Là một bà mẹ có hai con gái trong khi chồng là cháu đích tôn, áp lực sinh con trai nối dõi cũng đè nặng lên vai tôi một thời. Gần đây, khi đứa em họ tôi khóc lóc báo tin mang thai em bé thứ ba lại là con gái, bây giờ không biết phải ăn nói thế nào với gia đình bên chồng. Tôi chợt cảm thấy một nỗi đau. Nỗi đau của những người phụ nữ luôn mang trong mình áp lực vô hình về chuyện sinh con trai nối dõi.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc biết trước giới tính đã khiến hơn 40 nghìn bé gái không được chào đón trên thế giới mỗi năm Nhiều người trong số chúng ta đưa đến quyết định lựa chọn giới tính thai nhi. Nhiều khi họ không chỉ bị ép buộc từ nhà chồng mà còn sợ sinh con gái thì sau này con cũng sẽ phải chịu đựng những nỗi khổ đau như mình từng trải qua.
Những bà mẹ có con gái mang trong mình những nỗi niềm như thế nào?
Làm sao để gạt đi những suy nghĩ trọng nam khinh nữ lỗi thời?
Làm sao kiến tạo một cuộc sống tốt hơn cho chính mình và những đứa con “lỡ sinh là con gái” của mình?
Hãy cũng Her.vn trò chuyện với một số bà mẹ có con gái để hiểu thêm về những suy nghĩ của họ nhé!
“Em sợ câu “nói đùa” của bố chồng: Đẻ đến khi nào được thằng cu thì thôi” - Nguyễn Quỳnh, sinh viên, 22 tuổi
Em biết mình mang thai khi còn đang đi học và vẫn phải dựa vào gia đình. Lúc báo tin cho bên nhà chồng, em đã bị tổn thương rất nhiều. Mọi người khuyên em bỏ em bé với lý do còn trẻ quá. Em thấy rằng đứa bé không có tội tình gì cả, nên cũng bày tỏ quan điểm của mình và cuối cùng cũng giữ lại được em bé. Sau đó, khi siêu âm được biết là một bé gái, dù cũng được chồng động viên, nhưng em đã rất lo lắng và sợ hãi không biết phải nói thế nào với bố và bà của chồng khi hai người chỉ mong có được một thằng con trai để nối dõi.
Trước lúc về nhà chồng, em cũng đã được nghe những tâm sự của mẹ chồng về việc bố và bà có tư tưởng trọng nam khinh nữ cực kỳ sâu sắc. Khi mẹ em đẻ em gái thứ hai (dù đã có con trai đầu là chồng em), bố chỉ đưa mẹ đến cổng viện và để mặc mẹ tự đi vào. Bà và bố cũng không hề ra thăm mẹ lấy một lần nào trong thời gian mẹ nằm viện. May mà mẹ luôn có mẹ đẻ bên cạnh chăm lo giúp đỡ.
Em rất áp lực vì phải sinh bằng được một đứa con trai. Hôm trước, bố có nói với chị nhà bác cũng có hai đứa con gái là “Mày phải đẻ đến khi nào được thằng cu thì thôi” làm em chột dạ. Đứa thứ hai chắc chắn em sẽ phải tính toán như thế nào đấy để sinh cho được con trai. Còn với con gái bé bỏng của mình, em chỉ có một mong muốn là làm thế nào để con sẽ không phải đi trên con đường quá khổ và áp lực như mình đã phải chịu. Em sẽ cố gắng và nỗ lực nhiều hơn cho tương lai của con gái của mình.
“Mình mong sẽ sinh thêm được một bé trai” - Hương, nhân viên văn phòng, 26 tuổi
Mình có một em bé gái đến nay đã sắp được hai tuổi. Dù là con trai trưởng trong nhà nhưng chồng mình lại chỉ muốn sinh một bé. Chồng minh nghĩ một đứa con là đủ, không cần sinh thêm nữa để dành toàn bộ tình yêu thương và thời gian cho con. Tuy nhiên, mình vẫn muốn sinh thêm một bé trai, phần vì chồng là con trai duy nhất trong nhà, thêm nữa, em trai có thể bảo vệ cho chị gái. Cũng không hẳn là mình có áp lực sinh con trai. Nếu thực sự sau này vẫn là một bé gái chào đời thì mình sẽ vui vẻ đón nhận, yêu thương con và vun đắp cho gia đình nhỏ của mình.
Dù không ít lần đối mặt những lời nhận xét và giục giã từ bên ngoài về việc phải sinh con nối dõi cho chồng, mình cũng không bị tổn thương. Mình nghĩ họ không thể sống thay cuộc đời mình, cũng chẳng thể chăm lo cho hạnh phúc của mình. Do vậy, mình luôn tự nhắc nhở bản thân bỏ qua những lời nói không hay của họ và tập trung chăm sóc cho con gái nhỏ của mình.
(Hương và con gái)
“Mình muốn sinh con trai vì không muốn con sẽ phải đối mặt với những thiệt thòi khi là con gái” - Hồng Liên, giáo viên, 27 tuổi
Mình cảm thấy sinh ra là con gái đã là một thiệt thòi. Dù mới lấy chồng và chưa có con nhưng mình mong sẽ sinh được một bé trai. Chỉ một là đủ. Nếu là con gái, sẽ phải đối mặt với quá nhiều những nỗi khổ, nhất là khi phải sống trong một xã hội mà tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn phổ biến như hiện tại. Con gái lấy chồng phải về phụng dưỡng gia đình nhà chồng. Đến Tết cũng phải chờ đến tận ngày mùng 3, khi nhiều nhà đã hóa vàng tiễn các cụ rồi mình mới được bố mẹ chồng cho phép về thăm bố mẹ đẻ.
Đã vậy, con gái lại đối mặt với việc sinh đẻ đáng sợ. Mình thấy giờ càng ngày càng nhiều những ca khó sinh, có những người vì sinh con mà mất đi tính mạng. Vậy mà mọi người vẫn cứ bảo đẻ đi cho có nếp có tẻ, hay phải đẻ bằng được con trai chứ. Chẳng ai quan tâm đến phụ nữ khi mang thai và sau sinh nở khó khăn vất vả như thế nào. Cũng chẳng ai quan tâm đến tâm trạng của người phụ nữ. Họ cười thầm những người bị trầm cảm sau sinh là dở hơi. Nhiều người còn bảo ngày xưa các cụ đẻ bảy tám người con sao chẳng thấy ai bị trầm cảm. Con gái cũng đối mặt với đủ loại bất công trong cuộc sống và công việc, lại là đối tượng yếu thế dễ bị bạo hành và lạm dụng tình dục. Nói chung, nếu có thể lựa chọn được, mình sẽ đẻ con trai để cho con được sướng.
"Bây giờ mình đã có dũng khí để đối đáp lại hết với những ai nói vào nói ra vì mình sinh hai cô công chúa” - Hà My, kinh doanh online, 32 tuổi
Mình là mẹ của hai nàng công chúa nhưng mình không hề có áp lực phải đẻ con trai. Hai vợ chồng mình cũng đã quyết định sẽ dừng lại ở hai bé gái, vì mình sinh mổ hai lần rồi, lại cũng hay ốm vặt nữa. Bố mẹ mình cũng có hai con gái nhưng rất hạnh phúc và luôn tự hào vì có hai cô con gái hiếu thảo, ngoan ngoãn, luôn quan tâm đến nhau và yêu thương bố mẹ đấy thôi. Mình thấy có hai chị em gái cũng rất vui. Hai chị em mình, và hai em bé nhà mình cũng vậy, gần bằng tuổi nhau, nên rất thân nhau, có chuyện gì cũng chia sẻ với nhau.
Tuy nhiên, vì chồng mình là con trai trưởng nên thi thoảng bố mẹ cũng nhắc khéo về việc cố thêm "thằng cu chống gậy". Nhưng ông bà cũng có chừng mực và chồng mình cũng đã giải thích rõ ràng cho các cụ hiểu về quyết định không sinh thêm của hai vợ chồng, nên từ đó các cụ cũng không nhắc đến nữa. Mình chỉ không thích một số họ hàng với mấy người hàng xóm hay vô duyên. Họ sang chơi lúc nào cũng kiếm cớ, nói "kháy" về việc nhà mình toàn Thị Mẹt, làm mình rất bực, nhất là lúc họ nói trước mặt các con. Nhịn nhiều lần không chịu được, giờ mình thay đổi. Mình cãi lại luôn và nói rõ quan điểm của mình đồng thời giữ các con tránh xa những con người độc hại này.
Mình không lo lắng nhiều về những lời họ nói vì chả ai có thể làm tổn thương được mình. Nhưng mình rất lo cho hai con vì cảm thấy con gái luôn thiệt thòi. Mình muốn dạy con biết cách tự bảo vệ và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp phải tình huống xấu. Con lớn hơn một chút sẽ khuyến khích con học võ để phòng vệ, như vậy khi đi đâu cũng cảm thấy an toàn hơn.
(Hai mẹ con Hà My)
“Tôi nghĩ mình đủ mạnh mẽ để không quan tâm đến những suy nghĩ vô lý của người khác” - Vân Trương, nhân viên văn phòng, 31 tuổi
Mặc dù tôi có hai bé gái sinh đôi, nhưng không hề có áp lực gì về vấn đề trai gái. Ngay cả trong suy nghĩ của hai vợ chồng cũng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện phân biệt giữa con trai và con gái. Tôi nghĩ quan trọng nhất là mình phải thay đổi suy nghĩ của chính bản thân mình, đừng tự trói buộc bản thân là phải có con trai. Chỉ có suy nghĩ đủ mạnh thì mới có thể bảo vệ quan điểm của mình và dần thuyết phục những người xung quanh nghĩ khác đi.
Tôi cho rằng suy nghĩ mạnh mẽ ở đây là không nên quan tâm tới suy nghĩ vô lý của người khác, đừng để cho những suy nghĩ của người khác định hình cho những hành động và suy nghĩ của chính mình. Tôi tin rằng con mình sinh ra thì mình là người chịu trách nhiệm nuôi nấng và chăm sóc. Mình cũng không cần có nghĩa vụ phải sinh con nối dõi cho bất kỳ ai. Dù là trai hay gái thì việc báo hiệu đều là như nhau. Không phải con gái là con người ta, hay con trai mới có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ khi về già và thờ phụng sau này. Con gái đều có thể làm tốt những điều đó.
Với những ai nghĩ rằng con gái là thiệt thòi và có thể gặp những nỗi đau mà hầu hết phụ nữ phải trải qua, tôi nghĩ rằng các bạn vẫn có thể làm rất nhiều điều để cải thiện vấn đề này. Đầu tư vào giáo dục để con phát triển toàn diện khả năng của mình là một cách. Bởi vì, tôi tin là một khi con có kiến thức và tư duy đúng đắn thì sẽ dễ dàng có được một cuộc sống chủ động và hạnh phúc. Hãy lựa chọn luôn ở bên cạnh con và dành cho con những lời khuyên hữu ích nếu có thể.
(Vân Trương và 2 bé gái sinh đôi)
Khi nghe những tâm sự từ những người phụ nữ ấy, tôi bất giác nhớ lại khoảng thời gian mình bị căng thẳng về câu chuyện sinh con trai cho nhà chồng trước đây. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là bố mẹ chồng và cả chồng tôi chưa bao giờ yêu cầu tôi phải sinh con trai nối dõi. Thúc ép lại đến từ phía mẹ tôi và bên ngoại mẹ tôi. Mọi người đều cho rằng cần phải sinh bằng được con trai cho nhà chồng. Tôi còn nhớ như in khi có bầu em bé thứ hai, dì tôi đã gọi riêng tôi ra mà bảo: “Sao lại không tính toán thế? Dì đã bảo là bây giờ bỏ tiền đi chọn là chắc chắn trăm phần trăm con trai mà. Học hành thì giỏi giang mà sao lại kém nhanh nhạy thế.” Không một ai quan tâm xem em bé trong bụng tôi phát triển như thế nào, đã nặng được bao nhiêu gram, có gặp vấn đề gì bất thường không. Tất cả chỉ là chỉ trích, với một lý do rất đỗi xưa là có lo thì mới nói, và tôi cần phải biết ơn vì họ đã lo lắng cho tôi.
Dù đã có lúc tôi đã mắc kẹt trong những suy nghĩ có nên lựa chọn giới tính cho em bé thứ hai như họ nói, nhưng trong thâm tâm tôi, câu trả lời luôn là không bao giờ được phép làm như vậy. Cũng giống như Vân, tôi hiểu rằng sự thay đổi phải đến từ chính trong suy nghĩ của bản thân mình. Phụ nữ không phải chỉ để sinh đẻ. Bạn hãy sinh con lúc nào bạn muốn. Và hãy đón nhận món quà trời ban này không phán xét, dù có là trai hay là gái. Đừng tước đoạt quyền được sinh ra của con chỉ vì áp lực sinh con nối dõi hay quan niệm rồi con sẽ khổ như mình. Bạn nên hạn chế tiếp xúc với những người khiến bạn thấy khó chịu. Hãy tránh những lời nói phân biệt giới tính để không làm bạn và những đứa con tổn thương. Bạn cần phải mạnh mẽ hơn để có thể hạnh phúc hơn.
About the author
Đỗ Quỳnh