“Đừng tin vào bất cứ thứ gì, cho dù bạn đọc được nó ở đâu hay ai đó đã nói với bạn, cho dù tôi có nói điều đó, trừ khi nó phù hợp với lý trí và suy nghĩ thông thường của chính bạn” - Đức Phật.
Phật giáo được biết đến rộng rãi nhất như một tôn giáo. Nhưng nó cũng được gọi là triết học và khoa học. Trong bài viết này, tôi xin đưa ra một cuộc thảo luận sơ bộ về bản chất khoa học của Phật giáo và sự đóng góp của nó cho tâm lý học.
Phật giáo dựa trên các hiện tượng và kinh nghiệm có thể quan sát được đối với bất kỳ ai trong chúng ta. Nó dạy chúng ta áp dụng một tư duy khách quan, có nghiên cứu, thậm chí giống như phương pháp khoa học để hiểu thế giới và bản thân. Như với bất kỳ ngành khoa học nào, những hiểu biết rút thura từ thực hành Phật giáo được kiểm chứng và liên tục cập nhật. Mặc dù các tông phái Phật giáo khác nhau có những phương cách thực hành riêng, nhưng những lời dạy hợp lý và không giáo điều của Đức Phật là một sợi dây chung gắn kết Phật giáo lại với nhau.
Con đường Phật giáo
Trong kinh điển Phật giáo, Đức Phật thường được gọi là “Người chữa bệnh vĩ đại” hay “Thầy thuốc vĩ đại”. Trên thực tế, những lời dạy cơ bản nhất của Đức Phật như Tứ Diệu Đế đưa ra những gì có thể được mong đợi ở một bác sĩ hoặc nhà tâm lý học: Sự thật thứ nhất vạch ra bản chất của vấn đề (chẩn đoán), sự thật thứ hai đưa ra nguyên nhân, thứ ba là tiên lượng, và thứ tư là phương pháp điều trị.
Phương thuốc mà Đức Phật mô tả là một cái nhìn sâu sắc chính xác về bản chất của chính chúng ta và bản chất của loài người. Đạo Phật dạy rằng con đường dẫn đến tuệ giác và giải thoát khỏi khổ đau là dành sẵn cho mỗi người chúng ta, không riêng gì Phật tử. Một người chỉ cần sẵn sàng nhìn sâu và thấu đáo vào bên trong và nhận thấy các suy nghĩ và hành vi của chúng ta bằng con mắt mới mẻ. Đây là con đường của chánh niệm.
Thiền là pháp tu cốt lõi của Phật giáo vì thiền giúp chúng ta sống chánh niệm hơn. Chánh niệm và thiền định tạo ra khả năng kết nối với thời điểm hiện tại và nuôi dưỡng một tư duy cởi mở, rõ ràng. Ví dụ, thực hành thiền cho phép chúng ta coi cảm xúc của mình là cảm giác chứ không phải là những gì “có thật”, cho phép chúng ta phân tích cảm xúc của mình thay vì bị cuốn vào chúng. Sự nhận thức xác thực giải phóng chúng ta khỏi những hành vi vô tình theo thói quen gây ra đau khổ. Thông qua nhận thức chánh niệm, chúng ta học cách chú ý đến sự thôi thúc ăn nhiều khi buồn chán hoặc mua sắm quá mức khi lo lắng. Nhận thức như vậy cho phép chúng ta tạm dừng lại và quyết định có nên làm theo sự thôi thúc hay không dựa trên các mục tiêu dài hạn thay vì các xung lực tức thời.
Chữa lành tâm lý thông qua Phật giáo
Triết gia Alan Watts đã từng viết, “Nếu chúng ta nhìn sâu vào cách thực hành Phật giáo, chúng ta sẽ không tìm thấy triết học hay tôn giáo nào theo cách hiểu của phương Tây. Chúng ta tìm thấy thứ gì đó gần giống với tâm lý trị liệu hơn.” Thật vậy, Phật giáo và tâm lý học hiện đại đều tìm cách hiểu bản chất của ý thức và cố gắng mang lại lợi ích cho nhân loại thông qua sự hiểu biết sâu sắc (tuệ giác) về các sự vật và hiện tượng. Phật giáo đưa ra một con đường để đạt được tuệ giác mà người ta có thể mong đợi đạt được thông qua liệu pháp tâm lý, chẳng hạn như nâng cao nhận thức về bản thân, nâng cao khả năng chấp nhận cuộc sống như nó vốn có và cải thiện bản thân để sống có ý nghĩa và biết ơn.
Nghiên cứu tâm lý hiện đại phê chuẩn các giải pháp được đề xuất bởi giáo lý Phật giáo. Ví dụ, thiền đã được chứng minh là hữu ích trong việc giảm căng thẳng và lo lắng, cải thiện khả năng tập trung, cải thiện giấc ngủ, giúp giảm đau mãn tính và mang lại lợi ích cho sức khỏe tâm thần nói chung. Phật giáo cũng đã gợi mở một số phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng, bao gồm Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm, Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm và Liệu pháp hành vi biện chứng.
Thực hành nhập môn Phật giáo cho mọi người
Không cần nghiên cứu sâu hơn, bạn có thể hưởng lợi từ những lời dạy của Đức Phật bằng một thực hành đơn giản - áp dụng “tâm của người mới bắt đầu”.
Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của những lề thói và thói quen, những thứ giúp đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta nhưng có thể khiến chúng ta trở nên ngu muội với thế giới xung quanh. Bạn có thể áp dụng một đôi mắt mới bằng cách thực hành cái được gọi là “tâm của người mới bắt đầu”.
Tâm của người mới bắt đầu là gì? Đó là loại bỏ những kỳ vọng và định kiến của chúng ta về một điều gì đó, và nhìn mọi thứ với một tâm hồn cởi mở, đôi mắt tươi mới, giống như một người mới bắt đầu. Nhìn nhận mọi thứ như thể nó hoàn toàn mới mẻ, với sự tò mò và khao khát khám phá.
Để làm được điều này, hãy dành ra 5 đến 10 phút mỗi ngày để nhìn mọi thứ như thể đó là lần đầu tiên. Ví dụ, nhận thấy điều gì đó mới mẻ về người bạn đời của bạn, xem xét những gì bạn đã tích lũy được trong không gian sống của mình hoặc tạm dừng để tiếp nhận những thú vui giác quan của cuộc sống hàng ngày: không khí trong lành, cà phê nóng... Khi làm điều này, bạn có thể nhận thấy xu hướng đánh giá một số chi tiết mới phát hiện là "tốt" hoặc "xấu;" thay vào đó, hãy xem liệu bạn có thể cố gắng xem xét bằng sự tò mò, thay vì phán xét hay không. Về cơ bản, hãy suy nghĩ như một đứa trẻ 4 tuổi. Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi của đứa trẻ 4 tuổi: Tại sao quần bò của bạn lại có lỗ? Tại sao bạn lại xem điện thoại? Tại sao bạn gắt gỏng trước khi uống cà phê vào buổi sáng? Không phải là để có câu trả lời mà là cảm giác thích thú để đặt câu hỏi bởi vì tâm của bạn thực sự mở. Khi chúng ta làm điều này, chúng ta bắt đầu thấy những gì chúng ta đã bỏ qua và thế giới mở ra một cách diệu kỳ.
About the author
Thanh Nguyễn