Da trẻ bị khô là thiếu chất gì? Thông thường, làn da khô là một trong những biểu hiện phổ biến khi thiếu một số chất dinh dưỡng. Nhiều ba mẹ thấy tình trạng da bé bị khô nhưng lại không nghĩ đến việc con đang thiếu chất nên là đã lơ là trong việc bổ sung dưỡng chất cho con. Tìm hiểu bài viết này để biết thêm thông tin chi tiết về việc da trẻ bị khô do thiếu chất và cách chăm sóc làn da khô hiệu quả.
Da trẻ bị khô là thiếu chất gì?
Trẻ sơ sinh và trẻ em có thể bị khô da giống như người lớn. Trên thực tế, vì da trẻ mỏng manh hơn nên dễ bị khô hơn. Không khí lạnh, khô ngoài trời và hệ thống sưởi trong nhà có thể lấy đi độ ẩm tự nhiên của da vào mùa đông. Và nếu con bạn dễ bị khô da, thì vào mùa hè trẻ cũng sẽ nổi những mảng da khô vì ánh nắng mùa hè, điều hòa nhiệt độ, nước muối và clo trong nước hồ bơi đều có thể làm khô da. Hoặc do các vấn đề như kích ứng với sản phẩm chăm sóc da.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng trẻ có làn da khô có thể do đang thiếu một trong những chất dinh dưỡng dưới đây:
Thiếu vitamin A
Không chỉ giúp máu lưu thông tới da chống lại tình trạng da khô và tróc vảy, vitamin A còn có thể giúp loại bỏ và phòng ngừa những bệnh nhiễm trùng trên da. Thông thường, vitamin A thường có nhiều trong cà rốt, cà chua, gan động vật, lòng đỏ trứng, khoai lang, đu đủ hay bí đỏ. Ba mẹ nên đảm bảo bổ sung đủ vitamin A cho bé và cũng không nên lạm dụng cho con tiêu thụ quá nhiều dẫn đến tác dụng ngược.
Thiếu chất béo
Da trẻ bị khô là thiếu chất gì? Chất béo cũng được nhắc đến là loại chất dinh dưỡng mà chế độ ăn của bé không đảm bảo khiến làn da bị khô và lớp biểu bì dễ bị bong tróc những vảy mỏng. Thông thường, cơ thể của chúng ta sẽ không thiếu chất béo. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bị thiếu chất béo do ăn uống ít chất béo hoặc ở những những trẻ nuôi dưỡng qua truyền mạch máu lâu ngày.
Nên ăn nhiều chất béo chất lượng tốt dưới dạng axit béo omega 3, chẳng hạn như cá có dầu, thịt và trứng; các loại dầu tốt cho sức khỏe có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm như bơ, dừa và dầu ô liu..
Thiếu vitamin nhóm B khiến da bị khô
Một nghiên cứu cho thấy rằng vitamin B cải thiện tế bào sừng, chiếm hơn 90% tế bào ở lớp ngoài cùng của da (biểu bì). Các vitamin nhóm B được biết là có tác dụng giảm thiểu sự mất nước tự nhiên trên da, cũng như ảnh hưởng đến các nguyên bào sợi của con người, giúp cải thiện kết cấu và độ săn chắc của da.
Phức hợp vitamin nhóm B được tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm như sau: rau lá xanh; các sản phẩm từ sữa; thịt đỏ, thịt gia cầm và cá; trứng; các loại hạt, ngũ cốc…
Thiếu vitamin C
Vitamin C là một trong những chất dinh dưỡng mà cơ thể không thể thiếu. Cùng với chất đạm, vitamin C sẽ tạo ra chất collagen đệm cho da, giúp làn da không bị xệ và tránh được nguy cơ khô và bong tróc. Bởi vậy, trẻ có làn da khô thường được chẩn đoán do thiếu vitamin C. Mẹ có thể tăng cường những thực phẩm giàu vitamin C từ rau củ quả cho bé như rau cải, cà chua, súp lơ, khoai tây, chanh, cam, dâu.
Thiếu vitamin D
Vitamin D có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của da, đặc biệt là những bệnh liên quan đến tình trạng da dị ứng, chẳng hạn như bệnh chàm và bệnh vẩy nến, có thể có các triệu chứng bong tróc da. Khi thắc mắc da trẻ bị khô là thiếu chất gì, mẹ cũng cần chú ý liệu con có thiếu loại vitamin này hay không. Hãy xem lại chế độ ăn của trẻ có những thực phẩm giàu vitamin D như sữa, gan bò, bơ, cá hồi, ngũ cốc… hay chưa?
Ngoài vitamin và chất khoáng, thiếu nước cũng là nguyên nhân khiến da bị khô. Cung cấp đủ nước cho cơ thể giúp duy trì độ ẩm cần thiết, làm da mềm mại, không khô ráp.
Da trẻ bị khô liệu có phải do bệnh lý?
Bên cạnh vấn đề da trẻ bị khô là thiếu chất gì, ba mẹ cũng cần chú ý một số những biểu hiện cơ thể của con để nhận biết liệu đây có phải là một triệu chứng của bệnh lý hay không.
Nguy cơ đầu tiên là viêm da dị ứng có thể xuất hiện nếu da trẻ không chỉ bị khô mà còn có những mảng đỏ ngứa trên da. Trường hợp này còn có thể được gọi là bị chàm và đôi khi sẽ tự khỏi nếu được giữ ẩm thường xuyên. Tuy nhiên nếu trong trường hợp đã cố gắng điều trị tại nhà cho bé nhưng vẫn không thành công, các mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để bé được chữa trị phù hợp.
Da trẻ bị khô không chỉ do thiếu chất mà cũng có thể bé mắc bệnh di truyền, đó là bệnh vảy cá. Ngoài biểu hiện da khô, đóng vảy, mẩn đỏ, vùng da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân của bé còn dày lên. Cách tốt nhất là bạn nên cho bé đi khám sức khỏe định kỳ để được các bác sĩ chẩn đoán và chăm sóc tình trạng da bị khô sao cho hợp lý. Thực tế cho thấy đã có không ít những trường hợp bé bị những bệnh lý này kéo dài và gặp phải những biểu hiện nặng hơn như sưng tấy trên da và nhiễm trùng.
Nếu da trẻ khô, nứt nẻ, thậm chí rỉ máu khiến đau đớn và khó chịu, cha mẹ nên đưa con đi khám để xác định nguyên nhân.
Cách chăm sóc da trẻ bị khô
Tất nhiên, khi biết da trẻ bị khô là thiếu chất gì, các bà mẹ cần bổ sung các loại chất đó cho bé để kịp thời khắc phục tình trạng trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng, việc bổ sung dưỡng chất còn thiếu cho bé sẽ không đem lại tác dụng khiến làn da trở nên mịn màng ngay. Do đó, bạn cần chú ý cách chăm sóc da trẻ bị khô như dưới đây để giúp làn da dịu đi, hỗ trợ tốt cho việc cải thiện làn da khỏe đẹp của bé.
Thoa kem dưỡng ẩm
Khi thấy da trẻ bị khô, mẹ có thể sử dụng kem dưỡng ẩm để thoa lên da của bé trong vòng vài phút sau khi bé tắm xong. Tuy nhiên, cần chú ý chỉ sử dụng một lượng nhỏ và thoa lên da của con một cách nhẹ nhàng với tần suất ngày hai lần, một lần sau khi tắm và một lần vào ban ngày.
Cho bé uống đủ nước
Như đã đề cập ở trên, da trẻ bị khô có thể do thiếu nước. Bởi vậy, các ba mẹ cũng đừng quên chăm sóc da trẻ bị khô bằng cách cho con uống nhiều nước mỗi ngày. Đây là việc làm song song với việc thoa kem dưỡng ẩm cho bé bởi lẽ nếu không có kem dưỡng ẩm để giữ nước thì da của trẻ vẫn thiếu nước và dẫn đến bị khô.
Giảm thời gian tắm của bé
Nhiều mẹ nghĩ rằng tắm là một cách để cung cấp độ ẩm cho da tự nhiên. Song đây thực tế lại là một việc làm lấy đi lớp dầu tự nhiên của da cùng với bụi bẩn nên tắm nhiều cho bé khi da con bị khô thực sự không tốt. Các chuyên gia khuyên rằng thay vì cho bé tắm 30 phút thì hãy giảm xuống còn 10 phút. Cùng với đó là sử dụng ít xà phòng hơn và điều chỉnh nước ấm sao cho phù hợp.
Một số mẹo nhỏ khác
- Không để da trẻ bị khô tiếp xúc với muối hoặc clo khô: Khi da trẻ bị khô, tốt nhất là không để da bé tiếp xúc với Clo và nước muối như ở hồ bơi hoặc biển. Sau khi con tiếp xúc, hãy tắm sạch bằng nước máy rồi thoa kem dưỡng ẩm cho bé khi da còn ẩm.
- Sử dụng máy làm ẩm trong phòng để giúp không khí trong nhà bớt khô.
- Chọn các sản phẩm giặt xả quần áo không màu và không mùi và xả sạch xà phòng giặt nhiều lần bằng nước.
- Không để trẻ tiếp xúc với nước hoa, thuốc xịt, mỹ phẩm, hoá chất…
- Tránh mặc quần áo bằng len dạ, quần áo chật, thô ráp.
Bài viết trên đây đã giải đáp thông tin về việc da trẻ bị khô là thiếu chất gì. Qua đó, ba mẹ nên xem xét những biểu hiện của cơ thể trẻ để xác nhận nguy cơ bé đang thiếu chất dinh dưỡng nào và bổ sung cho kịp thời. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên theo dõi các triệu chứng của bé để biết bất kỳ dấu hiệu nào bất thường và cho con đi khám cũng như có phương pháp điều trị phù hợp.
About the author
Đặng Nguyệt