Các bậc cha mẹ thường quá chú tâm tới việc nuôi và dạy con mà không nghĩ rằng mình có thể học được nhiều bài học từ con trẻ.
Dưới đây là 13 bài học bạn có thể học từ những bạn nhỏ xung quanh của mình.
Đừng bỏ cuộc sau khi thất bại
Trẻ chập chững biết đi thất bại nhiều hơn thành công. Chúng bị ngã khi tập đi, mặc nhầm quần áo và có khả năng mất bình tĩnh liên tục.
Tuy nhiên, trẻ không bối rối trước những thất bại của mình và cũng không tự kết luận rằng mình không thể làm được việc. Thay vào đó, chúng quay trở lại và tiếp tục cố gắng.
Kiên nhẫn
Tất nhiên, trẻ không kiên nhẫn với mọi thứ (như khi được yêu cầu làm điều gì đó mà chúng không muốn làm). Nhưng việc nhìn một đứa trẻ mới biết đi cố gắng làm điều gì đó mà chúng muốn có thể dạy bạn rất nhiều về sự kiên nhẫn của chính mình.
Yêu hết lòng
Trẻ nhỏ biết chúng yêu ai và chúng không sợ bị tổn thương bởi những người chúng quan tâm. Chúng chẳng hề lo lắng về việc ai thể hiện tình cảm nhiều hơn. Đơn giản là chỉ yêu mọi người hết lòng.
Hầu hết trẻ thể hiện rất nhiều tình cảm đối với những người mà chúng cảm thấy gần gũi nhất. Và chúng thường làm như vậy một cách thường xuyên, ôm, hôn, thủ thỉ và trèo lên lòng người thân chỉ đơn giản là cảm thấy thích điều đó.
Khi tức giận, trẻ cũng không giữ lâu trong lòng. Chúng quên những cảm xúc tiêu cực rất nhanh và sẵn sàng chia sẻ, thể hiện lòng tốt.
Tận hưởng mọi khoảnh khắc
Một trong những đặc quyền lớn của trẻ là chẳng hề phải hối tiếc về quá khứ và ít lo lắng về tương lai.
Người lớn thường dành nhiều thời gian để cố gắng học và thực hành các chánh niệm. Nhưng đối với những đứa trẻ mới bắt đầu khám phá thế giới, sống cho thời điểm hiện tại là bản năng. Bất kể chúng đang thực hiện hoạt động nào, đều tập trung vào hiện tại.
Tò mò
Trẻ mới biết đi nổi tiếng là tò mò. Chúng đặt mọi câu hỏi về mọi thứ, mở tất cả ngăn kéo trong tầm tay, trẻ muốn tìm hiểu càng nhiều càng tốt.
Và không chỉ nhìn, chúng khám phá bằng tất cả các giác quan. Nếm, ngửi, nghe, chạm mọi thứ mà trẻ tiếp xúc.
Là chính mình
Dù đầu tóc bù xù hay đang mặc những bộ đồ nghộ nghĩnh, trẻ không quan tâm đến cách người khác nhìn nhận về chúng. Chúng quá bận rộn với việc là chính mình.
Đôi khi bạn thấy trẻ không ngại ngùng và thiếu thân thiện, nhưng điều này thường xảy ra khi chúng không chắc chắn về một ai đó, không phải vì bản thân mình.
Yêu cầu giúp đỡ khi cần
Trong khi trẻ mới biết đi có thể bắt đầu độc lập, thích tự thực hiện mọi việc theo ý mình. Nhưng chúng cũng biết yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết.
Chúng không xấu hổ khi thừa nhận không thể làm điều gì đó. Và khi ai đó giúp đỡ, trẻ thường tỏ ra khá ân cần.
Nhìn nhận mọi người không thành kiến
Trẻ nhỏ không có định kiến về mọi người, về tuổi tác, chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc nghề nghiệp của ai đó.
Chúng chỉ quan tâm tới những dấu hiệu cho thấy ai đó tử tế dựa trên cách người đó hành động.
Bày tỏ cảm xúc
Một trong những đặc điểm rõ ràng nhất của những đứa trẻ mới biết đi là chúng thường cần sự giúp đỡ để điều tiết cảm xúc (vì chúng không phải lúc nào cũng biết cách thể hiện cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh).
Nhưng cho dù trẻ hét lên vì buồn, dậm chân vì tức giận hay nhảy nhót vì vui mừng, chúng chắc chắn sẽ không kìm lại được. Trẻ không ngại ngần cho mọi người thấy trạng thái cảm xúc của mình. Do đó, bạn không bao giờ phải đoán cảm giác của trẻ.
Và đây là điều mà người lớn có thể học hỏi vì chúng ta thường có xu hướng kìm nén cảm xúc của mình trong lòng.
Trân trọng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống
Trẻ em không quan tâm đến những thứ sang trọng hay những chuyến đi chơi xa xỉ. Chúng có xu hướng bị ấn tượng bởi những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống — một bông hoa trên cánh đồng, mưa rơi từ bầu trời hoặc một chiếc hộp mới để chơi cùng.
Trẻ có thể dễ dàng giải trí bằng nhiều thứ khác nhau. Và thường tìm thấy niềm vui lớn trong những thú vui đơn giản nhất của cuộc sống.
Chỉ ăn khi đói
Trẻ chỉ ăn khi có nhu cầu, chúng không ăn chỉ vì đồng hồ báo đã đến giờ ăn trưa. Hãy học trẻ cách lắng nghe cơ thể mình để biết khi nào đến giờ ăn.
Trung thực
Nếu bạn muốn biết chiếc mũ mới của mình có xấu không, hãy hỏi con mình. Trẻ không ngần ngại chia sẻ ý kiến trung thực của mình — ngay cả khi câu trả lời không phải là câu bạn muốn nghe.
Chúng không quan tâm đến việc làm hài lòng mọi người và không có khuynh hướng lo lắng về cách nói sao cho tế nhị, dễ nghe.
Luôn làm không khí trở nên vui vẻ
Trẻ nhỏ rất giỏi trong việc khuấy động không khí im lặng trong hầu hết mọi cuộc trò chuyện. Chúng luôn có cách để gây được tiếng cười cho những người xung quanh.
Hãy dành thời gian để gần gũi với con bạn hoặc những em bé xung quanh thật nhiều. Đó là cách kết nối tình cảm, và cũng là cách bạn học yêu cuộc sống nhiều hơn.
About the author
S. Reen