Nuôi dạy con chủ động để gia đình hạnh phúc

MẸ & BÉ

Nuôi dạy con chủ động để gia đình hạnh phúc

authorBy Hà Phương
Share on
Share on
Nuôi dạy con chủ động để gia đình hạnh phúc

Cuộc sống hiện đại đang dần lấy đi rất nhiều năng lượng và cả thời gian bên gia đình của chúng ta. Không chỉ người lớn bận rộn với công việc, các mối quan hệ xã giao, phát triển bản thân mà con cũng quay cuồng với việc học hoặc bị sa đà vào vui chơi, bạn bè mà quên mất thời gian bên gia đình. 


Trẻ thì lớn lên rất nhanh, muốn tìm hiểu và tự làm mọi thứ theo ý mình. Những sự khác biệt thế hệ và mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái dường như không bao giờ kết thúc. Bạn có bao giờ tự hỏi mình nên dạy con thế nào khi thời gian bên con là không đủ? Thay vì đợi nhìn thấy hậu quả về tính cách, lối sống, cách hành xử hoặc xảy ra các tình huống không mong muốn với con cái chúng ta mới bảo nhau cách để sửa sai, tại sao chúng ta không nuôi dạy con một cách chủ động? Vậy nuôi dạy con chủ động là thế nào?


Nuôi Dạy Con Chủ Động Là Gì?


Nuôi dạy con chủ động (Proactive Parenting) là cách chúng ta làm cha mẹ tích cực, ôn hòa và cho con được phát triển theo đúng lứa tuổi, khả năng, cá tính, sở thích của mình. Đồng thời bố mẹ luôn chủ động chú tâm, quan sát, động viên, lường trước các tình huống và dấu hiệu mất an toàn để giúp con có “sức đề kháng” với những thử thách trong cuộc sống.


Nuôi dạy con chủ động không phải là đợi con gặp rắc rối hoặc sợi dây liên kết gia đình mong manh rồi mới tìm cách để chữa, để sửa sai. Chủ động trong việc nuôi dạy con chính là cung cấp cho trẻ nền tảng gia đình vững chắc và sự chú tâm trong những khoảng thời gian gia đình bên nhau. Điều này không có nghĩa chúng ta cứ phải kè kè bên cạnh 24/7 mới có thể củng cố tình cảm.



Gợi Ý Những Việc Bố Mẹ Nên Làm Để Nuôi Dạy Con Chủ Động



Tiến sĩ Justin Coulson - là tác giả sách, diễn giả, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của trang Happy Families đã chia sẻ 7 thói quen để nuôi dạy con cái chủ động và thúc đẩy mối quan hệ gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Cụ thể như sau:


Tập trung vào các mối quan hệ gia đình


Khi nghe điều này có thể nhiều người thắc mắc vì cho rằng ai trong chúng ta cũng đều ưu tiên và tập trung cho gia đình, con cái. Tuy vậy đôi khi cha mẹ lại hành động không dựa trên lợi ích của con và đôi khi đi ngược lại với những gì mình cam kết. 


Một người tập trung cho gia đình và nuôi dạy con cái chủ động sẽ không chú tâm vào thiết bị điện tử trong thời gian gia đình bên nhau. Họ cũng không phó thác việc đánh răng cho con chỉ vì mải xem kênh youtube yêu thích. Họ sẵn sàng bỏ cuộc nhậu vì đã lâu không về sớm tắm cho con. Theo Tiến sĩ Justin Coulson thì để nuôi dạy con chủ động, cha mẹ cần thống nhất và đề ra những mục tiêu cụ thể cũng như giá trị mà gia đình hướng đến. Mà việc đầu tiên là thiết lập các quy tắc gia đình mà ở đó cha mẹ cần thực hiện đầu tiên.


Cha mẹ dành thời gian riêng bên nhau


Việc nuôi dạy con rất cần sự thống nhất của cả cha và mẹ. Do đó nếu mối quan hệ vợ chồng tốt, cố gắng dành thời gian cho nhau sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp con hình thành những suy nghĩ tích cực về giá trị của tình cảm gia đình. Ngoài ra khi vợ chồng có không gian riêng tư bên nhau sẽ là lúc thuận tiện để cùng bàn bạc, cân nhắc, quyết định về học tập, các câu chuyện liên quan đến từng bạn nhỏ hay cách nuôi dạy con cái.


Thường xuyên tổ chức các cuộc đi chơi cho cả gia đình


Những buổi đi du lịch, cắm trại, đi chơi công viên,... cùng nhau luôn là cách để gắn kết tình cảm. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để cha mẹ cùng con quan sát, tìm hiểu cuộc sống xung quanh mình. Gợi ý là khi gia đình đang trong chuyến đi chơi cha mẹ cũng có thể dạy con về cách đi máy bay, cách tìm đường khi bị lạc, kỹ năng nhận biết những chỗ không an toàn như chỗ vắng người, đường cụt, ngõ hẻm, biển động không thể tắm…. Dạy con chủ động chính là bố mẹ đang giúp con có được “sức đề kháng” và kỹ năng xã hội tốt để tự do khám phá, học hỏi và thành công trong cuộc sống.



Chú trọng bữa tối trong gia đình


Hiện nay một số gia đình hiếm có thời gian sum họp vào buổi tối hàng ngày vì nhiều lý do. Có thể là con phải học thêm về muộn, cha mẹ bận công việc, cha mẹ còn phải tập thể thao hoặc học thêm để phát triển bản thân, … Điều này dẫn đến có thể mỗi người ăn tối vào một thời điểm khác nhau, thậm chí không ăn ở nhà thường xuyên. Thay đổi ngay điều này không dễ nhưng chúng ta nên đặt mục tiêu là ít nhất dành 1-2 bữa tối cả nhà chờ nhau cùng ăn bữa tối. Dần dần khi trở thành thói quen sẽ dễ thực hiện và linh hoạt hơn.


Tắt các thiết bị điện tử


Đây là một việc rất khó vì người lớn đã hình thành thói quen hoặc bị thu hút bởi các nội dung, video, chương trình … trên thiết bị điện tử. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể thay đổi thói quen dần dần hoặc tìm sự chú ý khác thú vị hơn là màn hình xanh vốn gây hại cho mắt, sức khỏe và cả các mối quan hệ xung quanh.


Gợi ý là chúng ta có thể nghĩ ra cách để cả nhà cùng tham gia một hoạt động chung buổi tối như: đánh cờ vua, chơi cá ngựa, xếp lego, cắt dán tranh, … Ngoài ra bố mẹ cần làm gương trong việc tôn trọng thời gian bên gia đình và đây là cách tốt nhất để con cái hiểu ý nghĩa của những giây phút đoàn tụ.


Dành thời gian cuối tuần bên nhau


Cuối tuần là khoảng thời gian cả gia đình sạc năng lượng và dành thời gian chất lượng bên nhau. Vì thế thay vì ở nhà xem tivi hoặc mỗi người một hoạt động khác nhau, chúng ta hãy tổ chức buổi đi chơi chung vào mỗi cuối tuần. Ví dụ chỉ cần cùng nhau đạp xe gần nhà, đi công viên, đi trung tâm thương mại, nấu nướng cùng nhau… cũng là những cách để có khoảng thời gian gắn kết tình cảm. Gợi ý là trong khoảng thời gian này bố mẹ có thể dạy con kỹ năng làm việc nhóm, tôn trọng các quy tắc nơi công cộng… 





Trò chuyện cùng con


Nếu không làm việc này sớm và đều đặn sẽ rất khó để cha mẹ “có tiếng nói chung” với con khi chúng ngày càng lớn và có suy nghĩ khác hơn. Một gợi ý là chúng ta không nên chỉ có những câu hỏi về chủ đề nhàm chán như học hành, giáo viên, mà hãy mở rộng chủ đề mà con thích như môn thể thao con chơi ở trường, môn ngoại khóa mà con rất thích, bộ điều hòa mới lắp trong phòng học có đủ mát cho các bạn không… Từ những chủ đề thông thường và cách gợi chuyện khéo léo sẽ giúp phụ huynh có những câu chuyện thú vị để nói với con hoặc có thể hỏi về tình yêu gà bông, việc học ở trường… Ngoài ra khi nói chuyện cởi mở, những người làm cha mẹ chủ động có thể hiểu hơn về tính cách, suy nghĩ, điểm mạnh cũng như điểm yếu của trẻ để có cách động viên hoặc gợi ý phù hợp.


Nuôi dạy con chủ động tuy không khó để thực hiện nhưng không phải ai cũng tin vào tác dụng chậm nhưng bền vững của nó. Và chúng ta cũng cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể chủ động và kiên nhẫn trên hành trình làm cha mẹ. Thay vì mải miết tìm cách sửa sai hoặc chữa ngọn, hãy thử nhìn lại và tìm cách củng cố sợi dây liên kết giữa vợ chồng, con cái để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của trẻ.

About the author

Trước khi trở thành một người viết nội dung chuyên nghiệp về chủ đề gia đình, xây dựng mối quan hệ và giáo dục Phương từng là nhân viên văn phòng với công việc kế toán trong 8 năm.


Đến với Her.vn, Hà Phương mong muốn chia sẻ nhiều hơn với các độc giả để cùng tiến về phía trước. Phương cũng thích tìm hiểu các kiến thức về tâm lý, chữa lành, xây dựng sự nghiệp... để phục vụ công việc viết.

author

Hà Phương

Đăng ký để nhận tin tức mới nhất từ Her

Vận hành bởi Công ty TNHH DCA Hà Nội

Điện thoại liên lạc: (+84) 24 22153882

Liên hệ toà soạn hoặc quảng cáo: hello@her.vn

Địa chỉ: Ngọc Khánh Plaza, 1 Phạm Huy Thông, quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

imgimg
close-icon

Quà Tặng Đặc Biệt Tháng Này!

Liệu pháp giác hơi da mặt mang đến sức khoẻ và độ đàn hồi cho làn da, trả lại vẻ tươi trẻ bạn mong muốn!