Sống khỏe
Bạn thực sự hiểu rõ về COVID-19?
Thói quen đi chợ mua thực phẩm tươi hàng ngày nên thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh. Bạn có thể lên thực đơn và đi chợ 1-2 lần cho 1 tuần. Vì vậy, cần chú ý mua những loại rau dễ bảo quản lâu dài, thậm chí mua những loại rau quả có thể bỏ vào đông lạnh để kéo dài thời gian bảo quản mà không ảnh hưởng đến dinh dưỡng, ăn được qua nhiều ngày.
Ưu tiên những loại có “tuổi thọ” từ 1 tuần trở lên:
- Rau lá xanh: cải chíp, rau ngót, rau muống, rau mồng tơi, cải xoăn (kale)
- Rau “cứng”: lơ trắng, lơ xanh, bắp cải xanh, bắp cải tím
- Các loại quả: cà chua, ớt chuông ngọt (loại mini giữ được lâu hơn loại to), dưa chuột
- Củ: cà rốt, bí đỏ, bí ngòi, củ dền, khoai lang, khoai tây, Củ sắn, củ cải đỏ, hành tây, tỏi
- Hạt: đậu cove, đậu Hà Lan, các loại đỗ khô hoặc đỗ hộp
- Trái cây: táo, cam, thanh long, chuối, bơ, bưởi..
Rửa sạch, bỏ vỏ và cắt nhỏ, lưu trữ trong túi, hộp:
- Cà rốt, lơ xanh, lơ trắng, bí đỏ, đậu Hà Lan, ngô đã sơ chế....
- Chuối, dâu, quả bơ, thanh long... bạn chỉ nên cấp đông hoa quả khi dùng xay sinh tố.
- Nếu muốn kết hợp rau xanh trong sinh tố, bạn có thể cho cải bó xôi vào đông lạnh (sau khi đã nhặt lá và rửa sạch), và lấy ra xay mỗi lần, sẽ dùng được lâu hơn.
- Mỗi loại rau củ sẽ có thời gian bảo quản và hư hỏng khác nhau. Do đó, bạn cần phân loại cụ thể và bảo quản từng túi riêng.
Rau và trái cây thường được phân thành 2 nhóm: nhóm "sinh sản" ra khí ethylene và nhóm nhạy cảm với khí ethylene. Thông thường trái cây sản sinh ra nhiều khí ethylene hơn, còn rau xanh lại khá nhạy cảm với loại khí này. Nếu bảo quản chung 2 loại này, những quả “nhạy cảm” sẽ chín nhanh hơn. Ví dụ: táo, đu đủ, chuối, bơ và cà chua... thường sản sinh ra khí ethylene. Còn rau diếp, bông cải xanh, chanh, cam và cà rốt thì sẽ chín nhanh hơn khi tiếp xúc với khí ethylene. Ngoài ra, những rau quả bầm dập hay một số loại rau, trái cây đặc biệt cũng có thể là tác nhân khiến rau quả để chung sinh ra nhiều khí ethylene hơn..
- Loại bỏ phần hư hỏng, giập nát trước khi cho vào tủ lạnh do những phần đó thường sản sinh ra khí ethylen và gây ảnh hưởng đến phần nguyên vẹn còn lại hoặc lây lan nấm mốc sang những thực phẩm xung quanh. Do đó, bạn cần cắt bớt những khu vực này trước khi cho vào tủ lạnh.
- Tránh rửa trước. Khi cất rau vào tủ lạnh để ngăn mát ăn trong tuần, bạn không cần phải rửa rau trước, vì rửa sớm có thể làm rau bị mất vitamin đồng thời nhanh hỏng, úng thối hơn khi quá nhiều ẩm. Tuy nhiên nếu cất đông lạnh thì bạn có thể rửa sạch, để ráo nước rồi thái miếng, cho vào hộp kín và cất vào ngăn đông lạnh ăn trong tháng.
- Bảo quản rau quả trong túi có thể đóng kín miệng hoặc hộp thực phẩm để tránh oxy hoá. Sử dụng túi và hộp có thể tái sử dụng giúp giảm thiểu rác thải.
- Tủ lạnh không để nhiệt độ quá lạnh, nên duy trì nhiệt độ từ 1 – 4 độ C để bảo quản rau quả. Bởi vì, ở nhiệt độ này, thường vi khuẩn sẽ không phát triển mạnh, làm hư hỏng thực phẩm. Ngoài ra, tránh nhiệt độ hạ xuống quá nhiều, gây đóng băng thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng.
- Không phải rau nào cũng phải để tủ lạnh, hãy để những loại rau sau ở ngoài trong nhiệt độ phòng và tránh ánh nắng để tiết kiệm không gian trong tủ lạnh: cà chua, khoai tây/khoai lang, táo, lê, cam, chanh, dưa hấu (nguyên quả), hành tây, tỏi, quả bơ (khi còn xanh và nguyên quả), bí đỏ, ớt chuông (để trong túi giấy sẽ giòn và ngọt hơn để tủ lạnh).
- Thời gian bảo quản của mỗi loại rau quả thường không giống nhau và còn phụ thuộc vào môi trường trong tủ lạnh. Thông thường, bạn có thể bảo quản thực phẩm từ 3–7 ngày.
- Để tránh nhiễm khuẩn chéo giữa các thực phẩm khác và tủ lạnh mùi dễ chịu hơn, bạn nên dọn tủ lạnh thường xuyên. Tham khảo cách vệ sinh tủ lạnh tại đây.
Hi vọng các bạn sẽ cùng Her duy trì sức khỏe và tinh thần để vượt qua đại dịch.
Dao Chi Anh
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.