Theo một khảo sát mới, Gen Z đang gặp khó khăn hơn so với các thế hệ trước ở độ tuổi của họ. Mức độ hạnh phúc giảm dần khi họ đến tuổi trưởng thành.
Chuyên gia hàng đầu về hạnh phúc Arthur C. Brooks đã hợp tác với công ty nghiên cứu thị trường Gallup và Quyz Gia đình Walton để khảo sát hơn 2.000 Gen Z từ 12 - 26 tuổi tại Mỹ và xem xét kỹ hơn điều gì khiến họ hạnh phúc. Cuộc khảo sát cho thấy 73% Gen Z cho rằng bản thân họ rất hạnh phúc hoặc có phần cảm thấy hạnh phúc. Nhưng Zach Hrynowski, tác giả báo cáo khảo sát và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Gallup, cho biết: “Khi Thế hệ Z đến tuổi trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên), chúng tôi nhận thấy những khác biệt khá lớn về mức độ hạnh phúc”.
Theo cuộc khảo sát, sự sụt giảm này thường trùng hợp với sự suy giảm các yếu tố mà Gen Z xếp là quan trọng nhất đối với hạnh phúc của họ.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy yếu tố ảnh hưởng nhất đến hạnh phúc đối với Gen Z là ý thức về mục đích trong công việc hoặc trường học, họ thích cảm giác thức dậy mỗi ngày và cảm thấy công việc hoặc trường học thật thú vị và quan trọng.
Những yếu tố ảnh hưởng lớn tới hạnh phúc của Gen Z
Cuộc khảo sát cho thấy đây là các yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến hạnh phúc của Thế hệ Z:
• Mục đích và ý nghĩa sống
• Nhu cầu cơ bản (giấc ngủ, sự thư giãn...) và an ninh
• Cảm xúc tiêu cực và áp lực xã hội
• Kết nối xã hội tích cực
Những người hạnh phúc nhất trong thế hệ này cũng là những người có nhiều khả năng cảm nhận được tình yêu và sự hỗ trợ từ những người thân thiết nhất. Ngược lại, theo các nhà nghiên cứu, những người so sánh bản thân với người khác thường xuyên cảm thấy lo lắng hơn.
Sống có mục đích
Một trong những phát hiện quan trọng nhất của cuộc khảo sát là điều ảnh hưởng đến hạnh phúc của Thế hệ Z nhiều nhất là “ý thức của họ về mục đích ở nơi làm việc hoặc trường học”.
Tuy nhiên, “từ 43% - 49% Gen Z không cảm thấy những gì họ làm mỗi ngày là thú vị, quan trọng hoặc có động lực,” báo cáo nêu rõ.
Trong khóa học về hạnh phúc của Arthur C. Brooks tại Đại học Harvard, ông gợi ý hãy coi hạnh phúc của bạn giống như một danh mục đầu tư và đầu tư vào bốn lĩnh vực; một trong những lĩnh vực đó là công việc có ý nghĩa.
Arthur C. Brooks khuyến khích mọi người ưu tiên công việc khiến họ cảm thấy thỏa mãn, ngay cả khi đó không phải là công việc được trả lương cao nhất.
Mục đích không chỉ là theo đuổi những cảm xúc tốt đẹp
Tiến sĩ Chloe Carmichael, nhà tâm lý học lâm sàng ở New York và là tác giả cuốn sách “Năng lượng thần kinh: Khai thác sức mạnh từ sự lo lắng của bạn”, cho biết hạnh phúc không phải là theo đuổi càng nhiều cảm xúc tích cực càng tốt. Hạnh phúc là sống có mục đích và hiểu được trên hành trình theo đuổi mục đích đó, sẽ luôn có những thăng trầm cũng là điều rất quan trọng.
Theo tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng Broderick Sawyer (Kentucky, Mỹ), sống có mục đích không nhất thiết là phải theo đuổi những điều cụ thể, đó còn có nghĩa là theo đuổi những điều giúp ta hiểu sâu sắc giá trị và nhận thức về bản thân của mỗi người.
Mục đích cũng không nhất thiết phải xoay quanh một công việc. Tiến sĩ Chloe Carmichael nói thêm: “Đó có thể là về những vấn đề bạn ủng hộ hoặc những mối quan hệ mà bạn xây đắp”.
Đặt giấc ngủ lên hàng đầu
Ngủ không đủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể dẫn đến tâm trạng dễ cáu kỉnh, gây ra các vấn đề về trí nhớ và tập trung. Gen Z nỗ lực rất nhiều vào việc chăm sóc da và sức khỏe tinh thần, nhưng đôi khi không để ý rằng giấc ngủ kém đồng nghĩa với việc trông mệt mỏi và cảm thấy tồi tệ.
Tiến sĩ Rachel Salas, giáo sư thần kinh học tại Trường Đại học Y Johns Hopkins (Baltimore,Mỹ) cho biết giấc ngủ ngon hơn có sẽ giúp chúng ta vui vẻ và hạnh phúc hơn. “Về cơ bản, (ngủ kém) có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ và tương tác với những người xung quanh, điều này có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của mọi người”.
Tiến sĩ Rachel Salas khuyên bạn nên ngắt kết nối với các thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ, không đặt điện thoại thông minh ở gần khi ngủ, hạn chế thời gian sử dụng thiết bị và nhất quán với thời gian đi ngủ và thức dậy của bản thân. “Nếu bạn coi trọng sức khỏe của mình, hãy ưu tiên giấc ngủ”.
About the author
Chi