Tử tế với mọi người là điều tốt, nhưng việc đi quá xa để làm hài lòng người khác có thể khiến bạn cảm thấy cạn kiệt cảm xúc, căng thẳng và lo lắng. Bài viết này giúp bạn ngừng đặt người khác lên trước hạnh phúc của bản thân và đảm bảo rằng bạn quan tâm đến nhu cầu của chính mình.
Làm hài lòng mọi người liên quan đến việc đặt nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của bạn. Những người luôn muốn làm hài lòng mọi người rất hòa hợp với người khác và thường được coi là dễ chịu, tốt bụng.
Harriet B. Braiker đã nói trong cuốn sách “Căn bệnh làm hài lòng” của cô ấy: “Sự tử tế là bộ giáp tâm lý của những người muốn làm hài lòng mọi người.” Đó là một cơ chế đối phó có thể phát triển vì nhiều lý do: để chứng minh giá trị của bạn hoặc thu hút sự chú ý, để tránh xung đột…
Đặc biệt với phụ nữ, những định kiến và giá trị cũ đã in sâu trong tâm thức của chúng ta, đến mức rất nhiều người coi thường nhu cầu của bản thân, thường xuyên vật lộn với những áp lực coi việc chăm sóc là hành vi ích kỷ..
Thực chất, bằng cách cho đi bạn đang cố gắng bảo vệ bản thân - một nỗ lực để kiểm soát những gì người khác nghĩ về mình.
Bạn Có Phải Là Người Luôn Làm Hài Lòng Mọi Người?
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể là một người luôn muốn làm hài lòng mọi người:
• Bạn gặp khó khăn khi nói "không."
• Bạn quá bận tâm về những gì người khác nghĩ.
• Bạn cảm thấy có lỗi khi nói "không" với người khác.
• Bạn sợ rằng từ chối mọi người sẽ khiến họ nghĩ bạn xấu tính hoặc ích kỷ.
• Bạn đồng ý với những điều bạn không thích hoặc làm những điều bạn không muốn làm.
• Bạn muốn mọi người thích bạn và cảm thấy rằng làm mọi việc cho người khác sẽ được họ chấp nhận.
• Bạn nhận lỗi ngay cả khi điều gì đó không phải là lỗi của bạn.
• Bạn không bao giờ có thời gian rảnh vì bạn luôn làm việc cho người khác.
• Bạn bỏ bê nhu cầu của bản thân để làm mọi việc cho người khác.
• Bạn giả vờ đồng ý với mọi người mặc dù bạn không cảm thấy như vậy.
Tại Sao Bạn Luôn Muốn Người Khác Vui Lòng?
Để ngừng trở thành người làm hài lòng mọi người, điều quan trọng là phải hiểu một số lý do tại sao bạn hành động như thế.
Sự tự tôn thấp: Đôi khi ai đó luôn muốn làm hài lòng mọi người bởi vì họ không coi trọng mong muốn và nhu cầu của bản thân. Do thiếu tự tin, những người làm hài lòng mọi người có nhu cầu được mọi người công nhận bản thân hơn là tự nhìn nhận giá trị của mình. Bằng cách đảm bảo rằng mọi người hạnh phúc, bạn cảm thấy mình có ích và được đánh giá cao.
Cảm giác không an toàn: Trong những trường hợp khác, mọi người có thể cố gắng làm hài lòng người khác bởi vì họ lo lắng rằng người khác sẽ không thích mình nếu làm những điều bản thân mong muốn.
Chủ nghĩa hoàn hảo: Đôi khi mọi người muốn mọi thứ luôn vui vẻ, hoàn hảo, bao gồm cả cách người khác nghĩ và cảm nhận.
Trải nghiệm trong quá khứ: Những trải nghiệm đau đớn, khó khăn hoặc tổn thương cũng có thể đóng một vai trò nào đó trong cách hành xử của bạn. Ví dụ, những người đã từng bị ngược đãi có thể cố gắng làm hài lòng người khác để tránh gây tiếp tục bị bạo hành và tổn thương. Theo thời gian, đối với họ, làm hài lòng mọi người đã trở thành cách sống.
Ảnh Hưởng Của Việc Trở Thành Người Muốn Làm Hài Lòng Mọi Người
Giúp đỡ người khác thực sự có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe tinh thần. Trở thành một người quan tâm và chăm sóc là một phần quan trọng để duy trì mối quan hệ lành mạnh với những người thân yêu. Tuy nhiên, nó sẽ trở thành một vấn đề, nếu bạn đang cố gắng giành được sự chấp thuận để củng cố lòng tự trọng yếu ớt hoặc nếu bạn đang theo đuổi hạnh phúc của người khác bằng chính tình cảm của mình.
Làm hài lòng mọi người có thể trở thành một vấn đề vì cảm giác liên tục cần phải ưu tiên người khác trước bản thân bạn có thể tàn phá sức khỏe tinh thần, tình cảm và thể chất của bạn. Sẽ có hại cho bản thân khi dựa vào những hành vi làm hài lòng mọi người để cải thiện cảm xúc về giá trị bản thân. Đặt hạnh phúc của người khác lên trên hạnh phúc tình cảm của bản thân khiến bạn không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình.
Làm hài lòng mọi người cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần. Nó có liên quan đến việc gia tăng cảm giác lo lắng và căng thẳng liên quan đến việc cố gắng quản lý đồng thời trách nhiệm của bản thân và trách nhiệm của người khác. Điều này dẫn đến thời gian chăm sóc bản thân ít hơn và nguy cơ kiệt sức cao hơn. Thêm vào đó, đây sẽ là điều kiện tạo ra các mối quan hệ không lành mạnh vì có sự mất cân bằng giữa việc chăm sóc bản thân và chăm sóc người khác. Việc che giấu cảm xúc thật của bản thân có thể khiến bạn đánh mất chính mình.
Bạn sẽ bị tổn thương bởi những kỳ vọng của chính mình. Bởi bạn mong muốn khi cho đi, phải nhận lại tương đương với sự đền đáp.
Mặc dù mọi người có thể đánh giá cao bản chất cho đi của bạn, nhưng họ cũng có thể bắt đầu coi lòng tốt và sự quan tâm của bạn là điều hiển nhiên. Họ thậm chí có thể không nhận ra họ đang lợi dụng bạn. Tất cả những gì họ biết là bạn luôn sẵn lòng giúp một tay, vì vậy họ chắc chắn rằng bạn sẽ xuất hiện bất cứ khi nào bạn cần.
Bạn Không Cần Phải Làm Vui Lòng Tất Cả
Hãy thử những bước sau để ngừng trở thành người luôn làm hài lòng mọi người và học cách cân bằng mong muốn làm cho người khác hạnh phúc mà không phải hy sinh bản thân.
Thiết lập ranh giới
Điều quan trọng là phải biết giới hạn của bạn, thiết lập ranh giới rõ ràng và sau đó truyền đạt những giới hạn đó.
Bạn không chỉ phải đào tạo lại bản thân mà còn phải nỗ lực dạy những người xung quanh hiểu giới hạn của bạn.Hãy rõ ràng và cụ thể về những gì bạn sẵn sàng đảm nhận. Nếu có vẻ như ai đó đang đòi hỏi quá nhiều, hãy cho họ biết rằng điều đó đã vượt quá giới hạn của những gì bạn sẵn sàng làm và bạn sẽ không thể giúp được gì.
Học cách nói "Không"
Bắt đầu thoát khỏi thói quen làm hài lòng mọi người bằng cách nói không kể cả với những điều nhỏ nhặt. Hãy tập bày tỏ ý kiến của bạn về những thứ đơn giản. Hoặc giữ vững lập trường cho điều gì đó mà bạn tin tưởng. Mỗi bước bạn thực hiện sẽ giúp bạn thêm tự tin vào khả năng là chính mình.
Đặt mục tiêu và ưu tiên
Bạn muốn giúp ai? Bạn đang cố gắng hoàn thành những mục tiêu nào? Nhận thức được giá trị và ưu tiên của mình có thể giúp bạn xác định xem mình có thời gian và năng lượng để cống hiến cho việc gì đó hay không.
Nếu điều gì đó đang tiêu hao năng lượng hoặc chiếm quá nhiều thời gian của bạn, hãy thực hiện các bước để giải quyết vấn đề. Khi bạn thực hành đặt ra những ranh giới đó và nói không với những điều không thực sự muốn làm, bạn sẽ thấy có nhiều thời gian hơn để dành cho những việc thực sự quan trọng đối với mình.
Nếu các ưu tiên của bạn không được đáp ứng vì những gì người khác đang yêu cầu từ bạn, hãy ưu tiên cho bản thân giống như những người khác ưu tiên cho chính mình. Hãy nhớ rằng nhu cầu của bạn cũng xứng đáng.
Cho bản thân thời gian để đưa ra quyết định
Khi ai đó yêu cầu giúp đỡ, hãy nói với họ rằng bạn cần một chút thời gian để suy nghĩ về điều đó. Nói "có" ngay lập tức có thể khiến bạn cảm thấy bị bắt buộc và áp lực. Trước khi bạn đưa ra quyết định, hãy tự hỏi bản thân:
Điều này sẽ mất bao nhiêu thời gian?
Đây có phải là điều tôi thực sự muốn làm?
Tôi có thời gian để làm điều đó không?
Tôi sẽ căng thẳng đến mức nào nếu nói "có"?
Người khác đang cố gắng lợi dụng sự tử tế của bạn?
Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra ra rằng chỉ cần một khoảng thời gian ngắn để suy nghĩ cũng làm tăng độ chính xác của việc đưa ra quyết định. Bằng cách dành cho bản thân một chút thời gian, bạn sẽ có thể quyết định chính xác xem đó có phải là điều bạn mong muốn và có thời gian để thực hiện hay không.
Tránh bào chữa
Điều quan trọng là phải thẳng thắn khi bạn nói "không" và tránh đổ lỗi bào chữa cho việc bạn không thể. Một khi bạn bắt đầu giải thích lý do tại sao bạn không thể làm điều gì đó, bạn đang cho người khác cơ hội điều chỉnh để đảm bảo rằng bạn vẫn có thể làm những gì họ yêu cầu.
Bạn cũng không cần xin lỗi vì đã nói "không" — bạn không phải cảm thấy hối tiếc vì đã ưu tiên cho bản thân. Khi bạn xin lỗi, bạn làm giảm giá trị của chính mình và cho phép người khác cảm thấy nhu cầu của bạn có thể chờ đợi phía sau họ.
Hãy nhớ rằng mối quan hệ luôn đến từ 2 phía
Một mối quan hệ bền vững, lành mạnh yêu cầu sự tương tác từ 2 bên. Nếu một người luôn cho đi và người kia luôn nhận lấy, điều đó thường có nghĩa là một người đang từ bỏ những thứ mà họ cần để đảm bảo rằng người kia có những gì họ muốn.
Ngay cả khi bạn thích làm hài lòng người khác, điều quan trọng cần nhớ là đối phương cũng cần đáp lại bạn.
Giúp đỡ khi bạn muốn giúp đỡ
Bạn không cần phải từ bỏ sự tử tế và chu đáo. Đó là những phẩm chất đáng mơ ước có thể góp phần tạo nên những mối quan hệ bền chặt và lâu dài. Điều quan trọng là đừng làm mọi việc chỉ vì bạn sợ bị từ chối hoặc muốn người khác chấp nhận bản thân mình.
Hãy tiếp tục làm những điều tốt, nhưng theo điều kiện của riêng bạn. Bất kể đó là gì, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bạn cảm thấy thoải mái với bản thân và đáp ứng mọi nhu cầu của bạn.
Lên lịch cho chính bạn
Dành thời gian chăm sóc bản thân, làm những việc mình yêu thích, đôi khi chỉ là cho phép bản thân có thời gian để nghỉ ngơi.
Tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia
Việc đối mặt với mọi áp lực của cuộc sống cả bên trong và bên ngoài có thể là điều quá sức. Nếu việc làm hài lòng mọi người đang ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, hãy nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần. Một nhà trị liệu được đào tạo có thể làm việc với bạn để giúp quản lý hành vi, ưu tiên các nhu cầu của bản thân và thiết lập các ranh giới lành mạnh.
Quan trọng nhất, hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người.
About the author
S. Reen