Nếu bạn nghĩ bánh kẹo là phần thưởng và món quà tuyệt vời cho con, đừng chần chừ, hãy đọc bài viết này ngay! Tôi sẽ chứng minh bạn đã sai. Mình sẽ chỉ cho bạn những hậu quả nặng nề mà bánh kẹo đưa đến cho trẻ. Sau có thể các bạn sẽ chấm dứt được thói quen nuông chiều, yêu thương con trẻ tai hại này.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, trong năm 2017 – 2018, lượng đường tiêu thụ trung bình mỗi ngày của trẻ em trong độ tuổi 2 – 5 là 7 – 13 muỗng cà phê, tùy thuộc từng vùng địa lý. Đối với trẻ 2 – 19 tuổi, con số này là 17 muỗng cà phê. Những số liệu này có thể chưa khiến bạn băn khoăn, suy nghĩ. Nhưng bạn biết không, lượng đường tối đa trẻ nên tiếp nạp mỗi ngày chỉ bằng 1/3, thậm chí là 1/10 con số trên. Lúc này, hẳn bạn sẽ nhận ra người lớn đang “đầu độc” con trẻ bằng đồ ngọt nhiều đến nhường nào.
Tác Hại Của Đồ Ngọt Tới Sức Khỏe Của Trẻ
Bánh kẹo, bim bim, nước ngọt, kem… là những món ăn khoái khẩu của trẻ em nhưng tiềm ẩn nhiều mối nguy về sức khỏe.
Tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm
Trẻ tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt phải đối diện với nguy cơ thừa cân, béo phì. Đặc biệt, trẻ bắt đầu ăn đồ ngọt lúc dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc bệnh lý ngay khi mới 6 tuổi. Ngoài ra, trẻ có thể bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ, tăng acid uric và một số bệnh lý ung thư… trong tương lai. Đa số các bệnh lý này là mạn tính, sẽ theo chân trẻ suốt cả cuộc đời và ảnh hưởng tới thể chất, tinh thần của trẻ. Không một người mẹ, người cha và ông bà nào muốn con cháu mình lại phải gánh vác những căn bệnh khủng khiếp như vậy trong tương lai. Nhưng đó chính là sự thật ẩn sau lớp đường ngọt ngào của một gói bim bim, một cái kẹo hay một que kem.
Cản trở phát triển thể chất và trí tuệ
Khi trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, dạ dày trẻ không đủ chỗ tiếp nhận các thực phẩm bổ dưỡng nữa. Đó là lý do sau khi ăn bánh kẹo xong, trẻ thường từ chối ăn cơm. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể trẻ sẽ thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình. Bánh kẹo có đường để tạo năng lượng nhưng lại không có protein, chất béo tốt, vitamin, khoáng chất và chất xơ. Làm sao một đứa trẻ có thể phát triển cơ bắp khi thiếu protein? Làm sao con bạn thông minh, cao lớn nếu không có đủ chất béo lành mạnh và canxi bổ dưỡng? Đồ ngọt chính là thủ phạm khiến trẻ thấp còi, yếu ớt và kém thông minh, nhanh nhẹn.
Phá hủy sức khỏe răng miệng
Trẻ em có nguy cơ sâu răng cao gấp 1,56 lần nếu ăn nhiều bánh kẹo, socola và nước ngọt. Với trẻ dưới 2 tuổi, nếu trẻ không ăn theo bữa mà ăn vặt rải rác cả ngày, nguy cơ sâu răng tăng gấp 2,32 lần. Điều đáng nói là cho dù trẻ đánh răng hàng ngày thì nguy cơ sâu răng do chế độ ăn nhiều đồ ngọt vẫn không giảm đi hoàn toàn.
Trẻ Có Thể Ăn Bao Nhiêu Đồ Ngọt Mỗi Ngày?
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, trẻ dưới 2 tuổi không nên ăn đường. Điều đó có nghĩa là bạn không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, kem, bim bim, nước ngọt trong độ tuổi này. Với trẻ từ 2 – 18 tuổi, lượng đường tiêu thụ mỗi ngày không nên quá 25g, tương đương với 6 muỗng cà phê.
Bạn đừng nghĩ “đường” ở đây là đường trắng, đường tinh luyện hay đường phèn. Đường trú ẩn trong bánh kẹo, nước ngọt, bim bim rất nhiều. Một chiếc bánh chocopie chứa 18g đường, một gói bim bim Oishi có 22g và một lon coca có 35g. Ngoài ra, sữa tươi, sữa chua, nước hoa quả, ngũ cốc cũng có một hàm lượng đường nhất định. Bạn nên rèn luyện thói quen đọc bảng thành phần trên bao bì thực phẩm để lựa chọn và xây dựng thực đơn phù hợp cho trẻ và cả gia đình.
Giải Pháp Giúp Trẻ Hạn Chế Đồ Ngọt
Đầu tiên, bạn phải hiểu rõ tác hại của đồ ngọt đối với sức khỏe trẻ em và giữ vững lập trường trước sự mè nheo, ăn vạ và vòi vĩnh của trẻ. Bạn cũng nên lý giải và truyền đạt thông điệp này với cả gia đình và những người tham gia chăm sóc trẻ để cùng nhau thống nhất quan điểm và cách hành xử. Có như vậy bạn mới uốn nắn được trẻ và tiêu diệt kẻ địch mang tên đồ ngọt.
Hạn chế mua và tích trữ đồ ngọt trong nhà. Nhiều gia đình có thói quen mua bánh kẹo để thắp hương, bày biện vào mùng 1, ngày rằm hoặc lễ tết. Điều này dẫn đến dư thừa quá nhiều bánh kẹo, từ đó thu hút sự chú ý, kích thích cảm giác thèm ăn của trẻ. Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn hoa quả và những thực phẩm ít/ không chứa đường. Bạn cũng nên cất bánh kẹo, nước ngọt, bim bim vào tủ kín để hạn chế sự chú ý của trẻ.
Bên cạnh đó, hãy phá bỏ quan điểm dùng bánh kẹo làm phần thưởng cho trẻ. Bạn có nhớ những chiếc phiếu bé ngoan hồi mẫu giáo không? Không cần một cái kẹo hay que kem, phần thưởng cho con trẻ đơn giản có thể là một lời khen ngợi, sự công nhận và chúc mừng. “Wow, con thực sự làm mẹ bất ngờ đó. Con giỏi lắm! Chúc mừng con nhé!” hoặc “Hôm nay con đã làm rất tốt. Mẹ sẽ trao tặng cho con một ngôi sao danh dự”. Sau khi nhận đủ 10 ngôi sao, bạn có thể nâng cấp phần thưởng cho trẻ thành một cuốn sách, quyển truyện hoặc đồ chơi.
Tuy nhiên, bạn cần ghi nhớ rằng quá khắt khe có thể phản tác dụng. Thay vì cấm đoán, quát mắng, bạn có thể áp dụng những biện pháp “lạt mềm buộc chặt” hiệu quả sau đây.
- Với trẻ dưới 4 tuổi, bạn hãy đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ khi trẻ đòi ăn bánh kẹo. Bạn có thể bế trẻ ra khỏi khu vực có đồ ngọt rồi đưa cho trẻ một món ăn bổ dưỡng, màu sắc như hoa quả, sữa chua hoặc dùng đồ chơi yêu thích để phân tán sự chú ý của trẻ. Nếu vẫn không hiệu quả, bạn có thể rủ trẻ đi dạo, đi tắm hoặc chơi đá bóng… Trẻ trong độ tuổi này thường dễ mất tập trung. Bạn hãy tận dụng đặc điểm này để đánh lạc hướng trẻ nhé!
- Trẻ trên 4 tuổi có khả năng tập trung, chú ý tốt hơn nên phương pháp đánh lạc hướng không còn hiệu quả nữa. Nhưng trong độ tuổi này, trẻ thường tò mò và đã có kiến thức, tư duy nhất định. Vì vậy, bạn có thể trò chuyện và giải thích đơn giản để trẻ hiểu. Ví dụ: “Ăn nhiều kẹo này, răng con sẽ bị đau. Con sẽ không ăn được món thịt bò con thích và sẽ phải nghỉ học để đến gặp bác sĩ. Thế là con không thể tới lớp gặp cô và chơi cùng bạn nữa. Như thế con sẽ rất buồn, đúng không?”.
Một biện pháp bạn cũng có thể áp dụng là đặt tất cả bánh kẹo được phép ăn trong 1 tuần vào 1 chiếc hộp rồi đưa trẻ giữ. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng phương pháp này rất hiệu quả. Bởi lẽ, trẻ trong lứa tuổi mẫu giáo lớn và tiểu học bắt đầu xây dựng cái tôi cá nhân và muốn được người lớn công nhận. Trẻ thường háo hức, mong đợi bố mẹ giao nhiệm vụ và cố gắng hết sức để hoàn thành. Do đó, bạn hãy giao cho trẻ trọng trách giữ gìn chiếc hộp bánh kẹo quý giá. Trẻ có thể tự quyết định ăn cái gì, ăn vào lúc nào nhưng chỉ được ăn ngần đó bánh kẹo trong 1 tuần mà thôi. Một lưu ý là bạn không được bỏ thêm bánh kẹo vào hộp cho trẻ. Có như vậy, trẻ mới không mè nhèo, lấn tới và phương pháp này mới hiệu quả. Biện pháp này không chỉ giúp hạn chế lượng đồ ngọt mà còn rèn luyện tính kỷ luật và tự giác cho trẻ.
Bánh kẹo là thức quà yêu thích của con trẻ nhưng lại là kẻ thù nguy hiểm với sức khỏe. Bạn hãy bảo vệ và yêu thương con trẻ đúng cách để con được lớn lên khỏe mạnh, tự tin và vui vẻ nhé!
About the author
Đỗ Hạnh Trang