Ngoài việc làm mất tính thẩm mỹ cho trang phục, chiếc áo ngực không vừa vặn còn có thể khiến một ngày của bạn trở nên tồi tệ thêm.
Không phải ai cũng biết rõ kích cỡ áo ngực của mình, đặc biệt tại Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có thói quen tìm đến những cửa hàng chuyên về đồ nội y được đo đạc kỹ lưỡng. Vì thế việc lựa chọn cho bản thân một chiếc áo ngực phù hợp quả thật rất khó khăn.
Nhiệm Vụ Của Chiếc Áo Ngực
Chức năng chính của áo ngực là nâng đỡ toàn bộ trọng lượng bộ ngực của bạn. Ngực được cấu tạo từ các mô liên kết và mô mỡ, tuy nhiên chỉ có phần da và dây chằng Cooper là đảm nhiệm chức năng hỗ trợ. Với những bộ ngực lớn, độ đàn hồi của da và sự nâng đỡ của mô mềm sẽ ít hơn và điều này có thể gây ra hiện tượng chảy xệ.
Một bộ ngực có thể nặng hơn một ký và áp lực của nó lên toàn bộ cơ thể là rất lớn, nhất là với phần lưng hay gây ảnh hưởng đến tư thế của cột sống. Một chiếc áo ngực vừa vặn sẽ giúp giải quyết được những vấn đề trên và còn khiến bạn cảm thấy tự tin, quyến rũ hơn.
Nên Mặc Áo Ngực Lúc Nào?
Tất nhiên là bạn không cần phải mặc áo ngực mỗi ngày 24/7. Nó sẽ làm tăng tiết mồ hôi, làm bít lỗ chân lông trên da và gây khó chịu cho vùng da quanh ngực. Vào năm 2013, một nghiên cứu đã được thực hiện ở Pháp trên 330 phụ nữ khác nhau trong độ tuổi từ 18-35 trong suốt 15 năm đã cho thấy rằng việc mặc áo ngực trong thời gian dài có thể tắc nghẽn lưu thông xung quanh lồng ngực và phần giữa thắt lưng của bạn. Việc thường xuyên mặc áo ngực còn khiến cho các cơ làm nhiệm vụ nâng đỡ bầu ngực mất đi sự săn chắc, vì giống như mọi nhóm cơ khác trên cơ thể, khi không có cơ hội hoạt động chúng sẽ trở nên yếu dần.
Hãy để cho vùng ngực của bạn được "thở" sau một ngày dài hoạt động. Khi ở nhà, bạn cũng có thể lựa chọn những loại áo lót mỏng nhẹ như bralette (áo ngực không gọng) vừa thoải mái vừa hỗ trợ nhẹ nhàng.
Nếu bạn thường xuyên tập thể dục, một chiếc áo ngực thể thao (sport bra) là rất quan trọng để hỗ trợ vùng ngực của bạn. Ngực sẽ di chuyển từ 3-4cm trong lúc bạn thực hiện những vận động nhẹ như bộ và càng tăng dần khi bạn luyện tập các môn thể thao. Theo The Institute of Osteopathy của Mỹ (Viện Nắn Chỉnh Cơ Khớp Xương), việc không mặc áo ngực thể thao trong quá trình tập luyện sẽ khiến cơ lưng, cơ cổ và cơ cầu vai (một cơ chính ở lưng) chịu nhiều áp lực hơn để có thể giữ cân bằng trọng lượng của bạn. Điều này sẽ khiến việc luyện tập trở nên khó khăn hơn và tăng khả năng gặp chấn thương ở những vùng như cổ và lưng.
Tác Hại Của Chiếc Áo Ngực Sai Kích Cỡ
Mỗi khi mặc một chiếc áo ngực không vừa vặn, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải vô số điều khó chịu, bao gồm đau đầu, đau lưng và khó thở. Chúng ta cứ nghĩ rằng dây áo ngực càng chặt thì càng hỗ trợ tốt hơn, tuy nhiên nó lại dễ khiến cho cổ và vai của bạn bị đau. Thật ra phần dây ngang lưng mới là yếu tố quan trọng, dây áo chỉ đóng góp 10% sự hỗ trợ khi bạn mặc áo ngực thôi. Tuy nhiên, dây lưng chật cũng không tốt, khi đó áp lực sẽ đè lên phần lưng của bạn, điều này không chỉ gây khó chịu mà còn khiến phần cơ lưng bị căng lên.
Một chiếc áo ngực quá rộng cũng sẽ trở vô nghĩa. Khi cúp áo ngực quá lớn, bạn sẽ cảm thấy thấy ngực bị di chuyển bên trong cúp, khiến chúng bị thiếu sự nâng đỡ và làm giãn các mô quanh ngực, đây là nguyên nhân chính làm ngực bị chảy xệ.
Cũng nên lưu ý, áo có phần cúp ngực bé sẽ khiến hạn chế lưu thông máu đến các tế bào tuyến vú, ngăn cản sự bài tiết độc tố dẫn đến nhiều bệnh lý về tuyến vú, trong đó có ung thư vú.
Thế Nào Mới Là Một Chiếc Áo Ngực Vừa Vặn?
Josie Fellows, chuyên gia tạo kiểu đồ lót của Rigby & Peller đã chia sẻ 6 bước để đảm bảo chiếc áo ngực của bạn vừa vặn:
• Dây lưng: 80% sự hỗ trợ đến từ dây lưng, do đó phần này phải tạo cảm giác chắc chắn nhưng cũng không được thắt quá chặt. Dây lưng sẽ mất dần độ đàn hồi theo thời gian, khi đó hãy điều chỉnh lại móc khóa nhé.
• Gọng áo: Khi mặc vào, gọng áo phải nằm ngay trên khung xương sườn. Hãy kiểm tra xem bầu ngực có bị di chuyển ra khỏi gọng áo khi bạn nâng cánh tay lên không, nếu có thì chiếc áo đó đang không vừa với bạn.
• Cúp ngực: Cúp phải ôm trọn hết bầu ngực và không có bất kỳ chỗ nào bị tràn hoặc hở khi mặc.
• Dây áo: Dây nên được giữ thoải mái trên vai bạn, không đè nặng hay bị trượt xuống do lỏng lẻo. Bạn có thể thử bằng cách luồn hai ngón tay vào bên dưới sợi dây xem chúng có thoải mái không.
• Đai trung tâm: Nên nằm ngay ngắn giữa hai bầu ngực.
• Quan tâm đến cảm giác: Thoải mái là yếu tố quan trọng nhất. Nếu bạn cảm thấy khó chịu khi mặc áo ngực, khả năng cao rằng nó đang không vừa vặn với bạn.
Tự Đo Áo Ngực Ở Nhà
Bạn cũng nên nhớ rằng bộ ngực sẽ thay đổi theo thời gian. Chúng có thể căng ra vào mỗi kỳ đèn đỏ, hay khi bạn giảm cân, kích cỡ bộ ngực cũng sẽ nhỏ theo. Vì thế, phải đảm bảo rằng chiếc áo ngực bạn đang mặc là phù hợp với cơ thể của bạn hiện tại. Các chuyên gia đều khuyên chúng ta nên đo lại số đo vòng ngực mỗi năm 1 lần và đổi áo ngực sau 6-9 tháng. Dưới đây là cách để bạn có thể dễ dàng tự đo vòng 1 ngay tại nhà:
Bước 1: Hãy mặc một chiếc áo ngực thoải mái, tránh sử dụng loại áo có độn hay bralette.
Bước 2: Vòng thước dây để đo phần dưới bầu ngực, đó chính là chiều dài của dây lưng áo.
Bước 3: Vòng dây đo một cách lỏng lẻo xung quanh phần đỉnh ngực (ngang với núm vú), đây sẽ là kích thước của phần cúp áo.
Bước 4: Vì mỗi nhãn hiệu sẽ có một bảng kích cỡ riêng, hoặc tùy vào từng loại áo ngực mà cỡ áo cũng sẽ khác nhau. Bạn nên tham khảo kỹ lưỡng và so sánh với số đo thực tế của mình trước khi chọn mua nhé.
About the author
Isa Trần