Những biến chứng có thể gặp phải khi mang thai đôi

MẸ & BÉ

Những biến chứng có thể gặp phải khi mang thai đôi

authorBy S. Reen
Share on
Share on
Những biến chứng có thể gặp phải khi mang thai đôi

Dù phần lớn các trường hợp mang thai đôi đều khỏe mạnh và ổn định nhưng cũng có rất nhiều nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra so với mang thai đơn. Do vậy, bên cạnh niềm vui, hãy trang bị thêm những kiến thức để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh nhé!


Biến Chứng Ảnh Hưởng Tới Mẹ Bầu Khi Mang Thai Đôi


Mẹ bầu dễ gặp phải các biến chứng liên quan đến thai kỳ:


Tăng huyết áp


Tăng huyết áp thai kỳ là huyết áp cao khi mang thai. Ở các trường hợp đa thai (sinh đôi, sinh ba, hoặc nhiều hơn), tỷ lệ tăng huyết áp ngày càng tăng. Có đến 37% các trường hợp mang thai đôi gặp phải tình trạng cao huyết áp thai kỳ, tỷ lệ này cao gấp 3 – 4 lần so với các trường hợp mang thai đơn. Nếu không được điều trị, huyết áp cao có thể dẫn đến chuyển dạ sớm, thai nhi kém phát triển hoặc thậm chí thai chết lưu. Thêm vào đó, tình trạng này còn là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của người mẹ nếu chẳng may phát triển thành tiền sản giật.


Tiền sản giật


Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như huyết áp cao; nồng độ protein trong nước tiểu cao; phù chân; nhức đầu; thị lực mờ; mệt mỏi; thở dốc; đau bụng… Bạn cũng dễ bị bầm tím và không thể chịu được ánh sáng mạnh. Khi mang thai đôi, nguy cơ mẹ bầu gặp phải loại biến chứng này sẽ tăng cao gấp đôi so với mang thai đơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lý do của tình trạng này có thể là do trọng lượng của nhau thai tăng lên.


Tiểu đường thai kỳ


Tình trạng này xảy ra khi mẹ bầu gặp khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết ở mức ổn định. Tiểu đường thai kỳ xảy ra ở khoảng 5% các trường hợp mang thai đơn, nhưng phụ nữ mang song thai có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp đôi.


Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ theo dõi bạn chặt chẽ. Rất có thể bạn phải kiểm soát được lượng đường trong máu bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục, một số người cần tiêm insulin hoặc sử dụng thuốc. Bệnh tiểu đường được kiểm soát kém có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho bạn và sức khỏe thai nhi.


bien-chung-mang-thai-doi-2.jpg


Thiếu máu do thiếu sắt


Thiếu máu khá phổ biến ở những người mang thai đôi hoặc đa thai. Việc thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh do quá ít chất sắt có thể dẫn đến sinh non. Vấn đề này có thể cải thiện qua dinh dưỡng và bổ sung thực phẩm chức năng theo chỉ định của bác sĩ.


Ứ mật thai kỳ


Tình trạng hiếm gặp này là do hormone estrogen cũng như progesterone gây ra và nó sẽ ảnh hưởng đến gan của bạn. Khi mang thai đôi, mức độ bài tiết của các hormone thai kỳ tăng lên, từ đó dẫn đến ứ mật sản khoa. Các triệu chứng bao gồm ngứa dữ dội, nước tiểu sẫm màu, trầm cảm…


Nhau bong non


Biến chứng nhau bong non xảy ra khi nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi sinh. Việc mang đa thai có thể khiến nguy cơ bị bong nhau non tăng gấp ba lần.


Bong nhau non có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong nửa sau của thai kỳ, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba. Tình trạng này có thể khiến thai nhi gặp các vấn đề về sinh trưởng, sinh non hoặc thai chết lưu.


Tăng tỷ lệ mổ lấy thai


Đối với cặp song sinh, mẹ vẫn có thể sinh thường nếu em bé đầu tiên ở gần cổ tử cung và hướng đầu xuống. Nếu bé ở vị trí không thuận lợi, bác sĩ có thể yêu cầu bạn sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.


Trong một số trường hợp khác, các biến chứng sau khi bé đầu tiên được sinh thường có thể khiến bạn phải sinh mổ đối với bé thứ hai. Nếu bạn có nhiều thai nhi hơn, bạn sẽ phải sinh mổ để tránh nguy hiểm.


Một số biến chứng khác


- Ốm nghén nặng: Dạng ốm nghén nghiêm trọng này có thể dẫn đến sụt cân, mất nước và phải nhập viện.

- Những vấn đề về đường tiêu hóa trong lúc mang thai đôi, bao gồm táo bón, ợ nóng…

- Nhiều khả năng gặp vấn đề về chảy máu trước và trong khi sinh

- Trầm cảm sau sinh.


bien-chung-mang-thai-doi-4.jpg


Những Biến Chứng Ảnh Hưởng Đến Thai Nhi


Một số biến chứng có nguy cơ ảnh hưởng đến em bé trong bụng bao gồm:


Thai nhẹ cân


Những bé sinh non thường nhẹ cân (dưới 2,5 kg). Cơ thể và hệ thống cơ quan của trẻ vẫn chưa phát triển đầy đủ. Do đó, việc chăm sóc trẻ sinh non sẽ khó khăn hơn vì trẻ cần được hỗ trợ để bú, thở, giữ ấm và chống lại các bệnh nhiễm trùng.


Trẻ sinh thiếu cân còn có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề dài hạn như chậm phát triển trí tuệ, bại não, giảm thị lực và giảm thính lực.


Nếu trẻ sơ sinh được sinh ra trước 28 tuần, bé sẽ càng dễ bị tổn thương. Thậm chí, một số cơ quan vẫn chưa thể hoạt động ở bên ngoài tử cung. Những trường hợp này cần phải được chăm sóc đặc biệt.


Hội chứng truyền máu song thai (TTTS)


Đây là biến chứng phổ biến và ảnh hưởng đến gần 15% các cặp song thai 1 nhau 2 ối. Một trong hai bé sẽ nhận được quá nhiều máu trong khi bé còn lại phải chịu tình trạng thiếu máu.


Hội chứng truyền máu song sinh (TTTS) là một biến chứng khi mang thai đôi hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Hội chứng xảy ra ở các cặp song sinh giống hệt nhau (song sinh cùng trứng) khi máu chảy từ bé này sang bé khác thông qua nhau thai. Thai nhi cho máu có nguy cơ bị thiếu máu, mất nước và kém phát triển, trong khi thai nhi nhận máu có thể mắc suy tim và huyết áp cao.


Bác sĩ có thể điều trị TTTS bằng phẫu thuật laser.


Hư thai


Trong một số trường hợp, một trong hai bào thai có thể bị sẩy hoặc biến mất (hội chứng song thai biến mất), chỉ có bào thai sống sót còn tồn tại, xảy ra ở khoảng 20% ​​các trường hợp song thai. Nếu mang thai ba, có 40% khả năng một hoặc nhiều hơn sẽ bị sẩy thai trong nửa đầu của thai kỳ.


Đôi khi điều này thường xảy ra mà không có triệu chứng.


bien-chung-mang-thai-doi-1.jpg


Rối dây rốn


Cặp song sinh đơn bào sẽ có 2 dây rốn riêng biệt, dễ gặp nguy cơ các dây quấn vào nhau. Tình trạng này gây khó khăn cho việc truyền oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi.


Dị tật bẩm sinh


Nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh sẽ tăng nhiều hơn khi mẹ bầu mang đa thai, bao gồm dị tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống, bất thường về tim và đường tiêu hóa.


Hội chứng thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR)


Dù bạn mang đa thai, quá trình phát triển của thai nhi vẫn có thể diễn ra bình thường như mang thai đơn cho đến một thời điểm nhất định.


Hội chứng thai chậm phát triển trong tử cung thường xảy ra vì nhau thai không thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho các thai nhi và các em bé phải “cạnh tranh” để giành chất dinh dưỡng. Đôi khi các cặp song sinh sẽ có sự phát triển không đồng đều, có nghĩa là một em bé đang phát triển nhiều hơn em bé kia. Bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển các bào thai bằng việc siêu âm thai và đo vòng bụng của bạn để đưa ra lời khuyên thích hợp nhất.


Sinh non


Sinh non là tình trạng chuyển dạ trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Thông thường, thời gian mang thai thường sẽ giảm dần nếu bạn mang song thai hoặc đa thai.


Sinh non có thể dẫn đến một số vấn đề, bao gồm:


- Phổi chưa trưởng thành. Trẻ sinh non có thể được đặt máy thở cho đến khi phổi trưởng thành.

- Các vấn đề về dạ dày và đường ruột

- Các vấn đề về hệ thần kinh

- Cân nặng khi sinh thấp

- Khó khăn khi nuôi dưỡng


Trẻ sinh non vẫn dễ bị nhiễm trùng và do đó cần được chăm sóc y tế đặc biệt. Nhờ những tiến bộ trong công nghệ, 90% trẻ sơ sinh sau 28 tuần sống sót. Tuy nhiên, ngay cả những em bé sống sót sau sinh non cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.


bien-chung-mang-thai-doi-3.jpg


Ngăn Ngừa Biến Chứng Khi Mang Thai Đôi


Việc xác nhận chính xác mẹ bầu mang thai đôi giai đoạn sớm sẽ cho bác sĩ cơ hội để ngăn ngừa và điều trị tất cả các nguy cơ mà trong thai kỳ có thể xảy ra. Tuy nhiên, mẹ bầu nên làm theo những gợi ý dưới đây nhằm đem đến thể trạng tốt nhất cho mẹ lẫn con:


Uống nhiều nước


Mất nước có thể kích thích chuyển dạ sớm trong bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ và nguy cơ này sẽ càng tăng lên nếu bạn đang mang thai đôi. 


Khám thai định kỳ


Việc xác định sớm tình trạng mang thai song sinh và liệu các thai nhi có cùng trứng hay không sẽ giúp bác sĩ của bạn có nhiều thời gian để phát hiện, theo dõi và điều trị bất kỳ biến chứng khi mang thai đôi nào có thể phát sinh.


Bên cạnh đó, càng sớm phát hiện ra vấn đề bất thường, bạn càng có cơ hội cao cải thiện tình trạng sức khỏe mẹ và bé. Vì vậy, hãy cố gắng để không bỏ lỡ buổi khám thai nào.


Ăn uống lành mạnh


Chế độ ăn uống của bạn có thể tác động lớn đến thai kỳ và cặp song sinh. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tăng cân đầy đủ khi mang song thai có thể giúp đảm bảo trẻ sinh ra có cân nặng khỏe mạnh hơn. Hãy đảm bảo chế độ ăn uống của bạn có đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein. Bổ sung thêm thực phẩm chức năng nếu bác sĩ yêu cầu. 


Tập luyện đều đặn


Duy trì tập luyện đều đặn nhưng cần lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng và phù hợp với sức khỏe.

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có vấn đề về sức khỏe trước khi tập luyện.


Tìm hiểu các triệu chứng chuyển dạ sớm


Tìm hiểu các rủi ro và biến chứng của mang thai đôi sẽ hỗ trợ bạn trên chặng đường dài sau này. Nếu vẫn lo lắng về một tình trạng nào đó, mẹ bầu có thể tìm đến bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy an tâm hơn.


Tìm hiểu về các biến chứng khi mang thai đôi vẫn là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho bạn và thai nhi. Mặc dù có nhiều nguy cơ hơn so với mang thai đơn, nhưng khả năng xảy ra biến chứng vẫn tương đối thấp. Vì thế bạn cũng không nên quá lo lắng, hãy luôn giữ tinh thần lạc quan tích cực. Chúc bạn một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh!

About the author

Một cô gái yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp

author

S. Reen

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!