Ẩm thực
Bữa tối với cá hồi Teriyaki
Miệt thị ngoại hình (body shaming) là việc sử dụng ngôn ngữ để phán xét, chê bai hay giễu cợt về ngoại hình của một người. Đó có thể là cơ thể của chính bạn hoặc của người khác.
Những ngôn từ (miệt thị) tiêu cực này ảnh hưởng đáng kể đến cảm xúc, tinh thần hay thậm chí tổn thương tâm lý sâu sắc. Miệt thị ngoại hình có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần bao gồm tự ti về bản thân, trầm cảm, lo lắng, rối loạn ăn uống và rối loạn mặc cảm ngoại hình.
Miệt thị ngoại hình ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Bất kỳ ai trong chúng ta đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của miệt thị ngoại hình bao gồm cả việc tự đánh giá tiêu cực về ngoại hình của bản thân.
Trong xã hội hiện tại, cơ thể gầy vốn được xem là đẹp và khỏe mạnh hơn cơ thể mập mạp. Tuy nhiên, trong lịch sử, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Nếu xem lại những bức tranh và chân dung từ trước những năm 1800, có thể thấy rằng sự đầy đặn đã từng được tôn vinh. Cơ thể tròn trịa lúc đó là dấu hiệu của sự giàu có, trong khi thể trạng gầy thể hiện sự nghèo đói. Ngay ở Việt Nam chúng ta trong những năm còn khó khăn về kinh tế, "béo tốt" và "bụng bia" còn được xem là tốt tướng.
Các phương tiện truyền thông ngày càng phát triển vô tình làm cho việc miệt thị ngoại hình trở nên bình thường. Hàng ngày, báo chí các loại đưa tin về những người nổi tiếng hiện tại hay một thời với những tin tức giật gân phán xét ngoại hình của họ như "phát tướng", "sa sút phong độ", "già nua hết thời"... Đó không phải là tin tức tích cực mà chính là miệt thị ngoại hình. Chúng không chỉ làm những người được nêu tên khó chịu mà còn có thể gây đau khổ cho nhiều người khác khi cảm thấy mình cũng trong tình cảnh tương tự.
Ta cũng thấy đâu đó khá nhiều hình thức miệt thị ngoại hình để gây cười trong các loại hình nghệ thuật như sân khấu hay điện ảnh. Sử dụng những kiểu ngoại hình tương phản hay có điểm đặc trưng là một thủ thuật để thu hút chú ý nhưng lạm dụng giễu cợt về ngoại hình để chọc cười là một cách làm thiếu văn hoá. Điều này vô tình bình thường hoá một vấn đề có thể xem là một tệ nạn. Đó là lý do chúng ta đã chứng kiến những hành vi gây tổn thương kiểu này trong những sự kiện văn hoá lớn như lễ trao giải Oscar, hay những nghệ sĩ "lớn'' trong showbiz vô tư dìm hàng đồng nghiệp trên sóng truyền hình để đùa vui. Những người nổi tiếng còn như hành xử như thế, không thể trách cư dân mạng dễ dàng buông lời cay độc với nhiều người không quen biết như một cách để giải stress.
Cú tát xôn xao một thời dành cho Chris Rock trong lễ trao giải Oscar 2022 vì đưa ngoại hình của vợ diễn viên Will Smith ra làm trò đùa - Ảnh: AFP
Sự tương tác giữa các cá nhân trên không gian mạng tăng lên bội phần so với cuộc sống thực, cũng là lý do để các cư dân mạng dễ buông lời bình luận ác ý về nhan sắc đối với người khác. Hơn nữa, vì không gặp nhau hay biết nhau ngoài đời khiến cho nhiều người thoải mái dùng lời khắc nghiệt với nhau. Những ngôi sao giải trí thường là nạn nhân của trò chơi này, nhưng nếu họ có ý kiến phản hồi thì sẽ lập tức bị ném đá hội đồng và chắc chắn, một mình không chống nổi cả thiên hạ. Phải nói rằng, công nghệ phát triển rất nhanh nhưng văn hoá thì không phải lúc nào cũng theo kịp công nghệ. Tình trạng miệt thị ngoại hình tỉ lệ thuận với sự phát triển của mạng xã hội.
Bên cạnh đó, học đường cũng là một môi trường mà thanh thiếu niên chịu khá nhiều bạo hành tinh thần trong đó có miệt thị ngoại hình. Vì không hiểu biết và không được giáo dục để biết rằng những đùa vui tưởng chừng vô hại khiến không ít bạn trẻ tự ti và mặc cảm về bản thân, đôi khi thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Giáo dục đạo đức trong các trường học, ngoài việc rao giảng những nguyên tắc cơ bản, nên đi vào những vấn đề cụ thể như bạo lực học đường hay miệt thị ngoại hình, chẳng hạn như làm sao để nhận biết và đối phó với những vấn nạn này.
Miệt thị ngoại hình thường là về kích thước cơ thể, nhưng những bình luận tiêu cực về bất kỳ khía cạnh nào trên cơ thể của một người đều được coi là miệt thị ngoại hình.
Dưới đây là những lý do khác nhau khiến một người có thể bị miệt thị:
Thân hình, vóc dáng
Đây là lý do phổ biến nhất, một người có thể bị cho là quá mập hoặc quá gầy. Nên nhớ bình luận bất cứ điều gì tiêu cực sẽ là miệt thị, chẳng hạn như "cô sẽ đẹp hơn nếu giảm đi 5 cân" hoặc "Tôi cá là anh ta phải mua hai vé máy bay thì mới đủ chỗ".
Những người có cơ thể gầy hơn cũng có thể bị miệt thị vì cân nặng của họ. "Nó trông như đói cơm" hoặc "Nhìn không khác gì con nghiện".
Các đặc điểm trên mặt
Như mũi tẹt, mắt hí, mũi to, răng hô. "Nhất lé, nhì lùn"...
Da
Màu sắc da như da đen, nhiều mụn. "Hoa hậu đến từ châu Phi"...
Lông trên cơ thể
Lông mọc ở tay, chân, vùng kín và nách của hầu hết mọi người. Tuy nhiên, nhiều người có quan niệm rằng phụ nữ nên tẩy hết lông trên cơ thể, nếu không sẽ không được “con gái” cho lắm.
Quần áo
"Nhỏ đó đã mập còn thẩm mỹ kém khi bận cái váy đó, làm lộ ra bao nhiêu là mỡ". "Cái quần đó không hợp với cơ thể của bạn"...
Đồ ăn
Miệt thị thức ăn thường được thực hiện liên quan đến kích thước cơ thể. Ví dụ, khi ai đó nhận xét về những gì một người đang ăn hoặc không ăn “Trông họ như vậy thì không cần phải ăn thứ đó".
Bạn cũng có thể tự miệt thị bản thân khi nghĩ "Mình béo quá rồi, không nên ăn miếng bánh này”.
Tuổi, giới tính
"Già rồi mà trang điểm điệu quá đáng." Những bài báo đưa hình những minh tinh nổi tiếng một thời với làn da nhăn và chảy xệ kèm với bình luận cũng là một hình thực miệt thị ngoại hình. Nhiều ngôi sao nam đã bị lăng mạ khi trang điểm như phụ nữ. Con gái mà để tóc ngắn như con trai cũng bị bình luận tiêu cực.
Tóc
"Bà ấy thật dũng cảm khi để tóc tự nhiên". Điều đó nghe có vẻ giống như một lời khen, thì đó thực sự là một sự xúc phạm. Đầu hói tự nhiên hay do tác dụng phụ của thuốc cũng là đề tài khá quen thuộc của miệt thị.
Miệt thị ngoại hình có nhiều hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần như:
- Lo âu
- Trầm cảm
- Có thể dẫn đến rối loạn ăn uống, rối loạn mặc cảm ngoại hình
- Nguy cơ tự làm hại mình hoặc tự tử
- Chất lượng cuộc sống kém hơn (do không hài lòng về cơ thể)
Đa dạng là một nét đẹp của vạn vật trong thiên nhiên. Xã hội loài người sẽ trông thế nào nếu cô gái cũng cằm V-line và cao như hoa hậu, chàng trai nào cũng 6 múi. Quan trọng nhất, vẻ bề ngoài không làm nên giá trị của một người.
Miệt thị ngoại hình có thể tràn lan, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên tham gia vào nó. Hãy cổ vũ và chấp nhận sự đa dạng về ngoại hình như một nét đẹp của tự nhiên. Thay vì tập trung vào vẻ bề ngoài thì nên chú trọng vào sức khỏe và chất lượng bên trong như vẻ đẹp nội tâm và trí tuệ.
Dưới đây là một số cách bạn có thể ngừng góp phần vào văn hóa miệt thị ngoại hình.
Ngừng nói về cơ thể của người khác
Bạn không bao giờ biết ai đó có thể đang phải đối phó với điều gì nếu bạn đưa ra nhận xét về cơ thể của họ, dù tốt hay xấu. Bạn không thể cho rằng ai đó có thân hình nhỏ bé chưa bao giờ gặp khó khăn về hình ảnh cơ thể. Bạn không thể cho rằng ai đó có thân hình mũm mĩm không phải vật lộn với chế độ ăn uống nghiêm ngặt.
Nếu ai đó không an tâm về cân nặng của mình và sau đó họ nhận được nhận xét tiêu cực về cơ thể của mình, điều đó có thể dẫn đến các hành vi ăn uống và tập thể dục không điều độ để đạt được “lý tưởng” này. Sau đó, điều này có thể thúc đẩy cảm giác “làm bất cứ điều gì cần thiết” bằng cách theo đuổi việc giảm cân bằng các biện pháp khắc nghiệt. Vì vậy, tốt nhất bạn không nên tham gia hoặc dung túng những lời nói hoặc hành động như vậy. Bạn không muốn điều đó xảy ra với mình, càng không nên làm điều tương tự đối với người khác.
Nâng cao hiểu biết của bản thân về vấn đề này để không vô tình miệt thị ngoại hình người khác hay không tự ti với chính mình.
Khi bạn muốn chê bai ngoại hình của người khác, hãy dừng lại. Thay vào đó, tại sao không nghĩ ra điều gì tốt đẹp để nói với người ấy? "Tôi thích nụ cười của bạn", "Bạn trông rất ngầu, tôi muốn được như bạn" là những cách khen người khác mà không nói xấu về cơ thể của họ.
Hãy thử các bước sau:
- Lưu ý những suy nghĩ của bạn và nhận biết những thành kiến hay phán xét của bạn về một người cụ thể.
- Tìm xem những gì bạn thích hay ngưỡng mộ đối với người này.
- Thực hành những lời khen thật lòng với người đó để phát triển sự tôn trọng, quan tâm và lòng trắc ẩn.
Học cách nhìn trung lập
Đó là khái niệm chấp nhận các hình dạng cơ thể như chúng vốn có, mà không phán xét chúng. Điều này có thể áp dụng cho ngoại hình của chính bạn và của những người khác.
Nếu bạn chưa sẵn sàng đón nhận sự tích cực của cơ thể, hãy hướng tới việc có cơ thể trung lập. Điều đó có nghĩa là bạn đang chấp nhận và tôn trọng cơ thể của mình mà không cần phải yêu hay ghét nó. Khi bạn thực hành tính trung lập của cơ thể, bạn tập trung vào những gì cơ thể bạn có thể làm, hơn là cơ thể bạn trông như thế nào.
Cách nhìn trung lập tập trung vào các phần tích cực, giúp bạn cảm thấy yêu quí cơ thể của chính mình, cải thiện mối quan hệ với thức ăn và nâng cao lòng tự trọng của bạn.
Không ai hoàn hảo trên thế gian này, mỗi người có nét đẹp riêng. Do đó, thay vì đau khổ hay lo lắng về những chê bai, hãy tự tin và yêu những vẻ đẹp của bản thân.
Thay đổi cách bạn nói về ngoại hình của chính mình
Trong một nền văn hóa mà người ta chú trọng quá nhiều vào những khiếm khuyết và cần cải thiện chúng, việc nói tích cực về cơ thể của chính chúng ta có thể không phải dễ dàng. Tuy nhiên, làm như vậy là một việc làm lành mạnh để tránh tổn thương.
Bằng cách thực hành nói tích cực về bản thân và cơ thể của mình, đồng thời nhận thấy những phẩm chất tốt đẹp về người khác, chúng ta có thể thúc đẩy sự quan tâm, lòng trắc ẩn và mối liên hệ với người khác và với chính mình.
Khi bạn đưa ra nhận xét như "Hôm nay tôi thấy mình mập thiệt", bạn đang phán xét về những người béo và ám chỉ cơ thể của họ kém giá trị hơn cơ thể của những người gầy. Điều này có thể gây tổn thương cho bất kỳ ai xung quanh bạn, đặc biệt là những người có kích thước lớn. Thay vào đó, bạn có thể tâm sự với một người bạn và nói: "Quần của tôi không còn vừa như trước nữa".
Chúng ta không thể kiểm soát những gì người khác nói về mình, nhưng chúng ta có toàn quyền quyết định cách mình phản ứng với những những lời nhận xét tiêu cực.
Hãy lên tiếng
Nếu bạn đã thực hiện các bước để ngừng chế nhạo bản thân và người khác, điều đó thật tuyệt vời! Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Không có bất kỳ tiêu chuẩn nào về cái đẹp dành cho mọi người và không ai có quyền phán xét ngoại hình của người khác. Đây là hành vi đáng lên án trong xã hội. Khi gặp tình huống này, hãy mạnh dạn lên tiếng, thể hiện quan điểm của bản thân.
Nếu bạn thấy ai đó nhận xét về ngoại hình của người khác, bất kể là về quần áo, tuổi tác hay thân hình, bạn có thể nhẹ nhàng cho họ biết rằng nói về cơ thể của người khác là không tốt.
Miệt thị ngoại hình có thể đang phổ biến, nhưng bạn có thể nỗ lực để ngăn chặn nó và bớt gây thổn thương bằng cách thực hành tập trung vào những điều tích cực của bản thân và những người khác.
Lời ăn tiếng nói là biểu hiện của ứng xử văn hoá. Lời nói không mất tiền mua, cớ sao lại buông lời cay nghiệt làm tổn thương người khác?
Thanh Nguyễn
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.