Bạo lực học đường, cha mẹ có thể làm gì để ngăn chặn?

MẸ & BÉ

Bạo lực học đường, cha mẹ có thể làm gì để ngăn chặn?

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Bạo lực học đường, cha mẹ có thể làm gì để ngăn chặn?

Liên Hợp Quốc ước tính rằng 246 triệu trẻ em bị bạo lực trong và xung quanh trường học mỗi năm, với những hậu quả nghiêm trọng về thành tích học tập, tình trạng bỏ học cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần.


Bạo lực học đường dường như đã là một phần của trường học trong nhiều năm. Tuy nhiên, gần đây, công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra một không gian mới để tình trạng bạo lực học đường mở rộng phạm vi.


Bạo lực học đường là bạo lực diễn ra trong môi trường học đường, trong và xung quanh trường học. Bạo lực có thể do học sinh, giáo viên hoặc các nhân viên nhà trường; tuy nhiên, bạo lực do bạn học gây ra là phổ biến nhất.


Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu các loại hình, nguyên nhân và tác động của bạo lực học đường và đề xuất một số bước có thể giúp ngăn chặn bạo lực học đường.


Các Loại Bạo Lực Học Đường


Nhà tâm lý học Aimee Daramus (Mỹ) cho biết, bạo lực học đường có thể diễn ra dưới nhiều hình thức:


Bạo lực thể chất, bao gồm tất cả các hình thức tác động thể chất như đánh đập, xô, đẩy…


Bạo lực tâm lý, bao gồm lạm dụng tình cảm và lời nói. Điều này có thể liên quan đến việc xúc phạm, đe dọa, phớt lờ, cô lập, làm nhục, chế giễu, tung tin đồn, nói dối hoặc trừng phạt người khác.


Bạo lực tình dục, bao gồm quấy rối tình dục, đe dọa tình dục, đụng chạm không mong muốn, ép buộc tình dục và cưỡng hiếp.


Bắt nạt trên mạng, bao gồm lạm dụng tình dục hoặc tâm lý bởi những người được kết nối thông qua trường học trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến khác. Điều này có thể liên quan đến việc đăng thông tin sai lệch, nhận xét gây tổn thương, tin đồn ác ý hoặc đăng ảnh/ video để làm nhục trực tuyến. Gọi điện và gửi tin nhắn không phù hợp cũng là bắt nạt trên mạng.


Tác Động Của Bạo Lực Học Đường


Nạn nhân của bạo lực học đường có thể bị thương, chấn động và khuyết tật về thể chất hoặc thậm chí tử vong.


Bạo lực học đường là chấn thương và có thể gây ra đau khổ tâm lý đáng kể. Đặc biệt khi một người có bộ não chưa phát triển đầy đủ gặp chấn thương, đặc biệt nếu chấn thương kéo dài, não của trẻ có thể chuyển sang chế độ sinh tồn, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng chú ý, tập trung, kiểm soát cảm xúc và sức khỏe tổng thể lâu dài.


Theo một nghiên cứu năm 2019, trẻ em từng bị bạo lực học đường có nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài, bao gồm trầm cảm, lạm dụng chất kích thích, béo phì, tiểu đường, ung thư, bệnh tim và các bệnh về đường hô hấp.


Không chỉ những nạn nhân trực tiếp, trẻ em chứng kiến bạo lực học đường có thể cảm thấy tội lỗi khi chứng kiến và quá sợ hãi để ngăn chặn hành vi đó. Trẻ cũng có thể cảm thấy bị đe dọa và não có thể phản ứng theo cách tương tự như một đứa trẻ phải đối mặt với bạo lực học đường.


Ngoài ra, khi trẻ em trải qua hoặc chứng kiến chấn thương, niềm tin cơ bản của chúng về cuộc sống và con người thường bị thay đổi. Trẻ không còn tin rằng thế giới an toàn, điều này có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần.


Tại Sao Rất Nhiều Trẻ Em Chịu Bạo Lực Học Đường Không Yêu Cầu Giúp Đỡ?


Khi gặp phải bạo lực học đường, trẻ em không nói với người lớn vì nhiều lý do:


• Bạo lực dù hình thức nào cũng có thể khiến một đứa trẻ cảm thấy bất lực. Trẻ em có thể muốn tự xử lý để cảm thấy kiểm soát trở lại. Chúng có thể sợ bị coi là kẻ yếu đuối hoặc kẻ ba hoa.


• Trẻ em có thể sợ phản ứng dữ dội, bị trả thù từ đứa trẻ đã bắt nạt chúng.


• Bắt nạt có thể là một kinh nghiệm nhục nhã. Trẻ em có thể không muốn người lớn biết những gì đang được nói về chúng, dù đúng hay sai. Trẻ cũng có thể sợ rằng người lớn sẽ đánh giá hoặc trừng phạt mình vì yếu kém.


• Những đứa trẻ bị bắt nạt có thể đã cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội. Chúng có thể cảm thấy như không ai quan tâm hoặc có thể hiểu được.


• Trẻ có thể sợ bị từ chối.


Cách Nhận Biết Trẻ Bị Bạo Lực Học Đường


Con bạn có thể chia sẻ rằng chúng đang bị bắt nạt, như bị những đứa trẻ khác đang trêu chọc, chế nhạo, làm tổn thương hoặc đe dọa con. Nhưng nếu con không nói gì và bạn vẫn lo lắng, đây là một số dấu hiệu cần chú ý:


• Thay đổi cảm xúc và hành vi (ví dụ: khó ngủ, chán ăn hay lo lắng, sợ hãi)


• Cơ thể có vết cắt và vết bầm tím không thể giải thích được


• Không tập trung 


• Không muốn đi học


• Dễ bị kích động


• Tự cô lập bản thân


Những dấu hiệu này không nhất thiết có nghĩa là con bạn đang bị bắt nạt. Chúng có thể là dấu hiệu của các vấn đề khác, chẳng hạn như trầm cảm… Không có công thức chính xác nào để biết liệu con bạn có bị bắt nạt hay không. Cách con bạn phản ứng với bắt nạt sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bạo lực, cũng như tính cách của con. Vì vậy, quan trọng là bạn cần tìm hiểu kỹ chuyện gì đang xảy ra.


Phòng Chống Bạo Lực Học Đường


Để một đứa trẻ có thể tự chăm sóc bản thân khi lớn lên, trước tiên chúng cần cảm thấy an toàn và được chăm sóc. Học cách đối phó với các mối đe dọa là một bài học nâng cao phải được xây dựng trên nền tảng cảm giác an toàn và tự tin.


Luôn lắng nghe một cách cởi mở


Chia sẻ với con bạn hàng ngày về cách mọi thứ đang diễn ra ở trường. Sử dụng giọng điệu điềm tĩnh, thân thiện và tạo bầu không khí thân thiện để trẻ không ngại nói với bạn nếu có điều gì đó không ổn. 


Hãy luôn nhắc con rằng con không đơn độc và bạn sẽ luôn ở cạnh để giúp đỡ con. Nhấn mạnh rằng sự an toàn và hạnh phúc của trẻ là quan trọng nhất và các em phải luôn nói chuyện với người lớn về bất kỳ vấn đề nào.


Điều quan trọng là trẻ có thể xác định cảm xúc của mình và biết rằng bạn muốn lắng nghe con. Vì vậy, hãy thực hành và trở thành một hình mẫu, hãy luôn lắng nghe chân thành và cởi mở khi chia sẻ về cảm xúc của bạn hàng ngày. 


Xây dựng sự tự tin 


Con bạn càng cảm thấy tốt hơn về bản thân thì khả năng bị bắt nạt sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của chúng càng ít. Bởi vậy, hãy khuyến khích các sở thích, hoạt động ngoại khóa và các tình huống xã hội mang lại những điều tốt nhất cho con bạn. Nói với con bạn những phẩm chất độc đáo mà bạn yêu thích ở chúng và củng cố những hành vi tích cực mà bạn muốn trẻ thấy nhiều hơn.


Tiến sĩ Steven Pastyrnak, trưởng khoa tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng Helen DeVos (Mỹ), chia sẻ: “Là cha mẹ, chúng ta có xu hướng tập trung vào những tình huống tiêu cực, nhưng trẻ em thực sự lắng nghe tốt hơn khi những hành vi tốt của chúng được củng cố. Tôn vinh điểm mạnh của trẻ và khuyến khích các mối quan hệ lành mạnh sẽ nâng cao lòng tự trọng, tăng sự tự tin lâu dài cho trẻ và ngăn ngừa mọi tình huống bắt nạt tiềm ẩn".


Dạy con bạn cách phản ứng đúng đắn


Nếu con bạn bị bắt nạt, điều quan trọng là bạn phải giúp chúng hiểu rằng bạo lực học đường không bao giờ là lỗi của chúng. Bắt nạt bắt nguồn từ người thực hiện hành vi chứ không phải người bị nhắm đến.


Trẻ em phải hiểu rằng những kẻ bắt nạt có nhu cầu về quyền lực và sự kiểm soát đối với người khác và mong muốn làm tổn thương mọi người. Họ thường thiếu tự chủ, thiếu đồng cảm và nhạy cảm. Có thể hữu ích cho trẻ khi sử dụng các chiến lược sau đây khi đối phó với bạo lực học đường:


• Ghi nhớ giá trị bản thân. Khi ai đó nói điều gì đó không tốt, hãy dạy con bạn nhớ và nói những điều tích cực về bản thân.


• Thể hiện sự tự tin. Dạy con bạn nói cho kẻ bắt nạt biết chúng cảm thấy thế nào, tại sao chúng lại cảm thấy như vậy và chúng muốn kẻ bắt nạt làm gì. Dạy chúng làm điều này với giọng bình tĩnh và kiên quyết. 


Điều đó không có nghĩa là tự tin sẽ ngăn chặn kẻ bắt nạt hoặc không đủ tự tin sẽ thúc đẩy bắt nạt, nhưng sự tự tin có thể giúp con bạn cảm thấy được trao quyền nhiều hơn trong một tình huống khó khăn. 


Bạn có thể thử đóng kịch các tình huống bạo lực để con thực hành các phản ứng khác nhau cho đến khi chúng cảm thấy tự tin xử lý các tình huống rắc rối. 


• Giữ an toàn và nói với người lớn. Dạy con bạn rằng nếu chúng nghĩ rằng chúng không an toàn, chúng nên tìm cách rời khỏi tình huống đó và nói cho người lớn biết chuyện gì đã xảy ra.


• Đối xử tử tế với người khác. Dạy con bạn đứng lên bảo vệ những học sinh khác bị bắt nạt và yêu cầu những người khác đứng lên bảo vệ chúng. Quan trọng nhất, hãy dạy con bạn đối xử với người khác theo cách chúng muốn được đối xử. Hỏi con bạn cảm giác thế nào khi có ai đó đứng ra bảo vệ chúng và chia sẻ cách một người có thể tạo ra sự khác biệt chỉ với sự giúp đỡ nhỏ.


Walter Roberts, giáo sư tư vấn giáo dục tại Đại học bang Minnesota, cho biết: “Khi trẻ lên tiếng, điều đó mạnh mẽ gấp 10 lần so với bất cứ điều gì mà chúng ta có thể làm khi trưởng thành”.


Báo cáo về bạo lực học đường


Hãy cùng con nói chuyện với giáo viên, cố vấn hướng dẫn, hiệu trưởng hoặc quản lý trường học. Tìm hiểu về chính sách của trường về bạo lực học đường và lưu giữ hồ sơ bằng chứng, đồng thời luôn cập nhật tình hình với nhà trường.


Gọi điện hoặc gửi email cho cha mẹ/người giám hộ đối tượng gây bạo lực theo cách lịch sự, không đối đầu và luôn nói rõ rằng mục tiêu của bạn là cùng nhau giải quyết vấn đề. 


Khi cần thiết, hãy nhờ sự giúp đỡ từ những người khác bên ngoài trường học, chẳng hạn như nhà trị liệu gia đình hoặc cảnh sát, đồng thời tận dụng các nguồn lực cộng đồng có thể giải quyết và chấm dứt tình trạng bạo lực học đường.

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!