Bí kíp vượt cạn cho những mẹ bầu sợ-đau-đẻ

MẸ & BÉ

Bí kíp vượt cạn cho những mẹ bầu sợ-đau-đẻ

authorBy Nguyễn Thu Thủy
Share on
Share on
Bí kíp vượt cạn cho những mẹ bầu sợ-đau-đẻ


Có lẽ nào Tạo hóa cố tình tạo ra cơn đau đẻ để thử thách xem mỗi bà mẹ có đủ dũng cảm để làm mẹ của một em bé hay không? Dù sao đi nữa, nếu cơn đau đẻ đã là việc không thể tránh khỏi thì hãy chuẩn bị kiến thức và tâm lý thật tốt trước khi “vào trận” nhé. 


Hiểu Về Quá Trình Chuyển Dạ Và Sinh Em Bé


Các cụ ta đã có câu: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Muốn vượt qua cơn đau đẻ, trước hết phải hiểu rõ về nó. 


Chuyển dạ là gì?


Chuyển dạ gồm 3 giai đoạn: giai đoạn sớm, giai đoạn chính và giai đoạn rặn đẻ. 


Giai đoạn sớm chỉ là màn dạo đầu, là dấu hiệu cho biết thời khắc bạn mong chờ đã đến. Đặc trưng của giai đoạn này là những cơn co tử cung ngắn, gây đau nhẹ và cách xa nhau, cổ tử cung mở nhẹ từ 1 – 3 cm. 


Sau đó các cơn co sẽ ngày càng mạnh hơn, kéo dài hơn và đến mau hơn ở giai đoạn chính. Trong giai đoạn này, cổ tử cung sẽ mở từ 4 – 10 cm. Có lẽ đây là giai đoạn cần sự kiên cường nhất. Mẹ bầu dễ vì đau mà bỏ cuộc, đòi chuyển sang đẻ mổ.


Cuối cùng là giai đoạn rặn đẻ, khi cổ tử cung mở đủ 10cm, các cơn co trở nên mạnh nhất, tạo điều kiện để đẩy em bé ra ngoài, cùng với sự nỗ lực rặn đẻ của mẹ. Tất nhiên, độ dài của cơn co và khoảng cách giữa các cơn co sẽ khác nhau ở mỗi người.



Hiểu về cơn gò tử cung


Cơn co hay cơn gò tử cung là hiện tượng tử cung co cứng lại khi chuyển dạ. Đây là một hiện tượng bình thường, có tác dụng giúp em bé dịch chuyển xuống thấp và ra ngoài trong quá trình chuyển dạ. 


Cơn co tử cung mang tính chất chu kỳ. Cụ thể, mỗi cơn co thường có 3 thì: thì co, thì kéo dài và thì nghỉ. Hết một chu kỳ gồm 3 thì, lại xuất hiện chu kỳ tiếp theo.


Ở thì co, bạn thấy bụng mình cứng dần lên, cảm giác đau đớn tăng dần. Bạn sẽ thấy đau đến đỉnh điểm ở thì kéo dài, sau đó cảm giác đau sẻ giảm dần và hết đau ở thì nghỉ. 


Khoảng cách giữa các cơn gò tử cung là thì nghỉ. Đây chính là khoảng thời gian để bạn nghỉ ngơi, hồi sức. Sau khi lại sức, bạn lại tập trung vào thì co và thì kéo dài để chịu đau và rặn có hiệu quả. 


Trong quá trình chuyển dạ, các cơn gò tử cung cứ nối tiếp nhau theo chu kỳ. Bạn sẽ thấy đau rồi hết đau, rồi đau, rồi hết đau. Các cơn co ngày càng gần nhau hơn, liên tục cho tới khi em bé được sinh ra.


Bây giờ, chắc bạn cũng đã phần nào hình dung được những gì mình sẽ trải qua rồi. Hiểu hơn về cơn đau chuyển dạ sẽ giúp bạn tự tin hơn khi đối diện với nó. 


Chuẩn Bị Về Mặt Thể Chất Để Bước Vào Cơn Chuyển Dạ


Ngoài việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bạn cũng đừng quên việc tập luyện để giữ cho cơ thể dẻo dai. 


Yoga


Yoga có lẽ là một trong những bộ môn tuyệt vời nhất dành cho mẹ bầu. Nên tập yoga từ đầu thai kỳ để luôn duy trì cơ thể trong trạng thái vận động. Ở mỗi kỳ tam cá nguyệt, bạn nên những nhóm động tác khác nhau để phù hợp với đặc điểm cơ thể.


Trong ba tháng đầu, khi thai nhi đang trong quá trình hình thành, chưa ổn định, bạn nên hạn chế vận động quá mức. Các tư thế an toàn gồm: tư thế con bướm để kích thích các cơ quan nội tạng, thúc đẩy lưu thông máu, hoặc những bài tập xoay khớp cổ, vai đơn giản để thư giãn cơ bắp.


Ở ba tháng giữa, em bé trên đà phát triển ổn định. Việc em bé đang lớn dần lên cũng đồng nghĩa với việc mẹ mang nhiều áp lực hơn lên cột sống của mình. Để giảm tải áp lực, giảm cảm giác mệt mỏi, đau nhức, bạn nên tập những tư thế như bò mèo, cây cầu hoặc tư thế bồ câu. Vừa tập vừa quan sát phản ứng của cơ thể để đảm bảo mọi vận động của mẹ đều an toàn cho mình và con.


Để chuẩn bị cho giai đoạn nước rút, hãy tập những bài tập làm giãn các cơ khớp, đặc biệt là làm linh hoạt khớp háng, làm khỏe cơ hông. Các bài tập phù hợp cho giai đoạn này gồm: tư thế chiến binh II, tư thế lạc đà hay tư thế tấn cao.



Bài tập Kegel


Ngoài ra, bài tập được khuyến khích nhất cho mẹ bầu chính là bài tập cơ Kegel. Bài tập này giúp giảm cảm giác khó chịu, căng tức ở tử cung, khiến quá trình sinh nở diễn ra dễ dàng hơn, đồng thời giúp các mô hồi phục nhanh sau khi sinh.


Cách tập cơ Kegel rất đơn giản, bạn có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi:


Bước 1: Ngồi thoải mái và co cơ khung xương chậu giống như khi bạn nín tiểu, giữ khoảng 3 giây.

Bước 2: Từ từ thả lỏng cơ và giữ trong 3 giây tiếp theo.


Cứ lặp đi lặp lại như vậy khoảng 10 chu kỳ co cơ - thả lỏng. Mỗi ngày, bạn có thể tập 5 - 7 lần và tăng dần khoảng thời gian co cơ. 


Chuẩn Bị Về Tâm Lý Để Đối Mặt Với Cảm Giác Đau


Có lẽ, đây mới là phần quan trọng nhất. Dưới đây là 4 “bí kíp thần công” để bạn rèn luyện về tâm lý trước khi bước vào chuyển dạ.


Chấp nhận cảm giác đau


Ta thường đánh đồng cảm giác đau với một vấn đề tiêu cực cần giải quyết, một thứ cần chối bỏ, như khi đau đầu là phải uống thuốc giảm đau ngay. Hãy nhắc mình rằng cảm giác đau chuyển dạ không phải là một điều tiêu cực. Nó chỉ là hiện tượng tự nhiên, thậm chí có vai trò tích cực thúc đẩy quá trình em bé ra đời. 


Hãy chấp nhận và chủ động đón nhận cơn đau. Đừng nhìn những bà đẻ đang kêu khóc xung quanh mà yếu lòng. Mỗi lần cơn co tử cung xuất hiện, hãy nhắc mình: "Cảm giác này là điều tự nhiên, mình đón nhận nó, mong chờ nó, vì cảm giác này đến nghĩa là con sắp ra với mình rồi".



Cơ thể của bạn được tạo ra để làm việc này


Bản thân cảm giác đau đẻ không kinh khủng đến thế. Điều kinh khủng ở đây là nỗi sợ trước cảm giác đó. Khi bạn sợ, hơi thở trở nên không đều và không sâu dẫn đến thiếu oxy vào cơ thể. Nỗi sợ làm các cơ cứng lại, trong khi bạn đang cần nó mềm ra để em bé dễ dàng đi qua. 


Thế là chính nỗi sợ làm cảm giác đau đẻ trở nên tệ hơn, quá trình sinh nở khó khăn hơn. Sinh con là một trải nghiệm tuyệt vời, đấng Tạo hóa đã ban cho cơ thể bạn mọi thứ cần thiết để có thể làm việc này và bạn sẽ làm được. Hãy tin vào khả năng tự nhiên của cơ thể mình.


Tập trung vào hơi thở


Hơi thở là một vũ khí lợi hại của các bà đẻ. Khi nào cảm thấy đau đến mức mất bình tĩnh, hãy trở về với hơi thở. Hít vào, bạn biết là mình đang hít vào. Thở ra, bạn để ý luồng không khí từ trong phổi đi ra qua mũi mình như thế nào. 


Làm như vậy có 2 lợi ích: một là bạn thở tốt hơn để có oxy vào cơ thể, hai là bạn thoát khỏi nỗi sợ vì còn bận tập trung vào việc thở rồi.


Tập trung thở, giữ tâm trí tĩnh tại, cơ thể thả lỏng, cảm giác mình đang mở ra, em bé đang dịch chuyển dần xuống dưới.


Nếu bạn có thể nghe nhạc trong lúc ở viện thì thật tốt. Trước khi đi sinh, bạn lên Youtube, tìm từ khóa “hypnobirthing” và chọn một clip bất kỳ có nhạc thư thái và có thể có lời dẫn (thường bằng tiếng Anh). 


Đối mặt với từng cơn co một


Chúng ta thường không chánh niệm: chưa ăn bữa nay đã lo bữa mai, mình đang đau ở đoạn này nhưng đã lại lo đoạn tí nữa đau hơn thì mình chịu sao nổi. Như vậy chỉ làm tâm trí càng rối thêm. 


Cơn co tử cung mang tính chất chu kỳ như những đợt sóng, dâng lên rồi hạ xuống, rồi lại dâng lên, cứ thế cho tới khi em bé ra đời. Thay vì bấn loạn, bạn hãy tập trung tâm trí và sức lực để đối mặt với từng con co một.


Hãy coi mỗi cơn co là một đợt sóng. Thay vì rúm người lại trước cơn đau, hãy tưởng tượng như mình đang đón sóng.

 

Khi cơn co tới, hãy cảm nhận sóng đang dâng lên. Tới thì kéo dài, hãy cảm nhận sóng đang lên đến đỉnh, cơ thể bạn mở ra, cảm nhận em bé đang dịch chuyển dần xuống dưới. Và sang thì nghỉ, cơn co giảm dần như cơn sóng rút dần ra xa, thì hãy tự vỗ về bản thân: "Mình thật giỏi! mình đã vượt qua thêm 1 cơn co nữa rồi!”


Sau đó tập trung nghỉ ngơi thật tốt để đón nhận cơn co tiếp theo. Hãy luôn nhớ: lúc nào thì biết lúc ấy, tập trung vào hiện tại thay vì lo sợ làm tinh thần hoảng loạn.



Lời Nhắn Từ Her


Dù là lần đầu hay lần thứ hai, thứ ba mang thai, ai cũng có thể rùng mình trước ý nghĩ về cơn đau đẻ. Nhưng nếu đã không thể tránh khỏi thì sợ hãi cũng không giải quyết được gì! Bạn hãy chuẩn bị thật tốt về cả thể chất và tinh thần để đón nhận và đối diện với cảm giác đau trong tâm thế bình tĩnh và thoải mái nhất có thể. 

About the author

Thu Thủy là một cây viết chuyên nghiệp về đề tài phụ nữ, làm cha mẹ và lối sống chánh niệm. Thủy còn là mẹ của hai em bé và là tác giả của blog Mindfully T.

https://mindfullyt.com/

author

Nguyễn Thu Thủy

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!