Quy tắc đồ lót và quy tắc vòng tròn giúp bé tránh bị xâm hại

MẸ & BÉ

Quy tắc đồ lót và quy tắc vòng tròn giúp bé tránh bị xâm hại

authorBy Hương Hoa
Share on
Share on
Quy tắc đồ lót và quy tắc vòng tròn giúp bé tránh bị xâm hại

Trẻ nhỏ thường không phân biệt được đâu là an toàn đâu là nguy hiểm. Việc dạy con nhận ra ranh giới này sẽ giúp bé biết cách cư xử đúng mực với người khác đồng thời bảo vệ trẻ khỏi bị lạm dụng tình dục. Quy tắc đồ lót và quy tắc vòng tròn là phương pháp trực quan sinh động dễ hiểu, dễ nhớ và hữu ích để dạy trẻ về điều này.


Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam, trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục lên tới 60%. Đáng buồn thay, tình trạng trẻ em bị chính những người thân xâm hại chiếm tỷ lệ cao – 21,3%. Chính vì nguyên nhân đó, các tổ chức y tế đã khuyến cáo rằng, cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục là dạy chúng các kỹ năng để biết tự bảo vệ mình.


Quy Tắc Đồ Lót


Theo Giám đốc Y khoa Queensland Fertility Group - TS. David Molloy, mặc đồ lót sớm hay muộn không ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của trẻ. Thế nhưng, đồ lót giúp bảo vệ cơ thể khỏi viêm nhiễm và giảm bớt nguy cơ bị xâm hại. Bé gái nên mặc đồ lót sớm từ lúc 2 – 3 tuổi, bé trai có thể muộn hơn.


Theo đó, khi bé gái đã được mặc đồ lót, mẹ hãy trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình với quy tắc đồ lót. Tổ chức NSPCC - chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh đã xây dựng quy tắc “Talking PANTS” (Quy tắc đồ lót) để hướng dẫn phụ huynh giáo dục con tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại trước yêu râu xanh.


shutterstock_656957932.jpg


 PANTS (đồ lót) là từ viết tắt của 5 điều luật dạy con như sau:


P – Privates are Private: Chỗ kín là riêng tư


Đồ lót là vật dụng để che đi chỗ kín. Đó là chỗ riêng tư và không ai được phép nhìn ngắm hoặc động chạm vào. Chỉ có bố mẹ khi tắm hoặc vệ sinh cho trẻ mới được đụng vào.


Trong trường hợp các bác sĩ khám bệnh cho con, họ có thể được đụng chạm vào nhưng dưới sự kiểm soát của bố mẹ và cần phải giải thích cho trẻ hiểu.


Chỗ kín là riêng tư, vậy nên con cũng không được đụng chạm vào chỗ kín của người khác. Dạy trẻ điều này sẽ giúp con không lâm vào trường hợp bị yêu râu xanh dụ dỗ sờ vào chỗ nhạy cảm của chúng.


A – Always remember your body belong to you: Hãy nhớ cơ thể của con là của riêng con


Cơ thể mỗi người là của riêng và con cũng vậy. Không ai được phép đụng chạm, làm đau, khiến con không thoải mái hoặc xấu hổ. Hãy nói “không” nếu ai đó muốn nhìn hoặc sờ mó, đụng chạm vào nơi mà còn mặc đồ lót (vùng kín). Ngay lập tức báo cho cha mẹ, người thân, những người mà con có thể tin tưởng được về những hành vi đó.

Khi một ai đó yêu cầu con đụng chạm vào chỗ kín của họ, bố mẹ cũng dạy trẻ nói từ chối. Đó là một hành vi xấu và cần phải nói không.


N – No means No: Không là không


Ngay cả với những người thân cận nhất của con, con có quyền từ chối, nói không. Bởi vì cơ thể là của con và con có quyền kiểm soát. Nếu con không thích, cảm thấy không thoải mái, hãy đừng ngần ngại nói từ chối. Đó là một quyết định đúng nên con không cần phải cảm thấy có lỗi hoặc cảm thấy áy náy.


T – Talk about secrets that upset you: Kể về những bí mật làm con khó chịu.


Có những điều người lớn gây ra và họ bảo rằng đó là bí mật mà con không được kể với bất kỳ ai. Thế nhưng, trẻ cần phải được dạy rằng có những bí mật tốt và bí mật xấu. Những cái làm con vui, mang lại hạnh phúc cho con là bí mật tốt; ngược lại, điều làm con đau, lo sợ là bí mật xấu. Và một khi có bí mật xấu, con cần chia sẻ với người con tin tưởng, đặc biệt là bố mẹ. Bởi những bí mật xấu này có thể gây hại cho trẻ, và người lớn sẽ giúp con giải quyết vấn đề.


S – Speak up, someone can help : Hãy lên tiếng, sẽ có người có thể giúp đỡ.



Một khi con có điều gì đó khiến con lo lắng, sợ hãi, hãy nói ra điều này với bố mẹ, ông bà, thầy cô, những người mà con có thể tin tưởng và là người có thể giúp con. Tuyệt đối đừng vì những lời đe dọa của một ai đó mà một mình chịu đựng và trở thành nỗi ám ảnh.

Bố mẹ nên cho trẻ mặc đồ lót sớm và dạy con nhớ kỹ quy tắc đồ lót với 5 điều luật này.


Quy Tắc Vòng Tròn


Ngoài quy tắc đồ lót thì quy tắc vòng tròn đại diện cho những mối quan hệ khác nhau trong cuộc đời trẻ cũng giúp con hiểu được ranh giới của sự an toàn và nguy hiểm, giúp con tránh được việc bị xâm hại. 


4_zing.jpg

Ảnh: Zing - Lee Mew


Vòng tròn trong cùng


Vòng tròn nhỏ trong cùng này đại diện cho cha mẹ. Cha mẹ là những người hàng ngày trực tiếp chăm sóc trẻ. Con có thể ôm hôn, ngồi vào lòng, cho bế ẵm, nắm tay… Cha mẹ có thể tắm cho trẻ lúc còn nhỏ. Bác sĩ, y tá chỉ được phép thăm khám cho trẻ nếu có bố mẹ đi cùng giám sát.


Ngoài ra, không một ai có thể được thực hiện các hành động ôm ấp hay sờ vào vùng kín của trẻ hoặc bắt trẻ sờ vào chỗ nhạy cảm của người khác.


Vòng tròn thứ 2 (từ trong ra ngoài)


Vòng tròn đại diện cho ông bà, và các thành viên khác trong gia đình. Những người này chỉ được phép ôm, nắm tay và hạn chế động chạm vào khu vực nhạy cảm của trẻ.


Vòng tròn thứ 3


Là vòng tròn đại diện cho họ hàng, người quen của bé như hàng xóm, thầy cô giáo, bạn bố mẹ,… Với những người này bé chỉ được nắm tay một lát hoặc bắt tay chào. Tuyệt đối không để họ chạm vào người hoặc trẻ chạm vào người họ, đặc biệt là ở khu vực mặc đồ lót.


Đặc biệt, ngay cả với những người thân là nam giới như cậu, chú bác, hãy dạy trẻ nói không với những hành động ôm ấp, đụng chạm vào vùng kín.


Vòng tròn ngoài cùng


Tượng trưng cho sự nguy hiểm, quy tắc này đại diện cho người lạ. Đối với những người này, hãy dạy bé xua tay, tránh xa mặc dù không phải ai cũng nguy hiểm. Cho bé hiểu sự nguy hiểm của việc tin, nghe theo, làm theo lời người lạ là như thế nào. Dạy con tuyệt đối không ngồi lên xe của người lạ cho dù họ nói gì đi chẳng nữa.

Bên cạnh đó, hãy dạy trẻ từ chối nhận quà của người lạ, bởi vì điều này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm có thể xảy ra.


Tốt hơn hết, hãy chạy đi báo với bố mẹ hoặc người thânnếu có người lạ tiếp cận. Nếu bị họ khống chế, dạy con phản kháng bằng cách hét to cho mọi người nghe thấy và chạy trốn khi có thể.


Bố mẹ có thể cho trẻ tô màu lên quy tắc vòng tròn này để con có thể nhớ lâu hơn về các điều nên và không nên, giúp trẻ có thể tự bảo vệ mình tốt hơn.


Bất kể khi nào trẻ cũng có thể gặp nguy hiểm, trong khi đó cha mẹ không thể lúc nào cũng có thể ở bên cạnh để bảo vệ con. Điều cần thiết là phải dạy con các kỹ năng để biết phân biệt giữa tốt và xấu, đúng và sai để tự biết bảo vệ mình.

About the author

Hương Hoa là thạc sĩ Văn học. Cô vốn là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, rất yêu học trò. Thế nhưng, vì say mê với việc sáng tạo cùng con chữ, Hoa đã chuyển sang gắn bó với nghề viết.

Qua những bài viết của mình, cô muốn mang đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích về sức khỏe, phương pháp nuôi dạy con và cách giữ lửa hạnh phúc gia đình.

author

Hương Hoa

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!