Cảm thấy xấu xí và kém hấp dẫn là một vấn đề rất phổ biến mà có lẽ tất cả chúng ta đều từng trải qua lúc này hay lúc khác, dù bạn là nam hay nữ và dù bạn có đẹp đến đâu...
7 chiến lược dựa trên lời khuyên của các chuyên gia dưới đây này có thể giúp bạn giải tỏa và giải quyết cảm giác thấy mình “xấu” hoặc sự không hài lòng dai dẳng về ngoại hình của bản thân.
Nhận ra gánh nặng của những kỳ vọng xã hội
Các tiêu chuẩn về vẻ đẹp do giới truyền thông đặt ra thực ra là kết quả của hàng giờ làm tóc và trang điểm, mua sắm và lựa chọn, chưa kể đến những phần mềm chỉnh ảnh… Do đó, hình ảnh của những người nổi tiếng, người mẫu và những người có ảnh hưởng trên mạng đôi khi khác xa với thực tế.
Bên cạnh đó, xã hội ngày càng tạo điều kiện cho mọi người đánh giá giá trị của một người nào đó dựa vào vẻ bề ngoài của họ.
Bạn rất dễ bị cuốn vào việc so sánh bản thân với những hình ảnh này. Bạn lo lắng rằng sẽ xấu đi trong mắt mọi người, bạn sợ bạn sẽ không có ai yêu thích và quan tâm bởi ngoại hình không thu hút.
Nhưng hình như bạn quên mất một vấn đề: Cơ thể của bạn thuộc về bạn, và chỉ một mình bạn. Bạn và cơ thể của mình không cần phải làm hài lòng bất kỳ ai khác.
Vì vậy, nếu bạn tập trung vào vai trò của mình theo những gì bạn có và những gì bạn có thể xây dựng, bạn sẽ hạnh phúc hơn nhiều khi phát huy hết tiềm năng thực sự của mình.
Cân nhắc lý do tại sao vẻ đẹp lại quan trọng đối với bạn
Trong một xã hội mà mọi người coi trọng vẻ ngoài của bạn, bạn có thể sẽ suy nghĩ để thay đổi những gì bạn cho là thiếu sót, chưa đẹp, chưa hoàn hảo.
Khi bạn cảm thấy cô đơn hoặc thấy mình không thể hòa nhập, bạn có thể đổ lỗi cho ngoại hình của mình.
Có thể bạn lo lắng rằng:
- Các đặc điểm trên khuôn mặt của bạn ảnh hưởng đến mức độ nổi tiếng của bạn nơi làm việc.
- Kích thước và hình dạng cơ thể của bạn khiến mọi người đối xử với bạn khác nhau.
- Bạn không đủ hấp dẫn để tìm được một người bạn đời lãng mạn hoặc có được sự quan tâm của đối tác hiện tại của bạn.
Thật buồn nhưng không thể phủ nhận rằng, trong xã hội ngày nay vẫn có nhiều người đưa ra phán đoán nhanh chóng dựa trên vẻ bề ngoài. Tôi hoàn toàn có thể được cảm giác bị tổn thương và bực bội khi người khác gạt bỏ hoặc hoàn toàn phớt lờ bạn. Điều này có thể gây ra nỗi đau kéo dài và khiến bạn nghi ngờ giá trị của mình, đặc biệt là khi nó xảy ra liên tục.
Do đó, khi tự thấy mình kém hấp dẫn, bạn có thể sẽ theo đuổi cái đẹp chỉ đơn giản là để tìm kiếm được sự chấp nhận của xã hội.
Cũng cần phải công nhận rằng, mặc dù ngoại hình có thể góp phần tạo nên sự thu hút, nhưng vẫn còn đó, những thứ khác cũng quan trọng không kém như trí tuệ, tính cách, nụ cười… của bạn.
Đừng quên rằng, không phải ai bạn gặp cũng sẽ đánh giá bạn dựa trên những tiêu chuẩn về vẻ đẹp thông thường.
Nhắc nhở bản thân về hiệu ứng ánh đèn sân khấu (spotlight effect)
Không ai trong chúng ta là hoàn hảo và những điều khác biệt đó tạo nên vẻ đẹp của riêng bạn.
Tuy nhiên, chúng ta có xu hướng tin rằng những người khác nhận thấy sự không hoàn hảo/khác biệt trên cơ thể của mình, chúng ta đánh giá quá cao mức độ chú ý của người khác về chúng ta. Nói cách khác, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng luôn có một ánh đèn sân khấu chiếu vào chúng ta, làm nổi bật tất cả những sai lầm hoặc khuyết điểm của chúng ta để cả thế giới nhìn thấy - hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng ánh đèn sân khấu”.
Kết quả là, bạn có thể cảm thấy tồi tệ tới mức không làm được việc vì một ngày đầu tóc rối bời hoặc một bộ đồng phục công sở không đẹp.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi bạn là nhân vật chính, người đóng vai chính trong bộ phim cuộc đời mình, vì vậy bạn có xu hướng tập trung vào những gì quan trọng nhất đối với bạn. Nhưng hãy nhớ rằng, hầu hết những người bạn gặp có thể không chú ý đến bạn nhiều như vậy đâu, họ cũng đang sống cho chính cuộc đời mình.
Thực hành Body neutrality
Khái niệm Body neutrality (tạm dịch “chấp nhận cơ thể”) thách thức ý tưởng rằng bạn luôn cần yêu cơ thể và ngoại hình của mình để cảm thấy hài lòng về bản thân.
Không phải ai cũng yêu cơ thể của mình mọi lúc, mọi nơi. Lý thuyết Body positivity thường thúc giục bạn thực hành các khẳng định về tình yêu bản thân, lặp đi lặp lại những câu thần chú như “Tôi đẹp”, “Tôi yêu bản thân mình” hoặc “Tôi yêu cơ thể mình” cho đến khi chúng trở thành hiện thực. Những câu thần chú này hiệu quả đối với một số người. Nhưng việc khẳng định bản thân khi bạn không thực sự tin chúng có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn.
Bạn không thể ép mình tìm kiếm tình yêu vốn không có ở đó. Tự nói với bản thân rằng bạn nên yêu cơ thể của mình có thể chỉ đơn giản là tạo ra một cái bẫy khác để rơi vào, làm cho nỗi đau của bạn tăng lên gấp bội bằng cách khiến bạn cảm thấy như thể mình đã thất bại.
Trên thực tế, bạn không cần phải ghét hay yêu cơ thể của mình, thay vào đó bạn chấp nhận cơ thể của hiện tại và nhận ra khả năng đặc biệt của nó thay vì chú tâm vào vẻ ngoài.
Hãy gieo những hạt giống của sự bao dung
Thay vì đánh giá khắt khe bản thân vì những thiếu sót, hãy chấp nhận vô điều kiện, đối xử tốt với bản thân trong lúc tốt và lúc xấu, lúc ốm đau và sức khỏe — và ngay cả khi chúng ta mắc sai lầm. Đó chính là bao dung với bản thân mình.
Bạn có thể nuôi dưỡng và trau dồi sự bao dung với bản thân bằng cách:
- Học cách tôn trọng ranh giới và nhu cầu cảm xúc của bạn.
- Đối xử với bản thân bằng sự tử tế mà bạn dành cho bạn bè và những người thân yêu, thay thế việc tự chê trách bản thân một cách tiêu cực bằng sự khích lệ.
- Công nhận bản thân là một cá nhân có giá trị độc đáo.
- Tránh so sánh bản thân với người khác.
Thay đổi một số thứ
Không có gì lạ khi bạn cảm thấy “xấu xí” nếu bạn không thích một số điểm trên cơ thể mình mình.
Đơn giản nhất, hãy thử một vài thay đổi nhanh để bạn trông mới mẻ hơn, hào hứng và tự tin hơn. Những thay đổi đơn giản vẫn làm tôn lên các đặc điểm tự nhiên của bạn sẽ làm tăng sự tự tin và giúp bạn nhìn nhận bản thân theo một khía cạnh hoàn toàn khác.
Ví dụ, bạn có thể:
- Chọn một bộ quần áo mới làm bạn trông rạng rỡ hơn.
- Tìm kiểu tóc phù hợp với cấu trúc khuôn mặt và loại tóc của bạn.
- Thử nghiệm với các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc da để tìm ra những sản phẩm phù hợp với làn da.
- Một số người thậm chí còn nhận thấy rằng những sửa đổi trên cơ thể như xỏ khuyên và hình xăm, mang lại sự thể hiện cá nhân, truyền cảm hứng cho sự tự tin và chấp nhận bản thân.
Chỉ cần nhớ rằng: Chỉ thực hiện những thay đổi mà bản thân thực sự muốn - chứ không phải thay đổi ngoại hình của bạn để phù hợp với tiêu chuẩn của người khác.
Tìm kiếm sự trợ giúp
Mặc dù đôi khi cảm giác “xấu xí” có thể xuất hiện trong những ngày bạn mọc mụn vì kinh nguyệt hay khi mái tóc không như ý muốn., nhưng thường xuyên cảm thấy mình xấu xí là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tinh thần sâu sắc hơn nhiều.
Bạn có thể đang gặp một trong các vấn đề sau:
Trầm cảm: Khi bị trầm cảm, bạn có thể trải qua cảm giác xấu xí và vô dụng. Tình trạng này cũng có thể khiến bạn bỏ bê việc chăm sóc bản thân, điều này càng khiến bạn cảm thấy xấu xí hơn.
Chứng rối loạn dạng cơ thể (BDD): là một rối loạn tâm thần khi một người bị ám ảnh với một khiếm khuyết về thể chất không có thật hoặc một khiếm khuyết nhỏ mà những người khác không nhìn thấy. Những người mắc chứng rối loạn này tự coi mình là "xấu xí" và thường tránh tiếp xúc với xã hội hoặc chuyển sang phẫu thuật thẩm mỹ để cố gắng cải thiện ngoại hình. Ở Hoa Kỳ, BDD khá phổ biến với tỷ lệ ảnh hưởng khoảng 1/50 người.
Rối loạn ăn uống: Bị ám ảnh với hình ảnh cơ thể cũng có thể là yếu tố dẫn đến rối loạn ăn uống ( bao gồm chán ăn tâm thần - anorexia nervosa, háu ăn tâm thần - bulimia nervosa và chứng ăn uống vô độ - binge-eating disorder. Với những người mắc chứng chán ăn tâm thần có thể thấy bản thân thừa cân ngay cả khi họ thiếu cân nghiêm trọng. Họ thường xuyên kiểm tra cân nặng của mình, hạn chế gắt gao lượng thức ăn họ ăn vào, thường xuyên tập thể dục quá mức hay thậm chí uống thuốc giảm cân độc hại để chán ăn và giảm cân..
Nếu đúng như vậy, tốt nhất bạn nên tìm kiếm một chuyên gia tư vấn để giúp bạn hiểu và giải quyết vấn đề đó đểnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và phục hồi sức khỏe tâm thần của mình.
Mong bạn hãy luôn nhớ rằng, cơ thể bạn không cần phải đẹp theo một cách nhất định để bạn có thể trải nghiệm tình yêu, niềm vui và hạnh phúc.
About the author
S. Reen