Con đường đi đến chấp nhận bản thân vô điều kiện

SỐNG KHỎE

Con đường đi đến chấp nhận bản thân vô điều kiện

authorBy Thanh Nguyễn
Share on
Share on
Con đường đi đến chấp nhận bản thân vô điều kiện

Chấp nhận bản thân vô điều kiện là không kèm theo tiêu chuẩn nào cả, trong khi lòng tự trọng là sự định giá giá trị của bản thân. Cảm thông và thương bản thân là điều kiện tiên quyết cho sự chấp nhận bản thân. Để nuôi dưỡng sự chấp nhận bản thân vô điều kiện, chúng ta phải hiểu các hành vi không tốt bắt nguồn từ những cơ chế bảo vệ tâm lý thông thường chứ không phải do bản thân chúng ta muốn.


Lòng tự trọng là việc chúng ta cảm thấy bản thân có giá trị thế nào, trong khi sự chấp nhận bản thân nói đến sự công nhận chính mình. Khi chấp nhận bản thân, chúng ta có thể ôm ấp tất cả các khía cạnh của bản thân, không chỉ là những phần tích cực. Sự chấp nhận bản thân vô điều kiện là không đi kèm với bất kỳ tiêu chuẩn nào. Chúng ta nhận biết những yếu kém và hạn chế của mình nhưng điều này không ảnh hưởng đến sự chấp nhận bản thân một cách trọn vẹn.


Để nâng cao lòng tự trọng, chúng ta cần phải nhận ra những phần chưa được chấp nhận. Thương bản thân giúp chúng ta dễ chấp nhận chính mình. Điều này chỉ có được khi chúng ta ngừng phán xét bản thân rằng chúng ta có thể tốt hơn hiện tại. Đó là lý do tại sao sự chấp nhận bản thân sẽ gia tăng khi chúng ta ngừng khắt khe với bản thân. Sự chấp nhận bản thân còn quan trọng hơn lòng tự trọng đối với cuộc sống mỗi con người. 


Điều gì là quan trọng đối với sự chấp nhận bản thân?


Thuở ấu thơ, chúng ta có thể chấp nhận bản thân ở mức độ chúng ta cảm thấy được chấp nhận bởi cha mẹ. Các nghiên cứu thấy rằng trước 8 tuổi, con người thiếu khả năng nhận thức rõ ràng về bản thân mình, mà chúng ta cảm nhận điều đó qua sự đánh giá của người chăm sóc chúng ta. Vì vậy nếu cha mẹ không thể hay không muốn cho chúng ta biết mình được chấp nhận về những hành vi không đúng đắn hay sai lầm, chúng ta sẽ cảm nhận về bản thân một cách mơ hồ. Cái nhìn tích cực chúng ta nhận được từ cha mẹ mình có thể phụ thuộc gần như hoàn toàn vào những gì mình làm, và rủi thay chúng ta đã biết được nhiều hành vi của chúng ta không được cha mẹ chấp nhận. Vì vậy, bằng cách đồng nhất bản thân với những hành vi không được chấp nhận này, chúng ta khó tránh khỏi xem bản thân mình còn thiếu sót.  


Hơn nữa, sự đánh giá không hay của phụ huynh thường đi xa hơn cả những hành vi không được chấp nhận. Chẳng hạn, cha mẹ có thể cho rằng con cái ích kỷ, không dễ thương hay không đủ thông minh... Đây là những điều mà các chuyên gia sức khỏe tâm thần xem như một dạng khó thấy của bạo hành cảm xúc. Điều này dẫn đến hầu như tất cả chúng ta đều chấp nhận bản thân có kèm theo điều kiện. Hệ quả là chúng ta học được cách nhìn nhận nhiều khía cạnh của bản thân một cách tiêu cực, với những cảm xúc tổn thương do bị từ chối mà chúng ta nếm trải từ những bậc phụ huynh hay chỉ trích. Khi lớn lên, chúng ta có xu hướng chỉ trích bản thân đối với hầu hết các vấn đề trong cuộc sống.


chap-nhan-ban-than-vo-dieu-kien-9.jpg


Theo cách tâm thần kinh con người vận hành, chúng ta khó mà không tự răn mình theo cái cách mà cha mẹ nuôi dạy. Nếu cha mẹ của chúng ta đối xử chúng ta bằng một phương pháp gây tổn thương, khi lớn lên chúng ta thường tiếp tục cào xé những tổn thương chưa lành đó đối với bản thân mình. Nếu khi còn nhỏ chúng ta thường xuyên bị la mắng, đổ lỗi hay đánh đập, khi lớn lên chúng ta sẽ tiếp tục cách thức này với bản thân. Vì vậy, khi chúng ta tự hành hạ mình là chúng ta đang đi theo sự chỉ đạo của cha mẹ. Sự phụ thuộc nhiều vào cha mẹ khi chúng ta còn nhỏ và có ít quyền được chất vấn những bản án cha mẹ dành cho mình, chúng ta buộc phải chấp nhận những chỉ trích như là có thật. Oái oăm là cha mẹ thường cho chúng ta hay khi chúng ta làm phiền lòng họ hơn là công nhận những gì chúng ta làm tốt. 


Để hiểu biết đầy đủ về những vấn đề hiện tại của bản thân, chúng ta cần phải thêm vào những chỉ trích và phản bác chúng ta nhận được từ anh chị em, người thân, thầy cô và bạn bè. Rõ ràng, hầu như tất cả chúng ta bước vào đời với nhiều thương tích của những thành kiến tiêu cực. Chúng ta có khuynh hướng đổ lỗi bản thân hay nhìn nhận mình như một kẻ kém cỏi. Tất cả chúng ta, ở một mức độ nào đó, đã nhiễm một loại vi rút mạn tính của sự nghi hoặc bản thân. 


Làm thế nào để chấp nhận bản thân nhiều hơn nữa?



Nuôi dưỡng tình thương với chính bản thân, buông bỏ những cảm giác tội lỗi, và học cách tha thứ cho bản thân.


Chấp nhận bản thân vô điều kiện sẽ là tự động nếu cha mẹ truyền cho chúng ta những thông điệp tích cực và được lớn lên trong một môi trường sống lành mạnh. Nhưng nếu không phải vậy, chúng ta cần học cách công nhận chính mình, phê chuẩn cho sự tốt đẹp của mình. Sự công nhận bản thân hoàn toàn không làm cho mình tự mãn mà là cách để chúng ta thoát ra khỏi vòng xoáy phán xét chính mình. 


Trong cuốn sách: "Hạnh phúc ngay bây giờ" của Robert Holden, hạnh phúc và sự chấp nhận bản thân song hành với nhau. Mức độ chấp nhận bản thân sẽ quyết định mức độ hạnh phúc. Càng chấp nhận bản thân thì chúng ta càng cảm thấy hạnh phúc. Nói cách khác, chúng ta càng cảm thấy hạnh phúc khi bản thân tin rằng mình có giá trị.


Có lẽ hơn tất cả mọi thứ khác, nuôi dưỡng sự chấp nhận bản thân đòi hỏi chúng ta phát triển sự cảm thông với chính mình. Chỉ khi chúng ta hiểu bản thân nhiều hơn và tha thứ cho mình về những thứ mà trước đây chúng ta qui kết là lỗi của mình, thì chúng ta mới có thể đạt được sự chấp nhận bản thân mà lâu nay chúng ta không có được.


Để thương bản thân nhiều hơn - điều kiện tiên quyết cho sự chấp nhận bản thân - chúng ta phải nhận ra rằng cho đến thời điểm hiện tại chúng ta buộc phải chứng minh giá trị của mình đối với người khác, như ngay từ đầu chúng ta phải tuân theo ý của cha mẹ. Các hành vi tìm kiếm sự tán đồng đơn giản đã phản ánh di sản của tình yêu có điều kiện của cha mẹ. 


Để chấp nhận bản thân nhiều hơn, chúng ta phải bắt đầu bằng việc nói với chính mình rằng chúng ta đã làm tốt nhất có thể. Trên tinh thần này, chúng ta cần xem lại những cảm xúc có lỗi còn lại trong con người mình, nhất là những gì chúng ta không chấp nhận về bản thân, như là một người tự chữa bệnh, chúng ta mang đến sự cảm thông và thấu hiểu từng khía cạnh của sự chối bỏ bản thân. Bằng cách đó, chúng ta bắt đầu xua tan những mặc cảm tội lỗi được phóng đại dựa trên những tiêu chuẩn không thực tế.


chap-nhan-ban-than-vo-dieu-kien-4.jpg


Có một câu ngạn ngữ Pháp nổi tiếng: "Tout comprendre, c'est tout excuser" (có nghĩa "Hiểu hết là tha thứ hết"), là một châm ngôn chúng ta nên áp dụng càng nhiều càng tốt cho bản thân và những người khác. Khi chúng ta càng hiểu tại sao chúng ta lại hành động như vậy, chúng ta càng dễ tha thứ cho mình và tránh lặp lại chúng trong tương lai.


Để chấp nhận bản thân nhiều hơn, chúng ta phải hiểu rõ chúng ta chúng ta không phải chịu lỗi cho bất cứ điều gì - ngoại hình, trí thông minh hay nhưng hành vi không tốt. Những hành động xảy ra là do sự thúc đẩy của các yếu tố di truyền và hoàn cảnh sống. Đành rằng chúng ta có thể nhận trách nhiệm về những gì chúng ta làm tổn thương hay đối xử không tốt người khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn chấp nhận bản thân nhiều hơn, chúng ta phải cảm thông và tha thứ cho bản thân từ đáy lòng. Chúng ta cần hiểu rằng với những gì chúng ta được lập trình, chúng ta khó có thể làm khác đi được. 


Để thoát khỏi sự giày vò bản thân và từng bước tiến đến chấp nhận bản thân vô điều kiện, chúng ta phải học cách tha thứ cho những lỗi lầm của mình. Rút cuộc, chúng ta thậm chí có thể nhận ra rằng chẳng có gì để tha thứ. Bất kể những gì chúng ta có thể đã quy kết trước đây, ở một nghĩa nào đó, chúng ta luôn vô tội, đã làm những gì tốt nhất có thể, với:


- Những gì bẩm sinh trong chúng ta

- Động cơ thúc đẩy khiến chúng ta hành động

- Những gì chúng ta tin vào bản thân lúc đó


Và cuối cùng là nguyên nhân gây ra các hành vi rắc rối nhất bắt nguồn từ những cơ chế bảo vệ tâm lý thường gặp. Sẽ là độc ác nếu chúng ta đổ lỗi cho bản thân, hay khinh bỉ chính mình về những điều chúng ta làm để bảo vệ bản thân khỏi những lo âu, tủi hổ hay khủng hoảng tinh thần.


Ôm ấp phần tối của mình


Sự chấp nhận bản thân liên quan đến mong muốn nhận diện và làm lành với những phần mà bản thân còn đang muốn chối bỏ. Góc khuất của bản thân. Khi mà chúng ta còn từ chối chấp nhận những phần tối này, chúng ta không bao giờ đạt được sự chấp nhận bản thân vô điều kiện.


Khi chúng ta thực sự thấu hiểu nguồn gốc của những góc khuất này, chúng ta sẽ nhận ra những đánh giá về chúng không có tình mà chẳng có lý. Sự thật là tất cả mọi người đều có những ý nghĩ hay thôi thúc tội lỗi như là mong muốn làm tổn thương người mình ghét hay đối xử bạo quyền với người khác, thậm chí ở truồng chạy rông trên phố. Khi nhận ra những điều này, chúng ta đang đi trên con đường đến sự chấp nhận bản thân không điều kiện.


chap-nhan-ban-than-vo-dieu-kien-3.jpg


Xa hơn, ngay cả khi chúng ta có thể chấp nhận mặt tối của mình, chúng ta vẫn còn có những kiểm soát lên sự biểu hiện của chúng để đảm bảo sự an toàn cho mình và người khác. Chỉ khi chúng ta có thể kết nối với phần sâu thẳm và chân thực nhất của mình, chúng ta mới ôm ấp chúng với tình yêu thương. Phần tối trong mỗi con người không phải để làm những gì trái với luân thường đạo lý. Sở hữu và kết hợp hài hoà các mặt khác nhau là trải nghiệm quý báu. Và khi chúng ta không còn cảm thấy ngăn cách với người khác, tất cả những động cơ xấu để hãm hại người sẽ hoàn toàn tan biến. 


Chấp nhận bản thân và hoàn thiện bản thân


Rõ ràng sự chấp nhận bản thân vô điều kiện không có liên quan đến sự hoàn thiện bản thân. Nó không có chỉnh sửa bất cứ điều gì trong con người mình cả. Với sự chấp nhận bản thân , chúng ta công nhân mình với cả những ưu và khuyết điểm.


Vấn đề là khi chú ý vào hoàn thiện bản thân, chúng ta sẽ không tránh khỏi việc chấp nhận bản thân có điều kiện. Hơn cả, chúng ta không thể cảm thấy bình an khi bắt buộc bản thân phải tiến bộ mỗi ngày. Sự chấp nhận bản thân là ngay bây giờ và ở đây, không phải ở thì tương lai. Chấp nhận bản thân là hài lòng với chính mình mà không kèm theo tiêu chí nào. Điều này không có nghĩa là mình chối bỏ những khiếm khuyết mà chỉ xem chúng không liên quan đến sự chấp nhận chính mình.


Chúng ta có thói quen đặt ra tiêu chuẩn cho sự chấp nhận bản thân. Mỗi khi chúng ta quyết định ngừng đánh giá bản thân, chúng ta đang áp dụng một thái độ tha thứ không mang tính định giá. Thật sự, khi thoát ra được cái thói quen cố hữu đánh giá bản thân mình, cố gắng hiểu một cách cảm thông những hành vi trong quá khứ, chúng ta sẽ không tìm thấy điều gì để tha thứ hết. Rõ ràng, chúng ta có thể nguyện với lòng sẽ tốt hơn trong tương lai nhưng chúng ta có thể chấp nhận bản thân mình hôm nay, bất chấp những tồn tại.


Chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận bản thân và thương yêu mình mà vẫn cam kết sẽ phát triển bản thân. Chấp nhận bản thân hôm nay không có nghĩa chúng ta không có động lực thay đổi và tiến bộ để trở nên hiệu quả hơn khiến cuộc sống chúng ta tốt hơn. Chúng ta không cần phải làm gì để đạt được sự chấp nhận bản thân. Chúng ta chỉ cần thay đổi cách mà mình nhìn nhận bản thân. Thay đổi hành vi chỉ là vấn đề mong muốn của bản thân chứ không phải cần thiết để chúng ta thấy mình tốt hơn. 


Nếu chấp nhận bản thân là điều chúng ta phải làm gì đó để có được, là kết quả của sự cố gắng của bản thân, thì nó sẽ là có điều kiện. Chấp nhận bản thân phải được làm thường xuyên và không bao giờ là đủ. Ngay cả khi mình đạt điểm tối ưu đối với điều gì mà chúng ta dùng để định giá bản thân, chúng chỉ mang lại sự thỏa mãn tạm thời. Bởi vì thông điệp mà chúng ta truyền đi cho chính mình là bản thân chỉ có giá trị tương đương với những gì mình vừa đạt được. Chúng ta không bao giờ đạt được sự chấp nhận bản thân bởi vì chúng ta đã vô tình tìm cách để đạt được nó.


chap-nhan-ban-than-vo-dieu-kien-7.jpg


Khi chúng ta đánh giá bản thân với những tiêu chuẩn hoàn hảo, chúng ta có thể vô tình tán đồng cách mà cha mẹ đã đối xử với mình bằng một tình thương có điều kiện. Khi đó chúng ta chắc chắn không phê chuẩn hay đối xử mình với sự tử tế mà cha mẹ mình đã không thể mang lại cho mình.


Chỉ khi chúng ta có thể tán thành bản thân không có điều kiện, bằng cách cảm thông với chính mình và chú trọng đến những ưu điểm hơn là nhược điểm, chúng ta mới có thể tha thứ cho những lỗi lầm của mình, cũng như không cần tìm kiếm sự tán đồng của người khác. Bất luận thế nào thì khó có thể đánh đồng bản thân với lỗi lầm của mình. 


Cuối cùng, không có lý do gì chúng ta không thể quyết định ngay bây giờ để thay đổi suy nghĩ mình là người thế nào. Chúng ta cần nhắc nhở bản thân rằng những khuyết điểm một phần làm cho chúng ta là con người. Nếu những khiếm khuyết đó tự nhiên biến mất, chúng ta sẽ trở thành thứ ánh sáng trắng và biến mất khỏi hành tinh này. Vì vậy, trên hành trình tìm kiếm sự chấp nhận bản thân vô điều kiện, chúng ta nên hãnh diện về sự không hoàn hảo của mình. Sau hết, nếu chúng ta không có lỗi lầm gì, chúng ta không bao giờ có cơ hội vượt qua khó khăn và thành công. 


*Dịch từ Psychology Today

About the author

Tốt nghiệp Y khoa ở Huế. Sau đó lấy bằng bác sĩ (ECFMG) và hiện tại đang phụ trách điều hành một công ty y tế tại DC, Hoa Kỳ. Trong hơn 10 năm sống ở Hoa Kỳ, tác giả có cơ hội học hỏi và nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, một lĩnh vực mà tác giả đam mê và tâm huyết. Tác giả mong muốn chia sẻ kiến thức đến cộng đồng người Việt trong nước.

author

Thanh Nguyễn

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!