5 hiểu lầm về đột quỵ

SỐNG KHỎE

5 hiểu lầm về đột quỵ

authorBy Đỗ Hạnh Trang
Share on
Share on
5 hiểu lầm về đột quỵ

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tại Hoa Kỳ, cứ 40 giây sẽ có 1 người bị đột quỵ và cứ 4 phút thì có 1 người chết vì căn bệnh nguy hiểm này. Tại Việt Nam, có hơn 200.000 người bị đột quỵ hàng năm. Đột quỵ là bệnh lý vô cùng nguy hiểm và phổ biến. Tuy nhiên, có rất nhiều quan điểm không chính xác về căn bệnh này. Dưới đây là 5 hiểu lầm phổ biến và tai hại về đột quỵ. Mời bạn tìm hiểu cùng Her nhé! 


Đột Quỵ Hiếm Khi Xảy Ra Ở Người Trẻ


Nhiều người cho rằng đột quỵ là bệnh lý ở đối tượng cao tuổi. Tuy nhiên, quan điểm này không chính xác vì đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ và đang ngày càng trẻ hóa. Cụ thể là trong năm 1980, cứ 100.000 người thì có 5,76 người trẻ bị đột quỵ. Tuy nhiên đến năm 2009, con số này đã tăng lên gấp 6 lần thành 39,79/ 100.000 người. Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, với hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca và hơn 6% trong số đó là người người trẻ.


Đột quỵ ở người trẻ thường để lại gánh nặng sức khỏe – kinh tế nặng nề cho người bệnh, gia đình và xã hội. Một thanh niên 20 tuổi đang ở giai đoạn đẹp nhất của tuổi thanh xuân lại hôn mê sâu vì xuất huyết não do dị dạng mạch máu. Một ông bố 35 tuổi đang gánh vác trọng trách gia đình lại không thể tiếp tục đi làm vì di chứng liệt nửa người sau nhồi máu não. Nỗi đau của gia đình có bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi cũng dai dẳng và nặng nề hơn. 


Do vậy, bạn đừng chủ quan với sức khỏe, cho dù ở độ tuổi trẻ trung hay đã bước sang giai đoạn trung niên. Đột quỵ có thể xảy ra ở tất cả mọi người, từ trẻ em tới người cao tuổi.


Đột Quỵ Chỉ Xảy Ra Với Người Có Bệnh Lý Nền


Thêm một quan điểm sai lầm nghiêm trọng khác khiến bạn lơ là với căn bệnh nguy hiểm này. Đúng là đột quỵ thường xảy ra ở những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thừa cân, béo phì… Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những người bình thường miễn nhiễm với căn bệnh này. Sự khỏe mạnh có thể chỉ là vỏ bọc cho nhiều bệnh lý tiềm ẩn mà bạn chưa phát hiện ra.


Nguyên nhân phổ biến dẫn đến đột quỵ ở thanh thiếu niên, đối tượng có rất ít yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch là xuất huyết não do dị dạng mạch máu. Những bất thường bẩm sinh này đôi lúc khiến trẻ đau đầu âm ỉ rồi bất chợt một ngày vỡ bùm, dẫn đến chảy máu nghiêm trọng. Người trẻ tuổi thỉnh thoảng đau đầu âm ỉ đâu mấy ai đi khám. Mà ngay cả đi khám thì cũng khó phát hiện vì chỉ có thể nhìn thấy bất thường này trên phim chụp dành riêng cho mạch máu não.


Mặt khác, khoảng 5,7 triệu người Việt Nam không biết mình bị tăng huyết áp. 90% số người bị tiền tháo đường không biết mình đang mắc bệnh. Điều đó có nghĩa là bạn có thể không khỏe mạnh như bạn nghĩ. Vì vậy, hãy đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/ lần để sớm phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn nhé!


hieu-lam-tai-hai-ve-dot-quy-1.jpg


Đột Quỵ Sau Khi Tập Thể Dục


Một nghiên cứu báo cáo nguy cơ đột quỵ có thể tăng gấp 2 – 3 lần trong vòng 1 giờ sau khi vận động mạnh ở những người không hoạt động thể chất thường xuyên. Các nhà khoa học giải thích nguyên nhân của hiện tượng này là do khi bạn vận động quá sức, não bộ sẽ giải phóng nhiều norepinephrine dẫn tới tim đập nhanh, mạnh và tăng huyết áp. Nồng độ cao hormone này có thể tăng kết dính các tế bào tiểu cầu trong máu và biến chúng thành cục máu đông, tăng nguy cơ tắc mạch.


Tuy nhiên, bạn không nên suy nghĩ phiến hiện và hiểu ý nghĩa của sai nghiên cứu này. Nghiên cứu này không chứng minh vận động gây đột quỵ mà ngược lại ủng hộ mạnh mẽ thể dục thể thao. Hoạt động thể lực chỉ có nguy cơ gây hại khi bạn không luyện tập thường xuyên rồi bất chợt vận động quá sức. Ngược lại, tập thể dục thường xuyên, đều đặn 30 phút mỗi ngày lại là phương pháp bảo vệ bạn khỏi đột quỵ hiệu quả. Vận động thường xuyên giúp hệ tim mạch của bạn làm quen và thích nghi dần dần với cường độ bài tập. Bên cạnh đó, vận động còn điều chỉnh rối loạn lipid máu, giảm xơ vững động mạch và duy trì cân nặng hợp lý.


Đột Quỵ Vì Tắm Đêm


Quan điểm này không hẳn là sai nhưng không chính xác hoàn toàn. Sở dĩ có người bị đột quỵ trong phòng tắm hoặc ngay sau khi tắm là do chênh lệch nhiệt độ giữa nước từ vòi hoa sen và cơ thể khi bắt đầu tắm hoặc giữa nước trong bồn tắm và môi trường sau khi tắm xong. Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn khiến mạch máu trên da co giãn, dẫn đến tăng giảm huyết áp đột ngột. Từ đó, đột quỵ có cơ hội xảy ra, nhất là ở người cao tuổi hoặc có sẵn các bệnh lý nền. 


Tuy nhiên, sự chênh lệch nhiệt độ này có thể xảy ra trong mọi thời điểm khi tắm chứ không chỉ riêng tắm đêm. Một nghiên cứu tại Nhật Bản tiến hành trên 2.000 bệnh nhân đột quỵ phát hiện được 4% xảy ra tại phòng tắm. Tức là tỷ lệ này rất thấp. Mặt khác các nhà nghiên cứu cũng không tìm thấy mối liên quan trực tiếp giữa đột quỵ và tắm. Do vậy, lời đồn đoán trên chỉ xuất phát khi quan sát một vài trường hợp chứ chưa được khoa học kiểm chứng rõ ràng.


Bên cạnh đó, hiện tượng tử vong trong phòng tắm có thể không phải do đột quỵ mà là trượt ngã gây chấn thương sọ hoặc do đuối nước khi ngất xỉu trong bồn tắm. Vì vậy, dù tắm sớm hay tắm đêm, điều bạn cần ghi nhớ là điều chỉnh nhiệt độ nước tắm phù hợp. Bạn cũng nên lưu ý các biện pháp phòng chống trượt ngã đối với người cao tuổi như sử dụng dép không trơn, lắp đặt thanh vịn trong nhà vệ sinh…


hieu-lam-tai-hai-ve-dot-quy-2.jpg


Chích Kim Vào Tay Để Sơ Cứu Đột Quỵ


Một kinh nghiệm truyền miệng khá phổ biến để sơ cứu người bị đột quỵ là dùng kim chích vào 10 đầu ngón tay và nặn máu ra. Một vài người lý luận phương pháp này giúp khai thông khí huyết, giúp người bị đột quỵ nhanh chóng tỉnh dậy. Tuy nhiên, quan niệm này không có cơ sở khoa học và chắc chắn không có hiệu quả.


Đột quỵ xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc nứt vỡ, dẫn đến thiếu oxy và tổn thương tế bào não. Việc chích máu ở đầu ngón tay chắc chắn không thể tác động tới hệ mạch nằm sâu trong não bộ. Mặt khác, theo Y học cổ truyền, muốn khai thông khí huyết cần châm cứu vào các huyệt chứ không phải chích máu. Vì vậy, bạn không nên tin và làm theo những lời đồn phản khoa học này. Thay vào đó, bạn nên nhanh chóng đưa người bệnh tới các cơ sở y tế. Đột quỵ là tình trạng cấp cứu, càng được xử trí nhanh chóng, cơ hội sống sót và không để lại di chứng càng cao. 


Đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm, ngày càng phổ biến và trẻ hóa ở người dân Việt Nam. Bạn hãy hiểu đúng về đột quỵ để bảo vệ bản thân và gia đình thật tốt trước căn bệnh này nhé!

About the author

Hạnh Trang là bác sĩ nhưng không theo đuổi màu áo blouse trắng. Cô quyết định trở thành cây viết tự do về sức khỏe. Thay vì kê đơn chữa bệnh, cô muốn dùng kiến thức y học và con chữ để giúp mọi người sống khỏe mạnh theo đúng định nghĩa của nó: đủ đầy về thể chất, tinh thần và xã hội.

Theo dõi Hạnh Trang tại: https://hanhtrang.co/

author

Đỗ Hạnh Trang

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!