Nếu đã làm mẹ, ắt hẳn bạn biết rằng có 3 phương pháp ăn dặm cơ bản: ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm bé tự chỉ huy. Ở bài viết này, Her sẽ cung cấp cho mẹ tất tần tật những gì liên quan đến phương pháp ăn dặm được cho là độc đáo này.
Ăn Dặm Tự Chỉ Huy Là Gì?
Ăn dặm tự chỉ huy (Baby led weaning) hay còn gọi tắt là BLW, là phương pháp ăn dặm cho phép bé tự quyết định món ăn và cách ăn ngay từ đầu. Ở phương pháp này, trẻ được tự ý quyết định ăn theo thứ tự chúng muốn, theo cách tự tay cầm thức ăn đưa vào miệng mà trẻ thích.
Phương pháp ăn dặm BLW đòi hỏi bố mẹ phải tôn trọng quyết định, sở thích và cách ăn của trẻ. Thức ăn được cung cấp ở dạng miếng dày cỡ ngón tay, mềm và dễ dàng bóp giữa các ngón tay để bé dễ dàng cầm mà ít có nguy cơ bị hóc.
Lợi Ích Của Ăn Dặm Tự Chỉ Huy
Theo chuyên gia dinh dưỡng Clancy Cash Harrison, tác giả cuốn Feeding Baby, cho biết BLW có lợi ích rất lớn. Đối với những trẻ mới bắt đầu tập ăn, nó giúp điều chỉnh sự phát triển vận động: “Ăn dặm do trẻ chỉ huy hỗ trợ sự phát triển của sự phối hợp giữa tay và mắt, kỹ năng nhai, sự khéo léo và thói quen ăn uống lành mạnh…. Nó cũng cung cấp cho trẻ cơ hội khám phá mùi vị, kết cấu, mùi thơm và màu sắc của nhiều loại thực phẩm”.
Ăn dặm do trẻ tự chỉ huy sẽ có những lợi ích sau:
- Bé biết sử dụng bàn tay, phối hợp các ngón tay một cách khéo léo ngay từ sớm
- Phát triển các kỹ năng vận động tinh như hoạt động của mắt, nhai,...
- Bé biết cách tự điều chỉnh lượng thức ăn vào cơ thể, iều này tránh được nguy cơ béo phì khi bị mẹ ép ăn.
- Trẻ được làm quen với nhiều loại thức ăn, với những hình dạng, hương vị và kích thước khác nhau ngay từ bé. Điều này sẽ kích thích vị giác, phát triển sở thích ăn uống đa dạng và lành mạnh về lâu dài (tránh được tình trạng trẻ kén ăn).
- Ăn theo BLW sau này trẻ ít có khả năng dị ứng thực phẩm
- Ăn dặm tự chỉ huy cho phép em bé kiểm soát những gì đi vào miệng của chúng, điều này tạo tiền lệ tốt cho việc cho chúng ăn bằng trực giác ngay từ đầu.
- Mọi đứa trẻ sẽ được tự do khám phá, làm quen cũng như thể hiện sở thích ăn uống của mình một cách tự nhiên nhất.
- Mẹ không mất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị bữa ăn. Đồ ăn không cần xay nhuyễn, trộn, đông lạnh và rã đông.
Rõ ràng là phương pháp ăn dặm tự chỉ huy mang lại rất nhiều lợi ích. Nhưng không phải nó không có nhược điểm. Với phương pháp này, bố mẹ sẽ thấy con có thể bày bừa lộn xộn, bóp nát thức ăn, ném chúng đi. Con có thể bị mắc nghẹn khi nuốt miếng to hoặc không ăn đủ so với nhu cầu của cơ thể (đặc biệt là chất sắt) nên có thể gầy hơn so với bạn cùng lứa. Nhưng nếu muốn bé theo BLW, mẹ phải chấp nhận vượt qua những điều này.
Khi Nào Nên Bắt Đầu Ăn Dặm Tự Chỉ Huy?
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, một em bé đã sẵn sàng để bắt đầu ăn dặm với chế độ ăn dặm do trẻ chỉ huy khi:
- Trẻ ít nhất đã tăng gấp đôi trọng lượng khi sinh
- Trẻ có thể ngẩng cao đầu tốt và ngồi dậy mà không cần hỗ trợ
- Bé có dấu hiệu thích thú với thức ăn (quan sát bố mẹ ăn, với lấy thức ăn khi bạn đang ăn, v.v.).
- Khi bạn cho trẻ ăn, con có thể di chuyển thức ăn trong miệng - thay vì nhổ ra ngay.
Tóm lại, thời gian hợp lý để trẻ có thể bắt đầu với phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy thường là lúc bé được khoảng 6 tháng tuổi – độ tuổi trẻ bắt đầu tập ăn dặm. Lúc này con đã có thể ngồi trên ghế cao mà không cần người trợ giúp, có sức mạnh cổ tốt và có thể di chuyển thức ăn ra phía sau miệng bằng các cử động hàm lên và xuống. Tốt nhất là bố mẹ nên chuẩn bị cho bé ghế ăn dặm để con có thể ngồi thẳng lưng và kiểm soát được cánh tay, bàn tay của mình.
Những Trường Hợp Không Nên Theo Phương Pháp Này
Theo các nhà nghiên cứu, BLW không hoàn toàn phù hợp với mọi trẻ em. Theo Dina DiMaggio, M.D., bác sĩ nhi khoa ở Thành phố New York, những trường hợp sau bé không nên bắt đầu ăn dặm theo cách truyền thống thì tốt hơn:
- Trẻ chậm phát triển.
- Trẻ có vấn đề về thần kinh.
Bởi những trẻ như thế này có thể khó khăn trong việc điều khiển nhai và nuốt. Thế nên, ăn dặm tự chỉ huy có thể làm cho bé bị sặc và nghẹt thở.
Nguyên Tắc Khi Cho Trẻ Thực Hiện Ăn Dặm Tự Chỉ Huy
Hầu hết mọi bà mẹ khi mới bắt đầu với phương pháp ăn dặm này đều cảm thấy bối rối. Thực chất, để BLW thành công khá đơn giản, mẹ chỉ cần tuân theo một số nguyên tắc sau:
Bắt đầu với thức ăn có thành phần đơn lẻ
Chuyên gia dinh dưỡng khuyên các mẹ hãy bắt đầu với những thực phẩm có thành phần đơn lẻ để có thể xác định được con bị dị ứng với loại thực phẩm nào.
Chuẩn bị thức ăn có hình dạng và kích thước phù hợp
- Với trẻ 6 – 7 tháng: Để trẻ dễ cầm nắm, thức ăn nên được cắt thành các dải dài, mỏng, hình đồng xu . Bởi vì trẻ giai đoạn 6 tháng tuổi thường chưa biết cách cầm nắm bằng ngón tay, chúng sẽ dùng cả lòng bàn tay để nắm thức ăn.
- Với trẻ 8 đến 9 tháng: Bố mẹ có thể phục vụ thức ăn được cắt thành từng miếng nhỏ như xoài chín, đậu nấu chín, bông cải xanh hấp cắt nhỏ vừa miếng. Bởi vì lúc này kỹ năng cầm nắm của con đã tốt hơn.
Chuẩn bị thức ăn mềm
Thức ăn cho trẻ mới tập ăn phải mềm và dễ đánh tan bằng lực ấn nhẹ nhàng giữa ngón cái và ngón trỏ.
Chuẩn bị thức ăn phù hợp với độ tuổi
Khi bé đã thử và dung nạp một số loại thức ăn đơn thành phần, bạn có thể bắt đầu cho bé ăn các món hỗn hợp. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bố mẹ nên cung cấp cho trẻ những thực phẩm giàu calo và những thực phẩm có sắt, kẽm, protein và chất béo lành mạnh. Tốt hơn hết là thức ăn không có muối và đường đặc biệt với trẻ dưới 1 tuổi vì chúng không tốt cho cơ thể trẻ.
Cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn
Theo thời gian, cho bé tiếp xúc với nhiều sự lựa chọn để giúp bé phát triển khẩu vị và phòng tránh kén ăn. Hãy phục vụ cho con các loại thực phẩm có màu sắc khác nhau (cà chua nướng, đậu xanh hấp và khoai lang) với các kích thước khác nhau (bơ mịn, dưa hấu ngon ngọt và thậm chí cả mì ống nấu chín mềm).
Ăn tối cùng nhau
Trẻ thường bắt chước người lớn, vậy nên ăn tối cùng con là một hoạt động thú vị để phát triển khả năng của con. Hãy cho con một phần ăn, miễn là nó phù hợp với độ tuổi của trẻ. Ví dụ như bạn đang ăn tối với súp lơ, cá hồi thì bé cũng có thể được phục vụ 1 phần nhỏ trong lượng thức ăn đó.
Ngoài những nguyên tắc trên, để đảm bảo thành công khi bé ăn dặm tự chỉ huy, bố mẹ phải tuân thủ:
- Chỉ cung cấp thức ăn cho trẻ, không đút cho con ăn, không can thiệp vào bữa ăn của trẻ
- Chọn thời điểm hợp lý để cho bé ăn, tốt nhất đó là lúc con tỉnh táo, không buồn ngủ, không quấy khóc và cảm thấy đói
- Cần kiên nhẫn với trẻ, không hối thúc con. Nếu trẻ không thích ăn một món nào đó, mẹ không được ép buộc, mà hãy cất nó đi và mấy ngày sau có thể quay lại nấu món đó cho trẻ để tập cho con quen dần.
- Đừng quá nóng nảy, gây áp lực hoặc la mắng con.
Bởi vì ăn dặm bé tự chỉ huy có thể không cung cấp đủ lượng thức ăn cơ thể cần. Thế nên, mẹ phải tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình. Bên cạnh đó, nên tập thói quen cung cấp thực phẩm giàu chất sắt cho trẻ vì kho dự trữ sắt ở trẻ sơ sinh bắt đầu cạn dần vào khoảng tháng thứ 6.
Mẹo An Toàn Cho Trẻ
Phần lớn bà mẹ nào khi xác định cho con theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy đều sợ rằng bé sẽ bị sặc. Thậm chí, có một số mẹ đã phải từ bỏ phương pháp này và quay về ăn dặm truyền thống vì vấp phải làn sóng phản đối của những người trong gia đình. Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng trẻ ăn BLW sẽ bị sặc dẫn tới nghẹn, nghẹt thở.
Để an toàn, hãy làm theo các quy tắc sau:
- Luôn ở bên cạnh bé trong khi bé ăn, không được để bé ăn một mình.
- Cho trẻ ngồi vào ghế cao khi ăn. Tuyệt đối, không để trẻ ăn khi đang bò, đang chơi hoặc đang nằm; không dọn đồ ăn trong xe đẩy hoặc xe hơi.
- Phục vụ thức ăn không quá cứng. Tránh các loại thức ăn như táo sống, các loại hạt, nho, cà chua bi,… bởi chúng có thể gây nghẹt thở cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
- Tham gia một lớp sơ cấp cứu cho trẻ sơ sinh để bạn chuẩn bị tinh thần cho việc ăn dặm tự chỉ huy
- Đừng vội giúp bé nếu bé buồn nôn. Trẻ sơ sinh cảm nhận được sự hoảng sợ của cha mẹ và có thể hình thành mối liên hệ tiêu cực với việc ăn uống. Thay vào đó, hãy bình tĩnh và cho trẻ thời gian để giải quyết. Nôn trớ là phản xạ an toàn để loại bỏ thức ăn, nên bố mẹ không cần phải lo lắng.
- Bố mẹ cần biết phân biệt nôn trớ và mắc nghẹn thức ăn. Trẻ bị nôn thường ho nhẹ, phát ra tiếng. Còn trẻ bị nghẹn thức ăn sẽ trông rất đáng sợ, da xanh, khó thở, thở hổn hển hoặc khò khè, không thể phát ra tiếng.
- Có thể nhận biết được các dấu hiệu dị ứng. Trẻ nhỏ thường dễ dị ứng thức ăn, trong một số trường hợp dị ứng có thể bít đường thở gây nguy hiểm. Bố mẹ cần biết, nếu cơ thể trẻ phát ban, sưng dưới da hoặc lưỡi, khò khè, nôn mửa, khó nuốt,… thì con đang bị dị ứng. Hãy đưa trẻ tới bác sĩ nhi khoa và cho họ biết những thứ trẻ đã ăn. Trứng, đậu phộng và hải sản là những thứ có khả năng gây ra dị ứng cao.
- Trong trường hợp mẹ đi làm, không trực tiếp cho trẻ ăn dặm, hãy giải thích kĩ càng với người trông trẻ (ông bà, chồng, người giúp việc,...) về BLW nếu vẫn muốn cho con theo phương pháp này.
- Tránh cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi.
About the author
Hương Hoa