Bơi lội: Nguy hiểm tiềm ẩn hay lợi ích tuyệt vời dành cho trẻ

MẸ & BÉ

Bơi lội: Nguy hiểm tiềm ẩn hay lợi ích tuyệt vời dành cho trẻ

authorBy Đỗ Hạnh Trang
Share on
Share on
Bơi lội: Nguy hiểm tiềm ẩn hay lợi ích tuyệt vời dành cho trẻ

Từ trước đến nay, bơi lộn vẫn là môn thể thao được nhiều phụ huynh quan tâm bởi trẻ vừa được vận động thể lực vừa tự tin, vui vẻ hơn. Tuy nhiên, liệu bơi lội có thực sự an toàn với trẻ hay không? Liệu có mối nguy nào bạn cần chú ý khi cho trẻ hoạt động dưới nước không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.


Lợi Ích Của Bơi Lội Với Sức Khỏe Trẻ Em


Kích thích và phát triển não bộ


Khi hoạt động trong môi trường nước, trẻ được vẫy vùng tay chân, cảm nhận nhiệt độ, quan sát màu sắc sặc sỡ của phao, quần áo bơi và lắng nghe âm thanh của tiếng sóng, tiếng nước. Những kích thích đó giúp não bộ của trẻ phát triển.


Một nghiên cứu theo dõi 7.000 trẻ trong 4 năm liên tục đã chỉ ra trẻ được học bơi sớm có não bộ phát triển vượt bậc so với trẻ đồng trang lứa. Cụ thể là, những trẻ 3 – 5 tuổi biết bơi có kỹ khả năng nói, đọc viết và làm toán phát triển sớm hơn các trẻ khác từ 2 – 11 tháng. Bên cạnh đó, nhóm trẻ biết bơi cũng có khả năng ghi nhớ, kể chuyện và định hướng không gian nhanh nhẹn, thành thạo hơn bạn bè.


Rèn luyện thể lực, giảm nguy cơ thừa cân, béo phì


Bơi lội cải thiện sức mạnh cơ bắp và giúp các khớp của trẻ hoạt động dẻo dai. Khi bơi, trẻ phải học cách hít thở sâu, chậm nên rất tốt cho phổi và hệ tim mạch. Thậm chí, bơi lội còn được chứng minh là cải thiện bệnh lý hen suyễn ở trẻ em.


Bơi lội là môn thể thao giúp trẻ vận động toàn thân, tiêu hao năng lượng dư thừa, ngăn chặn bệnh lý thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó, bơi còn cải thiện khả năng phối hợp tác động và giữ cân bằng cho trẻ.



Bồi đắp sự tự tin cho trẻ


Sự tự tin của trẻ được bồi đắp thông qua quá trình học bơi. Học bơi sớm giúp trẻ không sợ hãi và né tránh môi trường nước trong tương lai. Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh trẻ học bơi trước 4 tuổi có khả năng thích nghi, xử lý độc lập các tình huống bất ngờ tốt hơn những trẻ không biết bơi.


Giảm nguy cơ đuối nước


Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), có khoảng 3.500 ca tử vong do đuối nước mỗi năm tại Hoa Kỳ. Đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định cho trẻ học bơi là chiến lược hiệu quả để phòng chống đuối nước. Vì vậy, bạn hãy cho trẻ học bơi sớm để con bảo vệ bản thân tốt hơn trong môi trường nước.


Gắn kết tình cảm gia đình


Còn gì tuyệt vời hơn một ngày cuối tuần, cả gia đình cùng nhau đi bơi. Đây là cơ hội tốt để bạn gần gũi, thấu hiểu và tăng cường tình cảm với con. Những mệt mỏi, căng thẳng sau một tuần làm việc cũng sẽ tiêu biến khi bạn cùng con vui đùa và hoạt động dưới nước.


Nguy Hiểm Tiềm Ẩn


Mặc dù bơi có nhiều lợi ích với sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều mối nguy.


Nỗi lo về các bệnh lý truyền nhiễm


Khi ngụp lặn trong bể bơi hoặc bãi biển, trẻ tiếp xúc với môi trường nước chung với mọi người xung quanh. Ở nhiều địa phương du lịch chưa phát triển, bãi biển còn là nơi người dân cho gia súc tắm hoặc bị ô nhiễm bởi rác thải của con người. Trong môi trường nước, các vi sinh vật gây bệnh dễ dàng lan truyền từ người này qua người khác. Vi khuẩn, virus, nấm, kí sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ qua mắt, mũi, tai, miệng, vết thương hở ngoài da. Sau khi đi bơi, trẻ có thể bị tiêu chảy, phát ban, viêm tai, viêm họng, đau mắt…


Kích ứng do hóa chất


Clo là hóa chất phổ biến được sử dụng trong các bể bơi với mục đích tiêu diệt vi sinh vật có hại, hạn chế lan truyền bệnh lý truyền nhiễm trong môi trường nước. Tuy nhiên, hóa chất này có thể gây kích ứng mũi họng của trẻ. Trẻ có biểu hiện ngứa mũi, hắt hơi, thậm chí thở khò khè và khởi phát cơn hen nếu trẻ có tiền sử hen phế quản. Ngoài ra, clo cũng có thể gây đỏ mắt, ngứa mắt và kích ứng da.



Hiểm họa từ ánh nắng mặt trời


Ánh nắng mặt trời không chỉ khiến trẻ da sạm màu, bỏng rát, bong tróc mà còn tiềm ẩn nguy cơ ung thư da. Các tia bức xạ từ mặt trời cũng có thể khiến trẻ bị say nắng, say nóng. Trẻ có biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, khát nước và nặng hơn là ngất xỉu.


Đuối nước


Mặc dù tập bơi giúp giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ trên 4 tuổi nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ không có nguy cơ đuối nước. Trong quá trình bơi lội, trẻ có thể bị chuột rút, ngất, co giật, khó thở… do bệnh lý tim mạch, hen phế quản, động kinh... Có trường hợp, trẻ vô tình vướng vào dòng chảy xa bờ, còn gọi là dòng biển xoáy. Hoặc đôi khi tai nạn xảy ra khi trẻ cùng bạn bè xô đẩy, đùa nghịch trong môi trường nước. Tất cả những điều trên đều tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho dù trẻ đã biết bơi.


Bảo Đảm An Toàn Và Sức Khỏe Cho Trẻ Khi Bơi


Để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho trẻ trong quá trình bơi lội, bạn hãy áp dụng những biện pháp dưới đây.


- Không cho trẻ đi bơi nếu trẻ đang ốm (sốt, tiêu chảy, ho…). Khi sức đề kháng suy yếu, bơi lộn có thể khiến bệnh tình của trẻ nặng hơn, đồng thời lan truyền vi sinh vật gây bệnh ra môi trường nước, ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người xung quanh.

- Nếu trẻ có vết thương hở (trầy xước, đứt tay, xỏ khuyên hoặc sau tiểu phẫu, phẫu thuật…), nên hạn chế đi bơi tới khi vết thương liền hẳn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với nước, bạn hãy che kín vết thương bằng băng dán y tế không thấm nước. Cách này sẽ hạn chế vi sinh vật tiếp xúc và thâm nhập vào cơ thể trẻ qua vết thương.

- Đi vệ sinh và tắm tráng trước khi xuống bể bơi, bãi biển. Bạn hãy cho trẻ tắm tráng dưới vòi hoa sen 1 phút để loại bỏ bụi bẩn, tránh làm bẩn nguồn nước chung.

- Nên cho trẻ đi bơi lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, không bơi giữa trưa để hạn chế tác hại từ ánh nắng mặt trời.

- Bôi kem chống nắng cho trẻ trước khi xuống nước 15 – 20 phút. Nên chọn kem chống nắng phổ rộng, ngăn ngừa được tia UVA, UVB, có SPF từ 15 trở lên và có khả năng chống nước. Lưu ý phải bôi toàn thân và bôi lại sau khi bơi xong hoặc sau mỗi 2h đồng hồ.



- Dạy con quy tắc ứng xử thông minh, lịch sự ở bể bơi và bãi biển. Không tiểu tiện, đại tiện, không nuốt nước, không xô đẩy, nô đùa với bạn bè để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho trẻ và mọi người xung quanh.

- Nên cho trẻ tham gia các lớp dạy bơi bài bản và lựa chọn bể bơi đảm bảo chất lượng: nguồn nước sạch, không có mùi hóa chất nồng nặc và có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp.

- Giám sát chặt chẽ quá trình bơi lội của con để nhanh chóng phát hiện và xử lý tai nạn đuối nước. Nếu trẻ chưa biết bơi hoặc bơi chưa thành thạo, bạn hãy cho trẻ mặc áo phao vừa vặn với kích thước cơ thể.

- Trong khi bơi, trẻ có thể đeo nút bịt tai hoặc đội mũ che kín tai. Sau khi bơi xong, phải lau khô tai để hạn chế viêm nhiễm.

- Bạn có thể chuẩn bị một ít đồ ăn nhẹ như sữa, xúc xích, bánh mì, hoa quả... Bơi là hoạt động thể lực tiêu tốn nhiều năng lượng nên trẻ thường có cảm giác đói. Sau khi ăn xong, bạn nhớ dọn dẹp và vứt rác đúng nơi quy định để đảm bảo vệ sinh chung nhé!


Bơi lội là hoạt động thể lực và vui chơi tuyệt vời cho mùa hè nóng bức sắp tới. Đây là môn thể thao có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng cũng tiềm ẩn một số nguy cơ. Bạn hãy bỏ túi những bí quyết trên để gia đình có một mùa hè vừa khỏe, vừa vui nhé!

About the author

Hạnh Trang là bác sĩ nhưng không theo đuổi màu áo blouse trắng. Cô quyết định trở thành cây viết tự do về sức khỏe. Thay vì kê đơn chữa bệnh, cô muốn dùng kiến thức y học và con chữ để giúp mọi người sống khỏe mạnh theo đúng định nghĩa của nó: đủ đầy về thể chất, tinh thần và xã hội.

Theo dõi Hạnh Trang tại: https://hanhtrang.co/

author

Đỗ Hạnh Trang

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!