Mẹ & bé
Nấc cụt ở trẻ sơ sinh
Theo thông tin từ Trung tâm Y dược cổ truyền - phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, gần đây bệnh viện tiếp nhận trường hợp trẻ 2 tuổi bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên.
Cháu T.G.H, 2 tuổi ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ), nhập viện trong tình trạng méo miệng, không thể nhắm kín mắt do bị lạnh đột ngột khi được bố mẹ cho đi xe máy buổi tối. Trước đó cháu bé không bị ngã hay có chấn thương gì, cháu vẫn chơi đùa, ăn ngủ bình thường. Sáng sớm hôm sau, người nhà phát hiện cháu bị méo miệng khi cười hoặc khóc, khi ngủ thấy mắt bên trái của cháu nhắm không kín.
Bác sỹ kết luận cháu bị Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên. (Dây thần kinh số VII là dây thần kinh vận động, chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay yếu các cơ của nửa mặt.)
Bệnh nhi được điều trị kết hợp phương pháp châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, hồng ngoại... Tuy nhiên, do còn nhỏ tuổi, nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp của cháu với cán bộ y tế còn hạn chế.
Sau 3 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện nhiều, mắt nhắm kín, miệng hết lệch, các hoạt động bình thường, được xuất viện.
Theo các chuyên gia y tế, di chứng lâu dài của bệnh liệt dây thần kinh mặt có thể là tình trạng suy yếu cơ mặt kéo dài, co cứng cơ mặt, rối loạn vận động, giảm tiết nước mắt, chảy nước mắt cá sấu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý xã hội của người bệnh. Mặc dù liệt mặt có thể phục hồi trong vòng 6 tháng song nếu không được quan tâm và điều trị đúng cách, người bệnh có thể phải mang các di chứng suốt đời.
ThS.BS Phan Huy Quyết (phụ trách đơn vị y dược cổ truyền, Trung tâm Y dược cổ truyền - phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) khuyến cáo với các bậc phụ huynh có con nhỏ, vào mùa thu đông cần chú ý để phòng tránh liệt dây thần kinh số VII:
1. Luôn giữ ấm đầu, mặt, cổ.
2. Khi trời rét tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt.
3. Vào buổi tối hoặc ban đêm, không nên để trẻ ngồi gần cửa sổ để tránh gió lùa.
4. Khi trời lạnh, nên hạn chế ra ngoài vào buổi tối, nếu ra ngoài cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, đi trong thời gian ngắn.
5. Khi cho trẻ đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.
6. Khi tắm cho trẻ cần chú ý: Nên tắm cho trẻ sớm, tắm, rửa mặt, đánh răng bằng nước ấm. Cha mẹ có thể chọn tắm cho trẻ vào một trong hai khoảng thời gian từ 9h30-10h30 buổi sáng, hoặc buổi chiều từ 13h-16h. Đối với trẻ lớn hơn không nên tắm muộn sau 18h.
Tuyệt đối không nên tắm cho trẻ vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn vì có thể làm trẻ dễ bị cảm lạnh, ốm sốt… Đồng thời chú ý thời gian tắm gội cho bé chỉ khoảng 5-10 phút với trẻ lớn, và không quá 2-3 phút với trẻ sơ sinh kể từ khi cho bé xuống nước đến lúc ra khỏi chậu.
Chi
Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội
Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882
Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn
Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.