Cho bé ăn dặm kiểu Nhật (P.1)

MẸ & BÉ

Cho bé ăn dặm kiểu Nhật (P.1)

authorBy Hương Hoa
Share on
Share on
Cho bé ăn dặm kiểu Nhật (P.1)

Nhật Bản không chỉ là một đất nước có nền kinh tế phát triển vượt trội, mà còn là đất nước có nền giáo dục tân tiến hiện nay. Ngoài ra cách nuôi dạy trẻ của các bà mẹ Nhật Bản cũng đang được nhiều đất nước học tập theo. Trong số đó là phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé một cách khoa học.


Thế Nào Là Ăn Dặm Kiểu Nhật?


Ăn dặm kiểu Nhật là cách kết hợp đa dạng nguồn thực phẩm để tạo ra thực đơn ngon miệng, hỗ trợ quá trình phát triển của bé. Ngoài ra còn giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn, bé quen với việc nhai, nuốt và dùng muỗng khi ăn. Các bé ăn dặm kiểu Nhật sẽ được thử các món ăn từ loãng tới đặc, từ mịn đến thô tùy vào từng giai đoạn phát triển của bé.


Cách thực hiện phương pháp ăn dặm này rất đơn giản. Khi chế biến món ăn bạn không nên dùng cối xay, mà chỉ nên dùng cối giã, sau đó rây mịn thức ăn. Như thế giúp bé yêu dễ nuốt hơn, cũng như bé sẽ biết được đầy đủ hương vị, tính chất của từng loại thực phẩm.


Trong quá trình tập ăn cho bé mẹ nên quan sát tâm lý xem bé thích ăn món nào. Và đặc biệt không nên ép bé ăn vì như vậy sẽ khiến con trẻ trở nên sợ ăn uống.



Lợi Ích Của Phương Pháp Ăn Dặm Kiểu Nhật


Một số lợi ích mà phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mang có thể mang lại như sau:


- Giúp bé tập làm quen với thức ăn sớm. Tập cho bé biết cách nhai, nuốt, dùng muỗng thìa khi ăn và tự ăn cơm.

- Khi tập ăn dặm cho con từ món lỏng tới đặc, từ món mịn tới thô sẽ rèn luyện cho con nhai thức ăn. Việc này giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

- Với thực đơn đa dạng, phong phú sẽ tránh việc bé bị kén ăn sau này. Từ đó bé dễ ăn và nạp được đa dạng nguồn dinh dưỡng.

- Ăn dặm kiểu Nhật sẽ hạn chế việc cho bé uống sữa bò, hay ăn quá nhiều đường hoặc muối. Điều này rất tốt cho sự phát triển cân đối của con, tránh việc bé bị béo phì, thừa cân hoặc các bệnh về thận.

- Thông qua việc cho ăn dặm người Nhật cũng sẽ giáo dục cho trẻ những kỹ năng như: Tự giác trong việc ăn uống, không ngậm thức ăn, không kén ăn, biết đưa ra sự yêu thích, từ chối những điều bé không thích. Và nói ra bé cần gì.

- Ăn dặm kiểu Nhật sẽ hình thành cho bé thói quen ăn uống tốt, để sau này khi đã qua thời kỳ ăn dặm trẻ cũng sẽ có phương pháp ăn uống khoa hoc, tốt cho sức khỏe.


Nhược Điểm Của Phương Pháp Ăn Dặm Kiểu Nhật


So với ăn dặm truyền thống thì ăn dặm kiểu Nhật có một số hạn chế như:


- Mẹ phải tốn nhiều thời gian và công sức để chế biến đồ ăn dặm cho bé mỗi bữa.

- Mẹ phải mua và sử dụng dụng cụ nấu ăn riêng cho bé.

- 1 đến 2 tháng đầu bé sẽ chậm tăng cân so với ăn dặm truyền thống.

- Để tuân theo thực đơn chuẩn “Nhật” rất khó, đặc biệt là khâu lựa chọn nguyên liệu như người Nhật.


Mặc dù có những nhược điểm như vậy, nhưng đây là một phương pháp ăn dặm khoa học, sau một thời gian bé có thể phát triển cân đối và khỏe mạnh hơn rất nhiều.



Mẹ Cần Chuẩn Bị Những Gì?


Để bắt đầu tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật mẹ nên chuẩn bị những vật dụng sau:


- Nồi nấu cháo: Thời gian đầu cháo là món ăn chủ yếu của bé. Vì vậy để nấu cháo ngon hơn và tiết kiệm thời gian, mẹ có thể mua một chiếc nồi nấu cháo chuyên dụng.

- Cối giã và rây lọc: Đây là dụng cụ giúp mẹ làm mềm, mịn thức ăn cho bé dễ nuốt. Và không nên dùng chung cối giã, rây lọc của gia đình, vì một số thức ăn của người lớn sẽ còn dính lại. Như thế sẽ ảnh hưởng đến hương vị món ăn dặm của bé.

- Cân định lượng: Vì bé cần phải được cung cấp đầy đủ vitamin và chất dinh dưỡng. Nên đây sẽ là dụng cụ giúp ích cho mẹ rất nhiều khi chuẩn bị cho con ăn dặm.

- Muỗng/thìa định lượng: Tương tự như cân định lượng, mẹ có thể dùng muỗng định lượng để cân đo thức ăn.

- Đồng hồ hẹn giờ: Để cho bé ăn dặm đúng giờ, và nấu thức ăn chín vừa đủ. Nếu nấu vừa chín tới sẽ làm bé khó tiêu hóa, ngược lại thức ăn quá chín sẽ làm mất một số chất dinh dưỡng. Vì vậy mẹ nên dùng đồng hồ hẹn giờ để chính xác hơn.

- Dao, thớt, nồi, xoong, chảo: Mẹ nên mua bộ dụng cụ nấu ăn chuyên dùng cho bé. Vì nếu dùng chung với gia đình, món ăn dặm của bé sẽ bị ám mùi những thức ăn khác. Điều đó gây ảnh hưởng đến quá trình tập ăn của con.

- Bát đũa cho bé ăn dặm: Hiện nay đã có nhiều nơi sản xuất bộ bát, muỗng, nĩa chuyên dành cho bé tập ăn dặm. Sản phẩm này có chất liệu nhựa an toàn, tránh bé dễ làm đổ thức ăn.

- Hộp đựng thức ăn: Ngoài việc chuẩn bị cho bé ăn dặm, mẹ cũng phải chăm lo các thành viên khác trong gia đình. Vì vậy mẹ nên sơ chế sẵn một số thực phẩm và đựng trong hộp thức ăn. Việc này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian.

- Yếm khăn ăn: Yếm đeo trước ngực bé giúp hạn chế thức ăn rơi vãi xuống áo bé. Và giúp mẹ dễ dàng dọn vệ sinh sau khi cho bé ăn dặm. Mẹ cũng nên lưu ý nên mua loại ếm có vải mềm, độ thấm hút cao tránh làm bé khó chịu.

- Ghế ăn: Ghế ăn giúp bé ngồi vững hơn khi tập ăn dặm. Mẹ nên mua loại ghế có thể điều chỉnh độ cao để dễ thay đổi phù hợp với bé.



Những Điều Mẹ Cần Quan Tâm


Chắc hẳn bà mẹ nào cũng muốn giai đoạn ăn dặm của bé trôi qua trong vui vẻ, con ăn ngoan và mẹ nhàn nhã. Thế nhưng, thực tế thì giai đoạn tập cho bé ăn các mẹ gặp khá nhiều rắc rối, và trở ngại lớn nhất là bé lười ăn, biếng ăn, không hợp tác.


Xác định mục tiêu khi tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật


Hầu như tại Việt Nam phụ huynh có xu hướng tập cho bé ăn dặm để giúp bé to lớn hơn. Thế nhưng mục tiêu chính khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật là giúp con phát triển cân đối, quen với hương vị thức ăn, có lợi cho hệ tiêu hóa. Vì vậy nguồn thực phẩm chủ yếu để chế biến món ăn cho trẻ thường là rau củ, thịt cá tươi,... Tránh dùng “thực phẩm đóng hộp”.


Gia vị nhạt, vừa phải cho bé


Khi cho con ăn dặm kiểu Nhật các mẹ nên nấu các món có vị nhạt, những món ăn nhẹ nhàng như súp rau củ, cháo loãng,.. để có thể điều chỉnh khẩu vị của bé sau này. Vì nếu từ đầu cho bé ăn đậm vị thì bé sẽ không còn thích ăn các món luộc nữa. Như vậy về lâu về dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.


Thời điểm cho ăn dặm hợp lý


Mẹ cần lưu ý rằng, một số bà mẹ Nhật có thể tập cho bé làm quen với việc ăn dặm khi bé được 3 tháng tuổi. Giai đoạn này, bằng việc mỗi ngày cho con ăn 1 bữa ăn dặm, mẹ Nhật muốn tập cho con làm quen với mùi vị thức ăn và phát triển các khả năng vị giác của bé.


Thế nhưng, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi tròn 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé đã phát triển khá hoàn chỉnh, đây mới là thời điểm nên bắt đầu cho con ăn dặm. Bé trước 5 tháng tuổi thì nguồn dinh dưỡng chủ yếu vẫn từ sữa mẹ. Ngoài ra, một số dấu hiệu sau cũng cho mẹ biết bé đã sẵn sàng ăn dặm:


- Bé đã tự giữ vững cổ;

- Bé có thể tự ngồi;

- Bé tỏ ra thích thú với món ăn;

- Bé không còn dùng lưỡi đẩy thìa khi được bón cho ăn.


Ăn dặm kiểu Nhật đúng cách sẽ như thế nào và nên xây dựng thực đơn cụ thể ra sao? Những điều này được tiết lộ trong Cho bé ăn dặm phần 2.

About the author

Hương Hoa là thạc sĩ Văn học. Cô vốn là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, rất yêu học trò. Thế nhưng, vì say mê với việc sáng tạo cùng con chữ, Hoa đã chuyển sang gắn bó với nghề viết.

Qua những bài viết của mình, cô muốn mang đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích về sức khỏe, phương pháp nuôi dạy con và cách giữ lửa hạnh phúc gia đình.

author

Hương Hoa

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!