Sống khỏe
Bạn thực sự hiểu rõ về COVID-19?
Là một trong các quốc gia có số người nhiễm Covid-19 cao nhất, Canada đã trở thành khu vực đỏ trên biểu đồ dịch của toàn thế giới. Chị Nguyễn Thị Vân, hiện đang cùng gia đình sinh sống và học tập tại Quebec đã có những chia sẻ về cuộc sống của gia đình cũng như quá trình sinh con đầy khó khăn trong thời gian quốc gia này đối mặt với dịch bệnh tại đây.
PV: Xin chào chị Vân, chị đã sinh sống ở Canada lâu chưa?
NV: Tôi cùng chồng và con gái chuyển sang Canada sinh sống và học tập từ đầu năm 2016. Cuộc sống hiện đã ổn định. Tôi đang làm việc cho một công ty phân tích dữ liệu, chồng tôi vẫn là nghiên cứu sinh còn con gái thì theo học tại trường công lập tại đây.
PV: Cuộc sống và sinh hoạt của gia đình chị đã thay đổi như thế nào trong đại dịch?
NV: Trong đợt đỉnh dịch Covid thì hầu hết người dân đều được cho nghỉ làm hoặc làm việc tại nhà. Khắp nơi đều đóng cửa, đường phố vắng hoe không bóng người. Tuy nhiên người dân vẫn có thể ra ngoài để mua sắm nhu yếu phẩm. Ở Canada rất may mắn là không có tình trạng đổ xô tích trữ lương thực, thực phẩm. Khi đến siêu thị, họ sẽ giới hạn chỉ cho 15-20 người được vào mua trong 1 lần. Bên ngoài xếp hàng cũng bắt buộc phải cách nhau 2m. Một số sản phẩm được giới hạn số lượng, như giấy vệ sinh thì mỗi lần mua chỉ được 1 lốc. Siêu thị cũng trang bị nước rửa tay miễn phí nên nhìn chung mọi người rất tự giác và cư xử lịch thiệp với nhau.
Còn với cấp tiểu học như con gái tôi đang theo học thì giai đoạn bùng dịch lần 1 cháu được nghỉ hẳn ở nhà, có học trực tuyến nhưng không bắt buộc tham gia, thời gian học cũng rất ngắn. Đến lần bùng dịch thứ 2 thì tùy từng trường, tùy từng khu vực. Đối với trường của con gái tôi đang theo học thì các gia đình có thể chọn cho con học trực tuyến hoặc đến lớp. Khi đến trường thì các con chỉ được phép chơi với các bạn trong lớp của mình, không được chơi với các bạn lớp khác.
(Đường phố Canada) - NVCC
PV: Thời gian đầu của Covid-19, cộng đồng người gốc Á trên thế giới thường xuyên gặp phải sự kỳ thị. Nơi chị sinh sống có xảy ra trường hợp ấy ko?
NV: Có chứ. Giai đoạn đầu hầu như người Châu Á đều bị kỳ thị nếu nhẹ nhàng và lịch sự thì người da trắng, người da đen tránh đến các cửa hiệu Trung Quốc hay Thái Lan… vốn luôn là những địa điểm ẩm thực phổ biến. Trường hợp nặng hơn, người châu Á có thể bị la ó, tẩy chay và thậm chí bị hành hung. Khi thấy người đeo khẩu trang ở nơi công cộng, có những người quá khích còn vây vào đánh. Nhưng bây giờ thì mọi thứ đã ổn, tình trạng này đã không còn tồn tại trong cộng đồng nữa.
PV: Chị và gia đình đã làm những gì để tự bảo vệ sức khỏe?
NV: Chính phủ Canada khuyến khích người dân nên ở trong nhà, nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng duy trì các hoạt động thể chất như đi dạo hàng ngày (ở những địa điểm vắng người), tập yoga online trong nhà . Rửa tay sát khuẩn liên tục, đeo khẩu trang, tránh các khu vực đông người, giữ khoảng cách 2m với người lạ. Bổ sung dinh dưỡng và vitamin bằng cách ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Thỉnh thoảng tôi cũng nấu nước gừng hoặc nước chanh sả để xông nhà cho sạch sẽ.
PV: Được biết trong năm qua gia đình chị đã chào đón thêm thành viên mới. Mang thai và sinh con đúng vào giai đoạn dịch bùng nổ, chị đã gặp phải những khó khăn gì?
NV: Canada đã chứng kiến hơn 2.000 trường hợp nhiễm virus corona ở người mang thai kể từ tháng 3/2020. Theo tôi được biết, những phát hiện sơ bộ của một dự án giám sát quốc gia cho thấy những người nhiễm virus khi mang thai có nguy cơ tiếp nhận chăm sóc tích cực ICU hơn 11%, cao gấp 2,3% so với người phụ nữ mang thai ở độ tuổi tương tự. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 15% trẻ có mẹ bị mắc Covid-19 ở Canada sẽ bị sinh non. Những thông tin này khiến tôi không khỏi lo lắng về sự an toàn cho cả 2 mẹ con trong suốt quá trình mang thai.
PV: Chị có thể kể chi tiết hơn cho độc giả của Her hiểu về quá trình đó?
NV: Khi tôi mang thai, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nên một số cuộc hẹn khám với bác sĩ bắt buộc chuyển sang khám online. Chỉ gặp trực tiếp bác sĩ ở các mốc quan trọng của thai kỳ. Đến ngày sinh thì tôi phải một mình tự vào bệnh viện để khám xem sắp chuyển dạ chưa, nếu có dấu hiệu sinh thì sản phụ mới được gọi thêm 1 người vào cùng, tuyệt đối không được ra ngoài nữa. Bệnh viện yêu cầu sản phụ đeo khẩu trang ngay cả khi trên bàn đẻ.
Điều mà tôi cảm thấy vô cùng biết ơn là các nhân viên y tế luôn cố gắng làm cho tôi thấy thoải mái, không hề có giọng điệu nghiêm trọng hay năng lượng tiêu cực. Họ nghiêm túc nhưng vẫn cười và nói đùa với nhau. Điều duy nhất mà tôi có thể nói là căng thẳng trong quá trình vượt cạn là tất cả sự hỗ trợ dành cho tôi - từ chồng tôi, nữ hộ sinh, y tá và bác sĩ phẫu thuật - đều bị “che đậy” bởi khẩu trang nên thực sự khó nghe rõ được tình hình... Mọi người luôn phải nói to hơn.
Bệnh viện phục vụ đồ ăn miễn phí ba bữa mỗi ngày và không được ra ngoài hay gọi đồ ăn mang vào. Giai đoạn đi sinh cũng là giai đoạn khó khăn nhất với gia đình tôi. Do bệnh viện chỉ cho một người thân vào nên tôi đành phải gửi con ở nhà bạn một thời gian. Thực sự, rất nhớ và thương con.
(Phòng hậu sinh) - NVCC
PV: Vậy còn những vấn đề mà phụ nữ sau sinh dễ mắc phải, nhất là trong hoàn cảnh đó?
NV: Tôi hiểu ý bạn muốn hỏi đến sức khỏe tâm thần. Bản thân phụ nữ sau sinh vốn có tinh thần nhạy cảm hơn, dễ mắc phải trầm cảm, cộng thêm cảm giác sợ hãi, lo lắng về sức khỏe con cái trong đại dịch COVID-19 cũng có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ về sức khỏe tâm thần.
Chúng tôi được khuyến khích giữ kết nối với gia đình, bạn bè, sự hỗ trợ của cộng đồng và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe công.
Các dịch vụ và nền tảng hỗ trợ như Wellness Together Canada luôn sẵn sàng đáp ứng cho bất kỳ ai có nhu cầu.
PV: Tại sao rất nhiều người chọn về Việt Nam để tránh dịch còn chị thì không?
NV: Nhiều bạn bè của tôi ở đây cũng rất muốn về nhà nhưng không thể vì việc xuất nhập cảnh rất khó khăn. Riêng tôi, ngay từ đầu đã không có ý định trở về, vì tôi nghĩ ở yên một chỗ sẽ an toàn nhất, lại đỡ gánh nặng cho quê hương. Chúng tôi cũng được nhận hỗ trợ rất nhiều từ nước sở tại.
PV: Chính phủ Canada có những chính sách gì dành cho người dân trong giai đoạn khó khăn?
NV: Canada luôn được biết đến là một trong các quốc gia có phúc lợi xã hội tốt nhất thế giới.. Trong tình hình dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, chính phủ vẫn liên tục đưa ra các chính sách hỗ trợ kịp thời và nhân văn để giúp cho công dân Canada và sinh viên quốc tế đang theo học tại đây. Ngay cả du học sinh cũng nhận được tiền hỗ trợ thất nghiệp của chính phủ ( chỉ cần khai thuế thu nhập ít hơn 5.000$ và bị mất việc hoặc bị giảm thu nhập do Covid).
Ngoài ra, còn rất nhiều các chính sách hỗ trợ khác cho từng đối tượng cụ thể. Và có một điều hay nữa là ở Canada người dân bản địa hay dân nhập cư đều được chính phủ hỗ trợ như nhau trong các chính sách hỗ trợ này. Rất nhiều người sang du lịch thăm người thân bị kẹt lại không về được do Covid cũng sẽ được gia hạn visa.
Trong trường hợp bị nhiễm virus Corona, chính phủ Canada sẽ trả toàn bộ chi phí điều trị cho người dân, kể cả du học sinh quốc tế. Ngoài ra họ cũng có nhiều gói hỗ trợ tài chính cho người thất nghiệp, cho phép hoãn thời hạn đóng thuế…. Những điều đó khiến tôi an tâm hơn khi ở lại.
(Hai em bé đáng yêu của gia đình chị Vân) - NVCC
PV: Chị có lời khuyên nào dành cho các bà mẹ đang mang thai trong thời kỳ đại dịch?
NV: Tôi muốn nói với các bà mẹ đang mong đợi khác hãy tin tưởng vào các chuyên gia y tế. Tôi đã dành nhiều thời gian để lo lắng vô ích. Các bạn hãy chuẩn bị cho mọi tình huống nhưng cũng đừng suy nghĩ và bi quan quá mức. Việc quan trọng nhất là tập trung vào sức khỏe của bạn và em bé.
Mang thai, làm cha mẹ đòi hỏi rất nhiều can đảm. Và đối với những người sắp trở thành cha mẹ mới trong trận đại dịch này, tôi nghĩ họ sẽ có nhiều dũng khí và sức mạnh đặc biệt. Mong cho tất cả chúng ta sẽ luôn bình an!
PV: Xin cảm ơn chị rất nhiều về cuộc trò chuyện này. Chúc chị cùng gia đình nhiều sức khỏe và an toàn vượt qua giai đoạn khó khăn này!
Phương Hoa
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.