Giúp trẻ nhỏ kiểm soát cơn giận dữ

MẸ & BÉ

Giúp trẻ nhỏ kiểm soát cơn giận dữ

authorBy Hà Phương
Share on
Share on
Giúp trẻ nhỏ kiểm soát cơn giận dữ

Những cơn giận dữ và tình trạng mất kiểm soát có thể xảy ra ở trẻ mọi lứa tuổi, vì nhiều lý do. Đây là cách để trẻ giải quyết những bức xúc của bản thân. Vì thế, cha mẹ nên quan sát và tìm hiểu lý do con mình tức giận để có thể giải quyết cơn giận dữ phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi. Hãy luôn cẩn trọng bởi cách xử lý của cha mẹ bây giờ có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của trẻ sau này.


Vì Sao Trẻ Giận Dữ?


Việc trẻ dễ dàng tức giận cũng là biểu hiện tâm lý bình thường. Chúng ta không thể yêu cầu con chấm dứt ngay cơn giận của mình vì có thể khiến trẻ tỏ ra chống đối và tức giận hơn. Điều này không có nghĩa là cha mẹ nên bỏ mặc trẻ với cơn giận của mình. Điều nên làm là hiểu về lý do trẻ tức giận để có cách giải quyết cho hợp lý:


Trẻ chưa biết cách thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình


Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn tìm hiểu và khám phá về mọi thứ xung quanh bao gồm cả cách bộc lộ cảm xúc. Vì thế trẻ nhỏ thường không thể quản lý tốt cảm xúc cũng như hành vi của mình. Con cũng chưa thể hiểu được thế nào là cảm xúc và hành vi xấu, con không biết vì sao mình tức giận và cũng không biết nên nhờ cha mẹ làm gì để trợ giúp. Và vì thế con biểu hiện ra ngoài bằng sự tức giận, ăn vạ, mè nheo, quát tháo, … và coi đó như một cách thông báo đến cha mẹ.


- Trẻ tức giận có thể vì con lo lắng, bất an về sự thay đổi, một môi trường lạ lẫm, bị chê bai…

- Trẻ tức giận có thể vì con đang không kiểm soát nổi các vấn đề của mình. 

- Trẻ tức giận có thể do tính cách con nhạy cảm, giàu cảm xúc, …

- Trẻ tức giận có thể do bị đói, khát nước, bỉm đầy … (với trẻ nhỏ) hoặc muốn một món đồ chơi, muốn được chiến thắng … với trẻ lớn hơn.


Khi trẻ có những hành vi xấu và thể hiện sự tức giận chưa chắc con đã là một em bé hư. Cha mẹ nên nhìn nhận và tìm hiểu lý do thật sự khiến con làm vậy.



Sự phát triển quá nhanh của cơ thể và bộ não


Ở một số giai đoạn nhất định bộ não trẻ sẽ có sự phát triển vượt bậc. Điều thú vị là trong năm đầu tiên bộ não trẻ tăng kích thước gấp đôi. Bộ não tiếp tục phát triển đến khoảng 80% kích thước của bộ não trưởng thành vào năm 3 tuổi và đạt đến 90% khi con được 5 tuổi.


Vào thời điểm bộ não phát triển mạnh mẽ lúc trẻ mới biết đi, cuối thời thơ ấu... các tế bào thần kinh và khớp thần kinh sẽ tập trung phát triển mạnh để phát triển kích thước cũng như cấu trúc bộ não. Điều này cũng gây cản trở khả năng sử dụng các vùng não điều chỉnh khả năng tự kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc. Và vì thế điều này có thể là nguyên nhân khiến con dễ cảm thấy tức giận hơn.


Nguyên nhân khách quan đến từ gia đình và môi trường xung quanh


Bên cạnh những thông tin trên thì cũng có những nguyên nhân khách quan của môi trường xung quanh có thể dẫn đến việc trẻ tức giận. Ví dụ như:


- Con tức giận vì mất kết nối với cha mẹ. Khi cảm xúc và các nhu cầu giao tiếp, yêu thương với cha mẹ không được đáp ứng đủ và đúng cách, trẻ có thể dễ tức giận hơn như một cách truyền tín hiệu đến cha mẹ để được che chở và hồi đáp tình cảm.

- Trẻ tức giận có thể vì bắt chước cha mẹ hay một số người có ảnh hưởng lớn với con

- Trẻ tức giận vì cảm thấy mâu thuẫn, sợ hãi khi gặp biến cố trong gia đình như cha mẹ ly hôn, bị bạo hành...


Tuy không phải tất cả trẻ nhỏ khi tức giận đều có một nguyên nhân cụ thể nhưng trên đây là những lý do phổ biến khiến trẻ có biểu hiện tức giận ra bên ngoài. Hiểu về nguyên nhân con mình tức giận và tôn trọng cảm xúc của chúng là bước đầu tiên cha mẹ nên làm để tìm cách giải quyết vấn đề.


Khi Trẻ Tức Giận


Không có một lý thuyết chung nào để áp dụng khi trẻ tức giận bởi mỗi đứa trẻ có lý do và cả tình huống khiến con tức giận khác nhau. Tuy vậy cách cha mẹ phản ứng khi con tức giận sẽ cải thiện được vấn đề và giúp con bình tĩnh để trò chuyện về cơn giận của mình.


Cha mẹ cần quan sát con mình để tìm hiểu lý do thật sự khiến con tức giận


Có rất nhiều biểu hiện khi tức giận của trẻ và cũng có nhiều nguyên nhân khiến con tức giận. Điều quan trọng là cha mẹ cần quan sát để tìm ra lý do thật sự khiến con cảm thấy tức giận để có cách xử lý và đồng hành phù hợp. Nếu con tức giận vì sự phát triển quá mức của bộ não hay cơ thể trong một số giai đoạn nào đó thì cha mẹ chỉ có thể giải thích và kiên nhẫn đồng hành cùng con trải qua. Còn nếu con dễ tức giận, khó kiềm chế vì thiếu thốn tình cảm và sự kết nối với gia đình thì người cần thay đổi chính là cha mẹ. Khi đó cha mẹ cần dành nhiều thời gian để chơi cùng con, cả gia đình đi du lịch, trò chuyện thẳng thắn cùng nhau...


Cha mẹ cần hiểu rằng những cơn giận là biểu hiện cảm xúc lành mạnh


Hãy dạy con sự bực bội tức giận cũng là những cảm xúc bình thường bên cạnh vui vẻ, hạnh phúc... Nếu không chấp nhận những cảm xúc này sẽ dẫn đến việc vô tình “dạy” con mình cách từ chối, phủ nhận hoặc che giấu cảm xúc như một cách phòng vệ. Cách hành xử này khiến trẻ luôn cảm thấy thiếu kết nối, căng thẳng và càng dễ tức giận hơn.


Hãy chấp nhận cả những cảm xúc tiêu cực của mình đồng thời tin tưởng rằng cơn giận của mình là những biểu hiện cảm xúc lành mạnh. Khi hiểu được những điều này, cha mẹ mới có thể chấp nhận được cảm xúc tức giận của trẻ và cùng con giải quyết nó một cách lành mạnh.



Cách ứng xử của cha mẹ


Hãy cố gắng giữ bình tĩnh dù việc đó thực sự rất khó. Đặc biệt cố gắng không quát tháo và dùng đòn roi với trẻ. Hành động đánh đòn có thể khiến trẻ ngừng tại thời điểm đó, nhưng nó không có tác dụng tích cực lâu dài. Bạn chính là tấm gương của con, nếu bạn cư xử thô bạo với con thì cũng chính là bạn đang nói với chúng rằng đánh con là được. Những đứa trẻ bị cha mẹ đối xử hung hăng thì bản thân chúng cũng dễ trở nên hung dữ hơn. 


Bên cạnh đó, với những cơn “ăn vạ” mè nheo, việc nhượng bộ sẽ không giúp ích gì về lâu dài. Bạn đã nói “không” thì đừng thay đổi ý định chỉ để con bình tĩnh lại. Nếu không, con bạn sẽ bắt đầu nghĩ rằng những cơn giận dữ có thể mang lại cho chúng những gì chúng muốn.


Quan trọng nhất, hãy luôn thể hiện rằng bạn yêu thương và ở bên cạnh con bất kỳ lúc nào con cần.


Hướng dẫn con thực hành các cách xử lý cảm xúc phù hợp lứa tuổi


- Hướng dẫn con tạo sự gián đoạn cho cơn giận của mình bằng cách đếm nhẩm từ 1 đến 10.

- Hướng dẫn con cách tránh xa hoặc tạm dừng các tác động khiến con tức giận. Ví dụ như con đang tức giận vì bị bạn trêu thì có thể tránh xa bạn đó 1 lúc cho đến khi bình tĩnh lại.

- Hướng dẫn con hít sâu thở chậm. Đây là cách ngay cả người lớn cũng khó nhớ để thực hiện mỗi khi cơn giận đến. Tuy nhiên cha mẹ có thể ở bên cạnh con và hướng dẫn con hít thở để tiêu hóa cơn giận và tránh gây ra những hành vi tiêu cực.

- Hướng dẫn trẻ nắm chặt hoặc buông lỏng bàn tay để giảm bớt căng thẳng. Đây là cách chúng ta thường làm một cách vô thức khi cảm thấy tức giận và nó cũng có tác dụng giúp xoa dịu cảm xúc. Ngoài ra cha mẹ cũng có thể nắm tay con để trấn an và cho trẻ cảm giác an toàn.

- Hướng dẫn trẻ cách nói ra cảm xúc của mình. Ví dụ như cha mẹ có thể dạy con về dấu hiệu các cảm xúc như vui, buồn, tức giận, chán nản … và học cách gọi tên nó để biết mình đang cảm thấy thế nào, con mong muốn điều gì. Con cũng có thể tìm một người lớn đáng tin cậy để nói về những suy nghĩ, cảm xúc và chuyện mình vừa trải qua. Học cách nói ra cũng là một kỹ năng quan trọng để trẻ đối mặt với rất nhiều cảm xúc và tình huống sau này.

- Giúp con bộc lộ cảm xúc của mình theo một cách khác. Tìm một không gian rộng lớn, chẳng hạn như công viên, và khuyến khích con chạy và la hét. Để con bạn biết rằng bạn nhận ra cảm xúc của chúng sẽ giúp chúng dễ dàng thể hiện bản thân mà không làm tổn thương bất kỳ ai khác.

Hoặc đến một nơi yên tĩnh và riêng tư để bình tĩnh lại. Điều này không có nghĩa là cha mẹ sẽ bỏ mặc con tự tìm cách giải quyết cơn giận. Điều quan trọng là cha mẹ vẫn ở bên cạnh trẻ để giúp con bình tĩnh, dạy con cách tạm dừng điều khiến con tức giận và phản ứng lại chúng một cách lành mạnh.


Sự tức giận có thể nói là một phần không thể thiếu và lại càng không thể phủ nhận trong cuộc sống của chúng ta. Với trẻ nhỏ thì cơn giận có thể là dấu hiệu cảnh báo con đang lo lắng hoặc cảm thấy bất an hay chỉ đơn giản là muốn được cha mẹ ôm ấp. Thay vì phán xét hành vi tức giận của trẻ, cha mẹ cần quan sát và tìm ra nguyên nhân thật sự cũng như cách để giúp con giải quyết cơn giận của mình một cách tích cực và vui vẻ. Cha mẹ hãy thử áp dụng những gợi ý bên trên và xem sự thay đổi của con nhé!

About the author

Trước khi trở thành một người viết nội dung chuyên nghiệp về chủ đề gia đình, xây dựng mối quan hệ và giáo dục Phương từng là nhân viên văn phòng với công việc kế toán trong 8 năm.


Đến với Her.vn, Hà Phương mong muốn chia sẻ nhiều hơn với các độc giả để cùng tiến về phía trước. Phương cũng thích tìm hiểu các kiến thức về tâm lý, chữa lành, xây dựng sự nghiệp... để phục vụ công việc viết.

author

Hà Phương

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!