#Opinion: Hãy “mắng” con với sự bình tâm – Bài học quản lý cảm xúc trong nuôi dạy con cái

MẸ & BÉ

#Opinion: Hãy “mắng” con với sự bình tâm – Bài học quản lý cảm xúc trong nuôi dạy con cái

authorBy Tô Đạt
Share on
Share on
#Opinion: Hãy “mắng” con với sự bình tâm – Bài học quản lý cảm xúc trong nuôi dạy con cái

“Tưởng tượng con mình đang tức giận, như một ngọn lửa nhỏ đang bùng cháy, nếu bản thân cha mẹ cũng là một ngọn lửa cháy, hai ngọn lửa sẽ thiêu rụi cả căn nhà.”


Nếu thử tìm kiếm trên google hẳn bạn sẽ thấy rất nhiều kết quả về việc làm cách nào để quản lý cảm xúc cho con trẻ. Người lớn hay tự cho mình cái quyền được dạy trẻ con cách quản lý mọi thứ theo ý của mình, kể cả cảm xúc của chúng, thế nhưng chính bản thân người lớn có bao giờ tự hỏi mình đã quản lý cảm xúc tốt hay chưa? 


Cũng như những câu nói chúng ta thường được nghe “hiểu và yêu thương để thay đổi mọi thứ". Nhưng làm thế nào hiểu cho đúng? Có phải chúng ta luôn hướng sự chú ý ra bên ngoài để cố gắng tìm hiểu người khác dù vẫn chưa hiểu chính bản thân? Hoặc liệu đó có phải ta hiểu với cái thiên kiến của mình?


Khi bản thân chúng ta, những bậc cha mẹ, còn bị cảm xúc giật dây hay đánh đu theo cơn sóng cảm xúc một cách thường xuyên, thì những phương pháp chúng ta dạy con mình kiểm soát cảm xúc, tự tin hơn, mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần bỗng trở nên thật sáo rỗng vô cùng. Để rồi khi thấy chúng lo lắng, run sợ hay mất tự tin, chính chúng ta lại tỏ ra thất vọng, tức giận và đôi khi trách mắng ngược trở lại. Quả thật, đây là một vòng lặp cảm xúc mà hầu hết mọi người đang gặp phải. Vì vậy, trước khi chỉ dạy con cái, đặc biệt về cách quản lý cảm xúc, cha mẹ cần phải biết và thực hành quản trị cảm xúc cho mình. 


Hãy thử tham khảo những cách sau đây từ chính kinh nghiệm của tôi, biết đâu sẽ giúp bạn phần nào. Nhưng bạn cũng cần nhớ, đó nhất định là một quá trình rèn luyện và thực hành, chứ không thể đạt được trong một sớm một chiều.


Chánh niệm - Quan sát chính mình


Theo cách nói của Lão Tử về thế giới “nhị nguyên” của chúng ta, cảm xúc luôn có 2 mặt - vui buồn, sướng khổ, vinh nhục… thực chất luôn song hành tồn tại và bổ khuyết cho nhau. Vì vậy, để có một tâm thái quân bình, chúng ta phải hiểu điều đó và luôn thực hành chánh niệm, quan sát chính mình.


Thực hành chánh niệm trong đời sống là một quá trình rèn luyện, nhưng chánh niệm khi một cảm xúc nổi lên là điều ai cũng có thể tự nhắc mình làm được. Mỗi khi một sự việc xảy đến, hãy dừng lại 10-20 giây, giữ im lặng tuyệt đối và quay vào quan sát tâm mình. Nếu đó là việc bạn cảm thấy khó khăn, hãy quay sang quan sát những cảm giác trên thân, từ đầu xuống chân, xem đầu mình có nóng không, cổ mình có đang nghẹn không, hay tim mình có đang đập nhanh hơn bình thường không. Và nhắc mình, bản chất của vạn vật là luôn biến đổi, những cảm giác này rồi sẽ qua đi, vì vậy, hãy bình tâm quan sát mà không vội vàng phản ứng. Rồi sau đó, cảm xúc bộc phát sẽ qua đi, lý trí sẽ dần lộn diện và việc dạy con cũng như việc tương tác với người khác sẽ không bị cảm xúc chi phối nữa.


bai-hoc-quan-ly-cam-xuc-trong-nuoi-day-con-cai-2.jpg


Tách bản thân ra khỏi cảm xúc của mình


Đừng nói: “Tôi đang giận!”, để rồi các hành động của mình neo theo cơn sóng cảm xúc và bộc phát một cách tự nhiên, đồng hóa bản thân mình với “khối khổ đau sâu nặng” - theo cách nói của Eckhart Tolle. Thay vì thế, hãy nói: “Tôi thấy tôi đang tức giận.” để thử một bản thể đứng ngoài cái tôi bản năng, quan sát cái tôi bản năng đang bị chi phối bởi những cảm xúc mạnh mẽ. Giống như bạn đang quan sát một người khác từ bên ngoài - ở góc nhìn khác, bạn sẽ có những nhận định khách quan hơn, đa chiều hơn và từ đó có thể đưa ra quyết định đúng đắn hơn trong việc dạy dỗ con cái.


Thay đổi trạng thái cơ thể


Nếu 2 cách bên trên đòi hỏi một khả năng quan sát và bình tâm trước sự vận hành của cảm xúc, thì cách này có vẻ dễ thực hiện hơn. Nếu thấy mình đang quá xúc động, bạn có thể thay đổi trạng thái cơ thể, thực hiện một hành động khác như đi bộ, hít đất, hay đơn giản chỉ là tạm thời lánh đi một chỗ khác chỉ có một mình, tại đó hãy quan sát cảm xúc của mình. Khi tách mình khỏi đối tượng khởi sinh cảm xúc, ở đây là đứa trẻ đang mang lại sự tức giận cho bạn, sẽ giúp bạn trở lại trạng thái trung lập dễ dàng hơn.


Tuy nhiên “cắt xúc” chỉ là cách tạm thời, cách tốt nhất vẫn là đối đầu với cảm xúc, quan sát cảm xúc và đi xuyên qua nó.


bai-hoc-quan-ly-cam-xuc-trong-nuoi-day-con-cai-1.jpg


Chuẩn bị một tâm thái vững vàng


Không gì bằng chuẩn bị trước một nội tâm đủ mạnh mẽ để đối mặt với các vấn đề cảm xúc trong cuộc sống. Cuộc sống luôn bất như ý, việc nuôi dạy con cái lại càng có nhiều thử thách, thứ chúng ta kiểm soát được có chăng chỉ là một phần cách chúng ta phản ứng lại với chúng. Luyện nội tâm mạnh mẽ qua việc hành thiền và thực hành chánh niệm hàng ngày là cách tốt nhất để có một nội lực mạnh mẽ trước mọi khoảnh khắc khó khăn cũng như sóng gió cuộc đời. Thậm chí, hãy thử nghĩ: “Cùng lắm thì sao?” để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nỗ lực hết mình cùng với sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, là một tâm thế giúp chúng ta bình tâm trước mọi hoàn cảnh.


Dù cảm xúc là niềm vui hay nỗi buồn, như ý hay không, cũng đều nên được quan sát một cách đúng đắn. Kiểm soát cảm xúc trong cuộc sống nói chung và trong nuôi dạy con cái nói riêng là vô cùng quan trọng. Tôi vẫn thường lấy hình ảnh hai ngọn lửa cùng bốc cháy để nói với người bạn đời, hãy tưởng tượng con mình đang tức giận, như một ngọn lửa nhỏ đang bùng cháy, nếu bản thân cha mẹ cũng là một ngọn lửa cháy, hai ngọn lửa sẽ thiêu rụi cả căn nhà. Mặt khác, nếu tâm chúng ta như mặt hồ tĩnh lặng, thì dù làm gì cũng sẽ như liều thuốc giảm đau vào vết thương do ngọn lửa đang cháy của tâm hồn con trẻ, một điểm tựa để con có thể dựa vào.


Đừng mắng con cho hả giận, hãy "mắng" con trong sự bình tâm.

About the author

Đạt đơn giản là một người thích tìm hiểu và thực hành Phật giáo nguyên thủy. Đạt cũng mới tìm đến niềm đam mê viết lách để chia sẻ về quá trình trải nghiệm và khám phá con người bên trong của mình. Mong rằng những trải nghiệm bên trong bài viết của Đạt đem lại giá trị hữu ích cho người đọc.

author

Tô Đạt

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!