Thừa cân khi mang thai có thể gây ra các biến chứng cho bạn và thai nhi.
Làm Thế Nào Để Biết Bạn Đang Thừa Cân Hay Béo Phì?
Các chuyên gia sức khỏe dùng chỉ số cơ thể (BMI) để xác định người thừa cân và béo phì. Chỉ số cơ thể được tính theo công thức:
BMI = cân nặng (kg)/(chiều cao (m) x chiều cao (m) hoặc cân nặng chia cho chiều cao bình phương (kg/m2)
Từ chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn trước khi mang thai, bạn có thể xác định được mình có đang thừa cân hay béo phì hay không và biết mình nên tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ, dựa trên thông số từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ:
• Nếu bạn có BMI < 18.5 thì bạn đang thiếu cân. Điều này có nghĩa là bạn nên tăng 12.7 - 18.1 kg trong thai kỳ.
• Nếu bạn có BMI = 18.5-24.9, bạn có cân nặng bình thường. Bạn nên tăng 11.3 - 15.9kg trong thai kỳ.
• Nếu bạn có BMI = 25-29.9, bạn đang thừa cân. Bạn nên tăng 6.8 - 11.3kg trong thai kỳ.
• Nếu bạn có BMI > 30, bạn đang gặp tình trạng béo phì. Bạn chỉ nên tăng 5 - 9.1kg trong thai kỳ.
Không có 1 con số cân nặng lý tưởng chung cho tất cả phụ nữ mang thai, nó tuỳ thuộc vào sức khoẻ cân nặng mỗi người trước khi mang thai, sẽ cần có mức cân nặng khuyến cáo khác nhau trong thai kỳ. Vì vậy hãy tránh việc so sánh cân nặng của mình trong thai kỳ so với người khác và lo lắng nếu mình lên ít quá/nhiều quá so với người khác, vì điều đó không có ý nghĩa gì nếu cân nặng trước khi mang thai của bạn cũng đã khác người khác.
Thừa Cân Hoặc Béo Phì Có Thể Gây Ra Những Biến Chứng Thai Kỳ?
Trước khi mang thai
Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, bạn có nhiều khả năng gặp vấn đề với việc mang thai (còn gọi là vô sinh) hơn những phụ nữ có cân nặng bình thường.
Phụ nữ có béo phì thì khả năng thụ thai rất khó khăn do kinh nguyệt không đều, chu kỳ phóng noãn không xảy ra có tỉ lệ cao, sự hòa hợp giữa noãn và tinh trùng có nhiều bất lợi. Béo phì có thể ảnh hưởng đến thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Trong khi mang thai, bạn có nhiều khả năng bị các biến chứng sau:
• Cao huyết áp, tiền sản giật. Tiền sản giật là tình trạng có thể xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ Tiền sản giật gây suy thận, suy gan và có thể dẫn đến co giật (một tình trạng gọi là sản giật). Một số trường hợp dẫn đến đột quỵ.
• Cục máu đông trong tĩnh mạch sâu hay còn được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là một tình trạng y tế thường xảy ra ở chân dưới, đùi, xương chậu hoặc cánh tay. Một khi DVT không được điều trị, một phần của cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến phổi, gây ra tắc nghẽn gọi là thuyên tắc phổi (PE) và nó có thể ngăn máu đến phổi dẫn đến tử vong.
• Tiểu đường thai kỳ, xảy ra khi cơ thể bạn có quá nhiều đường (gọi là glucose) trong máu. Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cũng có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường hơn trong tương lai, và tình trạng này có thể di truyền sang em bé.. Bạn cũng có nguy cơ mắc một dạng nhẹ hơn được gọi là kháng insulin.
• Nhiễm trùng khi mang thai, như nhiễm trùng đường tiết niệu.
• Chứng ngưng thở tạm thời khi ngủ.
• Mang thai quá ngày dự sinh và các vấn đề trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Khả năng sinh mổ nhiều hơn là sinh thường. C khả năng bị biến chứng do sinh mổ, như nhiễm trùng hoặc mất quá nhiều máu, giai đoạn hậu phẫu tình trạng liền sẹo chậm
• Sảy thai hoặc thai chết lưu. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng, tỉ lệ sảy có thể là do bản thân chất lượng phôi kém cộng với những thay đổi bất lợi của lớp nội mạc tử cung do béo phì
Thừa Cân Hoặc Béo Phì Có Ảnh Hưởng Tới Con Bạn Không?
Có. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì trong khi mang thai, con bạn sẽ gặp những nguy cơ sau:
• Sinh non.
• Dị tật bẩm sinh, bao gồm dị tật ống thần kinh và dị tật tim. NTDs là dị tật bẩm sinh của não và cột sống.
• Khó thực hiện xét nghiệm chẩn đoán: Quá nhiều mỡ trong cơ thể có thể gây khó khăn cho việc chẩn đoán phát hiện một số vấn đề nhất định đối với giải phẫu của bé trong khi làm siêu âm. Kiểm tra nhịp tim của bé khi chuyển dạ cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi sản phụ bị béo phì.
• Thai nhi quá lớn : Cơ thể em bé lớn hơn bình thường, làm tăng nguy cơ em bé bị tổn thương trong quá trình sinh nở (kẹt vai khi sinh). Trẻ sơ sinh quá lớn có nhiều nguy cơ bị béo phì trong cuộc sống sau này.
• Trẻ được sinh ra từ những bà mẹ béo phì sẽ dễ bị mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và cả béo phì. Bé sinh ra khả năng đề kháng kém, dễ bị nhiễm trùng sơ sinh..
Bạn Nên Làm Gì Để Có Một Thai Kỳ Khỏe Mạnh ?
Trước khi mang thai
Theo thông tin từ bệnh viện Từ Dũ, điều đầu tiên bạn phải đi khám phụ khoa, kiểm tra hệ sinh dục và tính chất chu kỳ kinh của người béo phì. Một khi kiểm tra phụ khoa bình thường, bác sĩ chuyên khoa có những lời khuyên về khả năng thụ thai tại thời điểm giữa chu kỳ kinh nguyệt.
Hãy tới gặp bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng. Họ sẽ giúp bạn tìm ra cách ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất để giúp bạn giảm cân trước khi mang thai. Ngay cả khi chỉ giảm một lượng nhỏ cân nặng cũng sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể của bạn và chuẩn bị tốt hơn cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Khi mang thai
Mặc dù có nguy cơ xảy ra rủi ro, nhưng phụ nữ béo phì khi mang thai vẫn có thể có thai kỳ khỏe mạnh nếu:
• Khám thai sớm và thường xuyên để lên kế hoạch chăm sóc đặc biệt. Giám sát kỹ chỉ số đường huyết, huyết áp cũng như các thông số sinh hóa về chức năng gan, chức năng thận trong suốt thai kỳ để duy trì các chỉ số luôn trong giới hạn cho phép. Cụ thể làm các xét nghiệm trong 3 tháng đầu thai kỳ, để có những kết quả chính xác và hướng điều trị hợp lý. Mỗi giai đoạn của thai kỳ có những mối nguy cơ cần phải dự phòng trước để tránh xảy ra những biến chứng đó.
• Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc nên tăng bao nhiêu cân khi mang thai.
• Ăn uống lành mạnh (bao gồm biết những thực phẩm cần tránh trong thai kỳ). Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn lên kế hoạch cho bữa ăn của mình dựa trên độ tuổi, cân nặng, chiều cao và hoạt động thể chất.
• Hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn không cần phải ăn cho hai người.
• Tam cá nguyệt đầu tiên và thứ hai: bạn có thể sẽ không cần thêm calo so với trước khi mang thai. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào việc lựa chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng để giữ năng lượng cho cơ thể đồng thời hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Tam cá nguyệt thứ ba: tăng lượng calo hàng ngày của bạn lên 200 tương đương 2 quả chuối, vài miếng bánh quy hoặc 2 bát cơm
• Nếu bạn đang mang nhiều con: Bạn có thể cần thêm 300 calo mỗi ngày cho mỗi em bé.
• Đừng cố gắng giảm cân hay ăn kiêng thiếu chất. Một số chế độ ăn kiêng có thể làm giảm chất dinh dưỡng mà bé cần để tăng trưởng và phát triển.
• Vận động thể chất. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia trước khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao để lên kế hoạch luyện tập an toàn. Bắt đầu với không quá 15 phút tập thể dục liên tục, 3 lần một tuần. Tăng dần duy trì thói quen luyện tập trong 30 phút mỗi ngày
• Hãy tránh xa các phương pháp sinh con “thuận tự nhiên” mà không có sự giám sát của bác sĩ.
About the author
Dao Chi Anh