tai, nó sẽ trở thành môi trường cho vi khuẩn phát triển.
Khi bạn chia sẻ tai nghe của mình với bạn bè hay người thân của mình lượng vi khuẩn sẽ được truyền từ tai này sang tai khác.
Mất thính lực tạm thời
Một số người sẽ trải qua tình trạng mất thính lực tạm thời sau khi tai bị tác động bởi luồng âm thanh quá lớn. Đây là cơ chế “tự bảo vệ” của tai, do những sợi lông li ti ở tai trong bị tổn thương nên chúng sẽ tiết ra một chất làm giảm độ phân giải của âm thanh. Lúc này, tai sẽ “tạm nghỉ” trước những kích thích âm thanh gây phiền nhiễu.
Để khắc phục tình trạng này, bạn sẽ phải đến một nơi tĩnh lặng, đợi đến khi thính lực trở lại như cũ. Đồng thời tránh để tình trạng này lặp lại vì có nguy cơ cao gây mất thính lực vĩnh viễn về sau.
Gây suy giảm thính lực
Đeo tai nghe nhiều khiến cho các tế bào thần kinh trong ốc tai phải làm việc quá sức, gây ra suy giảm thính lực hay thậm chí có thể bị điếc. Suy giảm thính lực sẽ xảy ra nếu bạn hằng ngày tiếp xúc âm thanh có cường độ 85 – 90db liên tục trên 2h đồng hồ và kéo dài trong 1 – 2 năm. Hiện nay, các máy nghe nhạc đeo tai đều có công suất mở cực đại lên đến 120db gây ra áp lực âm thanh lớn trực tiếp đến tế bào thần kinh. Khi đeo tai nghe, tai nghe của bạn cũng phát ra sóng điện từ gây tổn thương não. Điều này đã được chứng minh trên chuột và thực vật. Chuột bị ảnh hưởng từ các sóng bức xạ dẫn đến tình trạng tổn thương não bộ.
Nguy hiểm hơn là bệnh nhân không cảm thấy giảm thính lực ngay, mà phải mất vài năm mới nhận ra. Quá trình giảm thính lực diễn tiến âm thầm, đến phát hiện tai mình nghe không rõ thì đã muộn. Khi bước vào tuổi trung niên - khoảng đầu đến giữa 40 tuổi, bạn có thể sẽ khó nghe như ông bà mình bây giờ ở độ tuổi 70 - 80.
Các tác hại khác
- Nếu bạn dùng tai nghe để thư giãn trước khi đi ngủ và sau đó quên không tắt, não sẽ bị kích thích suốt trong thời gian ngủ. Điều này sẽ làm bạn căng thẳng, mệt mỏi, mất tập trung... trong ngày hôm sau.
- Theo một nghiên cứu năm 2011 so với những người không bị mất thính giác, những người bị mất thính lực có nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ.
- Đeo tai nghe khi làm việc hoặc lái xe có thể làm mất tập trung, gây ra tai nạn ngoài ý muốn.
Sử Dụng Tai Nghe Đúng Cách
- Đeo tai nghe với âm lượng vừa đủ, mức được khuyến nghị là 70dB khoảng dưới 60% so với mức cao nhất của thiết bị. Có rất nhiều ứng dụng đo mức âm thanh miễn phí giúp xác định mức độ ồn ào.
- Nếu bạn bắt buộc phải sử dụng tai nghe trong thời gian dài đừng quên cho đôi tai nghỉ ngơi. Không sử dụng quá lâu, tốt nhất trong khoảng 2h/ngày và đặc biệt không đeo tai nghe lúc ngủ bởi rất dễ ngủ quên.
- Sử dụng nút tai vừa vặn với tai của bạn để không bị đau tai hoặc điều chỉnh âm lượng lớn mới nghe được. Và nếu nghe với volume bật càng lớn thì thời gian nghe sẽ cần phải giảm đi.
- Tránh đeo tai nghe một bên vì khi nghe một tai âm thanh không được phát huy đúng mức buộc người nghe phải chỉnh âm lượng to lên, vô tình làm mất cân bằng thính giác.
- Nên sử dụng dạng tai nghe trùm đầu, tai nghe chống ồn để ngăn âm thanh từ bên ngoài hiệu quả mà không phải nhét nút bịt tai sâu vào trong. Nhưng tốt nhất nên dùng các thiết bị bên ngoài như: loa để bàn, các thiết bị sử dụng loa ngoài…
- Vệ sinh tai nghe thường xuyên. Tai nghe tiếp xúc với môi trường bên ngoài rất dễ bị vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập. Để bảo vệ đôi tai cũng như thiết bị của mình, phải thường xuyên lau chùi tai nghe, bảo quản trong hộp đựng chuyên dụng.
- Không nên chia sẻ tai nghe hoặc cho người khác mượn tai nghe của mình.
Khi cảm thấy có hiện tượng ù tai, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, nghe kém… Hãy đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để kiểm tra và điều trị kịp thời.
About the author
S. Reen