Đây là những tấm ảnh do nhiếp ảnh gia người Anh Sujata Setia thực hiện sau một lần cô được con gái 8 tuổi hỏi rằng, “hôm nay con có xinh không?”
Sujata Setia cô đã rất băn khoăn không biết phải nói gì với con. Thực sự thì định nghĩa của từ “xinh đẹp” này là gì? Sujata Setia và chồng đều là người gốc Ấn Độ hiện đang sinh sống ở Anh, con gái của họ là người Anh. Trong đầu cô luôn lo lắng “Một ngày nào đó, con bé có thể tự hỏi tại sao làn da của mình lại đen hơn những người bạn Anh khác của mình”.
Setia không muốn sau này con gái bé nhỏ của cô vẫn sẽ tìm đến cô và hỏi những câu tương tự về khái niệm của cái đẹp. Cô muốn con mình có thể phát triển vượt ra ngoài những định kiến vốn có của xã hội, vẻ đẹp không chỉ gói gọn ở gương mặt hay hình thể. Chúng ta hãy tự tìm thấy những định nghĩa riêng của mình về cái đẹp, hãy hòa nhập nhưng trân trọng mỗi vẻ đẹp thực sự của tất cả chúng ta, bởi chúng đều là duy nhất và khác biệt.
Và đó là lý do mà loạt ảnh này ra đời. Setia đặt tên cho series ảnh này là “Changing the conversation” (Thay đổi cuộc đối thoại) với hàm ý thế giới nên thay đổi cách chúng ta trò chuyện, định nghĩa về vẻ đẹp. Thay đổi cách chúng ta nhìn những vết sẹo. Đừng trở thành số đông khi mà những vết sẹo, những khuyết điểm của chúng ta cũng cần phải đẹp. Thay vào đó, hãy biết yêu những khiếm khuyết, những vết sẹo hay những nỗi đau… chẳng phải nhờ chúng mà ta thấy cuộc đời đời đang có rất đẹp hay sao?
Đây là một chuỗi những bức ảnh Sujata Setia muốn chia sẻ từ những câu chuyện đời thật, từ những người truyền cảm hứng mà cô đã gặp trong hành trình sáng tạo. Cô hi vọng, theo cách của riêng mình, có thể thay đổi sâu sắc cách nhìn của chúng ta về thế giới.
Hãy cùng ngắm nhìn và tìm hiểu những câu chuyện đằng sau mỗi bức hình nhé!
Catrin
Sau một tai nạn khủng khiếp ở Pháp, Catrin đã bị bỏng độ 3 trên 96% cơ thể và được chẩn đoán chỉ có 1 phần nghìn cơ hội sống sót. Trải qua 3 tháng hôn mê, 200 cuộc phẫu thuật và 4 năm phục hồi cô đã chiến thắng số phận. Sau khi ra viện và bình phục, cô tiếp tục học. Cô đã tốt nghiệp King’s College London, 1 trong 10 trường đại học hàng đầu nước Anh và thế giới, đồng thời theo đuổi ước mơ trở thành nhà vật lý trị liệu.
Ảnh: But Natural Photography
Trong một lần cùng mẹ tới quán cà phê, người phục vụ ở đó đã vỗ lưng Catrin và hỏi “Xin lỗi! có chuyện gì đã xảy ra với bạn vậy?"
Catrin lịch sự và kiên nhẫn kể lại cuộc đời mình cho người lạ đó với hy vọng lần sau khi gặp ai đó có nét mặt khác, cô ấy có thể cân nhắc không nhìn chằm chằm vào họ và sau đó hỏi họ một câu hỏi tò mò thiếu tế nhị tương tự.
Ảnh: But Natural Photography
Catrin cực kỳ vui vẻ chu đáo và sâu sắc. Cô là một người biết lắng nghe và là một nhà hùng biện. Cô là một chiến binh. Cô là tiếng nói và khuôn mặt đại diện cho sự thay đổi, để bình thường hóa mọi sự khác biệt.
Ashley & James
9 năm trước, James mất tay và chân trong một tai nạn. Còn Ashley sinh ra đã không có một cánh tay. Khi Setia đến nhà họ để chụp ảnh, cô cứ nghĩ rằng James và Ashley sẽ rất đau khổ khi nói đến những vấn đề của cơ thể mình. Nhưng không hề, cô chỉ cảm thấy sức mạnh, nghị lực và vẻ đẹp tâm hồn họ.
Ảnh: But Natural Photography
Ashley nói: “Tôi từng không muốn có con vì nghĩ rằng mình sẽ không thể ôm con trong lòng, không thể cho con ăn hay không thể thay đồ, buộc dây giày cho con”. Nhưng rồi cô cũng có con và cũng biết cách làm thế nào để chăm con mà không có một tay. Hiện Ashley đang là người mẫu và là người hoạt động rất tích cực trong cộng đồng các gia đình có người bị mất chân hoặc tay. James hiện là một diễn giả, người dẫn chương trình và người mẫu của BBC. Anh cũng đang làm việc cho hãng game Konami để nghiên cứu chế tạo ra cánh tay giả cho chính mình.
Cô con gái 2 tuổi của họ - Elara, rạng ngời như một tia nắng.
Ảnh: But Natural Photography
Setia viết rằng gặp gỡ họ đã khiến cô nhìn lại bản thân mỗi lúc muốn chùn bước. Thay vì bào chữa cho mình, đổ lỗi cho hoàn cảnh, chúng ta hãy mạnh mẽ thay đổi để làm cuộc sống tốt hơn. Hoàn cảnh không tạo nên con người bạn.
Joanné
Joanné sống với chứng bạch tạng và từ khi đi học đã bị bạn bè trêu chọc, bắt nại nhưng điều đó không làm cho cô đau khổ, không đẩy cuộc đời cô vào những bi kịch. Cô tin rằng, cô cũng là con người như bao người, nhưng cô khác biệt, không phải bởi vì bệnh bạch tạng khiến cô trông khác, mà vì cô có những vẻ đẹp độc đáo và tài năng riêng.
“Tôi chọn cách sống không hối tiếc”.
Ảnh: But Natural Photography
Đối với Setia, Joanné. là định nghĩa của sự rộng lượng, đam mê, sự tha thứ và niềm tin, rằng cuộc sống là lựa chọn của chính chúng ta chứ không phải những gì người khác chọn cho chúng ta. Cô không quan tâm đến những nhận xét ác ý của người khác và luôn sống với niềm vui.
Eden & Mẹ Chelsea
Khi Chelsea mang thai 20 tuần tuổi, các bác sĩ nói rằng thai nhi mắc chứng cystic hygroma (dị dạng bạch mạch dạng nang). Các bác sĩ lo ngại rằng những khối u nang lớn chèn ép đường thở của em bé và sẽ có khả năng dẫn đến các vấn đề về hô hấp gây tử vong khi sinh ra. Nhưng vào lúc 12h01 trưa ngày 9/8/2016, em bé kỳ diệu Eden đã bất chấp mọi khó khăn để chào đời. Em sinh ra với một khối u trên mặt và cổ. 5 năm và gần 20 cuộc phẫu thuật sau đó, Eden đã không ngừng khiến các bác sĩ kinh ngạc khi luôn vượt qua mọi khó khăn để trở thành một cô bé hoàn hảo, hạnh phúc và xinh đẹp.
Ảnh: But Natural Photography
Kể từ khi Eden được sinh ra, mẹ cô đã trở thành tiếng nói của cô với nỗ lực xóa bỏ sự kỳ thị về sự khác biệt và khiếm khuyết trên cơ thể. Dù cô bé chịu nhiều tổn thương vì những lời bình phẩm trên mạng, nhưng Chelsea khẳng định cô sẽ làm tất cả những gì có thể để nâng cao kiến thức cho mọi người về căn bệnh, đồng thời bảo vệ con mình và những đứa trẻ có một khuôn mặt khác biệt.
Amber
“Bụng của tôi đã trở nên quá lớn, các bác sĩ nghĩ rằng tôi sẽ sinh đôi. Các cơ bụng của tôi hoàn toàn tách ra, đến mức các bác sĩ hầu như không thể phân biệt được chúng trong quá trình phẫu thuật sinh con. Họ cho biết đây là tổn thương cơ bụng tồi tệ nhất mà họ từng thấy”.
Ảnh: But Natural Photography
Bụng của Amber có rất nhiều vết rạn và kể cả sau khi có con, những vết rạn cũng không hề mờ đi. Nhưng cô yêu những điều ấy. “Xin chào, tôi là Amber. Tôi yêu những vết rạn của tôi. Tôi có nó trên người như là chuỗi ngọc của cơ thể và tâm hồn’, cô nói.
Cheryl
101 con chó đốm, bột bánh quy, gương mặt toàn nốt… đó là những biệt danh mà các bạn cùng lớp đặt cho tôi. Cheryl từng bị bạn bè trêu chọc rất nhiều vì nhiều nốt ruồi trên mặt, do bẩm sinh đã có vấn đề về sắc tố da.
Ảnh: But Natural Photography
Điều đó đã khiến cô ghét bản thân mình, ghét tất cả mọi người xung quanh tôi.
“Không ai giống tôi… tôi không giống họ.”
“Tôi đã nghĩ rằng mình thật xấu xí ... thật kinh khủng.”
Những cảm giác đen tối đó đã khiến cuộc sống, mọi mối quan hệ của cô bị ảnh hưởng…Cho đến khi các con chào đời.
Ảnh: But Natural Photography
Làm mẹ trở thành bước ngoặt lớn lao.
Cô kể lại hôm đó cô đang đi nghỉ cùng gia đình và cố gắng chọn những bộ quần áo có thể che phủ khắp cơ thể. Cô không muốn bị ai nhìn thấy. Và cô chỉ tự hỏi bản thân mình: “Mình là hình mẫu nào cho con cái mình đây, nếu như mình không thể yêu thương chính mình?”. Cheryl muốn các con cảm thấy tự tin khi là chính mình. Và thế là ngày đó, cô đã chọn cho mình sự trân trọng, sự tự tin và những niềm vui bất tận.
Đẹp chính là biết yêu chính mình, không khước từ chính bản thân mình và trân trọng những gì mình có. Còn bạn, bạn có yêu vẻ đẹp của mình không?
About the author
S. Reen