Saturday Science - Để trẻ nhỏ “ăn đất” vì hệ miễn dịch khỏe mạnh

TỔ ẤM

Saturday Science - Để trẻ nhỏ “ăn đất” vì hệ miễn dịch khỏe mạnh

authorBy Hoàng Hà
Share on
Share on
Saturday Science - Để trẻ nhỏ “ăn đất” vì hệ miễn dịch khỏe mạnh

Trừ trường hợp có lẫn phân hay hóa chất, đất đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe đường ruột. Các cụ bảo “Ăn bẩn sống lâu” hóa ra lại vô cùng hợp lý!


Các bạn đã từng nhìn thấy một đứa bé bất kì nào đó, dù là em nhỏ hay con cái trong nhà, đưa tất cả những gì trong tầm tay vào miệng chưa? Chỉ một câu trả lời duy nhất đúng cho câu hỏi này, và đó là “Tất nhiên rồi!”. Đây hình như đã là một bản năng cần thiết cho sự sinh tồn của loài người qua hàng chục nghìn năm tiến hóa. 


Dù bọn trẻ đang đùa nghịch đào bới trong vườn, hay “đi quá xa” với trò nặn bánh bùn để chơi bán đồ hàng, thì có một sự thật không thể chối cãi được là trẻ nhỏ... ăn bẩn. Điều này đồng nghĩa với việc cha mẹ cứ phải dành hàng giờ trông chừng để giật lại những thứ được cho là mất vệ sinh khỏi tay bọn trẻ trước khi chúng kịp cho vào miệng, rồi lại tất bật lau tay lau mặt cho chúng. Tất cả chỉ để lặp lại những bước y hệt như vậy 10 phút (hoặc ngay lập tức) sau đó.



Ăn đất đúng là trông khá nhem nhuốc. Nhưng thật ra thì đất có thể được tiêu thụ một cách an toàn (tất nhiên là ngoại trừ trường hợp đất có lẫn phân, rác hay các chất hóa học độc hại). Trên thực tế, mỗi vốc đất sạch có chứa tới hơn một tỷ các loại tế bào khuẩn có lợi, tương đương với một chai sữa chua uống. Những vi khuẩn có lợi này đều nhằm mục đích tăng cường hệ miễn dịch của con nhỏ. 


Trong cuốn sách “Đất có lợi” (“Dirt is good”), tiến sỹ Jack Gilbert từ trường Đại học Chicago có nhắc rằng: “Hệ miễn dịch của bạn cần được huấn luyện. Nó cần làm việc và làm quen liên tục với những kích thích từ bên ngoài để tránh việc bị những mầm bệnh lạ tấn công đột ngột”. Ông cũng nói thêm: “Con trẻ hưởng lợi nhiều hơn là chịu ảnh hưởng xấu từ việc tăng cường tiếp xúc với các loại khuẩn từ cây cối và động vật”.


Nói về việc ăn bẩn, chúng ta có thể liên tưởng ngay tới việc ăn đất, là môi trường chứa các chất hữu cơ đã phân rã cùng khoảng 25 nghìn các loại vi khuẩn. Bản thân những thành phần này của đất không có nguy cơ gây bệnh cho những cơ thể khỏe mạnh.


Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng có được hệ miễn dịch đủ khỏe mạnh để làm quen với các loại khuẩn trong đất. Những trường hợp cần tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn đất gồm có: khi có vết thương hở ngoài da, khi đất nơi bạn sống từng phơi nhiễm các chất hóa học do thuốc trừ sâu hoặc do nước rỉ từ bãi phế thải gần đó (nếu có). Đất có lẫn phân động vật có chứa các loài ký sinh cũng cần tuyệt đối tránh tiếp xúc. Trừ trường hợp phải sinh tồn, bạn đừng nên làm theo Bear Grylls trong chuỗi truyền hình thực tế “Man vs. Wild” khi anh này vắt phân voi ra nước để uống. 


Ngoài những trường hợp nêu trên, bản thân đất tự nhiên có thể được tiêu thụ một cách an toàn. Khi được ăn đúng cách, đất còn mang lại những lợi ích đáng kinh ngạc cho sức khỏe. Trong cuốn sách của mình, Gilbert đã giải thích cặn kẽ giả thuyết của ông rằng việc cho trẻ nhỏ tiếp xúc từ sớm với các loại động, thực vật và các thành phần đất là chìa khóa để giảm thiểu khả năng bị kích ứng với thức ăn, dị ứng ngoài da, hen suyễn, hắt hơi sổ mũi do thay đổi mùa trong năm...

 


Để ủng hộ cho giả thuyết này, một nghiên cứu khác của tờ báo Pediatrics đã đưa ra kết quả rằng những đứa trẻ hay mút tay hoặc cắn móng tay thường xuyên có khả năng miễn dịch tốt hơn khi ở gần chó, mèo, nơi bụi bặm và thậm chí trong môi trường ẩm mốc. “Giữ con trẻ trong một môi trường quá sạch sẽ có thể là nguyên nhân chính gây ra những bệnh liên quan đến miễn dịch”. 


Vậy khi nào nên bắt đầu cho trẻ chơi với động vật nuôi và tiếp xúc với những yếu tố tự nhiên trong môi trường sống? Nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có Gilbert, khuyên nên cho trẻ tiếp xúc càng sớm càng tốt. Theo Martin Blaser từ trường Đại học New York, ngoài việc chủ động cho trẻ chơi với đất cát, các bậc phụ huynh cũng cần để ý tránh lạm dụng thuốc kháng sinh do đây là một trong những căn nguyên của tình trạng sức đề kháng tự thân của mỗi người bị giảm sút.  



Hãy cứ để cho trẻ nhỏ được chơi đùa. Để cho chúng được thoải mái khám phá thế giới xung quanh, đồng thời để mắt tới trẻ tránh trường hợp trẻ ăn bẩn quá đà. Nếu trẻ bị mẩn hay kích ứng, là dấu hiệu cơ thể đang vận hành để làm quen với điều kiện sống mới, hãy đưa trẻ đi bác sĩ. Nếu trẻ vẫn khỏe mạnh lành lặn thì chúng sẽ ổn thôi. Với suy nghĩ này, bạn có thể dễ dàng cùng trẻ trồng cây, làm vườn và đồng thời không cần bận tâm quá nhiều nếu con trẻ có lấm lem bùn đất.


Để khép lại bài viết, xin bạn nhớ rằng dù đất có lợi cho đường ruột và hệ miễn dịch, chúng ta vẫn nên rửa tay cho trẻ nhỏ sau khi chơi đùa và trước bữa ăn để hạn chế khả năng phơi nhiễm với những vi khuẩn và ký sinh trùng không mong muốn bạn nhé!

About the author

Một nhà khoa học yêu thiên nhiên và có niềm đam mê trồng vườn theo mô hình permaculture. 

Tác giả của chuyên mục hàng tuần “Saturday Science” - Her.vn với mục đích truyền tải kiến thức khoa học theo phong cách gần gũi và dễ hiểu để ai cũng có thể áp dụng. 

Tìm hiểu thêm về cô qua kênh Linkedin: Hà Hoàng

author

Hoàng Hà

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!