Trầm cảm sau sinh, xin đừng coi thường

MẸ & BÉ

Trầm cảm sau sinh, xin đừng coi thường

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Trầm cảm sau sinh, xin đừng coi thường

Sinh nở và chăm sóc một đứa trẻ là hành trình khá căng thẳng với hầu hết chúng ta, bất kể bạn đã mong đợi điều đó hay bạn yêu con mình đến mức nào. Thiếu ngủ, nhiều trọng trách cũng như khó khăn lạ lẫm và thiếu thời gian cho bản thân… sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta cảm giác đang ở trên một chuyến tàu lượn siêu tốc đầy cảm xúc.


Hầu hết những người lần đầu làm mẹ đều trải qua tình trạng "baby blues" sau khi sinh con, thường bao gồm tâm trạng thất thường, hay khóc, lo lắng và khó ngủ. Baby blues thường bắt đầu trong vòng 2 đến 3 ngày đầu tiên sau khi sinh và có thể kéo dài đến hai tuần.


Nhưng một số sẽ trải qua một dạng trầm cảm lâu dài, nghiêm trọng hơn được gọi là trầm cảm sau sinh. Nó có thể bắt đầu trong khi mang thai và tiếp tục sau khi sinh con. 


Trầm cảm sau sinh là một loại trầm cảm xảy ra sau khi sinh con. Nó ảnh hưởng đến 15% số các bà mẹ. Những người bị trầm cảm sau sinh trải qua cảm xúc thăng trầm, thường xuyên khóc, mệt mỏi, tội lỗi, lo lắng và có thể gặp khó khăn khi chăm sóc em bé của họ. Trầm cảm sau sinh có thể được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý.


Trầm cảm sau sinh không phải là khuyết điểm hay điểm yếu của mỗi người. Đôi khi nó chỉ đơn giản là một biến chứng của việc sinh nở. Nếu bạn bị trầm cảm sau sinh, việc điều trị kịp thời có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và giúp bạn gắn kết với con mình.


Triệu chứng của trầm cảm sau sinh


Các triệu chứng trầm cảm sau khi sinh con rất đa dạng và có thể từ nhẹ đến nặng. Có ba loại rối loạn tâm trạng sau sinh khác nhau:


Triệu chứng baby blues


Các triệu chứng của baby blues chỉ kéo dài vài ngày đến một hoặc hai tuần sau khi em bé chào đời, có thể bao gồm:


- Tâm trạng lâng lâng

- Lo lắng, sầu não

- Cáu gắt

- Cảm thấy choáng ngợp

- Hay khóc

- Có vấn đề về ăn uống

- Khó ngủ


Các triệu chứng sẽ tự biến mất sau vài tuần.


Triệu chứng trầm cảm sau sinh


Ban đầu, trầm cảm sau sinh có thể bị nhầm lẫn với hội chứng baby blues nhưng các triệu chứng nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn. Các triệu chứng thường phát triển trong vài tuần đầu sau khi sinh. Nhưng chúng có thể bắt đầu sớm hơn — trong khi mang thai — hoặc muộn hơn — cho đến một năm sau khi sinh.


Các triệu chứng trầm cảm sau sinh có thể bao gồm:


- Tâm trạng chán nản hoặc thay đổi tâm trạng nghiêm trọng

- Khóc quá nhiều

- Khó gần gũi với em bé

- Cô lập bản thân khỏi gia đình và bạn bè

- Chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường

- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều

- Quá mệt mỏi hoặc mất năng lượng

- Ít hứng thú và niềm vui trong các hoạt động bạn từng thích

- Dễ cáu giận

- Luôn sợ rằng mình không phải là một người mẹ tốt

- Lo lắng, tuyệt vọng

- Cảm giác vô dụng, xấu hổ, tội lỗi hoặc kém cỏi

- Giảm khả năng tập trung, suy nghĩ và đưa ra quyết định

- Suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé của bạn

- Ý nghĩ lặp đi lặp lại về cái chết


Loạn thần sau sinh


Rối loạn tâm thần sau sinh là một dạng trầm cảm sau sinh cực kỳ nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Tình trạng này tương đối hiếm, chỉ ảnh hưởng đến 1 trên 1.000 người sau khi sinh. Các triệu chứng thường xảy ra nhanh chóng sau khi sinh và nghiêm trọng, kéo dài vài tuần đến vài tháng.


Các triệu chứng có thể bao gồm:


- Cảm thấy bối rối và mất mát

- Có những suy nghĩ ám ảnh về em bé của bạn

- Xuất hiện ảo giác và thậm chí hoang tưởng

- Có vấn đề về giấc ngủ

- Hưng cảm, kích động dữ dội và nhiều năng lượng

- Có xu hướng làm hại bản thân hoặc em bé 


Rối loạn tâm thần sau sinh có thể dẫn đến những suy nghĩ hoặc hành vi đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức.


*Bên cạnh đó, trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ. Nghiên cứu đã thực sự phát hiện ra rằng cứ 10 ông bố thì có tới 1 người bị trầm cảm sau khi sinh con. Họ có thể cảm thấy buồn, mệt mỏi, choáng ngợp, lo lắng... Đây là những triệu chứng tương tự mà các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh gặp phải.


Những ông bố trẻ, có tiền sử trầm cảm, gặp vấn đề trong các mối quan hệ hoặc đang gặp khó khăn về tài chính có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh cao nhất. Trầm cảm sau sinh ở người cha có thể có tác động tiêu cực tương tự đối với mối quan hệ bạn đời và sự phát triển của trẻ giống như trầm cảm sau sinh ở người mẹ.


tram-cam-sau-sinh-2.jpg


Nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh


Theo các nhà nghiên cứu và bác sĩ, không có nguyên nhân duy nhất gây trầm cảm sau sinh.


Sau khi sinh con, sự sụt giảm đáng kể hormone estrogen và progesterone trong cơ thể bạn có thể góp phần gây ra chứng trầm cảm sau sinh. Các hormone khác do tuyến giáp sản xuất cũng có thể giảm mạnh - khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải và chán nản.


Ngoài những thay đổi về mặt hóa học này, những thay đổi về mặt xã hội và tâm lý liên quan đến việc sinh con làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Ví dụ về những thay đổi này bao gồm những thay đổi về thể chất đối với cơ thể bạn, thiếu ngủ, lo lắng về việc nuôi dạy con cái hoặc những thay đổi trong các mối quan hệ của bạn… Bất kỳ vấn đề nào trong số này đều có thể góp phần gây ra trầm cảm sau sinh.


Bên cạnh đó, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh:


- Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị trầm cảm, trầm cảm sau sinh hoặc rối loạn rối loạn tiền kinh nguyệt (PMDD).

- Dưới 20 tuổi hoặc là cha mẹ đơn thân.

- Bạn bị rối loạn lưỡng cực.

- Bạn đã trải qua những sự kiện căng thẳng như các biến chứng khi mang thai, bệnh tật hoặc mất việc làm.

- Em bé của bạn có vấn đề về sức khỏe hoặc các nhu cầu đặc biệt khác.

- Bạn đang gặp vấn đề trong mối quan hệ tình cảm, vợ/chồng .

- Bạn không được chăm sóc, hỗ trợ.

- Bạn gặp vấn đề về tài chính.

- Việc mang thai là không có kế hoạch hoặc không mong muốn.

- Chấn thương thể chất hoặc tâm lý như bạo lực gia đình.


Biến chứng của trầm cảm sau sinh


Trầm cảm sau sinh không được điều trị có thể kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn, đôi khi trở thành chứng rối loạn trầm cảm kéo dài. Các bà mẹ có thể ngừng cho con bú, gặp khó khăn trong việc gắn bó và chăm sóc con của họ, đồng thời có nguy cơ tự tử cao hơn. Ngay cả khi được điều trị, trầm cảm sau sinh làm tăng nguy cơ mắc các đợt trầm cảm nghiêm trọng trong tương lai của phụ nữ.


Trầm cảm sau sinh có thể có tác động lan tỏa, gây căng thẳng về cảm xúc cho những người gần gũi. Khi một người mẹ bị trầm cảm, nguy cơ trầm cảm ở cha đứa trẻ cũng có thể tăng lên. 


Con của những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh không được điều trị có nhiều khả năng gặp các vấn đề về cảm xúc và hành vi, chẳng hạn như khó ngủ và ăn uống, quấy khóc nhiều và chậm phát triển các kỹ năng, ngôn ngữ.


tram-cam-sau-sinh-3.jpg


Khi nào đi khám bác sĩ


Mặc dù bạn có thể e ngại và lo sợ vì bị kỳ thị nhưng cần đặt sức khỏe của bạn và con bạn lên hàng đầu.


Bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp khi:


- Các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần hoặc thậm chí trở nên tồi tệ hơn.

- Bạn không thể hoạt động bình thường hoặc đối phó với các tình huống hàng ngày.

- Bạn có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé của bạn.

- Bạn cảm thấy vô cùng lo lắng, sợ hãi và hoảng loạn hầu hết thời gian trong ngày.


Trầm cảm sau sinh được điều trị khác nhau tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Các lựa chọn điều trị bao gồm thuốc chống lo âu hoặc chống trầm cảm (bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc an toàn khi cho con bú), liệu pháp tâm lý (liệu pháp nói chuyện hoặc liệu pháp hành vi nhận thức) và hỗ trợ tham gia nhóm.


Cách để đối phó với trầm cảm sau sinh 


Trầm cảm sau sinh có thể khiến bạn cô đơn, đau khổ và đáng sợ, nhưng luôn có sẵn các biện pháp hỗ trợ và điều trị hiệu quả. Và bạn không phải chịu đựng môt mình.


Tiến sĩ Alison Stuebe, chuyên gia phụ về y học dành cho bà mẹ và thai nhi đồng thời là giáo sư Sản phụ khoa tại Trường Y thuộc Đại học Bắc Carolina (Mỹ) đã chia sẻ với UNICEF về chứng trầm cảm sau sinh và các bước bạn có thể thực hiện để tìm kiếm sự hỗ trợ:


Hãy tử tế với chính mình


Bạn có thể có nhiều kỳ vọng cho bản thân với tư cách là cha mẹ, nhưng không ai trong chúng ta có thể đáp ứng mọi kỳ vọng của mình mọi lúc. Hãy bao dung với bản thân dù bạn đang ở bất kỳ tình trạng nào. Bạn cần nhớ rằng:


- Trầm cảm là một căn bệnh giống như bất kỳ căn bệnh nào khác.

- Bị trầm cảm không phải lỗi của bạn – điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai.

- Bị trầm cảm không có nghĩa là bạn là người mẹ tồi.

- Trầm cảm không có nghĩa là bạn đang phát điên.

- Trầm cảm không có nghĩa là bạn không thể chăm sóc con và em bé sẽ phải rời xa bạn – em bé chỉ được chăm sóc đặc biệt trong những trường hợp rất đặc biệt.


Chăm sóc bản thân


Cố gắng ăn uống lành mạnh và dành thời gian để tập thể dục. Bạn cũng nên nói chuyện với gia đình và bạn bè về cảm xúc của mình và những gì họ có thể làm để giúp đỡ. Dành thời gian cho bản thân để làm những việc bạn thích, nghỉ ngơi bất cứ khi nào có cơ hội, ngủ càng nhiều càng tốt.


Nói chuyện với những người có kinh nghiệm


Thông thường, chúng ta có thể cảm thấy rằng mình là những người duy nhất hiểu được cảm giác ấy như thế nào. Nhưng rất nhiều người cũng đã và đang mắc trầm cảm sau sinh.


Một nghiên cứu được công bố bởi Tạp chí Tâm thần học Canada cho thấy nói về cảm xúc của bạn với người khác có thể giúp thay đổi tâm trạng. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những bà mẹ mới sinh con có mức độ trầm cảm thấp hơn sau khi thường xuyên nói chuyện với những bà mẹ có kinh nghiệm đã từng trải qua trầm cảm sau sinh. Những kết quả này kéo dài đến bốn tuần và sau đó là tám tuần sau khi sinh.


Mặc dù các bà mẹ trong nghiên cứu này đã được đào tạo cụ thể về cách hỗ trợ qua điện thoại, nhưng sức mạnh của sự tương tác xã hội là không thể phủ nhận. Vì vậy, đừng ngần ngại trò chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các nhóm tư vấn và hỗ trợ để chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm. Việc nói chuyện với bạn bè và các thành viên trong gia đình về cảm giác của bạn cũng rất quan trọng.


Kiên nhẫn điều trị


Điều trị bệnh trầm cảm cần nhiều thời gian và sự cố gắng. Không chỉ cần thời gian để chẩn đoán đúng bệnh trầm cảm mà còn cần thời gian để tìm ra thuốc thích hợp để điều trị. Bởi mỗi người có một thể khác nhau và mức độ khác nhau, đồng thời thuốc tác dụng lên từng cá nhân cũng khác nhau.


Vì vậy, cần kiên trì dùng thuốc đúng liều, đúng giờ, không bỏ lỡ hoặc dừng thuốc cũng như tư vấn điều trị trước khi phác đồ kết thúc.


tram-cam-sau-sinh-1.jpg


Phòng tránh trầm cảm sau sinh


Trong một số trường hợp, trầm cảm sau sinh có thể phòng ngừa được:


• Bước đầu tiên là nhận thức được nguy cơ của bạn. Nếu bạn có tiền sử trầm cảm, có vấn đề trong hôn nhân, không có sự hỗ trợ về tài chính cũng như cuộc sống hàng ngày hoặc lo lắng có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh cao hơn, hãy nói với bác sĩ nếu bạn đang có kế hoạch mang thai hoặc ngay khi bạn biết mình có thai.


Khi mang thai, nhà cung cấp dịch vụ sẽ theo dõi chặt chẽ để phát hiện các triệu chứng trầm cảm. Bạn có thể hoàn thành bảng câu hỏi sàng lọc trầm cảm trong khi mang thai và sau khi sinh. Đôi khi trầm cảm nhẹ có thể được quản lý bằng các nhóm hỗ trợ, tư vấn. Trong nhiều trường hợp, thuốc chống trầm cảm có thể được khuyến nghị - ngay cả khi mang thai.


• Sau khi em bé chào đời, bác sĩ có thể đề nghị khám sức khỏe sau sinh sớm để sàng lọc các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Càng phát hiện sớm, việc điều trị càng sớm có thể bắt đầu. Nếu bạn có tiền sử trầm cảm sau sinh, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp trò chuyện ngay sau khi sinh. Hầu hết các thuốc chống trầm cảm đều an toàn khi cho con bú.


• Bên cạnh đó, hãy thực tế về những kỳ vọng của bạn đối với bản thân và em bé. Không gây áp lực cho bản thân phải làm tất cả mọi thứ, không cố gắng để đạt mọi thứ hoàn hảo. Việc này sẽ giúp bạn bớt hoảng loạn, căng thẳng khi thực sự đối mặt với những khó khăn khi sinh và chăm sóc em bé.


• Đừng quên duy trì một lối sống lành mạnh và luôn kết nối với những người thân để có thể trò chuyện và nhờ cậy để được hỗ trợ.


• Tham gia các lớp học tiền sản và kết bạn với những phụ nữ mang thai khác hoặc những người mới làm cha mẹ cũng có thể hữu ích.


Điều quan trọng cần nhớ là ngay cả khi thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa, bạn vẫn có khả năng mắc chứng trầm cảm sau sinh - một số yếu tố có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng trầm cảm sau sinh có thể điều trị được, nên đừng qua lo lắng.


Giúp đỡ một người bạn hoặc người thân yêu


Những người bị trầm cảm có thể không nhận ra hoặc thừa nhận rằng họ đang bị trầm cảm. Họ có thể không nhận thức được các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm. Nếu bạn nghi ngờ rằng một người bạn hoặc người thân bị trầm cảm sau sinh hoặc đang phát triển chứng rối loạn tâm thần sau sinh, hãy giúp họ tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Đừng chờ đợi và hy vọng mọi thứ sẽ tự nhiên cải thiện.

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!