Sống khỏe
Bạn thực sự hiểu rõ về COVID-19?
Tiêm vắc-xin có thể phòng ngừa mắc bệnh, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tỷ lệ tử vong và giảm tỷ lệ lây lan dịch bệnh. Hãy cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro và lựa chọn tiêm vắc xin nếu bạn có cơ hội. Tác dụng chủng ngừa Covid-19 của vắc xin "vượt xa" những rủi ro.
Tiêm vắc xin chính là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân để chúng ta cùng vượt qua đại dịch. Nếu bạn còn e ngại thì hãy cứ yên tâm, Bộ Y tế các nước và Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đang theo dõi chặt chẽ mọi tác dụng phụ không mong muốn sau khi sử dụng vắc xin Covid-19.
Dưới đây là khuyến cáo những điều cần biết khi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế và UNICEF phối hợp thực hiện.
Khi đi tiêm chủng, mỗi người nên thực hiện đúng quy trình được hướng dẫn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
1. Ngày tiêm nên ăn uống đầy đủ, hạn chế tối đa uống cà phê hay các loại nước tăng lực, mặc áo ngắn tay để dễ tiêm và quần áo rộng rãi để thuận tiện khi cần cấp cứu, lưu ý ghi nhớ/hỏi bác sĩ tư vấn về xử trí các dấu hiệu sau tiêm.
2. Khi đi, mang theo chứng minh nhân dân, căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế; sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm vắc xin khác... trong thời gian gần đây nếu có.
3. Tuân thủ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, thực hiện thông điệp 5K trong quá trình đi tiêm.
4. Chủ động thông báo cho y bác sĩ tại buổi tiêm chủng về tình trạng sức khỏe cá nhân, bao gồm: tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng, các loại thuốc đang và đã sử dụng gần đây, có tiêm vắc xin nào gần đây, có đang mang thai và cho con bú... Nếu tiêm lần 2, cần nói rõ các phản ứng sau tiêm đã gặp ở lần trước.
5. Trong buổi tiêm, cần tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế, đeo khẩu trang, tránh chạm vào các vị trí nhiều người tiếp xúc, kiểm tra nhãn lọ nếu được yêu cầu…
6. Sau khi tiêm xong, ở lại điểm tiêm chủng để được tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút. Thông báo ngay nếu thấy có bất thường xảy ra.
7. Kiểm tra lại phiếu xác nhận tiêm chủng khi được trao lại. Chủ động hỏi cán bộ y tế lịch tiêm mũi tiếp theo, số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.
8. Tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm.
9. Không tự điều khiển phương tiện giao thông nếu cảm thấy không khỏe sau khi tiêm.
10. Hãy tự theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng. Bộ Y tế lưu ý, khi thấy một trong 8 dấu hiệu sau, người được tiêm vắc-xin Covid-19 cần liên hệ đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:
- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.
- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.
- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.
- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.
- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
- Toàn thân có biểu hiện: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Các chuyên gia cho biết, mặc dù không có tác động lớn nhưng một chế độ ăn uống và vận động hợp lý, khoa học trước và sau khi tiêm sẽ giúp phát huy tốt nhất tác dụng của vắc xin. Người được chủng ngừa vắc xin cần tránh uống rượu trước và sau tiêm, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và nguyên hạt, uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ và nên ăn trước khi tiêm chủng. Đặc biệt, có thể sinh hoạt bình thường sau tiêm chủng nếu sức khỏe cho phép.
Đừng quên thực hiện quy định 5K để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi đại dịch!
S. Reen
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.