Mình vừa viết những dòng chia sẻ này với những người mẹ vừa trông hai em bé sinh đôi 5 tháng tuổi, cứ vài chữ lại phải dừng lại để lau dãi, lau trớ hoặc vỗ về nếu em bé khóc. Đến lúc quay lại bàn phím, đầu lại trống rỗng không nhớ mình vừa nghĩ đến đâu. Thêm vài dòng nữa thì cậu lớn lại lao vào phòng hỏi chuyện. Tình hình này khác xa khi mình làm việc tập trung tại văn phòng chỉ cách đây một năm.
Vậy đó, thực tế của việc nuôi con rất khác những gì bạn hay thấy trên mạng xã hội: những hình ảnh hạnh phúc, tươi cười, đầy tình yêu khi vợ chồng cùng nhau bồng bế thành viên mới trong gia đình… Từ những gì chúng ta được “tiêm” vào đầu từ nhỏ từ bố mẹ, xã hội và thông tin đại chúng, việc có con như một “liều thuốc” hạnh phúc chắc chắn mà người phụ nữ nào cũng mong chờ được có và những ai chưa có sẽ cảm thấy mình không có đủ. Vậy nhưng, có con có thực sự khiến mình hạnh phúc hơn không? Nó có mặc định khiến chúng ta thấy cuộc sống gia đình và hôn nhân được “trọn vẹn” như mọi người vẫn nói không?
Theo thống kê và những nghiên cứu xã hội gần đây nhất thì lại không hẳn vậy. Nghiên cứu cho thấy, ngay sau khi sinh con, các cặp bố mẹ trẻ đều cảm nhận một “liều cao” hormone hạnh phúc, nhưng niềm hạnh phúc lớn đó cũng sẽ giảm sút rất nhanh những ngày tháng sau đó và tan biến chỉ trong vòng một năm sau sinh. Sau đó độ hạnh phúc của những người có con và không có con sẽ không chênh nhau mấy, và về lâu dài, những người không con thậm chí sẽ có chỉ số hạnh phúc còn cao hơn những người có con.
Việc có con là một sự kiện lớn và ý nghĩa nhất của cuộc đời chúng ta. Nhưng theo đó, con cái cũng là một trách nhiệm lớn nhất của đời mình và đi kèm theo việc nuôi con là một lượng stress gần như là cố định hàng ngày cho đến lúc con trưởng thành. Một nghiên cứu của trường đại học Princeton và đại học Stony Brook (Mỹ) cho thấy, những người làm bố mẹ và những người không con có mức độ hài lòng với cuộc sống ngang nhau, nhưng những người làm bố mẹ lại trải nghiệm cả cảm xúc hạnh phúc lẫn stress hàng ngày nhiều hơn những người không làm bố mẹ. Do đó, cuộc sống khi có con sẽ lên xuống liên tục như ở trên tàu lượn siêu tốc, trong khi những người không có con lại có một cuộc sống ổn định, bình bình, dễ kiểm soát.
Giờ đây khi đã làm mẹ ba con, mình vẫn đang suy ngẫm nhiều về ý nghĩa cuộc sống khi làm mẹ và cách duy trì hoặc tạo thêm hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày của mình, vì qua trải nghiệm cá nhân, mình cũng đã hiểu là thực tế là việc có con không hề mặc định khiến mình hạnh phúc hơn. Ngược lại, để vẫn cảm thấy hài lòng với cuộc sống và thấy hạnh phúc mỗi ngày, mình phải nỗ lực và đầu tư vào bản thân nhiều hơn rất nhiều lúc còn chưa con, để có một tâm trí ổn định, tích cực, và một cơ thể khỏe mạnh, vì chỉ khi đó mới có thể tận hưởng được thực sự quá trình nuôi con. Nếu bạn lao vào việc làm mẹ một cách vô tư, ít chuẩn bị về tinh thần và thể chất (vì đây là một hành trình đòi hỏi sức lực, sức bền và nhất là sự kiên định và tập trung của tinh thần), thì kết cục là bạn sẽ dễ bị shock, thất vọng, mệt mỏi, stress và qua đó hạnh phúc hàng ngày cũng giảm sút theo, đúng như kết quả nghiên cứu xã hội của những bài báo trên.
Trong suốt hành trình nuôi con 6 năm qua của mình, những kí ức đáng nhớ và tràn đầy hạnh phúc với con có thể đếm trên hai bàn tay: lúc con biết lẫy, biết bò, biết đi, hay lúc con biết cười, biết nói lần đầu… nhưng những khoảnh khắc lo lắng, stress khi con ốm, hay bực bội khi con bướng bỉnh không nghe lời, hoặc căng thẳng vì không biết làm gì để con hết khóc… thì lại nhiều vô kể. Vì vậy, nếu đánh giá hành trình nuôi con đơn giản dựa trên số những sự kiện vui và sự kiện gây stress hoặc mệt mỏi, thì chắc chắn hành trình này không phải là hành trình quá vui vẻ. Và nếu hiểu theo cách đó, thì kết luận từ những nghiên cứu trên cũng hoàn toàn không sai.
Nếu so sánh về mặt quỹ thời gian và quỹ tài chính, thì trước khi có con và sau khi có con, bạn đều “nghèo” đi rất nhiều. Bạn sẽ buộc phải ưu tiên thời gian và tiền bạc cho việc nuôi con, cho cả tương lai của con và đương nhiên nhiều nhu cầu cá nhân sẽ phải tạm gác cho đến lúc con lớn hơn. Trong lúc này, thì những người không con có thể ưu tiên thời gian để đầu tư vào bản thân, chi tiêu vào những nhu cầu cá nhân, phát triển mình hơn nữa, học các bằng cấp cao hơn, đi chơi, đi du lịch, trải nghiệm nhiều thứ hơn bạn. Điều này bạn có thể dễ thấy khi lướt Instagram hoặc Facebook và cảm thấy thầm ghen tị những cặp đôi trẻ chưa có con vẫn đang vi vu tự do hưởng thụ, hay những người bạn đang thành công lừng lẫy vì họ dành thời gian “cày cuốc” vì sự nghiệp trong những năm bạn bận rộn làm “mẹ bỉm sữa”. Tất cả những cảm xúc như “mình đang thiệt thòi so với những người bạn không có con” hoặc cảm thấy tù túng thiếu tự do, không gian cá nhân vì việc có con, đều góp phần vào những nỗi bất hạnh có thể khiến nhiều mẹ buồn phiền, thậm chí trầm cảm. Không phải tự nhiên mà đến 30% các mẹ bị trầm cảm sau sinh. Một lần nữa, chúng ta lại có thêm minh chứng cho việc kết luận rằng có con không khiến chúng ta hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên có một điều mà những bài báo nghiên cứu đó không nhắc tới - đó là chiều sâu của từng khoảnh khắc bạn có thể cảm nhận sau khi có con, nếu bạn thực sự hiện diện với nó. Đó cũng là cái khó cảm nhận hơn những thứ rõ rệt trên bề mặt như vui hay sướng, mệt hay dễ chịu. Bạn phải thật hiện diện, chú tâm với từng khoảnh khắc nuôi con, bạn mới hiểu, tại sao mình có con, và mình có con để làm gì.
Và chỉ khi đó, bạn mới hiểu, mình không có con để hạnh phúc, và cũng không chờ đợi con làm mình hạnh phúc. Một khi hiểu điều này, mình mới thực sự thấy nhẹ nhõm, như được giải phóng khỏi cái bẫy hay guồng quay mà các mẹ đều bị rơi vào.
Đó cũng là điều lớn nhất mình đã giác ngộ sau khi có con lần hai, khi thật bất ngờ mình được sinh một cặp song sinh. Từ mẹ một con, thành mẹ ba con. Khi mang bầu, mình đã lo sợ rằng sự mệt mỏi, căng thẳng, buồn bã sau sinh sẽ nhân đôi khi nhớ lại những gì đã trải qua cách đây 6 năm với một em bé, huống chi là hai em bé. Và cũng có thể mình đã chuẩn bị tinh thần sớm từ lúc mang thai nên trải nghiệm lần sinh sau này rất khác và tích cực hơn rất nhiều. Khi chúng ta biết cái gì sẽ có thể xảy ra, và không muốn điều đó lặp lại hay diễn ra, chúng ta mới có thể thay đổi tư tưởng, chuẩn bị tinh thần và có những hành động cụ thể để thay đổi hoàn cảnh của mình một cách chủ động. Và đó là thứ mà những bài báo kia không nói tới - rằng bạn có thể chủ động chuẩn bị cho mình một hành trình nuôi con vô cùng tích cực, ý nghĩa và đương nhiên - hạnh phúc.
Chỉ khi bạn không có sự chuẩn bị trước, đồng thời chủ động duy trì những hành động tích cực đó ngay cả khi nuôi con hàng ngày, thì hiện thực “có con sẽ giảm hạnh phúc và chất lượng cuộc sống” sẽ là một thực tế khó tránh phải!
Vậy phải làm như thế nào? Mình sẽ chia sẻ “bí quyết” của mình. Nó thật đơn giản. Đó là hãy nghĩ - đây là cơ hội duy nhất và cuối cùng (kể cả bạn có thể vẫn có con lần sau) mình sẽ có trải nghiệm được làm mẹ, được tạo ra một sự sống ngay trong người mình, được nuôi nấng một linh hồn trong sáng từ lúc lọt lòng đến lúc nó trưởng thành và khiến nó trở thành một ánh sáng làm trái đất này thêm sáng sủa, ấm áp. Thật là một điều đáng trân trọng phải không?
Khi coi đây là cơ hội duy nhất và cuối cùng, bạn sẽ trân trọng nó, bạn sẽ hiện diện với nó từng giây từng phút. Vì từng khoảnh khắc, dù vui hay buồn, khó khăn hay hạnh phúc - chỉ tồn tại vì bạn đã lựa chọn đưa con người này ra đời. Khi luôn lĩnh hội đây là lựa chọn của chính mình (và nó cũng thực sự phải là lựa chọn của bạn, khi bạn đã sẵn sàng, chứ không phải vì dưới sức ép bên ngoài mà quyết định có con), thì mọi thứ khiến mình thất vọng hay mệt mỏi khi làm mẹ, sẽ đều là những trải nghiệm mình đã tự chọn cho mình. Khi là điều mình đã chọn, thay vì chống cự nó, mình có thể hoàn toàn chấp nhận và hiện diện với nó, để biến đây thành một trải nghiệm ý nghĩa, sâu sắc, xứng đáng với lựa chọn của mình. Và thực ra, tinh thần này, cũng nên áp dụng cho tất cả những lựa chọn khác cho cuộc sống - như tình yêu, sự nghiệp, đam mê… để tránh đẩy trách nhiệm làm mình hạnh phúc sang người khác hay những yếu tố bên ngoài, chỉ để cảm thấy thất vọng là điều đó đã không xảy ra.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần lĩnh hội rằng, việc có con không phải chỉ để “vui cửa vui nhà”, hay để gia đình thêm ấm cúng; mà nó sẽ cho chúng ta một sứ mệnh và ý nghĩa lớn, giúp mình hiểu được thế nào là hi sinh và yêu thương một con người sâu sắc và vô điều kiện, hiểu được cha mẹ đã sinh ra và nuôi mình lớn như thế nào - tất cả góp phần thêm màu sắc cho cuộc sống chúng ta thêm đa chiều, thêm màu nhiệm, thêm sâu sắc. Vì mục đích sống của con người chính là để trải nghiệm nhiều tông màu, cảm xúc, nốt nhạc nhất có thể trong một đời người!
Và cuối cùng, một bí quyết nữa khiến mình hạnh phúc nhất khi có con, đó chính là nhìn sâu thẳm vào đôi mắt con, thực sự cảm nhận niềm hạnh phúc trong sáng trong em bé, trong đứa trẻ còn chưa một vết hằn từ cuộc sống, vì trong nó chính là chân lý sâu sắc nhất của đời người - đó là niềm hạnh phúc luôn sẵn có trong chúng ta, vì từ lúc sinh ra chúng ta đã hạnh phúc, đã thỏa mãn, và không cần gì khác để làm mình hạnh phúc. Đó chính là món quà lớn nhất khi được làm người. Cứ nhìn vào mắt em bé thì bạn sẽ lĩnh hội được điều này - với điều kiện bạn phải thật tĩnh tâm, thật hiện diện và buông bỏ mọi suy nghĩ, lo âu để cảm nhận được chân lý đó trong ánh mắt của bé. Lớn lên chúng ta rất dễ quên đi bản chất hạnh phúc và ánh sáng sẵn có trong con người mình, và cứ đi tìm tòi nó ở những thứ hay người khác bên ngoài. Nhưng chính con bạn sẽ là thứ luôn nhắc nhở bạn hãy sống chậm lại, bình tâm lại, cắm rễ trong hiện tại để khám phá và thưởng thức những thứ nhỏ trong cuộc sống kỳ diệu này và đặc biệt là coi mọi thứ là một cơ hội để “chơi” và trải nghiệm! Khi sống theo tinh thần như vậy, tự nhiên mọi chuyện tưởng như nặng nề cũng không đến nỗi tệ lắm. Thật là một điều đáng chiêm nghiệm phải không?
Tất cả những điều trên, không thể hiểu trong "ngày một ngày hai". Như đã nói trên, mình đã suy ngẫm kĩ về trải nghiệm có con lần đầu để hiểu tại sao mình đã thấy nó mệt mỏi và stress đến thế trong hai năm đầu so với những năm sau này. Và điều nổi bật nhất là mình đã không hiện diện với từng khoảnh khắc như mỗi khoảnh khắc chỉ có một lần. Mình đã luôn để sự tự đánh giá, phán xét bản thân, thiếu tự tin về cách nuôi con, hay lo lắng về những gì có thể xảy ra để át đi những cơ hội có thể thưởng thức hiện tại. Mình cũng đã luôn trách việc nuôi con khiến mình mất thời gian, cơ hội đầu tư cho công việc hay cho bản thân, hay làm giảm thời gian có thể tận hưởng hôn nhân với người bạn đời.
Vì thế nên khi quyết định có con lại, khi đã mang bầu cặp song sinh, mình đã xác định - mình sẽ hiện diện và toàn tâm toàn ý với từng giây phút mang thai cũng như nuôi con, như đó là điều mình đã chọn để trải nghiệm cuộc sống trong thời gian này. Mình không nghĩ nhiều đến những điều đáng nhẽ phải làm, hay những thứ không làm được. Mình chỉ tập trung vào cách có thể trải nghiệm và thưởng thức tốt nhất việc nuôi con. Và theo mình, cách tốt nhất để thưởng thức việc nuôi con, chính là nuôi con theo cách bản thân thấy thoải mái nhất, thể hiện đúng phong cách và con người mình nhất. Với mình, thì việc tập luyện, ăn ngon, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần bản thân là những nhu cầu lớn không thể bỏ qua, dù là nuôi con hay không - nên mình đã tìm cách kết hợp nó vào hành trình nuôi con nhỏ, yêu cầu chồng hay người trong gia đình giúp khi cần làm những việc đó cho bản thân. Nuôi con vẫn phải vui, nên mình vẫn dành thời gian để chơi với con, giải trí và đi chơi mang con theo để tất cả cùng trải nghiệm. Nhờ đó, mình không còn cảm thấy tù túng, cũng không cảm thấy bị giới hạn bởi việc nuôi con nhỏ, dù là nuôi hai bé sinh đôi và cho chúng bú mẹ hoàn toàn. Và bạn có tin không, ngay cả trong mấy tháng đầu sau sinh, mình vẫn chăm sóc da, tóc, tự “spa” cho bản thân, ăn mặc trong nhà thoải mái nhưng vẫn cảm thấy đẹp và tự tin trong cơ thể của mình. Những điều này lần sinh đầu mình đã đều bỏ quên, để bản thân như “mẹ dại” và buông xuôi mọi việc chăm sóc bản thân, nên lại càng u uất, nặng nề và chán nản bản thân.
Vậy đó, có con có làm mình hạnh phúc hay không, hoá ra hoàn toàn tuỳ thuộc vào chúng ta sẽ xây dựng một môi trường thế nào cho mình sau khi sinh con, và sẽ làm gì cho bản thân ngay cả khi đang tập trung nuôi con lớn dần mỗi ngày. Và trên hết, là coi mỗi khoảnh khắc như một món quà, một lựa chọn mình đã dành riêng cho cuộc sống mình thêm màu sắc, chiều sâu và ý nghĩa. Để có thể rời cõi đời này với một nụ cười là bạn đã mang lại những linh hồn đẹp vào vũ trụ này và chúng tiếp tục là nguồn ánh sáng thay bạn giúp sưởi ấm và kiến tạo những thứ mới cho thế giới của chúng ta. Khi giữ trong mình những ý niệm như vậy, bạn sẽ sống từng ngày bên con, bên gia đình trong sự tích cực, với chủ đích rõ ràng, và không để nó kéo mình lên xuống như chuyến tàu siêu lượn roller coaster đáng sợ kia. Và chỉ khi đó, nuôi con là một hạnh phúc thực sự, chứ không phải là một ảo tưởng.
About the author
Dao Chi Anh