Những chiếc ôm luôn mang lại cảm giác thoải mái, ấm áp và yên bình. Chúng giúp bạn cảm thấy gần gũi hơn với người mà bạn quan tâm, cho dù là người yêu, bạn bè hay con cái. Chúng cũng làm tăng cảm giác hạnh phúc và viên mãn bằng cách củng cố niềm tin rằng bạn đang được người khác yêu thương.
Khi hoàn cảnh không cho phép bạn dành thời gian cho những người thân yêu, bạn sẽ cảm thấy khá trống vắng và cô đơn. “Được chạm” là nhu cầu cơ bản của mỗi chúng ta. Vì vậy, nếu không được đáp ứng, về lâu dài, sẽ ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe tinh thần của bạn.
Việc nhận được một cái ôm từ người thân yêu nhất sẽ giúp bạn cảm thấy ổn hơn rất nhiều. Nhưng trong thời gian chờ đợi, nếu bạn chỉ có một mình, tại sao không tự tặng mình một cái ôm? Nghe có vẻ khó khăn và có phần ngớ ngẩn, nhưng đây là điều hoàn toàn thật. Không những vậy, một cái ôm từ chính mình còn có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe.
Tự ôm bản thân có rất nhiều lợi ích
Giống như những cái ôm thông thường, việc tự ôm cũng mang lại vô vàn lợi ích. Và đây còn là cách tuyệt vời để dành tình cảm cho bản thân mình.
Giúp giảm đau
Theo một nghiên cứu từ năm 2011, việc tự ôm đã được chứng minh là giúp giảm đau. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tia laser để tạo ra cảm giác đau như kim châm ở 20 người tham gia. Khi những người tham gia bắt chéo tay (như cách bạn khoanh tay để ôm lấy thân mình), họ cho biết rằng cảm giác đau đã giảm xuống. Các chuyên gia cho rằng kết quả này là do sự nhầm lẫn của não về việc không biết cơn đau bắt nguồn từ đâu. Khi cơn đau xảy ra ở một vị trí, và nếu bạn khoanh tay, não của bạn sẽ bị xáo trộn vị trí của tín hiệu đau. Và trong khi não đang hoạt động để phân loại điều này, nó sẽ xử lý các thông tin khác - bao gồm cả cường độ của cơn đau.
Bạn có thể đã quen với cách giảm đau tương tự này nếu bạn từng cố gắng xoa hoặc vỗ nhẹ vào chỗ đau, ngứa hay kích thích. Khi thêm các cảm giác để khiến não phải xử lý nhiều hơn sẽ ảnh hưởng đến cách cảm nhận mức độ đau của bạn.
Ngoài ra, việc tự ôm giúp giảm đau cũng có thể lý giải theo một cách khác. Một nghiên cứu từ năm 2015 đã cho thấy hormone oxytocin được giải phóng khi chạm vào cơ thể cũng đóng một vai trò trong việc giảm đau. Việc giải phóng oxytocin cũng giúp giảm đau trực tiếp. Các tác giả đánh giá rằng hormone này giúp giảm đau gián tiếp bằng cách giảm cảm giác lo lắng và sợ hãi.
Giúp bạn cảm thấy an toàn và yên tâm hơn
Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của kết nối con người và xã hội khi có vô vàn lợi ích. Và một trong số đó chính là việc ai đó quan tâm vòng tay qua ôm bạn, bạn sẽ cảm thấy được an ủi và bớt cô đơn hơn.
Tự ôm bản thân cũng tái tạo lại những cảm giác thoải mái và an toàn này. Hãy coi đây là một cách thay thế cho đến khi bạn được ai đó ôm thêm lần nữa.
Hãy nhớ, bạn đóng vai trò quan trọng nhất đối với sức khỏe của chính mình và việc tự ôm lấy mình sẽ nhắc nhở bản thân về sức mạnh đó. Thay vì chờ đợi người khác xuất hiện và giúp bạn cảm thấy tốt hơn, bạn hoàn toàn có thể tự làm để an ủi chính mình.
Giúp cải thiện tâm trạng
Nếu bạn đã có một ngày dài và cảm thấy buồn bực không lý do, nếu bạn không đủ thời gian để dành cho những người thân yêu, và ngay lúc này, bạn đang bị cảm giác cô đơn bủa vây? Hãy tự chạm vào chính mình. Những cái chạm sẽ thúc đẩy sự thư giãn vì làm giảm mức độ cortisol (hormone căng thẳng) trong cơ thể bạn. Một cái ôm của chính mình tuy sẽ không giải quyết được hoàn toàn vấn đề, nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn giải tỏa phần nào căng thẳng và áp lực.
Vì vậy, lần tới, khi cảm thấy cơ thể mệt nhoài, tâm trạng cáu kỉnh, hãy dành thời gian tự tặng mình một cái ôm thật lâu để giúp nâng cao tinh thần và khiến tâm trạng của bạn tươi sáng hơn.
Làm tăng cảm giác bao dung với bản thân
Giống như việc tiếp xúc da thịt, cảm giác bao dung cũng làm tăng mức cortisol và cải thiện sức khỏe tổng thể. Và một trong những cách dễ dàng nhất để tăng sự bao dung với bản thân, chính là hãy ôm lấy mình. Theo nhà nghiên cứu hàng đầu về lòng trắc ẩn - tiến sĩ Kristin Neff, việc ôm, vuốt ve và an ủi cơ thể sẽ làm tăng cảm giác yêu thương và sự dịu dàng với bản thân mình.
Thực hành lòng bao dung với bản thân sẽ giúp bạn dễ dàng chấp nhận hiện tại, xoa dịu khỏi những khó khăn hay sai lầm. Bằng cách củng cố sự chấp nhận trong tâm trí và lòng tự trọng, lòng bao dung cũng góp phần cải thiện cách nhìn chung của bạn về cuộc sống.
Cách để tự ôm lấy chính mình
Đừng lo lắng nếu bạn không thể hình dung được rõ ràng cách để tự mình ôm lấy chính mình. Quá trình này có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng thực ra lại rất đơn giản. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện giống như khi ôm người khác, nhưng nếu bạn muốn một hướng dẫn cụ thể hơn, dưới đây là những mẹo nhỏ:
- Vòng tay quanh cơ thể, đặt chúng theo cách bạn cảm thấy tự nhiên và thoải mái nhất. Ví dụ như khoanh tay trước bụng hay dưới ngực để cảm thấy dễ chịu hơn so với việc đặt tay quanh ngực.
- Đặt tay lên vai hoặc bắp tay. Hãy làm tự nhiên và thoải mái nhất có thể.
- Hãy tưởng tượng kiểu ôm mà bạn muốn. Một cái ôm mạnh mẽ, mãnh liệt hay một cái ôm nhẹ nhàng, êm ái?
- Ôm chặt hơn với một lực vừa đủ để tạo ra cảm giác bạn đang tìm kiếm.
- Hãy ôm mình bao lâu tùy thích.
- Một số người cảm thấy nhẹ nhàng khi đung đưa qua lại trong lúc ôm. Vì vậy bạn có thể thử cách này.
- Nếu không muốn ôm, hãy thử vuốt ve cánh tay hoặc phần trên của vai một cách nhẹ nhàng, tương tư như khi xoa bóp.
Tự nói chuyện với chính mình
Một vài lời động viên có thể giúp bạn nhận được nhiều lợi ích hơn cả việc tự ôm. Vì vậy, trong lúc ôm bản thân, hãy tập trung vào những suy nghĩ tích cực, đầy yêu thương và hướng chúng vào bên trong. Ghi nhớ những thông điệp tích cực trong đầu giúp cải thiện tâm trạng bạn và khi nói ra bằng lời sẽ khiến sức mạnh của chúng tăng lên đáng kể.
Để hiểu rõ hơn, hãy tưởng tượng những gì một người thân yêu có thể nói khi ôm bạn:
- Bạn sẽ vượt qua được mà thôi.
- Điều này sẽ không kéo dài mãi mãi.
- Tôi rất tự hào về bạn.
- Bạn rất mạnh mẽ.
- Bạn đã làm tốt nhất có thể rồi.
- Tôi yêu bạn.
Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng khi tự nói rằng bạn yêu bản thân, đây cũng là một hình thức để củng cố năng lượng tích cực. Tập thói quen nói yêu với chính mình cũng làm tăng cảm giác về giá trị bản thân và sự tự tin, cùng với đó là thúc đẩy sự tích cực và sức mạnh từ bên trong.
Điều quan trọng là đừng để những lời phán xét hay chỉ trích tiêu cực len lỏi vào tâm trí. Hãy dành một chút thời gian để tự yêu bản thân và chỉ làm mỗi điều đó mà thôi.
Những cách khác để yêu bản thân
Tặng mình một cái ôm không phải là cách duy nhất để thể hiện tình yêu với chính mình. Ngoài ra, các cách dưới đây cũng giúp cải thiện tâm trạng và tăng cường cảm giác lạc quan tích cực.
Thiền chánh niệm
Có thể mất một khoảng thời gian để có thói quen thiền định thường xuyên, nhưng một khi đã bắt đầu, bạn sẽ nhận thấy những tác động tích cực đến sức khỏe của mình.
Thiền có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ và tăng cảm xúc tích cực đối với người khác cũng như đối với chính bạn. Thiền cũng giúp nâng cao nhận thức của bạn về tâm trạng, suy nghĩ và những điều xảy ra xung quanh.
Tận hưởng thiên nhiên
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ dành 2 giờ mỗi tuần trong khung cảnh thiên nhiên có thể giúp cải thiện tâm trạng và sức khỏe. Việc thay đổi không gian cũng mang lại rất nhiều lợi ích to lớn cho trạng thái tinh thần của bạn, đặc biệt nếu bạn ở nhà quá nhiều.
Hãy đến thăm một công viên, bãi biển, một khu rừng hay đi ven theo một con sông. Ngoài ra, tập thể dục cũng là cách yêu bản thân, nên hãy tranh thủ đi dạo hay làm vườn nữa nhé! Lúc đó, bạn sẽ nhận được phần thưởng là cái ôm từ những tia nắng ấm áp của mặt trời.
Chuẩn bị món ăn yêu thích
Thưởng thức những món ăn yêu thích cũng giúp kích hoạt oxytocin, giúp thăng hoa hơn cảm giác yêu bản thân.
Nếu một món ăn yêu thích hoặc chuẩn bị nguyên liệu cũng giúp lấp đầy thời gian rảnh và khiến bạn phân tâm khỏi những suy nghĩ không mong muốn khi cảm thấy chán nản. Và sau đó, hãy tập ăn có chánh niệm để tận hưởng từng hương vị của bữa ăn.
Sống có chủ đích
Đặt ra mục tiêu giúp bạn rèn luyện tình yêu bản thân bởi chúng làm tăng ý thức về mục đích sống và giúp bạn sống có ý nghĩa hơn. Nhưng hãy cụ thể hơn đối với cuộc sống của bạn ngay lúc này. Ví dụ:
- Rèn luyện tinh thần lạc quan ngay hôm nay.
- Giữ một tâm trí cởi mở.
- Ghi nhớ những điều mang lại niềm vui cho mình.
Ghi lại những dự định của bạn trong nhật ký hoặc bất cứ nơi nào khác - ghi chú trên gương, tủ lạnh hay bảng thông báo… và nhìn lại bất cứ khi nào bạn muốn cảm thấy tập trung hơn.
Cuối cùng, bạn hãy nhớ nhé, hầu hết mọi người cần những tiếp xúc tích cực để phát triển, nếu thiếu chúng quá lâu có thể góp phần gây ra lo âu, trầm cảm và những cảm xúc tiêu cực khác. Vì vậy, đừng ngại ngần ôm lấy chính mình khi cần. Đó chính là cách bạn thể hiện tình yêu và tự chăm sóc bản thân.
About the author
Ngọc Anh